Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 18 tháng 05 năm 2024,
Vẫn còn 6 đơn vị giải ngân vốn đầu tư công 0%, cấp bách đẩy nhanh tiến độ
Hà Nguyễn - 04/05/2024 12:15
 
Tính đến hết tháng 4/2024, ước tính giải ngân vốn đầu tư công đạt 17,46% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Kết quả này là tích cực, nhưng tới đây, vẫn cần tiếp tục thúc đẩy, vì hiện vẫn còn những đơn vị chưa giải ngân được đồng nào.

Gần 32.000 tỷ đồng chưa được phân bổ, vẫn còn 6 đơn vị có giải ngân 0%

Báo cáo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến hết tháng 4/2024, đã có hơn 631.829 tỷ đồng vốn kế hoạch được các bộ ngành, địa phương phân bổ chi tiết cho các chương trình, dự án, đạt 95,2% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Như vậy, cho đến nay, vẫn còn hơn 31.977 tỷ đồng chưa được phân bổ chi tiết, chiếm 4,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong số này, vốn ngân sách trung ương là trên 10.044,237 tỷ đồng, vốn cân đối ngân sách địa phương là trên 21.933 tỷ đồng.

Trong khi đó, về vốn giải ngân, theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước thanh toán tính đến cuối tháng 4/2024 là gần 115.907 tỷ đồng, đạt 17,46% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2023 (15,65%). Trong đó, vốn trong nước là trên 114.597 tỷ đồng (đạt 17,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), vốn nước ngoài là hơn 1.309 tỷ đồng (đạt 6,55% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). 

Giải ngân vốn đầu tư công ở nhiều bộ ngành, địa phương còn chậm

Như vậy, tỷ lệ giải ngân là khá tích cực, cao hơn cả mức giải ngân của năm ngoái. Trong số này, có 7 bộ ngành và 27 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao (trên 20% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Tuy nhiên, vẫn còn 37 bộ, cơ quan trung ương và 28 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm 2024 dưới mức trung bình của cả nước. Trong đó, đặc biệt có 6 bộ, cơ quan trung ương chưa thực hiện giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 đã được Thủ tướng Chính phủ giao (tỷ lệ giải ngân là 0%).

Đây là điều rất đáng chú ý trong bối cảnh Chính phủ liên tục hối thúc phải đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bởi đầu tư công được xác định là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế.

Hối thúc “tiêu tiền”

Có nhiều lý do đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nói chung, bao gồm cả các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách.

Chẳng hạn, thủ tục pháp lý liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác phải thực hiện qua nhiều bước dẫn đến thời gian để được cấp có thẩm quyền phê duyệt kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.

Hay là một số bất cập trong quy định về phòng cháy, chữa cháy; đánh giá tác động môi trường dẫn đến kéo dài thời gian cho công tác chuẩn bị đầu tư và tăng chi phí đầu tư xây dựng…

Tuy vậy, nguyên nhân cơ bản vẫn chủ yếu liên quan đến khâu tổ chức thực hiện. Ngoài các vấn đề về giải phóng mặt bằng, thiếu nguyên vật liệu san lấp mặt bằng, nhất là ở các dự án trọng điểm…, thì theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã có một số bộ ngành, địa phương phản ánh rằng, một số dự án phân bổ vốn sau ngày 31/12/2023 không được Bộ Tài chính phê duyệt trên TABMIS để làm cơ sở giải ngân vốn.

Cùng với đó, một số dự án triển khai trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; địa hình hiểm trở, địa chất rời rạc, phức tạp, không ổn định; khan hiếm nguồn cung vật liệu đá các loại do năng lực sản xuất các mỏ ở địa phương không đủ đáp ứng nhu cầu của dự án.

Để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị các bộ ngành, địa phương tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; có chế tài xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Cùng với đó, tăng cường công tác đôn đốc, kiểm tra, thanh tra về việc thực hiện, tiến độ triển khai các nhiệm vụ, dự án thuộc cơ quan, đơn vị mình quản lý, cũng như tập trung giải quyết công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư kịp thời, đúng quy định cho người dân, bảo đảm đúng pháp luật và hài hòa lợi ích của Nhà nước và người dân.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để thúc đẩy giải ngân, phải thực hiện các biện pháp kiểm soát giá và chất lượng nguyên vật liệu xây dựng phục vụ cho các dự án đầu tư công; tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là việc giao mỏ nguyên vật liệu không đúng đối tượng, không đúng thẩm quyền. Kiểm soát tình trạng biến động giá nguyên, nhiên vật liệu xây dựng và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, nâng giá trục lợi…

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư