Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 14 tháng 09 năm 2024,
12 quốc gia thành viên đang xem xét phê chuẩn TPP ra sao?
Hà Thu (Vnexpress) - 08/10/2016 07:27
 
Một năm sau khi hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), việc phê chuẩn tại 12 nước thành viên vẫn bị trì hoãn vì nhiều lý do.

Tại phiên họp Thường vụ Quốc hội tuần này, Tổng thư ký Quốc hội - Nguyễn Hạnh Phúc cho biết Chủ tịch nước chưa gửi tờ trình về phê chuẩn TPP. Về nguyên tắc, khi nào Chủ tịch nước trình và cơ quan thẩm tra đảm bảo đủ điều kiện, vấn đề này mới đưa vào chương trình kỳ họp. Vì thế, TPP sẽ chưa được đưa vào chương trình kỳ họp thứ 2, dự kiến khai mạc ngày 20/10 tới. Điều này đồng nghĩa Việt Nam chưa thể phê chuẩn TPP trong năm nay. Diễn biến này cũng gần như tương tự ở 11 nước thành viên còn lại.

Australia

Chính phủ của Thủ tướng Malcolm Turnbull nổi tiếng ủng hộ TPP. Tuy nhiên, Ủy ban Sản xuất của Australia lại lo ngại với các điều khoản của TPP về bản quyền và cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và các nước. Đảng đối lập nước này cũng phản đối các điều khoản trên. Vì vậy, Chính phủ Australia có lẽ sẽ phải trải qua cuộc đấu tranh quyết liệt nếu muốn phê chuẩn TPP.

Brunei

Hồi tháng 4, đại diện Bộ Ngoại giao và Thương mại Brunei - ông Dato Paduka Lim Jock Hoi cho biết trên Brunei Times rằng họ đang sửa đổi một số quy định và điều luật trong nước cho phù hợp với TPP. Ông nhận định quá trình phê chuẩn không dễ dàng và sẽ mất 2 năm. TPP sẽ phải được thảo luận tại các phiên họp nội các và được Hội đồng Lập pháp xem xét.

Canada

Chính phủ Canada đã giao một hội đồng nghị viện đa đảng tổ chức các cuộc lấy ý kiến cả nước về những vấn đề họ lo ngại với TPP. Bên cạnh đó, việc nhận ý kiến đóng góp cho Hội đồng Ngoại thương cũng được gia hạn đến cuối tháng 10.

Chile

Cuối tháng 8, Bộ Ngoại giao nước này vẫn chưa xác định ngày sẽ trình TPP lên quốc hội. Việc này một lần nữa phụ thuộc vào kết quả bầu cử tại Mỹ. Dù vậy, Chính phủ Chile cho biết việc trình lên Quốc hội có thể diễn ra vào cuối năm nay.

Malaysia

Cuối tháng 9, Bộ Công nghiệp và Ngoại thương Malaysia cho biết họ sẽ sửa 18 điều luật để phù hợp với cam kết trong TPP. Malaysia cũng khẳng định vẫn đang trong quá trình phê chuẩn TPP và việc này sẽ cần nhiều giai đoạn chuẩn bị trước khi có hiệu lực năm 2018.

Mexico

Thượng viện Mexico đã bắt đầu xem xét TPP và dự kiến có quyết định cuối năm nay. Tuy nhiên, cũng như nhiều nước khác, cuộc bầu cử tại Mỹ sẽ đóng vai trò lớn trong động thái kế tiếp của nước này. Ví dụ, nếu ông Donald Trump thắng cử, không chỉ TPP, các hiệp định thương mại tự do khác như NAFTA cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Mỹ

Cả hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ - bà Hillary Clinton và ông Donald Trump đều đã lên tiếng không ủng hộ TPP. Gần đây, lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện - Nancy Pelosi và Chủ tịch Hạ viện Mỹ - Paul Ryan cũng phản đối hiệp định này.

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ - Barack Obama vẫn tin rằng ông có "luận điểm hợp lý hơn" trong cuộc tranh luận này, và sẽ tiếp tục thúc đẩy việc phê chuẩn TPP. Ông cũng khẳng định bỏ lỡ TPP sẽ gây hậu quả đắt giá với Mỹ, ảnh hưởng đến vai trò của họ tại châu Á - Thái Bình Dương và hình ảnh trong mắt các đối tác.

New Zealand

Cũng như các hiệp định thương mại tự do khác, văn bản hoàn thiện của TPP, cùng Bản phân tích Lợi ích Quốc gia đã được trình lên Quốc hội New Zealand. Sau đó, Dự luật sửa đổi TPP, gồm các đề xuất sửa đổi cần thiết để phê chuẩn hiệp định này, cũng được đưa lên Hạ viện hồi tháng 5.

Ủy ban Thương mại, Quốc phòng và Ngoại giao của Quốc hội sẽ có thời hạn đến ngày 12/11 để nghiên cứu các văn bản này, sau đó sẽ báo cáo lên Quốc hội. TPP có thể có hiệu lực cuối năm 2017, đầu năm 2018 nếu các quốc gia hoàn tất thủ tục cần thiết để phê chuẩn hiệp định này.

Nhật Bản

Bộ trưởng Kinh tế - Thương mại - Công thương mới của nước này - ông Hiroshige Seko tuyên bố muốn TPP được phê chuẩn sớm nhất có thể. Thủ tướng Shinzo Abe cũng có quan điểm tương tự, do không muốn cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới làm phức tạp thêm vấn đề này. Trong khi đó, các lãnh đạo đảng đối lập - DP lại tỏ ý không hài lòng với kết quả đàm phán TPP và phản đối.

TPP sẽ là vấn đề trọng tâm được thảo luận tại kỳ họp quốc hội bất thường kéo dài 66 ngày tại Nhật Bản. Kỳ họp bắt đầu từ 26/9.

Peru

Peru đã trình TPP lên Quốc hội ngày 21/7. Thủ tướng Pedro Cateriano khẳng định thỏa thuận này là cần thiết cho sự phát triển của quốc gia. Tổng thống mới đắc cử - Pedro Pablo Kuczynski cũng cho biết sẽ ký ngay khi Quốc hội thông qua. Việc này dự kiến diễn ra cuối năm nay.

Singapore

Singapore luôn thúc giục Mỹ thông qua TPP, dù thừa nhận việc này khá khó khăn trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới. Họ hào hứng với TPP, do nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào ngoại thương và thương mại song phương với Mỹ cũng khá lớn. Bên cạnh đó, Singapore còn ủng hộ vai trò của Mỹ trong vấn đề an ninh tại châu Á.

Xây dựng cổng thông tin dành riêng cho TPP và EVFTA
Cổng thông tin dành riêng cho TPP và EVFTA sẽ được Bộ Công thương triển khai xây dựng trong thời gian tới nhằm cung cấp thông tin đầy đủ cho DN, các...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư