CTCK Bản Việt (VCSC)

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB) vừa công bố kết quả lợi nhuận 2017 với lợi nhuận ròng đạt 6.400 tỷ đồng, tăng 64% so với năm 2016 và vượt mục tiêu do ban lãnh đạo đề ra 11% nhưng phù hợp với dự báo của chúng tôi. Với kết quả này, chúng tôi có thể sẽ điều chỉnh tăng giá mục tiêu vì lý do của sự cải thiện trên là nhờ tình hình các hoạt động kinh doanh cốt lõi khả quan.

Cụ thể, thu nhập lãi thuần tăng 36% so với năm 2016, chiếm 82% tổng thu nhập từ HĐKD nhờ tăng trưởng tín dụng mạnh và NIM tăng. Phí dịch vụ và hoa hồng cũng tăng mạnh 70%, chiếm 23% lợi nhuận ròng.

Bên cạnh đó, chi phí được quản lý chặt chẽ trong năm 2017, qua đó tỷ lệ chi phí/thu nhập đến cuối năm 2017 giảm xuống 35% từ 39% năm 2016. Đây là tỷ lệ thấp nhất trong số các ngân hàng chúng tôi theo dõi.

Tăng trưởng tín dụng năm 2017 đạt 26,3% trong khi tiền gửi chỉ tăng 8%. Tuy nhiên, bù lại huy động từ giấy tờ có giá tăng 36%. Chúng tôi ước tính tỷ lệ tín dụng/huy động năm 2017 đạt 77%, vẫn dưới mức trần 80%. Tính đến cuối năm 2017, VPB có hệ số vốn chủ sở hữu là 9,35 lần, vào loại thấp nhất trong số các ngân hàng Việt Nam và xấp xỉ các ngân hàng lành mạnh khác tại các thị trường mới nổi và cận biên.

Lợi suất tài sản năm 2017 tăng 142 điểm cơ bản nhờ cơ cấu tín dụng lành mạnh. Về chi phí vốn, tỷ lệ CASA tính chung năm 2017 là 15%, cao hơn so với 10% ở quý III/2017 và 12% năm 2016, qua đó chi phí vốn quý IV/2017 giảm 6 điểm cơ bản so với quý III/2017. Chi phí vốn và NIM tính chung năm 2017 đạt lần lượt 6,1% (tăng 61 điểm cơ bản) và 8,8% (tăng 102 điểm cơ bản).

Thu nhập từ phí dịch vụ năm 2017 tăng 70%, cải thiện mạnh sau khi giảm 4% trong năm 2016, chủ yếu là tiền phí thẻ tín dụng. Hoạt động bancassurance (bán bảo hiểm thông qua ngân hàng) dự kiến năm 2018 sẽ tăng tốc và mang lại 400-500 tỷ đồng thu nhập từ phí thông qua một hợp đồng độc quyền thời hạn 15 năm vừa ký với AIA. Hợp đồng bancassurance chưa được phản ánh vào báo cáo cập nhật trước đây của chúng tôi.

Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất tính đến cuối năm 2017 là 3,39%, tăng 48 điểm cơ bản so với cuối năm 2016. Tuy nhiên, ngân hàng không gặp nhiều rủi ro về thời hạn và nợ xấu gia tăng đã được xóa. Chi phí tín dụng của VPB năm 2017 là 4,38% (tăng 71 điểm cơ bản, cao nhất ngành ngân hàng Việt Nam, do mảng tài chính tiêu dùng). Tính đến cuối năm 2017, giá trị nợ xấu là 6.200 tỷ đồng và VPB xóa nợ 6.600 tỷ đồng. Chúng tôi cho rằng VPB với chiến lược quản lý rủi ro tốt sẽ đối phó với diễn biến chu kỳ tín dụng hiệu quả hơn so với các ngân hàng khác trong nước.

2. Khả năng sẽ điều chỉnh tăng giá mục tiêu của GAS

CTCK Bản Việt (VCSC)

Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS) đã công bố kết quả kinh doanh mạnh mẽ 2017. Cụ thể, doanh thu đạt 64,5 nghìn tỷ đồng (tăng 9,3% so với năm trước) trong khi lợi nhuận sau thuế tăng mạnh đạt 9,7 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 37,7%) khi giá dầu nhiên liệu và LPG tăng mạnh lần lượt 41,1% và 42,8%, dù sản lượng khí khô giảm 7,6%.

Lợi nhuận 2017 đạt 95,3% dự báo 2017 của chúng tôi.

Chúng tôi có kế hoạch nâng dự báo lợi nhuận thường xuyên năm 2018 với giả định giá dầu nhiên liệu cao hơn và xác nhận sự đóng góp từ mỏ khí Phong Lan Dại. Chúng tôi do đó nhiều khả năng sẽ điều chỉnh tăng giá mục tiêu trong báo cáo cập nhật sắp tới.

3. Mức giá mục tiêu đối với DPM là 30.000 đồng/CP

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí-CTCP  (mã DPM) đang trong xu hướng tăng mạnh.

Chỉ báo ADX tăng, kết hợp với xu hướng tăng và phân kỳ bên trên đường tín hiệu của đường MACD, cho thấy xu hướng tăng giá sẽ còn tiếp tục. Chỉ báo MFI duy trì ổn định ở mức cao, cho thấy cổ phiếu có thanh khoản tốt.

Chỉ báo RSI tăng, củng cố xu hướng tăng giá. Cổ phiếu sẽ tiếp tục tăng trong các phiên tới.

Vì vậy, chúng tôi đưa ra khuyến nghị mức giá mua 23.000 – 24.000 đồng/CP, giá mục tiêu 30.000 đồng/CP, cắt lỗ tại 22.030 đồng/CP.