Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 20 tháng 09 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 19/9: Cẩn trọng khi nhiễm cúm trong thai kỳ
D.Ngân - 19/09/2024 09:23
 
Các thai phụ thường lo lắng khi nhiễm cúm nhưng lại có xu hướng từ chối sử dụng thuốc điều trị vì sợ ảnh hưởng thai nhi, dẫn tới sai lầm tự điều trị tại nhà khiến bệnh lý không được phát hiện sớm, dễ tiến triển nặng hơn.

Không chủ quan khi nhiễm cúm trong thai kỳ

Chị Hương, 35 tuổi, mang thai 29 tuần, có tình trạng ho, sốt khoảng 5 ngày, nhập viện trong tình trạng sốt cao, khó thở.

Ảnh minh họa

Theo chia sẻ, chị Hương xuất hiện dấu hiệu ho kèm sổ mũi từ khoảng 5 ngày, kiểm tra test Covid-19 tại nhà cho kết quả âm tính nên chị không đi khám. Sau đó, thai phụ sử dụng thuốc uống mua tại hiệu thuốc nhưng tình trạng bệnh tăng lên.

Bác sỹ cấp cứu nhanh chóng đánh giá tình trạng, hội chẩn bác sĩ chuyên khoa sản và truyền thuốc giúp thai phụ giảm co tử cung.

Sau khi tình trạng cơn co và nhịp tim thai ổn định, chị Hương được chuyển sang chuyên khoa hô hấp, kiểm tra cho kết quả dương tính với cúm A. Hình ảnh X-quang cho thấy nhu mô phổi hai bên có tổn thương viêm phổi trái.

Theo các bác sỹ tại đây, các thai phụ thường lo lắng khi nhiễm cúm nhưng lại có xu hướng từ chối sử dụng thuốc điều trị vì sợ ảnh hưởng thai nhi, dẫn tới sai lầm tự điều trị tại nhà khiến bệnh lý không được phát hiện sớm, dễ tiến triển nặng hơn.

Nhiều mẹ bầu đã qua tam cá nguyệt đầu tiên thường chủ quan cho rằng thai nhi đã ổn định, bệnh cúm không ảnh hưởng nhiều nên thậm chí không khám và không phát hiện ra bị nhiễm cúm.

Như trường hợp của chị Vi (27 tuổi) đã mang thai được 18 tuần đã có triệu chứng sốt và ngạt mũi, cơ thể mệt mỏi từ khoảng gần 1 tuần.

Chị nghi ngờ bản thân cúm nhưng chỉ dùng ô mai gừng ngậm ho tại nhà kết hợp súc miệng nước muối để vệ sinh đường hô hấp. Sau đó chị có biểu hiện sốt cao 39 độ C, gai lạnh, có lúc khạc đờm vàng đặc, cảm giác tức ngực sau ho. Đặc biệt, khi thấy thai không máy như 2 lần mang thai trước, chị mới lo lắng đi khám.

Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, sau khi khám lâm sàng, chị Vi thực hiện test nhanh cúm A dương tính, xét nghiệm bilan nhiễm trùng như bạch cầu, chỉ số CRP tăng, được chẩn đoán cúm A - viêm phế quản bội nhiễm.

Đồng thời, có hiện tượng suy tim thai phải nhập viện theo dõi dài ngày. Qua chia sẻ, chị Vi có tiền sử bệnh thông liên thất, chưa được tiêm vắc-xin phòng cúm mùa trước khi mang thai.

Bác sĩ Hương cho biết, phụ nữ mang thai có hệ miễn dịch yếu, dễ mắc nhiều bệnh lý hô hấp nói chung, đặc biệt là cúm mùa. Bệnh lý này thường lành tính, tuy nhiên khi thai phụ nhiễm cúm, thời gian mắc bệnh thường kéo dài kèm nhiều rủi ro về sức khỏe cho mẹ và bé như viêm phổi, tổn thương tim hoặc các cơ quan khác.

Vì phụ nữ mang thai có nhu cầu oxy lớn hơn bình thường trong khi hệ miễn dịch yếu đi, do đó viêm phổi ở phụ nữ mang thai nguy hiểm hơn.

Bên cạnh đó, thai nhi cũng có nguy cơ cao bị dị tật, thai lưu, sinh non… khi mẹ nhiễm cúm.

Hầu hết trường hợp bệnh cúm có thể được theo dõi tại nhà, tuy nhiên khi có các triệu chứng sốt cao, đau mỏi người và bệnh có xu hướng nặng lên hoặc ho kèm theo có đờm thì nên đến khám và điều trị theo phác đồ của bác sĩ chuyên khoa tại bệnh viện.

Đặc biệt với phụ nữ mang thai, ngoài nguy cơ trở nặng của bệnh, việc sử dụng các thuốc điều trị cần thận trọng, tránh ảnh hưởng đến cả mẹ và thai nhi. Thai phụ tuyệt đối không nên tự ý sử dụng thuốc không theo chỉ định của bác sỹ vì các thuốc này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển và gây 1 số dị tật ở thai nhi.

Bác sỹ Hương khuyến cáo thêm, người bệnh sau khi điều trị ổn bệnh cúm, cần tiếp tục theo dõi thai và sàng lọc thai kỳ tại chuyên khoa Sản.

Tiêm vắc-xin phòng cúm cho phụ nữ mang thai là rất cần thiết, làm giảm nguy cơ mắc bệnh và giảm nguy cơ bệnh nặng. Trước khi tiêm cúm, mẹ bầu nên khám và tư vấn với các bác sỹ sản khoa.

Hiện nay, các bệnh lý viêm đường hô hấp như cúm, cảm lạnh… có xu hướng gia tăng do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, tác động của lối sống không lành mạnh.

Miền Bắc mới đây vừa trải qua cơn bão số 3, các yếu tố nhiễm môi trường, thiếu nguồn nước sạch, thiếu vệ sinh an toàn thực phẩm làm tăng nguy cơ mắc bệnh hô hấp, dễ bùng phát thành dịch tại các khu vực chịu ảnh hưởng của bão.

Từ các bệnh viêm hô hấp cấp tính có thể diễn tiến thành viêm phế quản, viêm phổi do người dân hạn chế trong việc tiếp xúc với các các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Một số bệnh lý mạn tính ở phổi như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và hen phế quản chiếm gần 10% dân số, có xu hướng tiến triển nặng dần, liên tục theo thời gian, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức lao động, các sinh hoạt xã hội của người bệnh.

Nguy kịch do tự đắp thuốc lá tại nhà điều trị bệnh

Bệnh nhân G.X.S, nam 59 tuổi, dân tộc Mông, sinh sống tại Hà Giang, đã trải qua những biến chứng nghiêm trọng của hội chứng Fournier (hoại tử vùng sinh dục và hậu môn).

Đây là một trường hợp điển hình về sự nguy hiểm của việc điều trị không đúng cách và tình trạng bệnh lý diễn tiến nhanh chóng.

Qua khai thác bệnh sử, bệnh nhân cho biết trước khi nhập viện 13 ngày, ông đã có triệu chứng sưng nóng, đỏ đau ở vùng bìu. Tin tưởng vào các phương pháp điều trị truyền thống, bệnh nhân đã tìm đến thầy lang trong khu vực để thăm khám và đắp thuốc lá tại nhà.

Tuy nhiên, sau khi áp dụng phương pháp này, tình trạng bệnh không những không thuyên giảm mà còn trở nên trầm trọng hơn, bệnh nhân hoại tử toàn bộ vùng da bìu tầng sinh môn lan lên thành bụng

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng: sốt, vùng bìu tầng sinh môn và thành bụng hoại tử bốc mùi thối, nhiều mủ và giả mạc và rất đau đớn. Sau 2 ngày điều trị tại cơ sở y tế ban đầu nhưng không có cải thiện, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Bệnh nhân lập tức được chỉ định nhập viên tại khoa Hồi sức tích cực. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc hội chứng Fournier, theo dõi nhiễm khuẩn huyết với biểu hiện rõ rệt: vùng bìu tầng sinh môn hoại tử nhiều mủ và lan lên cả thành bụng. Hội chứng này là một tình trạng hoại tử mô mềm vùng sinh dục và hậu môn, một biến chứng rất nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong.

Ths. Hà Việt Huy, Khoa Hồi sức tích cực, cho biết: “Vùng sinh dục và hậu môn là khu vực có rất ít mạch máu nuôi dưỡng, vì vậy, điều trị nội khoa thường không mang lại hiệu quả. Trong trường hợp này, chỉ có phẫu thuật ngoại khoa mới có thể cứu sống bệnh nhân.”

Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến khoa Ngoại Tổng hợp - Tiết niệu & Nam học để thực hiện phẫu thuật. Theo Bác sĩ CKII. Trần Thượng Việt - Trưởng khoa, người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân nói, chúng tôi đã cắt lọc toàn bộ vùng bìu, tầng sinh môn bị hoại tử và phần thành bụng hoại tử. Tuy nhiên, tình trạng hoại tử vẫn có thể tiếp tục tiến triển và có khả năng bệnh nhân sẽ phải trải qua thêm một đến vài lần phẫu thuật nữa.

Sau phẫu thuật cắt lọc ổ hoại tử, bệnh nhân đã được chuyển lại khoa Hồi sức tích cực để tiếp tục điều trị. Theo bác sỹ Huy, hội chứng Fournier thường gặp ở những bệnh nhân có hệ miễn dịch suy giảm. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như mất máu, sốc nhiễm khuẩn nguy cơ tử vong rất cao.

Trong trường hợp này, việc bệnh nhân tự ý điều trị bằng các loại thuốc lá không rõ thành phần đã tạo điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn phát triển, khiến tình trạng bệnh diễn tiến nhanh và phức tạp hơn.

Cũng theo bác sỹ Huy, nếu ngay từ đầu bệnh nhân được điều trị đúng cách và kip thời, tình trạng hoại tử có thể đã không phát triển đến mức nghiêm trọng như vậy.

Hội chứng Fournier, dù là bệnh hiếm gặp, nhưng vẫn có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Bệnh nhân và cộng đồng cần tránh việc tự ý điều trị bằng các phương pháp truyền miệng, đặc biệt là sử dụng thuốc lá hoặc các bài thuốc dân gian không rõ nguồn gốc.

Khi có các triệu chứng bất thường như sưng, nóng, đỏ đau vùng sinh dục hoặc hậu môn, bệnh nhân cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời.” Bác sĩ Huy khuyến cáo.

Sốc phản vệ nguy kịch do thuốc

Vừa qua, Khoa Cấp Cứu, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 vừa tiếp nhận cấp cứu thành công cho một bệnh nhân nữ 27 tuổi, mang thai 40 tuần bị phản vệ mức độ nguy kịch do thuốc.

Qua khai thác tiền sử bệnh, ngày 10/9 bệnh nhân xuất hiện đau họng và đã tự uống thuốc amoxillin, alphachoay, codepil, ngân liên phế, sau uống khoảng 30 phút, bệnh nhân xuất hiện nổi mề đay toàn thân, khó thở, thở rít, đau ngực, choáng.

Bênh nhân vào Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 khám trong tình trạng: tỉnh táo, tiếp xúc được, ban đỏ kiểu dị ứng toàn thân, ngứa nhiều, phù nhẹ thanh môn, nói khàn, thở rít, thở nhanh 30 lần/phút, ran rít 2 phổi, SpO2 92%, tim đều, nhanh, 132 lần/phút, huyết áp 96/54mmHg.

Bệnh nhân được tiến hành cấp cứu khẩn cấp theo phác đồ phản vệ độ III, tiêm adrenalin, corticoid, kháng histamin, thở oxy, truyền dịch, siêu âm thai tại giường, hội chẩn chuyên khoa sản, đo tim thai, theo dõi cơn co tử cung.

Sau 10 phút cấp cứu tích cực bệnh nhân đỡ khó thở, ban đỏ giảm, huyết áp trong giới hạn, mạch ổn định dần, chuyển Khoa Hồi sức nội và chống độc, Bệnh viện Trung ương quân đội theo dõi tiếp. Đến 14h00 ngày 12/9 bệnh nhân xuất viện trong tình trạng tỉnh táo, tuần hoàn hô hấp ổn định, hết ban dị ứng, thai nhi ổn định.

Bác sỹ Lê Kiều Trang, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng tức thì nguy hiểm nhất có thể dẫn đến tử vong đột ngột trong vòng một vài phút, sau khi tiếp xúc với dị nguyên.

Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây sốc phản vệ (thuốc, thức ăn, hoá chất, nọc côn trùng…) thuốc là nguyên nhân rất thường gặp. Tất cả các loại thuốc đều có thể gây sốc phản vệ, hay gặp nhất là thuốc kháng sinh họ β lactam, chống viêm giảm đau, giãn cơ, chống co giật, cản quang, gây tê, gây mê…

Phản vệ xảy ra trên phụ nữ mang thai là một trường hợp đặc biệt, có nguy cơ tử vong cao, thiếu oxy cho cả mẹ và thai nhi, dẫn đến suy thai, thai lưu, việc dùng thuốc ở đối tượng này cần hết sức cẩn thận, cần có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Khi có các dấu hiệu nghi ngờ dị ứng như ban dát sẩn, ngứa, phù mặt, khó thở, choáng,... cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư