Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
3 cổ phiếu cần quan tâm phiên 3/12
P.V - 03/12/2013 08:04
 
Đầu tư lược trích báo cáo phân tích các cổ phiếu cần quan tâm của một số công ty chứng khoán cho phiên 3/12.

1- TDH: Tiếp tục mua vào

(CTCK Maybank KimEng - MBKE)

TDH liên tục tạo lập mức cao hơn kể từ tháng Chín trở lại đây, cho thấy cổ phiếu này trong xu hướng tăng. Yếu tố thuận lợi khác của TDH là thuộc nhóm cổ phiếu bất động sản, vốn có dòng tiền tốt và có mức hoạt động mạnh mẽ nhất thị trường.

MACD Histogram vượt lên trên đường tín hiệu, cho thấy động lực mua tốt. Chỉ báo biến động BB Volatility bật lên từ mức thấp, hàm ý rằng khả năng tăng giá của TDH vẫn tốt.

Chiều hướng tăng của TDH được xác nhận bởi dòng tiền vào cổ phiếu này. Giao dịch rất sôi động tại TDH.

Chúng tôi cho rằng các nhà đầu tư có thể mua TDH ở mức giá hiện tại 13.700. Mức dừng lỗ ở 12.600. Mục tiêu khoảng 15.400. MUA

2- TRA: Có thể giảm tỷ trọng nắm giữ

(CTCK FPT - FPTS)

Doanh thu thuần 9 tháng năm 2013 đạt 1.277 tỷ đồng (+28,4% so với cùng kỳ năm 2012), lợi nhuận sau thuế 9 tháng năm 2013 tăng tương ứng 43,8% lên mức 120 tỷ đồng, hoàn thành 82% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Tôi ước tính lợi nhuận sau thuế cả năm 2013 của TRA sẽ ở mức 161 tỷ đồng, tương ứng với EPS 2013 (F) ở mức 7.523 đồng/cp.

TRA đang là doanh nghiệp sản xuất –phân phối đông dược lớn nhất tại Việt Nam, đồng thời là doanh nghiệp dược nội địa lớn thứ 2 sau Dược Hậu Giang nếu xét về quy mô vốn hóa và doanh thu.

Thương hiệu TRAPHACO với các sản phẩm chủ lực như: Hoạt huyết dưỡng não –thuốc bổ thần kinh, Boganic –giải độc gan, Viên sáng mắt... đã khẳng định được thương hiệu, chất lượng trong nhiều năm và được người tiêu dùng trong nước (đặc biệt là khu vực miền Bắc) nhận biết cũng như tin tưởng sử dụng trong một thời gian dài.

Sử dụng các loại dược phẩm có nguồn gốc tự nhiên (Đông dược) đang là xu hướng phát triển chủ đạo không chỉ ở các nước châu Á mà đang lan mạnh sang các quốc gia phương Tây. Các thành phần hoạt chất này thân thiện với sức khỏe con người, ít độc hại và ít tác dụng phụ không mong muốn hơn so với các thuốc tân dược.

Nguồn nguyên liệu đông dược chính của TRAvẫn đang nhập khẩu khoảng 10% từ Trung Quốc và 90% thu mua từ các vùng dược liệu trong nước (chủ yếu là các vùng dược liệu do TRA tự phát triển). Đây là thế mạnh chính của TRA so với các đối thủ khác trong bối cảnh nguồn cung dược liệu trong nước đang khá eo hẹp do các chính sách, chiến lược quy hoạch nhằm hỗ trợ cho việc phát triển vùng nguyên liệu chưa được Bộ Y tế và các cơ quan ban ngành quan tâm đúng mức, song song với thực trạng ngày càng nhiều loại thảo dược tuyệt chủng tại Việt Nam do khai thác tận thu.

Đa phần các sản phẩm đông dược của TRAPHACO có thành phần đơn giản và mang các đặc tính của thực phẩm chức năng, nên đang phải chịu sự cạnh tranh rất lớn từ các sản phẩm cùng loại, đặc biệt là các sản phẩm làm nhái. Các tiêu chuẩn về chất lượng của thuốc đông y cũng chưa được quy định rõ ràng tại Việt Nam.

TRAPHACO đang trong giai đoạn đẩy mạnh đầu tư lớn cho các nhà máy sản xuất tân dược, dây chuyền sản xuất mới nhằm nâng cao công suất hiện tại, đa dạng hóa các dòng sản phẩm... với tổng vốn đầu tư hơn 300 tỷ đồng.

Khuyến nghị: Xét các công ty cùng ngành dược niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam, sau khi điều chỉnh P/E dựa vào hiệu quả hoạt động (ROE) của các công ty này so với TRA, P/E bình quân là 10.x. TRA đang là doanh nghiệp dược phẩm có mức tăng trưởng tốt nhất ngành dược trong giai đoạn hiện nay.

TRA: Có thể giảm tỷ trọng nắm giữ

Với lợi thế cạnh tranh về nguồn nguyên liệu và mạng lưới phân phối rộng khắp tại các tỉnh miền Trung và miền Bắc, tiềm năng phát triển của TRA trong các năm sắp tới là rất lớn. Tuy nhiên, áp lực để duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận trên 30% hiện nay ngày càng gia tăng khi các sản phẩm chủ lực của TRA đang chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ cả trong nước lẫn nước ngoài. Bên cạnh đó, dự án đầu tư xây dựng nhà máy mới của TRA trong giai đoạn sắp tới cũng tạo một áp lực không nhỏ lên dòng tiền của doanh nghiệp.

Vì vậy, phương án huy động nguồn vốn cho dự án này thông qua phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu nhiều khả năng sẽ tiếp tục được TRA thực hiện trong năm 2014 và các năm tiếp theo.

Về ngắn hạn, tôi dự phóng lợi nhuận sau thuế cả năm 2013 sẽ đạt khoảng 161tỷ đồng (+37,6% so với năm 2012), tương ứng với EPS forward 2013 (pha loãng) là 7.523 VND/cổ phiếu. Hiện tại giá cổ phiếu TRA đang cao hơn giá mục tiêu 1,3%. Do đó, tôi khuyến nghị nhà đầu tư có thể GIẢM tỷ trọng cổ phiếu này trong danh mục.

3- DCL: Có khả năng hoàn thành kế hoạch năm

(CTCK Maybank KimEng - MBKE)

DCL bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 7/5/2012 do kết quả lỗ sau thuế gần 31 tỷ đồng trong năm 2011. Công ty đã tiến hành việc thay đổi hệ thống quản trị đồng thời tái cơ cấu danh mục sản phẩm theo hướng đẩy mạnh hàng sản xuất , tỷ trọng doanh thu từ mảng sản xuất đã tăng từ mức 80% trong năm 2012 lên khoảng 90% trong năm nay.

Ngoài ra, công ty đặc biệt chú trọng những sản phẩm có biên lợi nhuận cao, thời gian thu hồi nợ nhanh nhằm giảm áp lực về dòng tiền và gia tăng hiệu quả hoạt động. Nhờ vậy, kết quả kinh doanh của công ty đã có những cải thiện tích cực.

DCL đã thoát lỗ lũy kế từ quý II/2013. lợi nhuận sau thuế 9 tháng năm 2013 của công ty đạt 27 tỷ đồng, gấp 3 lần so cùng kỳ, dù doanh thu thuần chỉ tăng khoảng 7% so với cùng kỳ, đạt 488 tỷ đồng, chủ yếu do biên lợi nhuận gộp 9 tháng năm 2013 tăng 4,4 điểm phần trăm lên mức 31,3%. Bên cạnh đó, nhờ mặt bằng lãi suất vay trong năm 2013 giảm đáng kể từ 14% trong năm 2012 về mức 9-10% giúp chi phí lãi vay của DCL giảm 41% cùng kỳ.

Khả năng hoàn thành kế hoạch 2013. DCL đạt mục tiêu 700 tỷ đồng doanh thu (+13% cùng kỳ) và 34 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (+79% cùng kỳ) cho năm 2013. Kết thúc 9 tháng năm 2013, công ty đã đạt được 70% và 79% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế. Theo đánh giá của ban lãnh đạo DCL, công ty có khả năng hoàn thành kế hoạch cả năm. Mức cổ tức chi trả cho năm 2013 sẽ ở mức 800-1.000 đồng/cp, tương đương với mức tỷ suất cổ tức khoảng 3-4%.

Vỏ viên nang cứng rỗng (capsule) –thế mạnh của DCL. Hơn 30% thuốc sản xuất nội địa là dưới dạng viên nang cứng, tuy nhiên, hầu hết các công ty sản xuất dược phẩm trong nước lại không có dây chuyền sản xuất vỏ viên nang rỗng. DCL là công ty dược nội địa duy nhật có quy mô sản xuất vỏ viên nang cứng rỗng lớn, khoảng hơn 4 tỷ đơn vị/năm. Đây là ngành hàng có biên lợi nhuận gộp cao, khoảng 40-45%, đóng góp khoảng 35% tổng doanh thu của DCL và có tiềm năng tăng trưởng tốt do hơn 60% nhu cầu vỏ viên nang cứng rỗng trong nước phải nhập khẩu.

Chi phí vỏ viên nang này chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong giá thành của thuốc thành phẩm. Thông thường, khi nhập khẩu từ nước ngoài, các công ty trong nước phải nhập với số lượng lớn nên ít linh hoạt trong việc thay đổi mẫu mã, màu sắc. DCL có lợi thế hơn khi cung cấp cho khách hàng những giá trị gia tăng như dễ dàng lựa chọn, in ấn logo, tên công ty trên vỏ viên nang, thời gian giao hàng linh hoạt.

Giá bán của DCL về mặt hang này thường cao hơn khoảng 10% so với giá nhập khẩu. Hiện DCL gần như đã sản xuất vỏ viên nang rỗng ở mức công suất tối đa. Dù đánh giá lạc quan về tiềm năng của ngành hàng này nhưng công ty vẫn chưa có kế hoạch mở rộng cụ thể. Chúng tôi cho rằng nguyên nhân là do DCL chưa đủ tiềm lực về tài chính. Tổng nợ vay của DCL tính đến cuối tháng 9/2013 là 307 tỷ đồng, tương đương với tỷ lệ Nợ/VCSH là 1,1 lần, giảm đáng kể từ mức 2,1 lần (cuối năm 2011). Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn đang ở mức cao so với trung bình các công ty cùng ngành (dưới 0,5 lần).

Mạng lưới phân phối. DCL hiện có 27 chi nhánh và gần 600 đại lý, hiệu thuốc trên cả nước. Miền tây vẫn là thị trường chủ yếu của công ty. Tỷ trọng doanh thu phân phối qua kênh bệnh viện và OTC ở mức 30%-70%. Nhờ tỷ lệ doanh thu bệnh viện không cao, đồng thời DCL cũng đang chủ động tái cơ cấu danh mục sản phẩm, nên mức độ ảnh hưởng từ tác động của thông tư 01/2012 -TTLT-BYT-BTC là không lớn. Do quy định chặt chẽ về việc đấu thầu thuốc vào bệnh viện, ngoài tiêu chuẩn chất lượng, thuốc trúng thầu phải là thuốc có mức giá thấp nhất nên khá nhiều công ty dược bị ảnh hưởng bởi thông tư này.

Với kỳ vọng tốc độ tăng trưởng của ngành dược đạt khoảng 15-20%/năm và hiệu quả của việc tái cơ cấu hoạt động, công ty ước tính doanh thu và lợi nhuận 2014 sẽ tăng trưởng khoảng 15% và 45% n/n, tỷ lệ chi trả cổ tức ở mức 12-15% vốn điều lệ. DCL đang giao dịch ở mức P/E 2013 khoảng 7x, thấp hơn mức bình quân ngành, khoảng 10x. Tuy nhiên, lưu ý là giá cố phiếu này đã tăng rất mạnh trong năm nay, hơn 150%.

Săn cổ phiếu giá rẻ
Trong khi cổ phiếu blue-chips đã ở mặt bằng khá cao và khó có cơ hội tăng mạnh, thì các cổ phiếu dưới mệnh giá đang trở thành tâm điểm chú ý...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư