Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Uber chính thức rút khỏi Đông Nam Á
Hồng Phúc - 26/03/2018 12:05
 
Uber chính thức nhường lại thị trường Đông Nam Á ( ở 8 quốc gia) cho Grab để đổi lấy 27,5% cổ phần của công ty này.

Phát thông tin đi vào sáng 26/3, Grab Việt Nam cho biết, vừa thu mua toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber tại khu vực Đông Nam Á. Đây là thỏa thuận sáp nhập lớn nhất từ trước tới nay tại khu vực. Grab sẽ tích hợp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đặt xe công nghệ và giao nhận thức ăn của Uber tại Đông Nam Á vào nền tảng công nghệ của Grab.

Sau khi đầu hàng Grab tại Đông Nam Á, Uber sẽ bán toàn bộ mảng kinh doanh và dịch vụ giao đồ ăn Uber Eats tại các quốc gia: Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Đổi lại, Uber sẽ nhận 27,5% cổ phần trong Grab.

Uber “nhường” lại thị trường Đông Nam Á cho Grab và đổi lấy 27,5% cổ phần.
Uber “nhường” lại thị trường Đông Nam Á cho Grab và đổi lấy 27,5% cổ phần.

Grab thể hiện sự độc tôn ở thị trường khi gọi đây là “Kỷ nguyên phát triển mới” của Grab với các nền tảng: Giao nhận thức ăn: Sau khi sáp nhập hoạt động kinh doanh của Uber Eats, Grab sẽ nhanh chóng mở rộng dịch vụ GrabFood hiện có tại Indonesia và Thái Lan đến thêm 2 quốc gia nữa là Singapore và Malaysia. GrabFood sẽ có mặt tại tất cả quốc gia Đông Nam Á trong nửa đầu năm 2018; Về kết nối di chuyển, Grab sẽ tiếp tục phát triển dịch vụ chủ lực của mình là kết nối di chuyển; Về thanh toán và các dịch vụ tài chính: Grab sẽ tiếp tục nâng cao và mở rộng các dịch vụ trong nền tảng Grab Financial, bao gồm thanh toán điện tử, tài chính vi mô, bảo hiểm và các dịch vụ tài chính khác, cho hàng triệu khách hàng chưa có tài khoản hoặc chưa được tiếp cận với ngân hàng, các doanh nghiệp siêu nhỏ, các doanh nghiệp nhỏ trong khu vực. Ví điện tử GrabPay sẽ có mặt tại tất cả quốc gia Đông Nam Á trước cuối năm nay.

Ứng dụng Uber tại Đông Nam Á sẽ tiếp tục hoạt động trong 2 tuần tới hay Uber Eats sẽ tiếp tục hoạt động đến cuối tháng 5/2018, sau đó các đối tác giao nhận và nhà hàng của Uber sẽ chuyển qua nền tảng GrabFood.

Được biết, CEO của Uber, ông Dara Khosrowshahi, sẽ tham gia vào ban lãnh đạo của Grab.

Đánh giá về thương vụ sáp nhập của Uber vào Grab, ông Anthony Tan, CEO tập đoàn cũng là đồng sáng lập Grab cho biết, “Việc sáp nhập ngày hôm nay đánh dấu khởi đầu của một kỷ nguyên mới, khi chúng tôi trở thành công ty đi đầu về nền tảng công nghệ và hiệu quả chi phí trong khu vực”.

Như vậy, chính thức thể hiện tham vọng dẫn đầu tại thị trường 620 dân, Grab đang nhận được sự hậu thuẫn từ hai công ty đặt xe công nghệ lớn nhất thế giới (Didi Chuxing và Uber), bên cạnh SoftBank và cả ba công ty này đều đang giữ cổ phần trong Grab.

Theo báo chí nước ngoài,  Uber sẽ IPO vào 2019. Do đó, những bản báo cáo tài chính cần được trở nên “đẹp đẽ” hơn trong khi năm ngoái, họ thua lỗ khoảng 4,5 tỷ USD, tăng 61% so với năm 2016 (khoảng 2,8 tỷ USD). Chiến lược rút lui khỏi thị trường Đông Nam Á và nắm giữ 1 lượng cổ phần của Grab tương tự với phương thức mà Uber đã làm với Didi Chuxing (Trung Quốc) để có 20% cổ phần của Didi,...

Đặc biệt, Sofbank- tập đoàn đầu tư tài chính đa ngành Nhật Bản đã “rót” khoảng 5 tỷ USD vào Didi, chiếm 20% cổ phần (tính đến giữa năm 2017); sau đó, cùng Didi chi 2 tỷ USD để đưa Grab nắm vị trí độc tôn tại Đông Nam Á và đầu năm 2018, Softbank đầu tư 9 tỷ USD vào Uber để nắm 15%- trở thành cổ đông lớn nhất.

Tờ Fortune gọi Softbank là ông chủ phân chia lại thị trường “đi xe chung” khi không chỉ là cổ đông lớn của Uber, Grab, Didi mà còn là Ola, 99- mô hình tương tự tại Ấn Độ và Brazil.

Đề xuất quản lý Uber, Grab như taxi: Tiến lên 4.0 hay đi ngược chiều kỷ nguyên số?
Việc Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) dự kiến đưa loại hình vận tải ứng dụng công nghệ như Grab, Uber về quản lý như taxi truyền thống trong phiên...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư