Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
10 tình huống bạn dễ mất tiền oan khi dùng thẻ tín dụng
Vương Linh (VnExpress) - 30/06/2017 10:19
 
Đừng mua hàng bằng thẻ tín dụng khi đang sử dụng máy tính của người khác hay truy cập wifi ở quán cà phê.
 Ảnh minh họa: The Motley Fool
Ảnh minh họa: The Motley Fool

Thẻ tín dụng có thể tiện lợi và đáng tin cậy nhưng trong một số trường hợp việc thanh toán qua phương tiện này lại trở nên nguy hiểm. Bạn hãy nhớ không nên dùng thẻ trong các trường hợp sau, theo RD:

Trên địa chỉ trang web không bắt đầu bằng "https"

Nếu bạn không thấy 5 chữ cái này trên thanh công cụ trang web thì nghĩa là trang web đó không an toàn. Theo luật sư người Mỹ Robert McKee, https là một giao thức mạng có mục đích chính là xác thực số người xem trang web và bảo vệ sự riêng tư cũng như minh bạch của các dữ liệu thanh toán. 

Nếu trang web không bắt đầu bằng các ký tự này, không nên mua online trả trực tiếp trên đó mà nên dùng một bên thứ ba để thanh toán. Nếu cách này không dùng được, tốt nhất là dùng hình thức nhận hàng trả tiền.

Khi bạn hồi âm email

"Có một thủ thuật được gọi là 'phishing' - giả mạo hay gian lận qua email, nghĩa là tin tặc lấy một email giả mạo nhằm moi số thẻ tín dụng của bạn cho các khoản mua sắm không minh bạch", tiến sĩ, luật sư Stephen Lesavich, chuyên gia về thẻ tín dụng, cảnh báo.

Trước khi bấm vào bất cứ đường link nào, hãy xem liệu đó có phải là một trò giả mạo không bằng cách xem nó có các lỗi chính tả, người dùng lạ hay các biểu tượng, nhãn hiệu không quen thuộc. Ngoài ra, không nhấn link trong email mà thử dán vào thanh công cụ để kiểm tra. Nếu cảm thấy nghi ngờ, không mua sắm gì trên đó. Hãy cẩn trọng các trò lừa và cạm bẫy từ thẻ tín dụng. 

Khi những người quyên góp từ thiện tiếp cận bạn trên phố

Thường, ở hầu hết các thành phố lớn, bạn sẽ thấy những người đi quyên tiền từ thiện đi lại trên phố để gom các khoản đóng góp vì nhiều lý do, vì môi trường, bảo vệ trẻ em, chăm sóc vật nuôi... Họ có thể đề nghị bạn ghi tên để liên hệ sau nhưng nếu họ hỏi bạn số thẻ tín dụng, hãy cảnh giác. 

Mặc dầu một số trường hợp là hợp pháp, nhiều trường hợp muốn lấy thông tin thẻ tín dụng của bạn. Tốt nhất là xem trang web của họ để kiểm tra xem nó có an toàn không và sau đó ủng hộ cũng chưa muộn. 

Khi nói chuyện với người khác qua điện thoại

"Nên tránh cung cấp thông tin thẻ tín dụng qua điện thoại vì bạn không biết thông tin này sẽ đi về đâu sau khi cúp máy. Bạn cũng không biết ngoài người đang nghe còn ai khác và có thể lấy các dữ liệu của bạn hay không. Một trong những ví dụ phổ biến nhất về việc lấy thông tin thẻ qua điện thoại là mua đồ ăn chuyển tới", Jeremy Brant, chuyên gia về thông tin công nghệ tại ngân hàng ở Florida cảnh báo. Khi đó, người bán yêu cầu cung cấp thông tin thẻ qua điện thoại, đặt hàng dịch vụ online hay trả tiền mặt. Hãy chọn trả tiền mặt khi nhận hàng.

Khi người bán hàng online không có đánh giá hay xếp hạng nào

Nếu bạn muốn mua hàng trên mạng và thanh toán bằng thẻ tín dụng, hãy kiểm tra kỹ. Nếu tìm kiếm trên google về các hãng đó mà chỉ thấy có một loại xếp hạng cho người bán, không có đánh giá của khách hàng nào khác, không có tài khoản trên mạng xã hội của người bán đó, thì bạn nên cân nhắc kỹ trước khi dùng thẻ tín dụng. Điều này đúng với những người bán hàng trên mạng và với cả những người bán hàng bên ngoài.

Khi bạn mua món đồ mà mình không đủ tiền

Lời khuyên này nghe có vẻ thừa nhưng thực tế, nhiều người vẫn sa vào mua hàng khi không đủ tiền nên mới có các khoản nợ trong thẻ tín dụng. Có thể sử dụng thẻ tín dụng vì sự tiện lợi hay quà tặng bạn nhận được nhưng chỉ nên mua thứ bạn biết mình có thể trả hết vào cuối tháng.

Khi người bán lấy thẻ của bạn để thanh toán ở ngoài tầm quan sát

Trường hợp này phổ biến khi bạn trả tiền ăn ở nhà hàng hay quán bar. Thường bạn sẽ không gặp vấn đề gì nếu thanh toán trong nước nhưng để người bán cầm thẻ tín dụng của bạn mà không có sự giám sát cũng tiềm ẩn khả năng họ chụp lại thông tin thẻ tín dụng để sử dụng sau đó.

Đừng ngại yêu cầu người đó mang thiết bị thanh toán tới tận bàn và thực hiện các thao tác trước mặt bạn. 

Khi mua online trong lúc kết nối wifi ở nơi công cộng

Đưa các thông tin cá nhân lên một trang mạng (dù là bản thân trang đó có an toàn hay không) có thể có rủi ro nếu kết nối internet không đảm bảo. 

Hậu quả là bất cứ thông tin cá nhân nhạy cảm nào (các mật khẩu, dữ liệu riêng và thông tin thẻ tín dụng) có thể bị người khác đọc và lấy cắp qua mạng. Tốt nhất là nên đợi tới khi bạn ở nơi kết nối mạng an toàn.

Những nơi kết nối internet không an toàn cho các khoản mua sắm trên mạng là wifi ở quán cà phê, wifi miễn phí ở tòa nhà hay sân bay, trừ phi bạn thực hiện nó qua VPN an toàn. 

Khi mua đồ bằng máy tính công cộng

Khi lướt mạng trên máy tính công cộng hay máy của người mà bạn không biết rõ, đừng nên công khai các thông tin về thẻ tín dụng. Máy tính công cộng có thể có thiết bị hay phần mềm ghi lại các mật khẩu, phím bấm của bạn. Máy tính đó cũng có thể chứa các công cụ đánh cắp thông tin cá nhân. Bởi vì bạn không thể xác thực tính an toàn của máy tính công cộng, không nên sử dụng thẻ tín dụng trên các website truy cập từ máy tính đó.

Thẻ tín dụng - "cạm bẫy ngọt ngào"
Lương thấp nhưng chi tiêu vô tội vạ, nhiều người đang tự trói buộc mình vào những món nợ từ thẻ tín dụng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư