Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 17 tháng 05 năm 2024,
Victory Capital dừng kế hoạch tăng vốn
Duy Bắc - 22/10/2023 08:11
 
Hậu thoái vốn nhà nước tại Victory Capital, công ty này liên tục lên kế hoạch huy động 1.000 tỷ đồng từ phát hành riêng lẻ, nhưng sau đó lại thông qua việc dừng triển khai.

Quay xe “dừng” kế hoạch huy động 1.000 tỷ đồng

Kể từ đầu năm 2023, khi cổ phiếu PTL của CTCP Victory Capital chỉ giao dịch trong vùng 4.400 - 4.800 đồng/cổ phiếu, thấp hơn nhiều so với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, nhiều nhà đầu tư đã thắc mắc tại sao Công ty lên kế hoạch phát hành 100 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn nhiều so với thị giá.

Với kế hoạch phát hành riêng lẻ được thông qua trong tháng 5/2023, kỳ vọng triển khai trong quý III - IV/2023, cổ phiếu PTL đã có nhịp bật tăng mạnh, bất chấp hoạt động kinh doanh lao dốc. Trong đó, từ ngày 31/8 đến 22/9, cổ phiếu PTL đã tăng 53,3%, từ 4.220 đồng, lên 6.470 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, sau đó, cổ phiếu lao dốc trở lại. Ngày 17/10, cổ phiếu PTL chỉ còn 4.440 đồng/cổ phiếu, gần như về lại đáy trước khi tăng.

Sau khi cổ phiếu quay về vùng đáy, giữa tháng 10/2023, Công ty Victory Capital bất ngờ thông báo hoãn việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ 100 triệu cổ phiếu với lý do thị trường chứng khoán chưa thuận lợi.

Được biết, theo kế hoạch ban đầu, với 1.000 tỷ đồng huy động, Công ty Victory Capital dự kiến góp thêm 700 tỷ đồng vào công ty con là CTCP Đầu tư bất động sản Tiến Phát Đạt để thực hiện đầu tư mở rộng quỹ đất, nâng vốn điều lệ từ 50 tỷ đồng lên 750 tỷ đồng, triển khai trong quý III hoặc quý IV/2023; góp thêm 250 tỷ đồng vào công ty con là CTCP Đầu tư bất động sản Phúc Khang Gia để thực hiện đầu tư mở rộng quỹ đất, vốn điều lệ dự kiến tăng từ 50 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng, thời gian góp vốn dự kiến trong quý III hoặc quý IV/2023; còn lại 50 tỷ đồng sẽ bổ sung vốn lưu động.

Công ty cho biết, có 5 nhà đầu tư dự kiến mua trong đợt phát hành riêng lẻ. Trong đó, CTCP Grand House dự kiến mua 30 triệu cổ phiếu để sở hữu 15% vốn điều lệ; CTCP KoKo Capital dự kiến mua 20 triệu cổ phiếu để sở hữu 10% vốn điều lệ; bà Trần Thị Hường dự kiến mua 23,4 triệu cổ phiếu để nâng số lượng cổ phiếu từ 1,27 triệu cổ phiếu lên 23,5 triệu cổ phiếu, tương ứng 12,38% vốn điều lệ; nhà đầu tư Lê Thế Tình dự kiến mua 22,5 triệu cổ phiếu để sở hữu 11,25% vốn điều lệ; nhà đầu tư Trần Ngọc Minh Trí đăng ký mua 4 triệu cổ phiếu để sở hữu 23,5% vốn điều lệ.

Thực tế, đây không phải lần đầu tiên, Victory Capital thông qua kế hoạch chào bán cổ phiếu riêng lẻ. Trước đó, tháng 8/2022, Công ty thông qua kế hoạch chào bán 100 triệu cổ phiếu riêng lẻ, triển khai trong quý III - IV năm 2022. Theo kế hoạch huy động vốn khi đó, Victory Capital dự kiến dùng 350 tỷ đồng góp vào CTCP Đầu tư bất động sản Tiến Phát Đạt; 350 tỷ đồng góp vốn vào CTCP Đầu tư bất động sản Phúc Khang Gia; 250 tỷ đồng góp vốn đầu tư dự án 1,2 ha tại phường Phú Nhuận, quận 7; 50 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động.

Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn sau thay đổi cổ đông, Victory Capital đã liên tục tạo “game” tăng vốn, nhưng không triển khai như kế hoạch.

Đổi chủ, đổi tên, nhưng chưa đổi vận

Sau năm 2019, khi cựu Chủ tịch Bùi Minh Chính bị bắt do có hành vi “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” tại CTCP Victory Capital (tên trước đây là CTCP Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí), Công ty đã có nhiều thay đổi về cơ cấu cổ đông.

Cụ thể, từ ngày 3/12/2021 đến ngày 7/12/2021, nhóm cổ đông nhà nước liên tục bán ra và giảm sở hữu. Trong đó, Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam đã bán ra toàn bộ 36% vốn điều lệ (hơn 36 triệu cổ phiếu) tại Victory Capital.

Với việc ghi nhận lỗ liên tục sau khi đổi chủ, tính tới ngày 30/6/2023, Công ty Victory Capital có tổng lỗ lũy kế 542,6 tỷ đồng, bằng 54,26% vốn điều lệ.

Trong khi đó, ngày 7/12/2021, bà Đỗ Thị Hiền mua vào 7,93 triệu cổ phiếu PTL để nâng sở hữu từ 16,03% lên 23,96% vốn điều lệ; ông Nguyễn Văn Vinh mua vào hơn 11 triệu cổ phiếu PTL để nâng sở hữu từ 9,03% lên 20,08% vốn điều lệ; ông Lê Văn Thăng mua vào hơn 8,5 triệu cổ phiếu để sở hữu 8,52% vốn điều lệ; bà Lê Thị Tư mua vào 8,5 triệu cổ phiếu để sở hữu 8,52% vốn điều lệ.

Tính tới ngày 30/6/2023, Victory Capital có 4 cổ đông lớn, gồm bà Đỗ Thị Hiền (sở hữu 23,96% vốn điều lệ), ông Nguyễn Văn Vinh (sở hữu 20,08% vốn điều lệ), bà Lê Thị Tư (sở hữu 8,52% vốn điều lệ), ông Lê Văn Thăng (sở hữu 8,52% vốn điều lệ) và còn lại 38,92% vốn điều lệ thuộc nhóm cổ đông sở hữu dưới 5% vốn điều lệ.

Sau khi chuyển sang nhóm cổ đông cá nhân, tới tháng 3/2022, Công ty chính thức đổi tên từ CTCP Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí sang CTCP Victory Capital.

Sau đổi chủ, hoạt động của Công ty cũng không khởi sắc. Năm 2022, Victory Capital ghi nhận lỗ kỷ lục 114,1 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 15,8 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế tại thời điểm 31/12/2022 lên 540,4 tỷ đồng, bằng hơn 54% vốn điều lệ Công ty. Công ty cho biết, nguyên nhân chủ yếu do Công ty ghi nhận lỗ đầu tư chứng khoán và trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Công ty Victory Capital ghi nhận doanh thu đạt 10,19 tỷ đồng, giảm 70,1% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ ghi nhận lỗ 2,2 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 4,42 tỷ đồng (kế hoạch năm 2023 lãi trước thuế 54,62 tỷ đồng, nhưng sau 6 tháng đầu năm ghi nhận lãi trước thuế âm 2,34 tỷ đồng).

Với việc lỗ liên tục sau khi đổi chủ, tính tới ngày 30/6/2023, Victory Capital có tổng lỗ lũy kế 542,6 tỷ đồng, bằng 54,26% vốn điều lệ.

Như vậy, với tình hình tài chính hiện tại, Victory Capital rất khó tiếp cận vốn vay từ tổ chức tín dụng, khi lỗ lũy kế, tài sản nằm ở bên thứ ba là chủ yếu. Trong khi đó, kế hoạch gọi vốn mới liên tục bị dừng và không triển khai được.

HoSE yêu cầu Victory Capital giải trình cổ phiếu tăng trần 5 phiên liên tiếp
Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) yêu cầu CTCP Victory Capital (mã PTL – sàn HoSE) công bố thông tin liên quan tới việc cổ phiếu tăng trần 5 phiên...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư