Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 03 tháng 05 năm 2024,
TP.HCM lại kiến nghị cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê
Ngô Nguyên - 30/08/2019 08:10
 
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến vừa ký văn bản số 3549 gửi Bộ Tài chính báo cáo và tiếp tục kiến nghị Bộ này trình Chính phủ đưa loại hình dịch vụ đòi nợ vào danh mục ngành nghề cấm kinh doanh. Trước đó, năm 2018, TP.HCM cũng đã từng kiến nghi về vấn đề này.
Quán Phở Hòa Pasteur liên tục bị nhóm đòi nợ thuê tạt sơn, ném chất bẩn
Quán Phở Hòa Pasteur liên tục bị nhóm đòi nợ thuê tạt sơn, ném chất bẩn

Theo UBND TP.HCM hiện trên địa địa bàn thành phố có 75 doanh nghiệp được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh để hoạt động ngành nghề dịch vụ đòi nợ với tổng vốn điều lệ của các doanh nghiệp gần 400 tỉ đồng.

Tuy nhiên trong số trên, chỉ có 47 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự theo quy định tại Nghị định 96/2016 NĐ-CP của Chính phủ quy định về an ninh trật tự đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Trong 47 doanh nghiệp này, có 44 công ty trong nước, 3 công ty có yếu tố nước ngoài.

Chỉ tính được đến hết năm 2018, UBND TP.HCM cho hay, tổng số nợ nhận ủy quyền để đòi của các doanh nghiệp trên 80.000 tỉ đồng nhưng tổng nợ chỉ đòi được gần 4000 tỉ đồng. Cũng chỉ tính hết năm này, Công an TP.HCM đã xử phạt tổng cộng 16 trường hợp với số tiền phạt chỉ hơn 40 triệu đồng bởi các hành vi như sử dụng người không đủ điều kiện tiêu chuẩn vào làm trong cơ sở kinh doanh có điều kiện vê an ninh, trật tự…

Với con số phạt quá khiêm tốn trên, từ thực tế địa phương, UBND TP.HCM cho hay, hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ vẫn diễn biến phức tạp. Nhiều vụ việc có dấu hiệu băng nhóm tội phạm câu kết gây ảnh hưởng xã hội. Công ty đòi nợ thuê sử dụng những đối tượng là tiền án tiền sự, băng nhóm tội phạm để đòi nợ, thậm chí dùng cả vũ lực đe dọa trấn áp con nợ…. gây bất ổn xã hội.

Trong khi đó, quy định pháp luật liên quan loại hình kinh doanh này lại còn nhiều khe hở dẫn tới không có chế tài xử phạt với nhiều hành vi.

UBND TP cho rằng quan hệ nợ là hợp đồng dân sự hoặc hợp đồng kinh tế. Với quan hệ này, nhà nước đầy đủ hệ thống pháp luật, cơ quan bảo vệ và thực thi pháp luật như Tòa án, Viện kiểm sát, thi hành án...để thực hiện khi xảy ra tranh chấp.. Khi có mâu thuẫn cần đưa ra tòa và phán quyết của tòa chính là phán quyết cuối cùng mà các bên buộc phải theo.

Vì vậy, trong nhiều đề xuất giải pháp, UBND TP.HCM vẫn tập trung nhấn mạnh kiến nghị Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ, đưa loại hình hoạt động đòi nợ vào danh mục ngành nghề cấm kinh doanh.

Không chỉ năm nay 2019, từ tháng 9.2018, UBND TP.HCM cũng đã có văn bản số 4333 kiến nghị Bộ Tài chính cùng nội dung trên.

Thủ tướng chỉ thị đẩy lùi tín dụng đen, cho vay lãi nặng
Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị số 12/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư