Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 18 tháng 09 năm 2024,
Cảnh giác bệnh lý tiêu hóa từ dấu hiệu thông thường
D.Ngân - 18/09/2024 10:27
 
Nhập viện với biểu hiện hoa mắt, chóng mặt, kèm theo tình trạng đi ngoài phân đen, bác sỹ kết luận bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa do loét hành tá tràng, nguy cơ bị thiếu máu, sốc và tử vong nếu không điều trị sớm.

Vừa qua, nam bệnh nhân V.N.T. (61 tuổi, Hải Dương) lên Hà Nội thăm khám tại Bệnh viện Đa khoa Medlatec trong tình trạng mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, đi ngoài phân đen.

Ảnh minh họa

Ông T. được bác sỹ thăm khám lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm, thăm dò chức năng cần thiết. Kết quả nội soi thực quản - dạ dày - tá tràng cho thấy có ổ loét kích thước 1,5cm bờ phù nề, đáy sâu phủ giả mạc trắng.

Kết quả xét nghiệm vi khuẩn HP dương tính - đây là nguyên nhân hàng đầu gây viêm loét dạ dày - tá tràng dẫn đến tình trạng xuất huyết tiêu hóa.

Bác sỹ chẩn đoán xác định bệnh nhân mắc xuất huyết tiêu hóa do loét hành tá tràng (Forrest III), nếu không được can thiệp kịp thời có thể dẫn đến tình trạng chảy máu ồ ạt, thiếu máu, sốc và tử vong.

Trước tình trạng nguy hiểm, bệnh nhân nhanh chóng được nhập viện điều trị nội trú. Sau 4 ngày điều trị nội khoa tích cực và theo dõi sát sao diễn biến bệnh, ông T. bình phục tốt và được xuất viện.

Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn cần tái khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sỹ để phòng tránh bệnh tái phát. Nhận định về ca bệnh, ThS.BSNT Lưu Tuấn Thành, chuyên khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết, xuất huyết tiêu hóa do vi khuẩn HP là bệnh lý dễ dàng tái phát, do vậy cần được điều trị đúng thuốc, triệt để, phòng tránh tình trạng kháng thuốc khiến người bệnh tái nhiễm vi khuẩn nhiều lần.

Đồng thời, bác sỹ đưa ra khuyến cáo, người dân không nên chủ quan khi đi ngoài phân đen, vì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo mắc các bệnh lý bất thường ở đường tiêu hóa cần cảnh giác và được thăm khám kịp thời.

Vi khuẩn HP - “Hung thủ” hàng đầu gây viêm loét dạ dày - tá tràng dẫn đến biến chứng xuất huyết tiêu hóa. Vi khuẩn Helicobacter pylori (hay còn gọi là vi khuẩn HP) là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng viêm loét dạ dày - tá tràng.

Ngoài ra, bệnh còn có thể mắc phải do tác dụng phụ từ việc sử dụng lâu dài các thuốc kháng viêm/ giảm đau làm ức chế quá trình tổng hợp Prostaglandin - chất có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày, gây viêm loét dạ dày - tá tràng.

Thống kê từ Bộ Y tế chỉ ra rằng, tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm vi khuẩn HP ở mức cao, khoảng 70-80% dân số. Vi khuẩn HP có thể dễ dàng lây nhiễm qua đường hô hấp do thói quen ăn uống, sinh hoạt.

Khi phát hiện nhiễm vi khuẩn HP, bệnh nhân cần được thăm khám, đánh giá các yếu tố nguy cơ và kiểm tra tổn thương ở dạ dày - tá tràng, từ đó đưa ra chiến lược điều trị, cũng như đánh giá sát sao sau điều trị, tránh bệnh tái phát nhiều lần.

Người dân lưu ý khi thấy cơ thể xuất hiện các dấu hiệu sau cần đi khám để xác định chính xác tình trạng viêm loét dạ dày - tá tràng đang xuất hiện trong cơ thể:

Đau bụng vùng thượng vị (vùng trên rốn); đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn; đầy hơi, ợ chua, nóng rát vùng thượng vị; đại tiện phân đen; thiếu máu chưa rõ nguyên nhân.

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, biến chứng nặng nề do viêm loét dạ dày - tá tràng được ThS.BSNT Lưu Tuấn Thành cảnh báo gồm thủng dạ dày - tá tràng, tình trạng này khiến bệnh nhân đau bụng dữ dội, đột ngột.

Xuất huyết tiêu hóa trên: Tổn thương gây ra viêm loét, chảy máu, đây là tình trạng cấp cứu cần được can thiệp kịp thời, nếu không sẽ gây mất máu trầm trọng và đe dọa đến tính mạng.

Hẹp môn vị - hành tá tràng: Đây là một dạng mô viêm xơ phát triển trên ổ loét ở môn vị - tá tràng, gây hẹp lòng ruột ở dưới dạ dày khiến thức ăn khó đi qua đường tiêu hóa.

Tìm hiểu 2 phương pháp giúp phát hiện chính xác vi khuẩn HP hiện nay. Các trường hợp xuất hiện dấu hiệu nghi ngờ mắc viêm loét dạ dày - tá tràng, khi đi thăm khám sẽ được bác sỹ chỉ định đầu tay 2 phương pháp sau:

Nội soi dạ dày: Bác sỹ đánh giá tình trạng viêm loét dạ dày, tá tràng qua phương pháp nội soi, đồng thời tiến hành thực hiện test urease, hoặc sinh thiết mẫu mô để tiến hành làm sinh thiết mô bệnh học, hoặc nuôi cấy vi khuẩn.

Xét nghiệm: Bao gồm các phương pháp xét nghiệm qua hơi thở, hoặc lấy mẫu phân để tìm vi khuẩn HP.

Để phòng chống ung thư tiêu hoá các chuyên gia khuyến cáo người dân cần thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm ăn nhiều rau xanh và trái cây, giảm hàm lượng chất béo, hạn chế đồ ăn chua, cay, nóng, các loại đồ ăn công nghiệp, rượu bia. Bỏ hút thuốc lá để giảm nguy cơ ung thư đường tiêu hóa và các bệnh liên quan.

Thường xuyên tập thể dục mỗi ngày để rèn luyện sức khỏe và tạo ra bề mặt cơ thể khỏe mạnh, giảm nguy cơ mắc các bệnh tật, bao gồm ung thư đường tiêu hóa.

Đi khám ngay khi có triệu chứng bất thường như chán ăn, đầy bụng, giảm cân đột ngột, đại tiện phân nhỏ dẹt, phân có màu máu, táo bón hoặc tiêu chảy...

Thực hiện tầm soát ung thư đường tiêu hóa định kỳ ở các cơ sở y tế uy tín hoặc khi cơ thể chưa có các dấu hiệu bất thường để phát hiện và điều trị ung thư đường tiêu hóa ngay từ giai đoạn đầu. Các loại tầm soát có thể bao gồm xét nghiệm tế bào, siêu âm, nội soi, chụp công nghệ cao...

Ngoài việc thực hiện các cách phòng ngừa để ngăn chặn sớm ung thư đường tiêu hóa thì chúng ta cũng nên tầm soát ung thư đường tiêu hóa định kỳ.

Tầm soát ung thư đường tiêu hóa định kỳ sẽ cho phép các chuyên gia y tế đánh giá sức khỏe của bạn và phát hiện các vấn đề sớm. Việc phát hiện sớm bệnh sẽ giúp cho việc điều trị sớm và tăng khả năng chữa khỏi bệnh.

Ứng dụng AI trong nội soi tiêu hóa, tầm soát ung thư
Ở Việt Nam, trung bình có 30.000 ca mắc mới ung thư mỗi năm, trong đó 25.000 người tử vong vì căn bệnh ung thư đường tiêu hóa.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư