Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
PCI 2023 có tân Á quân, nhóm cuối không có tên
Khánh Linh - 09/05/2024 09:39
 
Top 30 địa phương đứng đầu Bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 vừa được VCCI công bố sáng nay, 9/5. Một số tên tuổi quen thuộc không xuất hiện.
Top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất năm 2023. Nguồn: Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của VCCI.

Tân Á quân PCI 2023

Á quân PCI năm nay thuộc về Long An, với sự bứt phá mạnh mẽ từ vị trí thứ 10 trong Bảng xếp hạng PCI năm 2022.

Đây là một trong 2 xáo trộn trong Top 5. Bắc Giang thành cựu Á quân, chấp nhận ở vị trí thứ tư, với 69,75 điểm. Bà Rịa - Vũng Tàu không còn trong Top 5.

Quảng Ninh duy trì vị trí quán quân năm thứ bảy liên tiếp với 71,25 điểm. Cũng giữ nguyên thứ hạng, Hải Phòng với 70,34 điểm, đứng thứ ba. Đồng Tháp tiếp tục ở vị trí thứ 5 trong Bảng xếp hạng PCI 2023, với 69,66 điểm.

Bến Tre (69,20 điểm), Hậu Giang (69,17 điểm) Phú Thọ (69,10 điểm) là gương mặt mới trong Top10 của bảng xếp hạng PCI 2023 so với năm 2022, cùng với Bà Rịa - Vũng Tàu (69,57 điểm), Thừa Thiên Huế (69,19 điểm).

Trong đó, Hậu Giang được ghi nhận có bước chuyển từ Top 20 của PCI 2022 sang Top 10 của PCI 2023, đánh dấu chuỗi cải thiện thứ hạng liên tục từ năm 2017 tới nay. Phú Thọ được các doanh nghiệp đánh giá cao về chất lượng đào tạo lao động... 

"Chúc mừng Quảng Ninh, Long An, Hải Phòng... và các tỉnh đã có những nỗ lực không ngừng trong cải thiện môi trường kinh doanh", Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công gửi lời tới các địa phương trong bài phát biểu khai mạc Lễ công bố.

Bắc Ninh rớt khỏi Top 30

Cũng như năm ngoái, PCI năm 2023 không công bố thứ hạng của nửa cuối bảng xếp hạng. Mục tiêu được lý giải là nhằm khuyến khích các địa phương tập trung nỗ lực bước vào nhóm dẫn đầu PCI hàng năm.

Trong số những địa phương không được nêu tên, Bắc Ninh là trường hợp khá đặc biệt. Đây là lần đầu tiên Bắc Ninh vắng mặt trong Top 30 kể từ khi thực hiện Bảng xếp hạng PCI vào năm 2004 đến nay. Thậm chí, nhìn lại, thứ hạng thấp nhất của Bắc Ninh là 20, vào năm 2007.

Ở vị trí phía dưới Top 30, hai đầu tàu kinh tế của cả nước là TP.HCM và Hà Nội bám sát nhau ở vị trí 27 và 28. Nếu so với lần xếp hạng trước, TP.HCM thành công trong việc trụ hạng, còn Hà Nội mất tới 8 bậc.

Trong khi đó, Hải Dương, Bình Thuận, Ninh Bình, Tây Ninh, Đắk Nông, Cà Mau, Tiền Giang và Thanh Hóa là các gương mặt mới của Top 30 so với lần xếp hạng trước.

VCCI cho rằng, đây là dấu hiệu cho thấy các tỉnh ở nhóm sau có sự bám đuổi và bứt phá mạnh mẽ để bước vào Top 30 của bảng xếp hạng PCI.

Tính theo tỷ lệ các tỉnh trong từng vùng thuộc Top 30 của PCI 2023, vùng Đồng bằng Sông Hồng đứng đầu (63,6%), tiếp theo là các vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (61,5%), Đông Nam Bộ (50%), Duyên hải miền Trung (42,9%) và Tây Nguyên (20%).

Theo PCI, một địa phương được coi là có chất lượng điều hành tốt khi có:
1) Chi phí gia nhập thị trường thấp;
2) Tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định;
3) Môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai;
4) Chi phí không chính thức thấp;
5) Thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng;
6) Môi trường cạnh tranh bình đẳng;
7) Chính quyền tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp;
8) Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp triển khai đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp;
9) Chất lượng đào tạo lao động tốt;
10) Thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả và an ninh trật tự được duy trì
PCI đã trở thành thương hiệu của Quảng Ninh
Với chặng đường 6 năm liên tiếp dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Quảng Ninh đã thực sự tạo nên một...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư