Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 10 tháng 05 năm 2024,
Trẻ tử vong sau tiêm vắc-xin: Bộ Y tế yêu cầu rà soát quy trình tiêm chủng
D.Ngân - 11/09/2023 20:24
 
Bộ Y tế yêu cầu tổ chức điều tra, họp hội đồng chuyên môn để đánh giá vụ việc, khắc phục sự cố sau vụ việc một trẻ tử vong sau tiêm vắc-xin viêm gan B tại Vĩnh Phúc.

Đồng thời, Bộ này cũng yêu cầu địa phương rà soát lại quy trình tiêm chủng và xử trí phản ứng sau tiêm chủng để chấn chỉnh hoạt động tiêm chủng trên địa bàn. Tổ chức tập huấn lại cho các cán bộ tiêm chủng trong trường hợp cần thiết để đảm bảo an toàn tiêm chủng.

Bộ Y tế yêu cầu tổ chức điều tra, họp hội đồng chuyên môn để đánh giá vụ việc một trẻ tử vong sau tiêm vắc-xin viêm gan B tại Vĩnh Phúc.

Liên quan đến vụ việc 1 trẻ tử vong sau tiêm vắc-xin viêm gan B, chiều 11/9, lãnh đạo Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Vĩnh Phúc thông tin vụ việc.

Đây là một trong hai bé song sinh được tiêm vắc-xin viêm gan B tại bệnh viện vào ngày 10/9. Trước đó, ngày 8/9, sản phụ Đ.T.Y. (32 tuổi, ở tỉnh Vĩnh Phúc) nhập viện mang song thai 38 tuần.

Sản phụ được mổ lấy thai vào lúc 7 giờ 30 ngày 9/9, hai bé trai chào đời có cân nặng lần lượt là 2,9 kg và 3 kg. Sau sinh, sản phụ và em bé hoàn toàn khỏe mạnh.

Khoảng 10 giờ ngày 10/9, hai bé được tiêm vắc-xin viêm gan B, sau đó theo dõi đúng quy trình tại Khoa Sản của bệnh viện. Hai bé đều không xảy ra bất thường sau tiêm.

Đến 11 giờ 45, một cháu bé đột ngột tím tái, xuất hiện khó thở, suy hô hấp và nhanh chóng được các bác sĩ cấp cứu. Tuy nhiên, cháu bé đã tử vong.

Đến 15 giờ, bé trai sơ sinh thứ 2 cũng xuất hiện triệu chứng tương tự nên được chuyển về Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội). Hiện sức khỏe bé trai này đã qua cơn nguy kịch.

Chiều 11/9, PGS-TS. Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương thông tin, một trẻ có dấu hiệu bất thường sau tiêm vắc-xin viêm gan B ở Vĩnh Phúc đang được cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương, tạm thời đã qua cơn nguy kịch. Hiện các y, bác sĩ bệnh viện đang tiếp tục theo dõi, điều trị.

Đáng chú ý, kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhi sơ sinh này bị rối loạn chuyển hóa axit béo, một trong hai thể phổ biến của rối loạn chuyển hóa bẩm sinh. Đây là bệnh do đột biến gene hiếm gặp, chỉ có thể phát hiện bằng xét nghiệm chuyên sâu.

Được biết, vắc-xin tiêm cho hai bé trai sơ sinh là vắc-xin viêm gan B trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Theo các chuyên gia, viêm gan B là bệnh nhiễm trùng gan do virus viêm gan B gây ra. Với trẻ em, tiêm vắc-xin viêm gan B sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu sau sinh là biện pháp bảo vệ đến 90% nguy cơ mắc viêm gan B.

Quy trình tiêm chủng an toàn do Bộ Y tế quy định bao gồm 3 giai đoạn: Trước, trong và sau khi tiêm chủng.

Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh vai trò của nhân viên y tế để cung cấp cho người tiêm chủng và người giám hộ những thông tin đầy đủ về tác dụng, lợi ích và những rủi ro có thể xảy ra khi tiêm vắc-xin, kiểm tra vắc-xin trước khi tiêm để đảm bảo đầy đủ hạn sử dụng, liều lượng và đường tiêm.

Người đến tiêm chủng cần trải qua quy trình khám sàng lọc để đánh giá thể trạng, đo huyết áp, nghe tim phổi, nhịp thở, được bác sĩ tư vấn và chỉ định tiêm phù hợp.

Tại phòng tiêm, các điều dưỡng sẽ kiểm tra thông tin để đảm bảo chính xác người được tiêm chủng và giới thiệu chi tiết về vắc-xin, bao gồm các thông tin như tên vắc-xin, tác dụng phòng bệnh, nhà sản xuất, nơi sản xuất, ngày sản xuất, hạn sử dụng, liều dùng, đường dùng và tính toàn vẹn của vắc-xin thông qua tình trạng trực tiếp của vỏ hộp, lọ, xi-lanh chứa vắc-xin và dung môi.

Tại phòng tiêm người được tiêm được hướng dẫn đối chiếu, kiểm tra, kiểm soát rất cẩn thận về hạn sử dụng của vắc-xin. Hạn sử dụng được xác định bằng ngày tháng trên vỏ hộp do nhà sản xuất ghi.

Nếu chỉ có thông tin về tháng hết hạn trên vỏ hộp, hạn sử dụng sẽ được tính vào ngày cuối cùng của tháng đó. Nếu lọ vắc-xin xem xét trên mặt cảm quan có vẩn đục, lắng cặn, màu sắc và dung tích bất thường, tuyệt đối không được sử dụng. Người dùng có thể giữ vỏ hộp giấy của vắc-xin để lưu giữ và tham khảo hướng dẫn sử dụng.

Trong quá trình tiêm chủng, nhân viên y tế cần tuân thủ các bước theo quy trình tiêm chủng an toàn nghiêm ngặt, nhằm đảm bảo an toàn và tính hiệu quả cao của vắc-xin. Quá trình gồm có 8 bước:

Bước 1: Rửa, khử khuẩn, vô trùng tay trước khi tiếp xúc với vắc-xin. Điều này đảm bảo rằng bất kỳ vi khuẩn hoặc vi sinh vật có thể bám trên tay đều bị loại bỏ, giảm thiểu tối đa nguy cơ bị nhiễm.

Bước 2: Thực hiện thao tác kiểm tra, đối chiếu các thông tin về vắc-xin với khách hàng. Quy trình này được sự chứng kiến của ít nhất 3 bên gồm điều dưỡng chính, điều dưỡng phụ và khách hàng. Nếu khách hàng không có thắc mắc và đồng ý tiêm, điều dưỡng tiếp tục thực hiện các bước sau..

Bước 3: Điều dưỡng mở lọ chứa vắc-xin.

Bước 4: Kiểm tra và sử dụng nước hồi chỉnh cùng loại (nếu có).

Bước 5: Sau khi xác nhận nước hồi chỉnh là chính xác, nhân viên y tế hút dung môi vào ống tiêm và pha trộn với vắc-xin (nếu có). Đây là bước quan trọng trong quá trình này vì nó đảm bảo vắc-xin được pha trộn tốt và sẵn sàng để tiêm.

Bước 6: Trước khi tiêm vắc-xin, nhân viên y tế sát trùng vùng da để giảm nguy cơ nhiễm trùng.

Bước 7: Vắc-xin được tiêm cho khách hàng

Bước 8: Xác nhận với Khách hàng đã tiêm hết vắc-xin, tiến hành tiêu huỷ kim tiêm và dán urgo bảo vệ.

Để đảm bảo chất lượng, theo quy định của các hãng sản xuất, vắc-xin phải được bảo quản trong kho bảo quản vắc-xin đạt chuẩn dây chuyền lạnh Cold chain, với nhiệt độ phù hợp tương ứng với từng loại vắc-xin theo yêu cầu của nhà sản xuất.

Để đảm bảo an toàn sau khi tiêm, người được tiêm cần được giám sát tại cơ sở tiêm chủng ít nhất 30 phút để theo dõi và phát hiện các dấu hiệu bất thường như nôn trớ, thở khò khè, da mẩn đỏ hoặc thở nhanh, từ đó kịp thời xử trí, khắc phục tình trạng phản ứng.

Nếu không có phản ứng bất thường, nhân viên y tế sẽ kiểm tra thân nhiệt, vết tiêm và hỏi phản ứng trước khi ra về. Tại nhà, gia đình cần tiếp tục theo dõi sức khỏe của người tiêm trong vòng 24 - 48 giờ, bao gồm kiểm tra thân nhiệt, nhịp thở, tình trạng tỉnh táo, ăn uống và giấc ngủ.

Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào không bình thường, gia đình nên đưa người được tiêm đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.

Lượng người đi tiêm vắc-xin dại tăng cao
Theo số liệu thống kê, số người tiêm vắc-xin dại cao nhất là ở miền Tây Nam Bộ, tăng gần 600% so với 2 tuần trước.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư