Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 18 tháng 05 năm 2024,
Bắt mạch sự sang tay nội bộ ở Dược phẩm Bến Tre
Chí Tín - 20/10/2019 09:06
 
Thời gian qua, người nhà Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dược phẩm Bến Tre (mã DBT, sàn HoSE) thường xuyên có động thái bán ra, trong khi nhiều thành viên khác rục rịch mua vào chính số cổ phần trên.
Thực tế cho thấy, số lượng cổ phiếu được chuyển nhượng còn quá nhỏ để cho rằng có thể đang có sự chuyển giao ngầm về quyền lực trong các nhóm cổ đông.
Thực tế cho thấy, số lượng cổ phiếu được chuyển nhượng còn quá nhỏ để cho rằng có thể đang có sự chuyển giao ngầm về quyền lực trong các nhóm cổ đông.

Đầu tháng 10/2019, bà Đậu Thị Thúy Mai, vợ ông Vũ Quang Đông, Phó chủ tịch HĐQT Dược phẩm Bến Tre đã hoàn tất bán 220.000 cổ phần. Theo đó, tỷ lệ cổ phần của bà Mai nắm giữ tại Công ty đã giảm từ 16,5% xuống còn 14,9%. Trong khi đó, một thành viên HĐQT là ông Nguyễn Hoàng Sơn đã hoàn thành mua vào đúng số lượng cổ phần trên và tỷ lệ cổ phần của ông Sơn nắm giữ đã tăng từ 2,89% lên 4,5%, suýt soát trở thành cổ đông lớn của Công ty.

Trước đó, giữa năm 2019, bà Đậu Thị Thúy Mai cũng thực hiện việc bán ra 250.000 cổ phiếu DBT và tỷ lệ cổ phần của bà Mai sau đợt giao dịch đó đã giảm từ 20,18% xuống 18,15%. Thời điểm đó, người mua vào là ông Phạm Thứ Triệu, thành viên HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Dược phẩm Bến Tre. Tỷ lệ cổ phần do ông Triệu nắm giữ sau đó đã tăng từ 6,41% lên 8,44%.

Trong danh sách cổ đông của Dược phẩm Bến Tre, ông Vũ Quang Đông hoàn toàn “ẩn danh” vì không nắm giữ cổ phiếu nào, nhưng vợ ông là bà Đậu Thị Thúy Mai chính là cổ đông lớn nhất của Công ty. Trong khi đó, cổ đông lớn thứ hai là bà Lê Thị Trúc Linh, vợ ông Lê Văn Minh, Chủ tịch HĐQT.

Trong các bản công bố thông tin về việc giảm tỷ lệ sở hữu tại Công ty, lý do được bà Đậu Thị Thúy Mai đưa ra là giảm tỷ lệ sở hữu tại Công ty. Đây là một lý do trực tiếp, chứ không có tính chất “tung hỏa mù” như một số trường hợp người nội bộ khác khi bán cổ phiếu hay đưa ra là “phục vụ nhu cầu tài chính cá nhân”.

Theo đó, lý do này có thể đủ để các nhà đầu tư và cổ đông hiểu được việc bà Mai bán cổ phiếu hoàn toàn nằm trong sự chủ động muốn cơ cấu tài sản bản thân và gia đình, chứ không phải vì “bí tiền”, nên phải bán cổ phiếu một cách bất đắc dĩ. Trong khi đó, mục tiêu của các cổ đông nội bộ khác khi mua thêm cổ phiếu cũng là để nâng tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp.

Thực tế cho thấy, số lượng cổ phiếu mà các cổ đông chuyển nhượng cho nhau còn quá nhỏ để cho rằng có thể đang có một sự chuyển giao ngầm về quyền lực trong các nhóm cổ đông. Tuy nhiên, một trong những điều đáng chú ý là, cổ đông lớn thứ hai là bà Linh hiện nắm giữ 14,16% cổ phần, chỉ nhỏ hơn chút ít so với tỷ lệ nắm giữ 14,9% bà Mai. Theo đó, nếu bà Mai tiếp tục thực hiện thoái một phần rất nhỏ cổ phiếu nữa, thì đương nhiên vị trí cổ đông lớn thuộc về bà Linh.

Cùng với sự chuyển dịch cổ phiếu trong nội bộ, các hoạt động quản trị của Dược phẩm Bến Tre có phần gọn nhẹ hơn. Chẳng hạn, chi phí quản lý doanh nghiệp nửa năm 2019 giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước là một trong những yếu tố đóng góp cho lợi nhuận sau thuế của công ty này tăng.

6 tháng đầu năm 2019, lợi nhuận sau thuế của Dược phẩm Bến Tre đạt 12,5 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước. Trong nội dung đề cập về lý do tăng lợi nhuận tại văn bản giải trình, ông Phạm Thứ Triệu, Tổng giám đốc Công ty cho biết, có yếu tố giảm của chi phí tài chính.

Tuy nhiên, nhìn vào các con số trên báo cáo tài chính của Dược phẩm Bến Tre, sự tiết giảm các khoản chi phí tài chính của Công ty có thể chỉ là tạm thời và không có gì đảm bảo sẽ tăng trở lại trong giai đoạn sau. Bởi lẽ, chi phí tài chính giảm chủ yếu là giảm phần lỗ chênh lệch tỷ giá, trong khi chi phí lãi vay của Công ty vẫn tăng trong thời gian qua.

Dược phẩm Bến Tre: Nhập nhèm con số, trồi sụt kinh doanh
Đại hội đồng cổ đông bất thường Công ty cổ phần Dược phẩm Bến Tre (mã DBT, sàn HNX) vừa điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh 2018. Ngoài ra,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư