Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 21 tháng 11 năm 2024,
10 năm không thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng, sản xuất phân bón nội thờ ơ đầu tư mới
Thanh Hương - 28/10/2024 11:46
 
Việc phân bón không thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) đã khiến doanh nghiệp sản xuất không có động lực để đầu tư đổi mới mạnh mẽ trong 10 năm qua. Điều này ảnh hưởng tới ngành nông nghiệp về lâu dài trước yêu cầu giảm phát thải, xanh, bền vững.

Ngại đầu tư nhà máy do không thuộc diện chịu thuế GTGT

Theo TS. Phùng Hà, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, việc ban hành Luật Thuế 71/2014/QH13 (Luật Thuế 71) có mục tiêu nhằm cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất phân bón trong nước, chủ động nguồn phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp, giảm dần phân bón nhập khẩu.

Tuy nhiên trên thực tế, Luật Thuế 71 chưa thực sự khuyến khích đầu tư sản xuất phân bón trong nước dù đây là mặt hàng liên quan đến an ninh lương thực.

Nhà máy đạm Hà Bắc mở rộng nâng công suất từ 180.000 tấn/năm lên 500.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư 568 triệu USD được khởi công năm 2010 và khánh thành vào năm 2015

Thống kê cho thấy các nhà máy sản xuất phân bón trong nước đang hoạt động đều được xây dựng vào giai đoạn trước năm 2014 - thời điểm phân bón vẫn thuộc diện áp dụng thuế GTGT với mức 5%. Đó là Dự án Đạm Phú Mỹ, Đạm Ninh Bình, nâng công suất Đạm Hà Bắc, DAP số 1, DAP số 2,…với tổng công suất lên tới 3,5 triệu tấn/năm.

Trong khi đó, từ tháng 1/2015 khi Luật 71 có hiệu lực, tổng các dự án mới ngành phân bón được đầu tư chỉ là 370.000 tấn đến từ Nhà máy Phân bón Việt Hàn (350.000 tấn/năm), Nhà máy Phân bón kali - SOP Phú Mỹ (20.000 tấn/năm).

Theo các chuyên gia, thực trạng giảm sút đầu tư mới ở ngành ngành phân bón trong nước có ảnh hưởng không nhỏ từ việc phân bón không phải là mặt hàng chịu thuế GTGT. Nhà đầu tư nhìn thấy rõ việc đầu tư máy móc thiết bị hình thành tài sản cố định và mua nguyên vật liệu phục vụ sản xuất nhưng không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào dẫn đến giảm hiệu quả đầu tư.

 Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham quan cánh đồng sản xuất lúa giống và lúa thương phẩm chất lượng cao, canh tác theo mô hình giảm phát thải tại Trà Vinh 

Như vậy, doanh nghiệp sản xuất phân bón  tại Việt Nam không có cơ hội giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm trong khi phải cạnh tranh với phân bón nhập khẩu (không có thuế GTGT đầu vào nên không bị ảnh hưởng khi đầu ra không thuộc diện chịu thuế GTGT). 

Mặc dù thời gian qua, việc đầu tư mới này không gấp gáp nhưng với các yêu cầu phát triển phát triển bền vững, giảm phát thải, trung hoà carbon vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết, nếu tiếp tục không có những đầu tư cơ bản để cải thiện hiện trạng thì phân bón Việt Nam cũng gặp khó trên chính sân nhà.

Đó là bởi các mặt hàng nông sản như gạo, rau quả, hạt điều, cà phê đang đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong quá trình canh tác đều phải sử dụng phân bón. Với thị trường xuất khẩu là EU, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc ngày càng có yêu cầu cao về xanh, sạch, tất cả các yếu tố của quá trình sản xuất nông nghiệp, gồm có phân bón, cũng đều phải theo hướng xanh, sạch.

 Ông Phùng Hà, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam 

“Ngành nông nghiệp chỉ đứng sau năng lượng về khí phát thải nhà kính và phân bón cũng là ngành gây hiệu kính nhà kính cả ở hai khâu sản xuất và nông nghiệp. Mục tiêu của ngành nông nghiệp trong Đề án “Sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng” là giảm lượng phân bón sử dụng trên một đơn vị canh tác và tăng cường sử dụng các loại phân bón hiệu suất cao (Enhanced Efficiency Fertilizers – EEF). Vì thế, Việt Nam cần phải chủ động sản xuất những loại phân bón EEF, góp phần vào thực hiện mục tiêu Net Zero vào năm 2050 theo cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP 28”, ông Phùng Hà nhận xét.

Như vậy các doanh nghiệp sản xuất phân bón tại Việt Nam cần có những đầu tư mới để đáp ứng yêu cầu giảm phát thải, xanh hoá hoạt động sản xuất, nâng cao hiệu suất của nhà máy, giúp sản phẩm phân bón có chứng chỉ xanh, góp phần nâng cao giá trị của nông sản Việt Nam xuất khẩu. Tuy nhiên, nếu không thuộc diện chịu thuế GTGT, các chi phí đầu tư trang  thiết bị, công nghệ mới cho sản xuất không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào nên sẽ dồn hết vào giá thành sản phẩm, khiến khó cạnh tranh với phân bón nhập khẩu  ngay trước mắt.

“Tình trạng này nếu kéo dài thì phân bón nội khó đáp ứng được các yêu cầu về xanh hoá đang rất cấp thiết hiện nay”, là tâm trạng của không chỉ các doanh nghiệp sản xuất phân bón mà còn của  ngành nông nghiệp.

Nghiên cứu của Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam do USAID phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện cũng cho thấy, “khi được áp thuế giá trị gia tăng đầu ra, doanh nghiệp sẽ được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, từ đó giảm áp lực khi đầu tư, sửa chữa máy móc thiết bị, đầu tư công nghệ mới, xanh hóa sản xuất (thông thường thuế giá trị gia tăng đầu vào khoảng 10%”. 

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Nhìn nhận thực tế này, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng, qua 10 năm thực hiện Luật Thuế 71 đã cho thấy nhiều bất cập, ngành nông nghiệp vừa thiệt đơn vừa thiệt kép, mà chính người nông dân là đối tượng gánh chịu. Để tháo gỡ những bất cập này, cần điều chỉnh đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế.

“Luật Thuế 71 đã gây bất lợi và bất cập cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước”, ông Phùng Hà nhận xét và cho hay, khi phân bón vào diện chịu thuế GTGT, sản xuất phân bón trong nước sẽ được khấu trừ phần thuế GTGT đầu vào, giúp cạnh tranh bình đẳng với phân bón nhập khẩu cũng đã được khấu trừ thuế GTGT ở nước họ vì là hàng xuất khẩu. Điều này tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, góp phần thúc đẩy bền vững của ngành sản xuất phân bón trong nước.

Về phía người nông dân cũng sẽ được hưởng lợi lâu dài bởi doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước đang chiếm thị phần chi phối, nếu thuộc diện chịu thuế GTGT sẽ được hoàn thuế GTGT đầu vào khiến giá thành sản xuất giảm và giá bán phân bón sẽ giảm theo.

Áp thuế GTGT 5%: Nhà nước, doanh nghiệp, nông dân lợi lâu bền

Dựa trên số liệu từ báo cáo tài chính niêm yết của 9 công ty phân bón (Đạm Cà Mau, Đạm Phú Mỹ, Đạm Hà Bắc, DAP Hải Phòng, Phân bón Bình Điền, Supe Lâm Thao, Phân lân Văn Điển, Phân lân Ninh Bình, Phân bón miền Nam) với đại diện của các chủng loại phân bón (urea, DAP, lân, NPK) hiện đang chiếm thị phần khoảng 60% 57% tổng sản lượng sản xuất tiêu thụ trong nước, Dự án Tăng cường Năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam đã công bố nhiều con số chi tiết.

Đó là, thuế GTGT đầu vào sản xuất phân ure là 9,3%; NPK là 6,4%; phân DAP là 8,1% và phân lân là 7,7%.

Nhà máy phân bón Cà Mau công suất 800.000 tấn ure/năm, khởi công năm 2008, khánh thành năm 2012. 

Theo bà Trần Thị Hồng Thủy, Chuyên gia của Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam, khi phân bón là đối tượng không chịu thuế GTGT, giá vốn bao gồm cả phần thuế GTGT đầu vào so với doanh thu chiếm 78%. Nhưng nên phân bón là đối tượng chịu thuế GTGT 5% tỷ trọng giá vốn/doanh thu chỉ còn khoảng 71-73% (tùy từng loại phân bón).

Như vậy, nếu áp thuế giá trị gia tăng 5% đối với mặt hàng phân bón, giá bán thành phẩm của phân ure có dư địa giảm 2,0%; phân DAP có dư địa giảm 1,13%; với phân lân có dư địa giảm 0,87%. Riêng sản xuất phân NPK giá bán thành phẩm có thể tăng 0,09%.

Với những doanh nghiệp nhập khẩu phân bón, giá bán sản phẩm có thể tăng 5%, do không có thuế đầu vào để khấu trừ.

 Hiện trạng ngành phân bón Việt Nam

Tuy nhiên, “tổng nhu cầu trong nước về phân bón vô cơ là khoảng 9,89 triệu tấn trong đó sản xuất nội địa đáp ứng được từ 6,5 - 7  triệu tấn chiếm xấp xỉ 70% nhu cầu nên xét về tổng thể nông dân và ngành trồng trọt vẫn có lợi khi thuế GTGT với phân bón là 5%”, ông Phùng Hà nhận xét.

Về phía Nhà nước, bà Thuỷ cho biết, nếu thuế áp dụng thuế giá trị gia tăng 5%, sẽ tăng thu ngân sách thêm 1.541 tỷ đồng, do thu thuế GTGT đầu ra của phân bón lên tới 6.225 tỷ đồng và khấu trừ thuế GTGT đầu vào là 4.713 tỷ đồng.

Chia sẻ quan điểm của mình, ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký, Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam cũng cho hay, chính sách của các quốc gia đều coi phân bón là mặt hàng cần được ưu tiên bởi liên quan đến an ninh lương thực và cần được phát triển một cách bền vững để tạo nền tảng cho xã hội. Tại Trung  Quốc, Malaysia, Indonesia, Thái Lan hay Nga phân bón là mặt hàng chịu thuế GTGT. Thậm chí Trung Quốc còn thực hiện biện pháp kiểm soát xuất khẩu nhằm đảm bảo nguồn cung và ổn định giá cả cho thị trường trong nước. Cụ thể, từ cuối năm 2023 đến nay, Trung Quốc đã giảm 90% lượng xuất khẩu phân ure và giảm gần 40% lượng xuất khẩu phân lân.

Nếu thuế áp dụng thuế giá trị gia tăng 5%, sẽ tăng thu ngân sách thêm 1.541 tỷ đồng, do thu thuế GTGT đầu ra của phân bón lên tới 6.225 tỷ đồng và khấu trừ thuế GTGT đầu vào là 4.713 tỷ đồng.

Trước thực tế, nông nghiệp hiện là trụ đỡ quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam khi đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu, dự kiến năm 2024 xuất khẩu có thể đạt 60 tỷ USD (vượt xa kế hoạch là 55 tỷ USD và so với năm 2022 và 2023 là 54 tỷ USD) nên việc hỗ trợ toàn diện ngành nông nghiệp (trong đó phân bón chiếm 30-60% giá trị đầu vào của vật tư nông nghiệp) là rất cần thiết.

Với chủ trương phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, sinh thái việc có những chính sách thiết thực, tác động tới giá thành sản xuất theo hướng xanh, bền vững là điều Nhà nước cần tạo điều kiện. Vì thế, mặt hàng phân từ nhóm không chịu thuế GTGT sang chịu thuế GTGT với mức thuế 5% là rất cần thiết và cấp thiết”, ông Nguyễn Trí Ngọc nhấn mạnh.

Quảng Trị sẽ có thêm nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ 9.000 tấn/năm
Ngày 19/10, BQL Khu kinh tế Quảng Trị cho biết đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án Nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư