Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Tiêu điểm đầu tư tuần qua
2.150 tỷ đồng lắp camera giao thông; 15.000 tỷ đồng cho 4 địa phương đầu tư dự án
Hạnh Nguyên (tổng hợp) - 06/02/2021 14:07
 
Cho phép 4 địa phương sử dụng hơn 15.000 tỷ đồng để đầu tư dự án; Đầu tư 2.150 tỷ đồng lắp camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông trên toàn quốc...

Đó là hai trong số những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.

Bộ Giao thông xác nhận đang chuẩn bị đầu tư cao tốc Cần Thơ - Cà Mau

Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long đã được giao lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

Tuyến cao tôc Trung Lương - Mỹ Thuận đang được đẩy nhanh tiến độ thi công để có thể hoàn thành trong năm 2021.
Tuyến cao tôc Trung Lương - Mỹ Thuận đang được đẩy nhanh tiến độ thi công để có thể hoàn thành trong năm 2021.

Đây là một trong những thông tin vừa được Bộ GTVT gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng trả lời về kiến nghị sớm hoàn chỉnh tuyến cao tốc từ Tp.HCM đến Cần Thơ và thống nhất phương án hướng tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau song song với tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp hiện hữu nhằm đảm bảo kết nối các trung tâm kinh tế của các tỉnh, thành phố có tuyến cao tốc đi qua, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư.

Theo Bộ GTVT,  hiện nay, tuyến cao tốc đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận đã được thông xe, dự kiến hoàn thành toàn bộ trong năm 2021, đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ đã khởi công xây dựng đầu năm 2021, dự kiến hoàn thành trong năm 2022, cầu Mỹ Thuận 2 sẽ hoàn thành năm 2023. Như vậy, đến năm 2023 sẽ hoàn thành và thông xe toàn bộ tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông đoạn từ TP.HCM đến Cần Thơ. 2.

Đối với Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Bộ GTVT cho biết là theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tiến độ đầu tư tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau vào thời điểm sau năm 2030.

Hiện Bộ GTVT đang xây dựng quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó đã cập nhật kiến nghị điều chỉnh lộ trình đầu tư tuyến cao tốc nêu trên và môt số tuyến cao tốc trục ngang trong vùng lên giai đoạn trước năm 2030, điều chỉnh phương án hướng tuyến phù hợp nhằm đảm bảo kết nối các trung tâm kinh tế của các tỉnh, thành phố có tuyến cao tốc đi qua, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư, trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận làm cơ sở triển khai thực hiện theo quy định.

Thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 29/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ GTVT đã giao Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau và một số tuyến cao tốc trục ngang trong vùng, đã dự kiến đưa dự án vào danh mục trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025.

Bộ GTVT đang chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương phối hợp với các địa phương nghiên cứu, rà soát lại về dự báo nhu cầu vận tải trên các tuyến để xác định phương án phân kỳ cho phù hợp với điều kiện nguồn lực. Sau khi được Quốc hội, Chính phủ giao tổng nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Bộ GTVT sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát thứ tự ưu tiên để lựa chọn các dự án quan trọng, cấp bách, trình Chính phủ, Quốc hội chấp thuận, làm cơ sở triển khai thực hiện.

Riêng đối với hướng tuyến của tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, ngoài 3 phương án hướng tuyến do tư vấn đề xuất (trong đó có phương án đi song song với tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp), Bộ GTVT đang yêu cầu Tổng công ty Cửu Long chỉ đạo Tư vấn nghiên cứu thêm phương án hướng tuyến mới cách trung tâm thành phố Sóc Trăng và Bạc Liêu khoảng 5 – 7 km, chạy song song Quốc lộ 1 để đảm bảo kết nối với các thành phố trong khu vực, các đầu mối giao thông quan trọng, giảm tải trên tuyến Quốc lộ 1A đặc biệt là cửa ngõ các đô thị lớn.

Đồng thời, Tổng công ty Cửu Long cũng phải yêu cầu Tư vấn tính toán đầy đủ về: Giải pháp kỹ thuật, phương án kết nối với Quốc lộ 1 và các đầu mối giao thông quan trọng, kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng, sơ bộ tổng mức đầu tư của từng phương án để so sánh lựa chọn phương án đảm bảo hiệu quả đầu tư về kinh tế - xã hội cũng như quốc phòng an ninh cho khu vực.

Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng ở TP.HCM có nguy cơ tạm dừng thi công

Là một trong 4 công trình trọng điểm của TP.HCM, dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng đang vướng các thủ tục pháp lý và có nguy cơ phải tạm ngừng thi công.

Theo Báo cáo kinh tế TP.HCM tháng 1/2021, khối lượng thực hiện Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng đạt khoảng 90%, nhưng đang đứng trước nguy cơ tạm ngừng vì vướng mắc các thủ tục pháp lý. 

Ngoài Dự án chống ngập với tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, Dự án cầu Thủ Thiêm 2 (trong ảnh) cũng đang ngừng thi công (Ảnh: Lê Toàn).
Ngoài dự án chống ngập với tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, dự án cầu Thủ Thiêm 2 (trong ảnh) cũng đang ngừng thi công (Ảnh: Lê Toàn).

Giữa tháng 1/2021, Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 (nhà đầu tư dự án) có văn bản gửi UBND TP.HCM, đề cập về thiệt hại do dự án chống ngập có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) bị ngưng thi công.

Theo phụ lục hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) ký ngày 18/11/2019 giữa UBND TP.HCM và nhà đầu tư, thời gian thực hiện hợp đồng hết hạn vào ngày 26/6/2020, nhưng đến nay, UBND Thành phố vẫn chưa ký kết phụ lục hợp đồng gia hạn. 

Vì vậy, dự án không có cơ sở pháp lý tiếp tục triển khai. 

Việc chậm ký phụ lục hợp đồng được cho là hai bên chưa thống nhất phương án thanh toán cho dự án. Trước đây, Chính phủ cho phép TP.HCM thanh toán dự án bằng đất, nếu hết đất trả bằng tiền. 

Sau đó, TP.HCM đề xuất 15% trả bằng đất, còn lại trả bằng tiền, nhưng Chính phủ không đồng ý.

Phía chủ đầu tư cho biết, chính quyền thành phố chỉ đạo không dừng dự án, nhưng do phụ lục hợp đồng chưa được ký, khiến họ lúng túng, không biết xử lý như thế nào.  

Trong khoảng thời gian công trình bị dừng (từ 15/11-15/12/2020), chủ đầu tư thống kê dự án thiệt hại 45 tỷ đồng từ chi phí nhân công, máy móc, thuê kho bãi bảo quản thiết bị chưa lắp đặt, chi phí lãi vay,...

Để giải quyết vướng mắc của dự án, Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 kiến nghị UBND thành phố sớm đăng ký làm việc với ngân hàng Nhà nước để dự án tiếp tục thực hiện. Bởi ngoài thiệt hại về kinh tế, dự án khi đã bị dừng muốn thi công trở lại sẽ mất hơn 5 tháng do phải qua nhiều thủ tục.

Đến nay, Ngân hàng BIDV cấp vốn cho dự án hơn 7.000 tỷ đồng, tương đương 80% giới hạn số tiền được phê duyệt cho vay. 

Dư nợ đến hạn phải trả của dự án vào ngày 15/11/2020 gần 2.640 tỷ đồng.  BIDV và nhà đầu tư gửi công văn cho UBND thành phố về bố trí thanh toán dư nợ đến hạn phải trả.

Phía Trung Nam cho rằng, đến nay, UBND thành phố vẫn chưa có thông tin rõ ràng về việc thanh toán quỹ đất cho Nhà đầu tư theo quy định của Hợp đồng BT đã ký kết.

Chủ đầu tư dự án cho rằng, nếu những vướng mắc về pháp lý hay mặt bằng không được tháo gỡ, sẽ có rất nhiều hệ lụy đi kèm.

Dự án tạm dừng sẽ ảnh hưởng đến nhiệm vụ giảm ngập của UBND Thành phố, điều này đồng nghĩa với việc Thành phố không hoàn thành các cam kết và nhiệm vụ đã được giao.

Đồng thời, dự án tạm dừng sẽ gây mất lòng tin của người dân vào chính quyền Thành phố vì đã lỡ hẹn suốt nhiều năm qua.

Hồi tháng 4/2018, dự án phải dừng thi công gần một năm do BIDV không giải ngân vốn tái cấp, vì UBND Thành phố chưa ký xác nhận báo cáo thanh toán của dự.

Dự án chống ngập với tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng ở TP.HCM được khởi công giữa năm 2016, gồm 6 cống ngăn triều lớn (khẩu độ 40-160 m) là Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định và 7,8 km đê kè ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến Sông Kinh với các cống nhỏ khẩu độ dưới 10 m.

Địa điểm xây dựng thuộc quận 1, 4, 7, 8, huyện Nhà Bè và Bình Chánh.

Ngoài dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng, TP.HCM còn có 3 công trình trọng điểm khác ở thời điểm hiện tại là dự án tuyến đường sắt Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên, dự án tuyến đường sắt Metro số 2 và dự án cầu Thủ Thiêm 2 nối quận 1 với quận 2.

Trong đó, dự án cầu Thủ Thiêm 2 nối quận 1 với quận 2 cũng đang ngừng thi công, chờ kết quả giải quyết vướng mắc liên quan đến việc chưa xác nhận được khối lượngvà giá trị thực hiện để cung cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất làm tài sản đảm bảo nguồn vay cho dự án.

Cầu Thủ Thiêm 2 có tổng vốn đầu tư xây dựng 3.082 tỷ đồng do Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Đại Quang Minh là chủ đầu tư dự án theo hình thức BT.

Đây được xem là công trình giao thông trọng điểm và là điểm nhấn kiến trúc khu trung tâm của TP.HCM. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng trước ngày 30/4/2020.

Việc giải phóng mặt bằng cho dự án tuyến đường sắt Metro số 2 cơ bản hoàn tất thủ tục bồi thường 601/603 trường hợp (đạt 99,67%), đang di dời hạ tầng kỹ thuật trên toàn tuyến Metro số 2 đi qua để kịp khởi công xây dựng trong năm 2021.

Và dự án tuyến đường sắt Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên dự kiến được hoàn thành vào quý II/2021 và khai thác toàn tuyến vào cuối năm nay.

Sàn đa cấp tiền ảo vỡ trận, nhà đầu tư trắng tay

Trong đơn thư gửi Báo Đầu tư, nhiều nhà đầu tư cho hay đã mất tiền tỷ vì trót nướng tiền vào các mô hình đa cấp tiền ảo Lion, Libfx.

Rất nhiều nhà đầu tư đã trở thành nạn nhân của mô hình đa cấp tiền ảo như Librfx, Lion...
Rất nhiều nhà đầu tư đã trở thành nạn nhân của mô hình đa cấp tiền ảo như Librfx, Lion...

Mất tiền tỷ vì quảng cáo lợi nhuận 24%/tháng 

Thông tin với Báo Đầu tư, chị Như Quỳnh (TP. Vinh, Nghệ An) cho hay, cả nhà chị đang ngồi trên đống lửa vì nguy cơ mất hơn 200 triệu đồng. Theo lời kể của chị Quỳnh, tháng 9/2020, nghe lời rủ rê của người bạn là giáo viên một trường tiểu học tại Yên Thành (Nghệ An), chị góp 24 triệu đồng tham gia mô hình Lion Group với lãi suất 0,8%/ngày (khoảng 22%/tháng). Sau 2 tháng đều đặn nhận lãi hơn 5 triệu đồng/tháng, chị mạnh dạn rủ thêm 2 người em ruột đóng tổng cộng hơn 200 triệu đồng tham gia mô hình này. Thế nhưng, mới đóng tiền được hơn một tháng, thì hệ thống thông báo bảo trì, không thể rút tiền.

“Không chỉ chị em tôi, mà hàng trăm nhà đầu tư Lion ở Nghệ An, Hà Tĩnh đang nhốn nháo vì không rút được tiền. Từ cuối năm ngoái, sàn có dấu hiệu trục trặc. Ngày 17/12, Lion Group thông báo sẽ phát hành tiền ảo để nhà đầu tư có thêm nguồn thu nhập từ việc mua bán tiền ảo này trên sàn. Nhưng ngay sau đó, hệ thống thông báo tình trạng bảo trì, không cho nhà đầu tư rút tiền và thông báo sẽ niêm yết đồng FXT lên sàn vào ngày 17/1/2021. Thế nhưng, thời hạn 17/1 trôi qua từ lâu mà sàn vẫn không cho rút tiền, tiền ảo cũng không thấy tăm hơi. Hiện tại, sàn lại tuyên bố ngày 2/2 lên sàn, nhưng chúng tôi đã mất hẳn niềm tin”, chị Quỳnh lo lắng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, mô hình của Lion Group có sự pha trộn giữa đa cấp, forex, tiền ảo, lại giao dịch qua phương thức nhị phân Binary Option (giống như hình thức tài xỉu, chẵn lẻ)… Đồng ý tham gia, nhà đầu tư sẽ được tạo tài khoản để nạp rút tiền (nạp tối thiểu 1.000 USD) và tài khoản forex trên sàn Fxtradingmarkets, sau đó chỉ cần ngồi hưởng lợi, các chuyên gia của sàn sẽ giao dịch giúp để nhà đầu tư lãi 0,8 - 1%/ngày, cam kết đều đặn 22 - 30%/tháng. Mặc dù các dấu hiệu lừa đảo rất rõ nét, song với miếng mồi lợi nhuận cao, Lion Group vẫn khiến hàng ngàn nhà đầu tư sập bẫy.

Được biết, ngoài Nghệ An, Hà Tĩnh, mô hình Lion Group cũng lan rộng tại nhiều tỉnh, thành phố khác, như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang…, khiến cơ quan công an nhiều địa phương lên tiếng cảnh báo.

Ngày 1/2, Công an TP. Đà Nẵng đã cảnh báo về hoạt động đầu tư tài chính bất hợp pháp của Lion trên địa bàn. Theo đó, thời gian qua, trên địa bàn Đà Nẵng xuất hiện tình trạng một số cá nhân kêu gọi, lôi kéo người dân tham gia Lion Group. Công an Đà Nẵng cảnh báo, hoạt động của Lion Group không tuân thủ đúng quy định pháp luật, nhà đầu tư mất tiền sẽ không được pháp luật bảo vệ.

Trước đó, công an Hà Tĩnh cũng khuyến cáo người dân cảnh giác với mô hình đa cấp Lion và các mô hình đa cấp tài chính khác trên địa bàn như Wefinex.net, Forex, Crowdl, BGC bitconin, RaidenBo.com, Bitono.io...

Bỏ tiền thật mua tiền ảo, nhà đầu tư trắng tay 

Không chỉ cộng đồng Lion, mà những nhà đầu tư rót tiền vào mô hình đầu tư siêu lợi nhuận Liber Forex (Libfx) cũng đang méo mặt. Thông tin tới Báo Đầu tư, anh H.T.N (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho hay, được một người bạn giới thiệu, đầu tháng 12/2020, anh tham gia hội thảo giới thiệu mô hình đầu tư siêu lợi nhuận có tên là Liber Forex (Libfx).

“Tôi được giới thiệu Liber Forex là một công ty tài chính quốc tế, hoạt động trong lĩnh vực ngoại hối (forex) và tiền ảo, đồng Libfx đã niêm yết trên 5 sàn lớn của thế giới. Những người giới thiệu cam kết lợi nhuận 8-16%/tháng tùy gói lợi nhuận, lãi rút về hàng ngày, sau hơn 1 năm sẽ thu hồi hết vốn và những năm sau đó sẽ đều đều nhận lãi ròng, cam kết đầu tư tối thiểu 30 tháng, tiền lãi sẽ được trả bằng đồng Libfx. Nghe bùi tai, lại thấy tiền ảo thời điểm đó tăng mạnh, nên tôi mạnh dạn rót 2.000 USD để đầu tư, song đến nay, cả gốc lẫn lãi đều tan thành mây khói”, anh T.N cho biết.

Theo nhà đầu tư này, Liber forex đưa ra 5 gói đầu tư với lãi suất 8-16%/tháng. Số tiền đầu tư này được quy đổi sang tiền ảo Libfx, tiền ảo này lại quy ra điểm và nhà đầu tư được trả lãi theo số điểm. Tuy nhiên, thời điểm mà Liber Forex “dụ” gà, giá đồng Libfx được đẩy lên 50 - 70 USD/Libfx, song hiện tại chỉ còn 1-2 USD/Libforex.

“Tôi đầu tư Libfx vào ngày 4/1/2021, đến nay, chỉ sau gần 1 tháng, khoản đầu tư chỉ còn 0,4% giá trị. Biết là không thể đòi lại được tiền, song tôi vẫn muốn lên tiếng để cảnh báo các nhà đầu tư khác tỉnh ngộ, không nên quá tham lam mà lao đầu vào các sàn tương tự”, anh T.N ngậm ngùi.

Trường hợp như Libfx không hề hiếm. Các chuyên gia đánh giá, hơn 90% tiền ảo trên các sàn giao dịch là tiền ảo rác. Có những đồng tiền ảo biến động rất mạnh. Điển hình là Token Ampleforth hồi tháng 7/2020 tăng tới 700.000% chỉ trong một phút (từ 1,9 lên gần 13.500 USD) và lại rớt giá gần 100% vài phút sau đó.

Ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia đầu tư cảnh báo, các chiêu thức lừa đảo đầu tư tài chính hiện nay nhiều như nấm sau mưa, nhắm đến những nhà đầu tư chăm chăm vào lợi nhuận, mà không chịu trang bị kiến thức, thiếu sự cảnh giác.

“Điều dễ nhận thấy của các sàn lừa đảo này ở Việt Nam là bao lỗ, bao cháy tài khoản, cam kết lợi nhuận… Văn phòng tại Việt Nam của các sàn này thường nằm kín đáo trong các tòa nhà cao tầng, không có biển hiệu, chỉ có vài bộ bàn ghế tạm bợ và có thể biến mất chỉ trong một vài giờ. Đầu tư vào các sàn này, nhà đầu tư sẽ không được pháp luật bảo vệ và nguy cơ trắng tay rất cao”.\
Ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia đầu tư

Nhiều dự án FDI quy mô lớn đăng ký đầu tư vào Việt Nam

Dịch bệnh Covid-19 tiếp tục là trở ngại lớn cho việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, tháng đầu năm, vẫn có những tín hiệu tích cực từ dòng vốn này.

Thu hút đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực trong năm nay. Trong ảnh: Nhà máy của Toyota tại Việt Nam
Thu hút đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực trong năm nay. Trong ảnh: Nhà máy của Toyota tại Việt Nam

Những tín hiệu tích cực 

Vào ngày áp chót để “chốt sổ” tổng hợp tình hình thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong tháng 1/2021 (ngày 19/1), Đà Nẵng đã cấp chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án Nhà máy Sản xuất vật liệu bán dẫn United States Enterprises. Quy mô của Dự án là đáng kể, với tổng vốn đầu tư đăng ký 110 triệu USD, nhưng quan trọng hơn, dự án này là của nhà đầu tư Mỹ, lại đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn - một lĩnh vực công nghệ cao mà Việt Nam mong muốn thu hút đầu tư trong thời gian gần đây.

Năm ngoái, Khu công nghệ cao Đà Nẵng đã đón nhận Dự án Nhà máy Sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine của Công ty UAC (Mỹ). Vì thế, sự xuất hiện của United States Enterprises giống như một lời khẳng định về mối quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài đối với lĩnh vực công nghệ cao ở Đà Nẵng nói riêng, Việt Nam nói chung.

Đấy chính là điểm tích cực trong tình hình thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong tháng 1/2020. Nhiều dự án đầu tư lớn đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam trong tháng đầu tiên của năm mới 2021 và chủ yếu trong lĩnh vực công nghệ cao. Điển hình nhất là dự án 270 triệu USD với

Dù không công bố chính thức, song giới chuyên môn cho rằng, nhà máy trên sẽ nằm trong chuỗi các nhà máy sản xuất thiết bị điện tử, linh kiện cho sản phẩm của Apple. Bởi thế, với sự xuất hiện của dự án này, có thể nói, “ông lớn” Apple đã gửi một thông điệp khá rõ ràng về việc sẽ dịch chuyển nhiều phân đoạn sản xuất về Việt Nam.

Ngoài dự án đó, có thể nhắc thêm Dự án công nghệ tế bào quang điện JA Solar PV Việt Nam (Trung Quốc), vốn đầu tư 210 triệu USD; hay Dự án Công ty TNHH Công nghệ Everwin (Hồng Kông), tổng vốn đầu tư 200 triệu USD tại Nghệ An… Đây đều là các dự án trong các lĩnh vực mà Việt Nam đang khuyến khích đầu tư. Đó là tín hiệu tích cực.

Với sự xuất hiện của các dự án quy mô lớn, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam trong tháng 1/2021 đã đạt 2,02 tỷ USD. Nếu chỉ so sánh đơn thuần về con số, thì hơn 2 tỷ USD của tháng 1/2021 đã sụt giảm tới hơn 62% so với cùng kỳ. Nhưng thực tế, sự sụt giảm này là dễ hiểu. Tháng 1 năm ngoái, có Dự án Điện khí Bạc Liêu, 4 tỷ USD được cấp chứng nhận đầu tư, còn năm nay không có dự án quy mô lớn như vậy. Nếu không tính dự án này, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tháng 1/2021 sẽ tăng 51,7% so với cùng kỳ.

Điều này là tích cực. Và càng tích cực hơn khi tháng đầu năm, đã có 1,51 tỷ USD vốn được đưa vào thực hiện, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2020. Thêm nữa, thực tế là, ngoại trừ các tháng có các dự án tỷ USD được cấp chứng nhận đầu tư, thì bình quân hàng tháng, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam chỉ quanh mốc 2 tỷ USD. Như vậy, 2,02 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong tháng 1/2021 không phải là kết quả tồi.

Nỗi lo từ sự trở ngại của dịch bệnh 

Tính đến ngày 20/1/2021, đã có 2,02 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, bằng 37,8% so với cùng kỳ. Trong số này, có 47 dự án mới được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư, với 1,3 tỷ USD, giảm 70,3% so với cùng kỳ năm 2020.


Bên cạnh đó, có 46 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn, với tổng vốn tăng thêm đạt trên 472 triệu USD, tăng 41,1% so với cùng kỳ năm trước. Và còn có 194 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với 220,8 triệu USD, giảm 78,1% về số lượt góp vốn và giảm 58,7% về số vốn so với cùng kỳ ngoái.


Nguồn: Số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài công bố

Ngoài nguyên nhân đến từ việc tháng 1 năm nay không có dự án tỷ USD, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng đã lý giải rằng, sự sụt giảm của dòng đầu tư nước ngoài còn xuất phát từ các nguyên nhân liên quan đến Covid-19 và vướng mắc trong thực thi Luật Đầu tư 2020.

“Trong tháng 1/2021, do có sự chuyển tiếp giữa Luật Đầu tư 2014 và Luật Đầu tư 2020, nên đã ảnh hưởng tới tình hình cấp mới, điều chỉnh các dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Việc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh vốn tại các địa phương đang gặp khó khăn do Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư 2020 chưa ban hành”, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết.

Trong khi đó, trong báo cáo trình Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh: “Dịch bệnh tiếp tục là trở ngại lớn cho thu hút vốn đầu tư nước ngoài”.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Covid-19 bùng phát trở lại ở nhiều quốc gia đã làm ảnh hưởng tới việc đi lại cũng như các quyết định đầu tư mới, mở rộng dự án của các nhà đầu tư. Vì vậy, số dự án cấp mới, điều chỉnh vốn cũng như góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong tháng 1/2021 đều giảm so với cùng kỳ.

Nhưng vấn đề sẽ không chỉ nằm ở tháng 1/2021. Như Báo Đầu tư đã thông tin, Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) mới đây đã đưa ra dự báo rằng, đầu tư nước ngoài toàn cầu có thể “chạm đáy” trong năm nay trước khi tăng trở lại vào năm 2022. Nguyên nhân vẫn xuất phát từ những yếu tố không chắc chắn về diễn biến của đại dịch Covid-19.

Năm 2020, theo tính toán của UNCTAD, dòng đầu tư toàn cầu đã giảm tới 42%, từ mức 1.500 tỷ USD năm 2019 xuống chỉ còn 859 tỷ USD. “Đầu tư toàn cầu có thể phục hồi theo hình chữ U, không giống như thương mại toàn cầu và GDP được dự báo phục hồi theo hình chữ V khi bắt đầu năm 2021”, Giám đốc đầu tư và doanh nghiệp UNCTAD, ông James Zhan cho biết.

Tuy vậy, nhìn từ việc Trung Quốc vẫn tăng tốc thu hút đầu tư nước ngoài, bất chấp dòng đầu tư toàn cầu sụt giảm, có thể thấy, cơ hội vẫn rất lớn nếu Việt Nam có những bước đi khôn ngoan, đặc biệt trong chuẩn bị sẵn các điều kiện cần thiết một khi dòng vốn đầu tư nước ngoài dịch chuyển mạnh hơn.

Quảng Trị: Điều chỉnh chủ trương đầu tư hai dự án nhà máy điện gió

Ngày 4/2, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng ký các quyết định về việc chấp thuận chủ trương điều chỉnh 02 dự án Nhà máy điện gió với tổng công suất gần 100MW tại huyện Hướng Hóa.

Quảng Trị chấp thuận điều chỉnh chủ trương 02 Dự án điện gió tại huyện Hướng Hóa
Quảng Trị chấp thuận điều chỉnh chủ trương 02 dự án điện gió tại huyện Hướng Hóa

Cụ thể, Dự án Nhà máy điện gió Phong Nguyên đã được UBND tỉnh Quảng Trị chấp thuận chủ trương đầu tư, chứng nhận lần đầu ngày 20/9/2019 tại Quyết định chủ trương đầu tư số 2531/QĐ-UBND, chứng nhận thay đổi lần thứ nhất ngày 17/4/2020 tại Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư số 1018/QĐ-UBND và chứng nhận thay đổi lần 2 ngày 02/2/2021 tại văn bản số 253/UBND-CN. Dự án do Công ty Cổ phần điện gió Phong Nguyên, có địa chỉ trụ sở tại thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa làm chủ đầu tư.

Theo văn bản số 253/UBND-CN, dự án Nhà máy điện gió Phong Nguyên có tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 1.911 tỷ đồng; công suất thiết kế 48MW; sản phẩm, dịch vụ cung cấp: điện năng với sản lượng điện dự kiến 158,38 triệu KWh; được triển khai thực hiện tại xã Tân Thành, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa với diện tích mặt đất dự kiến sử dụng: đất chiếm dụng có thời hạn 16,46 ha, đất chiếm dụng tạm thời 9,2 ha.

Về tiến độ thực hiện dự án: tiến độ hoàn thành nhà máy điện gió Phong Nguyên đồng bộ với tiến độ hoàn thành các trạm 110kV Phong Liệu, trạm 220 kV Hướng Tân, trạm 220kV Lao Bảo và đường dây 220kV Lao Bảo – Đông Hà; dự kiến tháng 5/2021 đến tháng 8/2021 lắp dựng tuabin, tháng 8/2021 đến tháng 10/2021 thí nghiệm, hiệu chỉnh và nghiệm thu hoàn thành đóng điện, vận hành phát điện.

Thời hạn thực hiện dự án 50 năm kể từ ngày chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu ngày 20/9/2019.

Dự án thứ 2 là Nhà máy điện gió Liên Lập cũng đã được UBND tỉnh Quảng Trị cấp Quyết định chủ trương đầu tư số 199/QĐ-UBND ngày 24/01/2019, Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư số 852/QĐ-UBND ngày 17/4/2020. Dự án do Công ty Cổ phần điện gió Liên Lập, có địa chỉ trụ sở tại xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa làm chủ đầu tư.

Ngày 02/02/2021, UBND tỉnh ban hành Văn bản số 254/UBND-CN về việc chấp thuận chủ trương đầu tư (chứng nhận thay đổi lần 2: ngày 02/02/2021); theo đó, dự án Nhà máy điện gió Liên Lập – 48MW được triển khai thực hiện tại xã Tân Liên, xã Tân Lập, xã Hướng Tân và thị trấn Khe Sanh (huyện Hướng Hóa) với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 1.973 tỷ đồng; công suất thiết kế 12 tuabin gió, công suất mỗi tuabin gió khoảng 4MW, tổng công suất 48MW, điện lượng trung bình là 158,8GWh/năm; diện tích đất dự kiến sử dụng 48 ha.

Tiến độ thực hiện dự án theo kế hoạch: quý II/2020, khởi công và thi công công trình; quý III/2021, hoàn thành phát điện.

Thời hạn thực hiện dự án 50 năm kể từ ngày chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu ngày 24/01/2019.

Thủ tướng đồng ý giao Lâm Đồng triển khai Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc

Dự án đường cao tốc Tân Phú (Đồng Nai) - Bảo Lộc (Lâm Đồng) sẽ do UBND tỉnh Lâm Đồng đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT có sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.

Một đoạn Quốc lộ 20 qua đèo Bảo Lộc.
Một đoạn Quốc lộ 20 qua đèo Bảo Lộc.

Chiều qua (4/2), Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 24/TB – VPCP thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp về việc triển khai Dự án đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc tại cuộc họp về việc triển khai Dự án hôm 21/1.

Theo đó, thay mặt Chính Phủ, Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh sự quyết tâm, sáng kiến, đề xuất của tỉnh Lâm Đồng để triển khai dự án phù hợp với Luật đầu tư theo phương thức PPP.

Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc giao UBND tỉnh Lâm Đồng là cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tân Phú (Đồng Nai) - Bảo Lộc (Lâm Đồng) trong giai đoạn 2021-2025 theo phương thức PPP, có sự tham gia hỗ trợ góp vốn của Nhà nước. UBND tỉnh Lâm Đồng chủ trì tổ chức huy động các nguồn lực hợp pháp theo quy định để bảo đảm phần vốn ngân sách địa phương tham gia thực hiện dự án khi được giao là cơ quan có thẩm quyền.

Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT khẩn trương có ý kiến bằng văn bản về việc giao UBND tỉnh Lâm Đồng là Cơ quan có thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 5/2/2021.

Bộ GTVT được giao chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng đánh giá tác động toàn diện của việc đầu tư xây dựng đoạn cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc với các Dự án BOT khác đã và đang được đầu tư, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây,... không để xảy ra xung đột, khiếu kiện, bảo đảm hiệu quả đầu tư; đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu phương án triển khai các đoạn cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, Bảo Lộc - Liên Khương bảo đảm kết nối đồng bộ các đoạn tuyến cao tốc nhằm phát huy hiệu quả cao nhất cho toàn tuyến. Có thể xem xét tiếp tục giao địa phương là cơ quan có thẩm quyền nếu hợp lý và địa phương đề nghị.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ tài chính, Bộ GTVT có ý kiến bằng văn bản về việc bố trí ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 tham gia Dự án theo đề xuất của tỉnh Lâm Đồng làm căn cứ xây dựng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án.

Sau khi được giao là Cơ quan có thẩm quyền, UBND tỉnh Lâm Đồng có trách nhiệm khẩn trương tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (trong đó làm rõ phương án tài chính huy động nguồn vốn thực hiện dự án: vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà đầu tư, tín dụng, trái phiếu chính quyền địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định pháp luật); báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư trong thời gian sớm nhất, phấn đấu hoàn thành trong tháng 3/2021; đề xuất nhu cầu vốn hỗ trợ của nhà nước để Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu cân đối bố trí ngân sách trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 phần tham gia vốn vào Dự án, sớm báo cáo Chính phủ để kịp thời trình Quốc hội.

“UBND tỉnh Lâm Đồng có trách nhiệm lựa chọn nhà đầu tư, tổ chức tín dụng có năng lực và uy tín tốt theo đúng quy định của pháp luật. Tổ chức thực hiện dự án đúng quy định pháp luật, bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế”, Thủ tướng chỉ đạo.

Vào đầu tháng 1/2020, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chuẩn bị thực hiện Dự án đầu tư đường cao tốc Tân Phú (Đồng Nai) – Bảo Lộc (Lâm Đồng) dài khoảng 67 km, quy mô 4 làn xe thuộc tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương.

Cụ thể, UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh này làm Cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức thực hiện Dự án đường cao tốc đoạn Tân Phú – Bảo Lộc trong giai đoạn 2021-2025 theo hình thức PPP, có sự tham gia hỗ trợ của Nhà nước.

Cụ thể, tổng mức đầu tư (chưa bao gồm lãi vay) Dự án vào khoảng 18.200 tỷ đồng, gồm vốn do nhà đầu tư thu xếp khoảng 9.700 tỷ đồng (trước mắt, bố trí 5.000 tỷ đồng để thực hiện); vốn ngân sách Nhà nước tham gia trong Dự án dự kiến bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025 khoảng 9.700 tỷ đồng.

Ông Trần Văn Hiệp – Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong điều kiện ngân sách địa phương còn khó khăn, vẫn chưa tự cân đối thu chi, hàng năm phải nhận trợ cấp từ ngân sách Trung ương nhưng với quyết tâm thực hiện dự án nên Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh Lâm Đồng đã thống nhất đối ứng khoảng 3.000 tỷ đồng. Phần vốn Nhà nước tham gia vào Dự án còn lại (trị giá 6.700 tỷ đồng) sẽ do Ngân sách Trung ương bố trí.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Lâm Đồng, phương án nghiên cứu đề xuất của tỉnh Lâm Đồng bước đầu là khả thi về phương án tài chính. Dự án cơ bản phù hợp với nguyên tắc chung về phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước tại Nghị quyết số 973/NQ-UBTVQH14 ngày 8/7/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (ưu tiên bố trí vốn các dự án kết nối, có tác động liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nhanh, bền vững...).

Được biết, đoạn đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc thuộc tuyến đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương nằm trong Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam giai đoạn 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 1/3/2016. Đây là công trình có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế -
xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng của tỉnh Đồng Nai và tỉnh Lâm Đồng cũng như khu vực Tây Nguyên. Việc sớm triển khai dự án sẽ giải quyết được nút thắt lớn nhất của Quốc lộ 20 đoạn qua đèo Bảo Lộc, có độ dốc lớn, hẹp, quanh co, nhiều khúc cua nguy hiểm và thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thời tiết trong mùa mưa gây sạt lở đất, nhiều năm qua chưa giải quyết được.

Đầu tư 2.150 tỷ đồng lắp camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông trên toàn quốc

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính”.

Đề án này được phê duyệt nhằm nâng cấp Trung tâm thông tin chỉ huy giao thông, xây dựng hệ thống quản lý điều hành, kết nối các hệ thống camera giám sát phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm giao thông trên toàn quốc; xây dựng, ban hành tiêu chuẩn quốc gia về hệ thống camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính; trong đó có loại thông tin, dữ liệu thu thập, khả năng kết nối, chia sẻ, liên thông, đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu dùng chung... Xây dựng hành lang pháp lý trong việc xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ qua hình ảnh.

Đề án phấn đấu đến năm 2030 hoàn thiện các tiêu chuẩn, tiêu chí, dịch vụ của các đô thị thông minh kết hợp với hệ thống camera giám sát, chỉ huy điều khiển giao thông... Nâng cao năng lực giám sát, quản lý điều hành giao thông và an ninh trật tự, an toàn xã hội của lực lượng Công an nhân dân; cung cấp cho người dân, người tham gia giao thông các dịch vụ giao thông thông minh và các dịch vụ hành chính công trực tuyến.

Đề án sẽ thực hiện 3 Dự án:

1- Đầu tư xây dựng Trung tâm dữ liệu dùng chung, phục vụ cho việc kết nối, chia sẻ dữ liệu camera;

2- Nâng cấp Trung tâm thông tin chỉ huy và lắp đặt hệ thống camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự, xử lý vi phạm cho Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội;

3- Nâng cấp Trung tâm thông tin chỉ huy và lắp đặt hệ thống camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự, xử lý vi phạm cho Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Công an Thành phố Hồ Chí Minh.

Đề án sẽ ưu tiên xây dụng hệ thống giám sát của thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo quan điểm, đối với các tuyến cao tốc xây dựng mới, hệ thống camera được thiết kế, xây dựng đồng bộ trước khi đưa tuyến đường đi vào hoạt động, liên thông dữ liệu để dùng chung cho cả việc theo dõi, bảo trì của cơ quan quản lý đường bộ và phục vụ phát hiện vi phạm, tội phạm trên tuyến của lực lượng Công an nhân dân.

Tổng kinh phí thực hiện Đề án khoảng 2.150 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn vốn xã hội hóa và các nguồn vốn hợp pháp khác. Khuyến khích sử dụng nguồn kinh phí lồng ghép trong các chương trình, đề án liên quan khác đã được triển khai để thực hiện nhiệm vụ.

Cho phép 4 địa phương sử dụng hơn 15.000 tỷ đồng để đầu tư dự án

Số tiền trên được lấy từ nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư năm 2020.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý cho phép 4 địa phương được sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư năm 2020 để đầu tư các Dự án đầu tư phát triển theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, các dự án gồm: Thành phố Hà Nội 5.000 tỷ đồng, tỉnh Quảng Ninh 2.950 tỷ đồng, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu 3.180 tỷ đồng, tỉnh Bình Dương 4.000 tỷ đồng.

Nguồn cải cách tiền lương còn lại, các địa phương dành để thực hiện cải cách tiền lương và thực hiện các chính sách an sinh xã hội theo cam kết và theo chế độ quy định.

Đối với các địa phương khác (không có văn bản đề nghị hoặc không có nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi đầu tư phát triển), địa phương dành nguồn để thực hiện cải cách tiền lương theo quy định; không sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi đầu tư phát triển.

Việc quản lý, sử dụng số kinh phí nêu trên thực hiện theo đúng quy định của Luật đầu tư công và các quy định có liên quan, bảo đảm công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả. Bộ tài chính và UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Quảng Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin và số liệu báo cáo. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính giám sát việc phân bổ và sử dụng nguồn vốn nêu trên tại địa phương.

Nhà đầu tư Singapore rót 30 triệu USD vào Quảng Ninh

Chiều ngày 5/2, Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh (QEZA) đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho dự án FDI có tổng vốn đầu tư 30 triệu USD.

Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh trao giấy chứng nhận cho nhà đầu tư đến từ Singapore trong chiều 5/2/2021
Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh trao giấy chứng nhận cho nhà đầu tư đến từ Singapore trong chiều 5/2/2021

Trong giai đoạn quyết liệt chống dịch Covid-19, Quảng Ninh phải bảo đảm vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế và các hoạt động khác, bên cạnh các hoạt động phòng chống dịch quyết liệt, các cơ quan quản lý nhà nước của Quảng Ninh đã đảm bảo hoạt động chuyên môn. Các thủ tục hành chính của tỉnh này vẫn được thực hiện cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư thông qua hình thức trực tuyến và chính quyền điện tử.  

Trong chiều ngày 5/2, sau khi hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục tục, QEZA đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty Singapore Lioncore Industries PTE., LTD  đến từ Singapore để thực hiện Dự án Nhà máy Lioncore Việt Nam.

Dự án có tổng mức đầu tư là 698,1 tỷ đồng, tương đương 30 triệu USD.

Địa điểm thực hiện dự án là tại khu công nghiệp Đông Mai, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Nhà máy được xây dựng với mục tiêu là sản xuất và xuất khẩu tấm sàn Vinyl Tiles/Plank, với công suất 13.886.000 m2/năm (tương đương khoảng 108.000 tấn sản phẩm/năm). 

Theo cám kết của nhà đầu tư, sau 12 tháng kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký, dự án sẽ được hoàn thành và đưa vào hoạt động.

Luỹ kế từ đầu năm 2021 đến nay, Quảng Ninh đã thu hút mới được 2 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 40 triệu USD. Cụ thể là dự án Nhà máy sản xuất thiết bị gia dụng, xe đạp điện Multi Sunny Việt Nam, có mức vốn 10 triệu USD và dự án Nhà máy Lioncore Việt Nam được cấp vào chiều nay. 

Hiện nay, QEZA cũng đang tiến hành thẩm định và hướng dẫn các Nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu hoặc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 6 dự án mới trong quý I/2021. Dự kiến tổng vốn đầu tư đăng ký cảủa 6 dự án này là khoảng 4.000 tỷ đồng và 33 triệu USD.

Các dự án này bao gồm: (1) Dự án đầu tư Nhà máy may tại khu nhà xưởng tiêu chuẩn số 2 Khu công nghiệp Texhong – Hải Hà do Công ty TNHH Khống chế cổ phần Hoa Lợi Đạt (Quảng Ninh) Việt Nam làm chủ đầu tư (8 triệu USD); (2) Dự án Hai Yun Việt Nam do Công ty Hai Yun Enterprise Company Limited làm chủ đầu tư (10 triệu USD); (3) Dự án Tổ hợp Nhà máy sản xuất trang thiết bị y tế tại xã Quảng Phong, huyện Hải Hà do Công ty cổ phần Phát triển giáo dục y tế Phúc Hưng làm chủ đầu tư (2.037 tỷ đồng); (4) Dự án Nhà máy sản xuất công cụ y khoa tại xã Quảng Phong, huyện Hải Hà do Công ty cổ phần Phát triển Tiến Phú làm chủ đầu tư (1.938 tỷ đồng); (5) Dự án Khu chế biến đá Cao lanh – pyrophilit Tấn Mài, xã Quảng Đức, huyện Hải Hà do Công ty cổ phần Đầu tư và Xuất nhập khẩu Quảng Ninh làm chủ đầu tư (8,5 tỷ đồng); (6) Dự án xây dựng nhà xưởng may mặc, hoàn thiện sản phẩm may mặc tiêu chuẩn cho thuê do Công ty TNHH Bắc Giang Việt Nam làm chủ đầu tư (15 triệu USD).

Một dự án khác đang được điều chỉnh tăng vốn thêm khoảng 15 triệu USD là dự án IDEAL Đông Mai tại KCN Đông Mai do TNHH In màu Lí tưởng Việt Nam làm chủ đầu tư.

Như vậy, dự kiến tổng vốn đầu tư thu hút vào các KCN, KKT của tỉnh Quảng Ninh (không bao gồm KKT Vân Đồn) trong quý I/2021 đạt khoảng 6.000 tỷ đồng (bao gồm 88 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài và 4.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước). Như vậy, Quảng Ninh sẽ đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu thu hút đầu tư quý I/2021 đối với địa bàn KCN, KKT đã đặt ra tại Kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2021 của tỉnh Quảng Ninh.

Doanh nghiệp FDI lo lắng vì bị giao việc quá khó

Việc giữ nguyên quy định doanh nghiệp có trách nhiệm thu tiền của người lao động để nộp vào Quỹ Phòng, chống thiên tai khiến nhiều doanh nghiệp FDI cảm thấy lo lắng.

Hoạt động sản xuất tại Công ty Canon Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh
Hoạt động sản xuất tại Công ty Canon Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh

Khó tuân thủ quy định

29 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong đó có Canon Việt Nam, Honda Việt Nam, Foxconn… vừa cùng ký một bản góp ý cho Dự thảo Nghị định về thành lập và quản lý Quỹ Phòng, chống thiên tai (thay thế Nghị định 83/2019/NĐ-CP và Nghị định 94/2014/NĐ-CP).

Văn bản được gửi đến Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Lo ngại lớn nhất mà các doanh nghiệp nêu là trách nhiệm thu quỹ và xây dựng kế hoạch thu Quỹ của doanh nghiệp. Cụ thể, Điều 16.2 của Dự thảo quy định: “Thủ trưởng cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thu của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cán bộ, nhân viên trong lực lượng vũ trang thuộc phạm vi quản lý và chuyển vào tài khoản của Quỹ cấp tỉnh hoặc vào tài khoản của quỹ ở cấp huyện do UBND cấp tỉnh ủy quyền”.

Vấn đề là, Nghị định hiện hành cũng quy định trách nhiệm này và doanh nghiệp đang rất khó thực hiện. Thậm chí, trong văn bản gửi các cơ quan, các doanh nghiệp cho biết, họ chưa có cách nào để thu khoản này từ người lao động.

Hơn nữa, do các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, nên không thể tổ chức được hệ thống, cơ cấu nhân sự để thu, quản lý quỹ, nếu như thu bằng tiền mặt. Nếu doanh nghiệp không cung cấp biên lai, khi người lao động chuyển việc, họ sẽ không có bằng chứng là đã đóng quỹ ở công ty cũ, khiến họ phải đóng nhiều lần.

Cũng phải nói thêm, không phải người lao động nào cũng tự giác tuân thủ các khoản nộp phải thu, nên việc này gây khó cho doanh nghiệp. Trong khi đó, doanh nghiệp có tâm lý cần giữ người cho sản xuất, nên không thể quá thúc ép người lao động, nếu họ không hợp tác.

Lo vi phạm pháp luật

Các doanh nghiệp FDI hiểu rõ ý nghĩa của Quỹ và trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật về môi trường, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và thiên tai diễn biến thất thường hiện nay. Nhưng các quy định khiến họ bị rơi vào tình thế rủi ro.

“Theo quy định của Bộ luật Lao động và Nội quy lao động, doanh nghiệp không thể khấu trừ lương của người lao động. Việc thu trực tiếp từ cá nhân bằng tiền mặt là không thể thực hiện được trong doanh nghiệp, bởi việc xử lý tiền mặt tại doanh nghiệp gây nhiều rủi ro, nguy hiểm và phức tạp”.
- Văn bản của 29 doanh nghiệp FDI gửi các bộ, ngành

Mặc dù chế tài xử lý nếu người lao động không đóng Quỹ đã có, được ghi trong Nghị định 104/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều, nhưng doanh nghiệp không thể xử phạt người lao động. Bản thân các doanh nghiệp cũng có thể là đối tượng bị phạt nếu không thu được từ người lao động.

“Chỉ riêng việc điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đã khó khăn rồi, một sơ suất nhỏ cũng có thể gây hậu quả đáng tiếc. Việc quy định doanh nghiệp có trách nhiệm thu quỹ từ người lao động và áp dụng chế tài phạt là tăng thêm trách nhiệm và gây áp lực hơn cho doanh nghiệp”, các doanh nghiệp nhấn mạnh.

Thực tế, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật bản (JCCI) đã từng có công văn trình bày khó khăn về việc này trong quá thực hiện Nghị định 94/2014/NĐ-CP, Nghị định 83/2019/NĐ-CP. Nhưng, khi Dự thảo nghị định này được công bố, hầu như những khó khăn và đề xuất mà doanh nghiệp đã nêu trong các văn bản trước đây đều chưa được giải quyết và tiếp thu.

Trong đề xuất phương án giải quyết, các doanh nghiệp kiến nghị không quy định trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc thu, lập kế hoạch thu quỹ từ người lao động. Thay vào đó, chuyển trách nhiệm về một đầu mối là UBND cấp xã nơi người lao động đăng ký thường trú, tạm trú. Trường hợp không thay đổi trách nhiệm của doanh nghiệp, thì cần làm rõ cách xử lý đối với các vướng mắc, khó khăn trên.

Về việc này, VCCI đã có đề nghị sửa đổi quy định theo hướng doanh nghiệp chỉ nộp phần nghĩa vụ của mình, còn phần đóng góp của người lao động thì do người lao động tự đóng.

Công ty của Hoa Kỳ nghiên cứu đầu tư 135 triệu USD vào Khu CNC Đà Nẵng

Công ty AREVO INC, một doanh nghiệp Hoa Kỳ chuyên về công nghệ in 3D dự kiến đầu tư 135 triệu USD vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng.

Khu công nghệ cao TP.Đà Nẵng.
Khu công nghệ cao TP.Đà Nẵng.

Ban Quản lý Khu công nghệ cao (CNC) và các khu công nghiệp (KCN) Đà Nẵng cho biết Công ty AREVO INC của Hoa Kỳ dự kiến sẽ dự kiến đầu tư 135 triệu USD vào Đà Nẵng. 

Ông Phạm Trường Sơn, Trưởng BQL Khu CNC và các KCN Đà Nẵng cho biết, đơn vị vừa giới thiệu vị trí lô đất A13 – Khu sản xuất công nghệ cao cho Dự án Nhà máy sản xuất máy in 3D, dịch vụ phần mềm, giải pháp thiết kế, sản xuất vật liệu và sản phẩm composite sợi carbon in 3D của công ty AREVO INC. (Hoa Kỳ).

Công ty AREVO INC. là Công ty khởi nghiệp về công nghệ in 3D được thành lập năm 2013 tại Hoa Kỳ. Riêng trong năm 2020, AREVO INC. trải qua vòng gọi vốn Series B kêu gọi được 26,2 triệu USD. Tổng vốn mà Arevo đã kêu gọi được qua các vòng đến nay đã đạt 57 triệu USD. Theo chiến lược phát triển quy mô đầu tư, AREVO INC. chuyển hướng chiến lược mở rộng quy mô Dự án chuyển ra đầu tư tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng để nắm bắt cơ hội, thị trường của ngành công nghiệp in 3D. Trước đó, doanh nghiệp này đã đề xuất Dự án có quy mô vốn 135 triệu USD với diện tích 10.68 ha tại Khu CNC Đà Nẵng.

Dự án sản xuất các sản phẩm chính bao gồm nhóm sản phẩm in 3D vật liệu composite sợi carbon nền polymer và nhóm sản phẩm thiết bị, phần mềm in 3D.

Công nghệ chính được nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trong Dự án là công nghệ in 3D (hay còn gọi là công nghệ đắp dần) cho phép sản xuất các sản phẩm tiết kiệm vật liệu và thay thế các sản phẩm gia công truyền thống như CNC và công nghệ sản xuất vật liệu composite vợi carbon nhanh. Công nghệ của dự án in 3D đã trải qua một giai đoạn nghiên cứu – phát triển và đang chuyển sang giai đoạn ứng dụng, được Thủ tướng Chính phủ quy định trong các Danh mục công nghệ cao ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục công nghệ ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng nhằm chủ đồng tham gia cuộc Cách mạng lần thứ thư.

Dự án áp dụng giải pháp công nghệ tối ưu, sáng tạo giữa sản phẩm và công nghệ cho phép khắc phục nhược điểm, phát huy ưu điểm của vật liệu composite nhờ công nghệ in 3D. Bên cạnh đó, các sản phẩm, công nghệ của dự án phù hợp với nhu cầu thị trường ở thời điểm hiện tại ở Việt Nam và trên thế giới, có tính khả thi để sản xuất ở quy mô công nghiệp và được dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ trong thập kỉ tới. Bên cạnh đó, các sản phẩm, công nghệ của dự án phù hợp với nhu cầu thị trường ở thời điểm hiện tại, có tính khả thi để sản xuất ở quy mô công nghiệp.

Bộ GTVT lên tiếng về khoản nợ giải phóng mặt bằng tại Dự án BOT Quốc lộ 38

Khoản nợ tiền đền bù giải phóng mặt bằng đối với người dân huyện Bình Giang, Hải Dương tại Dự án BOT Quốc lộ 38 sẽ được Bộ GTVT và nhà đầu tư tìm nguồn xử lý dứt điểm.

Do vướng mắc về nguồn vốn tín dụng nên hiện Công ty Cổ phần BOT38 vẫn chưa thanh toán tiền cho Hội đồng giải phóng mặt bằng huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.
Do vướng mắc về nguồn vốn tín dụng nên hiện Công ty Cổ phần BOT38 vẫn chưa thanh toán tiền cho Hội đồng giải phóng mặt bằng huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.

Đây là nội dung trong công văn số 836/BGTVT – CQLXD vừa được Bộ GTVT gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương liên quan đến kiến nghị của cử tri tỉnh Hải Dương đối với Dự án BOT đầu tư cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 38.

Bộ GTVT cho biết là Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 38 đoạn nối Quốc lộ 1 với Quốc lộ 5 qua địa phận tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương theo hình thức hợp đồng BOT do Công ty Cổ phần BOT 38 làm Chủ đầu tư.

Theo kế hoạch ban đầu, thời điểm hoàn thành dự án theo hợp đồng BOT là 30/4/2016. Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện do vướng mắc trong công tác GPMB qua địa phận tỉnh Hải Dương nên dự án hoàn thành công tác thi công xây dựng từ tháng 11/2017 và thực hiện thu phí hoàn vốn từ ngày 10/4/2018.

Trong quá trình thực hiện công tác GPMB do có sự thay đổi về nguồn gốc đất đã làm tăng kinh phí GPMB (khoảng 11,26 tỷ đồng) so với Tổng mức đầu tư được duyệt. Để có cơ sở giải ngân phần kinh phí GPMB tăng thêm, vào đầu tháng 7/2018, Bộ GTVT đã chấp thuận việc sử dụng nguồn kinh phí dự phòng của dự án để thanh toán kinh phí GPMB còn thiếu của dự án.

Công ty cổ phần BOT 38 đã nhiều lần đề nghị ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn – Hà Nội (SHB) giải ngân kinh phí dự phòng trong Tổng mức đầu tư dự án để thanh toán kinh phí GPMB.

Tuy nhiên do việc kéo dài thời gian thi công dự án (bắt đầu thu phí chậm khoảng 2 năm so với dự kiến), đồng thời doanh thu của dự án không đạt so với phương án tài chính ban đầu theo Hợp đồng BOT (lưu lượng xe qua trạm thu phí giảm so với dự báo). Do đó, SHB đã đưa vào khoản nợ xấu, đồng thời dừng giải ngân tất cả các khoản kinh phí đối với các hạng mục công việc trong giai đoạn thực hiện dự án. Công ty Cổ phần BOT 38 chưa thương thảo được với SHB về việc tiếp tục giải ngân đối với các khoản chi phí đã thực hiện của dự án.

Bộ GTVT cho biết là trong thời gian tới, Bộ này sẽ tiếp tục chỉ đạo Ban Quản lý dự án 2 và tăng cường đôn đốc Nhà đầu tư, Công ty Cổ phần BOT 38 làm việc với SHB, có giải pháp để huy động nguồn vốn bố trí kinh phí thanh toán cho Hội đồng GPMB địa phương trong thời gian sớm nhất; đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện công tác quyết toán dự án làm cơ sở để phê duyệt điều chỉnh cơ cấu Tổng mức đầu tư, điều chỉnh phương án tài chính của dự án.

Quảng Trị xem xét thu hồi đại dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy

Dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy thuộc Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị đang được chính quyền tỉnh xem xét thu hồi do chưa hoàn thiện nhiều thủ tục quan trọng để triển khai.

Xem xét lại năng lực tài chính của nhà đầu tư 

Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị vừa có cuộc làm việc với chủ đầu tư Dự án Khu Bến cảng Mỹ Thủy là Công ty CP liên doanh Cảng quốc tế Mỹ Thủy và Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam về tình hình thực hiện nói trên. Được biết, từ tháng 1/2019, Dự án được tỉnh Quảng Trị trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng.

Được coi là dự án trọng điểm, hứa hẹn tạo đột phá trong thu hút đầu tư, nên ngay từ cuối tháng 2/2020, nhà đầu tư đã tổ chức lễ khởi công xây dựng Dự án có quy mô rộng 685 ha, gồm 10 bến cảng phát triển theo 3 giai đoạn. Giai đoạn I (2018 - 2025) đầu tư 4 bến, với nguồn vốn gần 5.000 tỷ đồng, giai đoạn II (2026 - 2031) đầu tư 3 bến; giai đoạn III (2032 - 2036) đầu tư 3 bến. Tổng vốn đầu tư dự án là 14.234 tỷ đồng, trong đó, vốn góp của nhà đầu tư là 2.143 tỷ đồng; vốn huy động và vốn khác là 12.091 tỷ đồng.

Với mục tiêu xây dựng khu bến cảng chuyên dung, phục vụ chủ yếu cho các cơ sở công nghiệp trong Khu kinh tế Đông Nam, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; kết hợp, thu hút lượng hàng quá cảnh cho Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, Dự án vẫn chưa hoàn thiện nhiều thủ tục đầu tư quan trọng như chưa hoàn thành các thủ tục thẩm định, phê duyệt thiết kế cơ sở, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép xây dựng. Cho đến thời điểm này, nhà đầu tư vẫn không có giải pháp, kế hoạch thực hiện phù hợp để đẩy nhanh tiến độ và chưa đề xuất giải pháp, kế hoạch phù hợp để giải quyết vấn đề trên. Theo nhận định từ phía chính quyền tỉnh Quảng trị, một trong những nguyên nhân khiến việc triển khai Dự án bị chậm trễ là sự hạn chế về năng lực của nhà đầu tư.

Những lý do trên đã hội đủ điều kiện để tỉnh Quảng Trị dừng việc thực hiện Dự án đối với nhà đầu tư theo quy định của pháp luật và trình Thủ tướng, các bộ, ngành chọn nhà đầu tư khác có đủ năng lực để thực hiện Dự án.

Tháng 9/2020, tại buổi làm việc với Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị về tiến độ triển khai Dự án, đại diện Công ty CP liên doanh Cảng quốc tế Mỹ Thủy cho biết: “Do ảnh hưởng bởi Covid-19 nên các đơn vị tài trợ vốn cho dự án có yếu tố ngoài lãnh thổ Việt Nam bị chậm trễ trong giao dịch, hơn nữa, đây là công trình cấp đặc biệt, khối lượng công việc lớn, liên quan đến nhiều bộ, ngành, nên thời gian thẩm định kéo dài là nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ của dự án”.

Nhà đầu tư cho biết thêm, họ vẫn đang chủ động cùng với các đối tác tìm kiếm giải pháp, phương án thay thế phù hợp trong thời gian sớm nhất có thể.

Ông Phạm Ngọc Minh, Trưởng ban Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị cho biết, đơn vị đã yêu cầu nhà đầu tư báo cáo khả năng huy động vốn để thực hiện Dự án, kèm theo văn bản cam kết của các đơn vị cam kết hỗ trợ tài chính (có chứng thực theo quy định pháp luật), nhằm phối hợp tìm hướng xử lý, nhưng đến nay, địa phương vẫn chưa nhận được.

“Dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy đã chậm tiến độ trên 22 tháng và nhà đầu tư vẫn chưa hoàn thành các thủ tục quan trọng để triển khai đầu tư quan trọng hơn, họ vẫn chưa đưa ra giải pháp, kế hoạch thực hiện phù hợp để đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án”, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị cho hay.

Theo đó UBND tỉnh này đã thống nhất như đề xuất của các sở, ban, ngành địa phương trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành thay đổi nhà đầu tư đảm bảo năng lực, kinh nghiệm và tài chính để triển khai thực hiện Dự án.

Không để tuột mất kỳ vọng 

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết, tỉnh Quảng Trị có chính sách ưu tiên thu hút các dự án đầu tư vào Khu kinh tế Đông Nam, đặc biệt là các dự án về năng lượng, cảng biển, du lịch.

Theo ông Hưng, từ tháng 12/2020, Chính phủ đã đồng ý lựa chọn 8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025, trong đó có Khu kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo. Chính sách này tạo thêm động lực để phát triển Khu kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo gắn với định hướng phát triển đô thị, thương mại dịch vụ logistics xuyên biên giới.

Ngoài ra, tỉnh tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, trong đó, phát triển Khu công nghiệp Nam Đông Hà theo hướng công nghiệp sạch, công nghiệp công nghệ cao; tiếp tục thu hút các dự án đầu tư phù hợp vào Khu công nghiệp Quán Ngang và Khu công nghiệp Tây Bắc Hồ Xá.

Trước đó, tháng 11/2015, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định về việc thành lập Khu kinh tế Đông Nam, có diện tích 23.700 ha trên địa bàn 17 xã, thị trấn ven biển thuộc 3 huyện Hải Lăng, Triệu Phong và Gio Linh. Đây là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành với định hướng phát triển thành trung tâm giao thương quốc tế; trung tâm công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, sản xuất vật liệu xây dựng, điện năng, du lịch, thương mại dịch vụ, cảng biển… góp phần phát triển  kinh tế - xã hội của địa phương kết nối với Hành lang kinh tế Đông-Tây.

Số liệu từ Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, đến nay trong 170 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư với tổng số vốn đăng ký 97.400 tỷ đồng đã có gần 110 dự án đi vào hoạt động, các dự án còn lại đang triển khai xây dựng.

“Hiện nay, khu vực này đã xuất hiện những dự án chủ lực về nhiệt điện, hạ tầng và nhiều dự án về khu du lịch nghỉ dưỡng đẳng cấp khác đang được thực hiện triển khai, vì thế, địa phương không thể vì một vài dự án chậm trễ, không xử lý mà để tuột mất kỳ vọng vào khu vực được xác định là động lực tăng trưởng kinh tế của địa phương trong tương lại”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng nói.

Hơn 2.200 tỷ đồng đầu tư hai nhà máy điện gió ở Đắk Lắk

Công ty TNHH Đầu tư VNM (Singapore) sẽ đầu tư xây dựng hai nhà máy điện gió với tổng công suất 70 MW, vốn đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng tại tỉnh Đắk Lắk.

Một Dự án điện gió triển khai trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
Một dự án điện gió triển khai trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

UBND tỉnh Đắk Lắk vừa cấp quyết định chủ trương đầu tư nhà máy điện gió cho Công ty TNHH Đầu tư VNM (Singapore). Theo đó, UBND tỉnh Đắk Lắk cấp quyết định chủ trương đầu tư xây dựng 2 nhà máy điện gió tổng công suất 70 MW, vốn đầu tư hơn 2.210 tỷ đồng cho Công ty TNHH Đầu tư VNM.

Nhà máy điện gió Beta đầu tư tại các phường Đạt Hiếu, An Bình, Đoàn Kết, Thống Nhất, Bình Tân và xã Cư Bao (thị xã Buôn Hồ), xã Ea Ngai (huyện Krông Búk) và xã Ea Tul (huyện Cư M’gar), diện tích 10,9 ha, công suất 50 MW, tổng mức đầu tư 1.560 tỷ đồng. 

Còn Nhà máy điện Alpha VNM được đầu tư tại xã Ea Sol, Đliê Yang và Ea Hiao (huyện Ea H’leo), diện tích gần 6,5 ha, công suất 20 MW, tổng mức đầu tư 650 tỷ đồng.

Tiến độ thực hiện 2 dự án này là 24 tháng kể từ thời điểm cấp quyết định chủ trương đầu tư, thời gian hoạt động 50 năm, được hưởng ưu đãi về tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu theo quy định.

Với tiềm năng lớn về điện gió, điện mặt trời, tỉnh Đắk Lắk đặt mục tiêu trở thành Trung tâm năng lượng của vùng Tây Nguyên. Phấn đấu, giai đoạn 2020-2025, phát triển năng lượng tái tạo đạt công suất 2.000 - 3.000MW; Giai đoạn 2026-2030 là 3.000-4.000MW … Tại Đắk Lắk, năng lượng tái tạo có thể phát triển điện gió đạt công suất khoảng 10.000MW, điện mặt trời đạt khoảng 16.000MWp, điện sinh khối đạt khoảng 120MW.

Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk  đã có 29 dự án đăng ký đầu tư vào điện mặt trời, với tổng công suất 11.500MWp. Đến nay, đã có 10 dự án điện mặt trời được chấp thuận bổ sung vào quy hoạch, triển khai đầu tư xây dựng với tổng công suất 960MWp. Trong đó, đã có 5 dự án phát điện thương mại với tổng công suất 190 MWp. Về điện gió, có 47 dự án đăng ký đầu tư tại Đắk Lắk, với tổng công suất khoảng 10.000MW.

Chính thức dừng đầu tư đoạn Hòa Liên - Túy Loan theo hình thức BT

Đoạn tuyến Hòa Liên - Túy Loan (Đà Nẵng) sẽ được tách ra khỏi Dự án BT đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan để triển khai theo hình thức đầu tư công.

Dự án BT La Sơn - Túy Loan, đoạn Km 66- Km 77+550 (Hòa Liên- Túy Loan) mở rộng quy mô mặt đường cao tốc vẫn đang dậm chân tại chỗ do vướng mắc giải phóng mặt bằng.
Dự án BT La Sơn - Túy Loan, đoạn Km 66- Km 77+550 (Hòa Liên- Túy Loan) mở rộng quy mô mặt đường cao tốc vẫn đang dậm chân tại chỗ do vướng mắc giải phóng mặt bằng.

Bộ Giao thông - Vận tải vừa có công văn gửi Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, Công ty TNHH Đầu tư BT Cam Lộ - Túy Loan về phương án đầu tư đoạn Hòa Liên - Túy Loan thuộc dự án đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan.

Theo đó, Bộ Giao thông - Vận tải yêu cầu các đơn vị nói trên dừng triển khai đoạn tuyến Hòa Liên - Túy Loan thuộc dự án đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan theo hình thức Hợp đồng BT, toàn bộ phần vốn dư còn lại sẽ sử dụng để trả nợ gốc khoản vay sau khi được ngân hàng cung cấp tín dụng và cơ quan bảo hiểm khoản vay (NEXI) chấp thuận.

Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, Công ty TNHH Đầu tư BT Cam Lộ - Túy Loan được giao khẩn trương hoàn thiện việc nghiệm thu, phê duyệt khối lượng hoàn thành, thanh quyết toán, bàn giao đoạn La Sơn - Hòa Liên và khối lượng dở dang của đoạn Hòa Liên - Túy Loan làm cơ sở thanh toán cho dự án theo quy định.

Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan cần sớm hoàn thiện các thủ tục để sử dụng nguồn vốn NSNN đã được bố trí để thanh toán vốn vay nước ngoài của dự án đúng tiến độ, tuân thủ đúng Nghị quyết số 192/NQ-CP ngày 31/12/2020 và quy định pháp luật; làm việc với ngân hàng cung cấp tín dụng và cơ quan bảo hiểm khoản vay (NEXI) để thống nhất phương án sử dụng phần vốn dư còn lại để trả nợ gốc của khoản vay.

Bộ Giao thông - Vận tải giao Vụ Kế hoạch đầu tư phối hợp với Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh hoàn thiện các thủ tục có liên quan đảm bảo có thể sử dụng nguồn NSNN đã được bố trí để thanh toán khoản vay nước ngoài của dự án đảm bảo đúng hạn; thực hiện các thủ tục để đưa đoạn Hoà Liên - Tuý Loan vào danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và kịp thời bố trí nguồn vốn NSNN trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để đầu tư hoàn thiện đoạn tuyến Hòa Liên - Túy Loan theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, tại Thông báo số 14/TB-VPCP ngày 18/1/2021, Thủ tướng chấp thuận chủ trương dừng triển khai đoạn tuyến Hòa Liên - Túy Loan thuộc Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan theo hình thức Hợp đồng BT. Toàn bộ phần vốn dư còn lại sẽ sử dụng để trả nợ gốc của khoản vay sau khi được Tổ chức bảo hiểm hỗ trợ xuất nhập khẩu Nhật Bản (NEXI) chấp thuận như kiến nghị của Bộ GTVTvà ý kiến của các Bộ tại cuộc họp.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông - Vận tải trình cấp có thẩm quyền đưa đoạn Hòa Liên - Túy Loan thuộc Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan vào danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo quy định; chịu trách nhiệm bố trí dự toán vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch đầu tư công hàng năm theo quy định để đầu tư hoàn thiện đoạn tuyến Hòa Liên-Túy Loan theo quy mô đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Được biết, trên cơ sở chủ trương đầu tư được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, Bộ Giao thông - Vận tải đã phê duyệt phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 Dự án BT đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan (chiều dài khoảng 77,5 km) với quy mô 2 làn xe, nền đường rộng 12m (trước mắt chỉ đầu tư 66km đoạn La Sơn - Hòa Liên, 11,5km đoạn Hòa Liên - Túy Loan giữ nguyên đường hiện trạng đang khai thác, chưa đầu tư mở rộng), tổng mức đầu tư dự án là 11.485 tỷ đồng.

Dự án triển khai theo hình thức Hợp đồng BT, vay vốn ngân hàng Nhật Bản có bảo lãnh Chính phủ (khoản vay 510 triệu USD tương đương phần vốn Nhà đầu tư phải huy động để thực hiện dự án khoảng 10.500 tỷ đồng).

Trong quá trình triển khai, để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư, đảm bảo kết nối với tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đang được đầu tư, cũng như cân đối nguồn vốn đầu tư còn lại của dự án (khoảng 2.000 tỷ đồng), Bộ GTVT đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho phép sử dụng phần vốn còn lại của dự án để mở rộng nền, mặt đường đoạn Hòa Liên - Túy Loan đảm bảo quy mô cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh.

Hiện nay, đoạn La Sơn - Hòa Liên đã hoàn thành và đang thực hiện các thủ tục để bàn giao đưa dự án vào vận hành khai thác. Trong khi đó, đoạn Hòa Liên - Túy Loan tiến độ triển khai chậm do nhiều vướng mắc về công tác GPMB nên đến nay sau 4 năm triển khai mới bàn giao được khoảng 1,5 km/11,5km với sản lượng thực hiện được khoảng 10% giá trị.

Với tình hình công tác giải phóng mặt bằng đoạn Hòa Liên – Túy Loan không được cải thiện, dự án rất khó hoàn thành đúng kế hoạch (dự kiến hoàn thành trong năm 2022), có thể ảnh hưởng lớn đến hiệu quả đầu tư. Vì vậy một số bộ ngành đã kiến nghị dừng triển khai đoạn tuyến và tiếp tục khai thác với quy mô hiện tại, phần vốn còn dư của dự án sẽ trả nợ gốc ngân hàng và nghiên cứu bố trí nguồn vốn NSNN giai đoạn 2021-2025 để thực hiện đồng bộ đoạn tuyến.

Đồng Nai đẩy nhanh xây dựng Khu tái định cư Sân bay Long Thành

Thời điểm cận tết Tân Sửu nhà thầu trên công trường xây dựng Khu tái định cư sân bay Long Thành (tỉnh Đồng Nai) vẫn hối hả thi công để đẩy nhanh tiến độ dự án đặc biệt quan trọng.

Thời tiết nắng ráo, thuận lợi nên các nhà thầu tập trung cao độ nhân công, thiết bị thi công xây dựng cả ca đêm, ngày nghỉ lễ và chủ nhật để đẩy nhanh tiến độ.
Thời tiết nắng ráo, thuận lợi nên các nhà thầu tập trung cao độ nhân công, thiết bị thi công xây dựng cả ca đêm, ngày nghỉ lễ và chủ nhật để đẩy nhanh tiến độ.

Hối hả thi công ngày, đêm 

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đốc Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai cho biết trên công trường dự án thành phần Hệ thống hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư, tái định cư Lộc An- Bình Sơn các nhà thầu đang tiếp tục triển khai thi công trên toàn công trường.

“Thời gian qua thời tiết nắng ráo, thuận lợi cho thi công nên Ban quản lý dự án đốc thúc các nhà thầu tập trung cao độ nhân công, thiết bị để thi công xây dựng. Duy trì thi công ca đêm, thi công trong ngày nghỉ lễ và chủ nhật. Các nhà thầu khẩn trương tập trung thi công để đẩy nhanh tiến độ, đồng thời đảm bảo yêu cầu kỹ thuật", ông Tuấn nói và cho biết hiện 5 gói thầu ưu tiên bao gồm: xây dựng tuyến thoát nước ngoài ranh, 4 tuyến đường chính D1, D18, N23, N39 đạt tiến độ rất khả quan.

Theo đó, các tuyến N23 và N39 đã thi công xong 2 lớp bê tông nhựa nóng C19 và C12.5 đồng thời cơ bản hoàn thành lát gạch vỉa hè, tiếp tục hoàn thiện thi công hệ thống chiếu sáng, triển khai trồng cây xanh trên toàn tuyến. Dự kiến đến ngày 31/1 hai tuyến này sẽ hoàn thành toàn bộ công tác xây dựng, trồng cây xanh.

Ông Nguyễn Anh Tuấn cũng cho biết thêm các tuyến D1, D18 cũng đã hoàn thành 99% lớp bê tông nhựa nóng song song với phần mặt đường, đang tiếp tục triển khai làm nền và lát gạch vỉa hè, thi công hệ thống chiếu sáng, ống viễn thông. Đến thời điểm ngày 31/1 sẽ hoàn thành toàn bộ công tác thảm bê tông nhựa nóng, cơ bản hoàn thành công tác lát gạch vỉa hè và trồng cây xanh.

Theo Ban quản lý dự án thì đối với tuyến thoát nước ngoài ranh cũng cơ bản hoàn thành thi công phần cống trên đoạn tuyến đã được bàn giao mặt bằng. Nhà thầu tiếp tục thi công lấp phui đào và tái lập nền đường trên cống. Ban này cũng đã chuyển tiền bồi thường, đang chờ hội đồng bồi thường thực hiện các thủ tục tiếp theo để bàn giao đất để tổ chức thi công.

Ngoài 5 gói thầu ưu tiên nói trên, tiến độ các gói thầu xây dựng 12 khu và các gói thầu hệ thống điện, hệ thống cấp nước cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Các nhà thầu đang triển khai lu lèn nền đường, thi công lớp đá mi lớp 1 và 2. Một số gói thầu đã thảm đại trà lớp bê tông nhựa nóng và lắp đặt cống thoát nước, hố ga, gối cống. Cụ thể, Khu 4 đã thi công xong hệ thống thoát nước mưa, hoàn thành 60% khối lượng hệ thống thoát nước thải và đến ngày 31/1 sẽ hoàn thành thảm bê tông nhựa nóng, hoàn thành 100% hệ thống thoát nước; Khu 5 thi công xong hai lớp đá mi, cấp phối đá dăm Dmax 37.5, thảm lớp bê tông nhựa nóng C19, C12.5 toàn bộ 10 tuyến đường, hoàn thành thi công hệ thống thoát nước mưa. Đối với các khu vực còn lại (từ Khu 7 đến Khu 11) tiến độ thi công cũng được đẩy lên cao độ và cũng cơ bản hoàn thành khối lượng các hạng mục chính trong vài ngày tới đây.

Ông Nguyễn Anh Tuấn đánh giá: nhìn chung đến ngày 31/1 toàn khu sẽ hoàn thành công tác thảm bê tông nhựa nóng C19; bốn tuyến đường ưu tiên N23, N39, D1, D18 và 8 khu khác hoàn thành toàn bộ công tác thảm bê tông nhựa nóng.

Rốt ráo lựa chọn nhà thầu hạ tầng xã hội 

Theo Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai ngoài hạ tầng kỹ thuật thì Ban này cũng đang khẩn trương các bước chuẩn bị đầu Dự án thành phần Các công trình xã hội thuộc Khu dân cư, tái định cư Lộc An- Bình Sơn sân bay Long Thành.

Lãnh đạo Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng cho biết hàng loạt các tiểu dự án hạ tầng xã hội đã đực tỉnh Đồng Nai phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu và Ban này đang tổ chức lựa chọn nhà thầu xây lắp. Đó là các tiểu dự án Trường Mầm non 1, diện tích đất 11.923m2 (tại lô đất có kí hiệu I-DG-2); Trường Mầm non 3, diện tích 5.222m2 (tại lô đất có kí hiệu III-GD-2); Trường Tiểu học tại lô III-GD-4 với diện tích14.697m2; Trường Trung học cơ sở tại lô III-GD-5, diện tích đất khoảng 15.959m2; Trung tâm văn hóa tại lô II-CC (diện tích đất khoảng 2.387m2)…

Ngoài tiểu dự án Trụ sở UBND xã tại lô đất có kí hiệu III-CC-1 đã ký kết hợp đồng thi công khởi công ngày thì nhiều tiểu dự án khác như Trường Mầm non 2 (tại lô đất I-DG-3), Chợ tại lô II-TM-1, Trường Tiểu học tại lô I-GD-1, Trường Mầm non 4 tại lô đất II-NT-2, Trường Trung học cơ sở tại lô II-TH-2 đang được Ban quản lý dự án hoàn tất khâu lập các thủ tục đầu tư xây dựng.

 

Tới đầu tháng 2/2021, nhiều gói thầu xây lắp tại Dự án Khu tái định cư Lộc An- Bình Sơn cơn bản được hoàn thành.

Theo báo cáo của Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai thì công tác bố và giải ngân vốn cho dự án Khu dân cư, tái định cư Lộc An- Bình Sơn và Phân khu III Khu dân cư, tái định cư Bình Sơn, thuộc dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không Quốc tế Long Thành được tỉnh Đồng Nai quan tâm chỉ đạo thực hiện rất quyết liệt. Theo đó, lượng vốn phân bổ trong năm 2020 theo đề nghị điểu chỉnh của Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng khoảng 1.270 tỷ đồng. Tính đến 30/12/2020 lũy kế giải ngân vốn theo kế hoạch năm 2020 đạt 821,756 tỷ đồng và dự kiến tiếp tục giải ngân kế hoạch vốn năm 2020 khoảng 90,641 tỷ đồng nâng con số giải ngân cả năm lên khoảng 912,397 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết ước giải ngân cả năm 2020 của dự án thành phần hạ tầng kỹ thuật Khu tái định cư Lộc An- Bình Sơn giảm khoảng 287,6 tỷ đồng so với đề xuất điều chỉnh giảm vốn. Nguyên do là một số khoản điều chỉnh giảm có giá trị lớn do điều chỉnh cự ly vận chuyển đất từ bãi rác Quang Trung (cự ly 40km) về bãi tại xã An Phước huyên Long Thành (cư ly 13km). Kế đến là đối với gói thầu trạm xử lý nước thải có quá trình lựa chọn nhà thầu kéo dài hơn kế hoạch do đó giảm không tạm ứng hợp đồng và không có khối lượng thanh toán. Ngoài ra, dự án thành phần hạ tầng xã hội Khu tái định cư Lộc An- Bình Sơn giải ngân giảm 37,4 tỷ đồng vì chỉ tạm ứng được đối với tiểu dự án trụ sở UBND xã, không tạm ứng hợp đồng các gói thầu thi công xây dựng khác.

Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai đã có văn bản xin bố trí kế hoạch vốn năm 2021 để giải ngân cho các nhà thầu có khối lượng thực hiện sau 31/12/2020. Hiện nay, tỉnh Đồng Nai tập trung lo ổn định cuộc sống người dân bị giải phóng mặt bằng vùng dự án sân bay Long Thành, trong đó đẩy nhanh xây dựng khu tái định cư. Mục tiêu là hoàn thành giao thông khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn vào cuối tháng 1.2021”.

“Việc tái định cư cho 4.330 hộ gia đình, cá nhân bị giải tỏa trắng và thuộc diện phải bố trí tái định cư vào Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Ngay khi điều kiện thời tiết thuận lợi Ban quản lý dự án đã yêu cầu các nhà thầu tập trung nhân lực, vật lực tối đa đẩy nhanh tiến độ thi công các gói thầu ưu tiên, nhất là các gói thầu xây dựng 4 tuyến đường giao thông chính, dự kiến hoàn thành cơ bản các tuyến đường giao thông chính này trong vài ngày tới đây”, ông Tuấn nói và cho biết càng cần tết nhịp độ thi công trên toàn công trường tái định cư sân bay Long Thành càng hối hả.

Quảng Trị: Điều chỉnh chủ trương đầu tư hai dự án nhà máy điện gió
Ngày 4/2, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng ký các quyết định về việc chấp thuận chủ trương điều chỉnh 02 dự án Nhà máy điện gió...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư