Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
30 năm “cách mạng” thay đổi nhận thức người dân về hiến máu tình nguyện
D.Ngân - 20/01/2024 23:42
 
Ngày 20/1, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày Phát động phong trào hiến máu nhân đạo tại Việt Nam (24/1/1994- 24/1/2024).

Tại lễ kỷ niệm PGS. TS Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương cho biết, trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, phong trào hiến máu tình nguyện tại nước ta đã vươn mình lớn lên và phát triển từng ngày, từng bước đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Năm 1994, năm đầu tiên phát động phong trào, lượng máu tiếp nhận được của cả nước đã tăng hơn nhiều so với những năm trước đó với 138.000 đơn vị máu, tỷ lệ hiến máu tình nguyện đạt 14,5%.

Sau 20 năm, từ năm 2014 trở lại đây, mỗi năm đã tiếp nhận được trên 1 triệu đơn vị máu. Lượng máu tiếp nhận được năm 2023 đã cao gấp hơn 11 lần so với năm 1994, tỷ lệ hiến máu tình nguyện đến nay đã đạt 99%.

Đã xây dựng và phát triển được hệ thống Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện từ Trung ương đến địa phương; Đã thành lập được 5 Trung tâm truyền máu khu vực, nhiều trung tâm truyền máu vùng, từ đó nâng cao hiệu quả trong công tác tiếp nhận máu, xét nghiệm sàng lọc, điều chế các sản phẩm máu; Do đó, người bệnh cần truyền máu ở các cơ sở y tế tại vùng sâu, vùng xa cũng được thụ hưởng các chế phẩm máu chất lượng như các bệnh viện ở tuyến trung ương.

Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương với vai trò là Viện chuyên khoa đầu ngành thuộc Bộ Y tế, là cơ quan thành viên của Ban chỉ đạo Quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện đã có nhiều nỗ lực, không ngừng tiên phong, sáng tạo và là “đầu tàu” trong công tác truyền thông, vận động hiến máu; Viện đã khởi xướng và phát động nhiều chương trình, sự kiện hiến máu quy mô cấp toàn quốc…

Năm 2023, lượng máu do Viện tiếp nhận đạt gần 500.000 đơn vị, chiếm 32% tổng lượng máu tiếp nhận toàn quốc. Trung tâm Máu Quốc gia thuộc Viện đã thực hiện tốt công tác cung cấp máu và chế phẩm máu cho 181 bệnh viện, cơ sở y tế của các tỉnh/TP khu vực phía Bắc thuộc diện bao phủ,

Ngoài ra còn điều phối, hỗ trợ hàng chục nghìn đơn vị máu cho các địa phương khác như TP. Hồ Chí Minh khi đại dịch Covid-19 bùng phát hay tại khu vực Tây Nam bộ và Tây Nguyên (trong năm 2023) khi các địa phương này gặp khó khăn về thiếu vật tư, sinh phẩm y tế.

30 năm qua thực sự là cuộc “cách mạng” thay đổi nhận thức của hàng chục triệu người dân về hiến máu tình nguyện. Hoạt động hiến máu tình nguyện đã trở thành một phong trào có sức ảnh hưởng rộng lớn, thu hút và nhận được sự quan tâm của toàn xã hội.

Nếu như trước đây, lực lượng người hiến máu chính là thanh niên, sinh viên thì hiện nay lực lượng người hiến máu được mở rộng đến mọi thành phần trong xã hội không phân biệt độ tuổi, giới tính, ngành nghề, dân tộc, tôn giáo… Nếu như trước đây người đi hiến máu bị gia đình ngăn cấm hay bị kỳ thị thì đến nay người đi hiến máu được mọi người tôn vinh, ủng hộ và là niềm tự hào của gia đình hay cơ quan công tác.

Hoạt động hiến máu cũng tạo dựng môi trường rèn luyện cho một bộ phận lớn thanh niên, sinh viên trong cả nước với hàng nghìn câu lạc bộ, đội tình nguyện với hàng trăm nghìn tình nguyện viên vận động hiến máu... Đây đã là môi trường tốt cho đội ngũ này đóng góp, trải nghiệm và rèn luyện những kiến thức, kỹ năng cần thiết trong cuộc sống. Giờ đây, nhiều tình nguyện viên vận động hiến máu trước kia đã trưởng thành và trở thành các Nhà khoa học, phó giáo sư, tiến sỹ, cán bộ lãnh đạo ở nhiều cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức… và có nhiều đóng góp cho cộng đồng.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan động viên và tặng quà cho bệnh nhi đang điều trị tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.

Sau 30 năm phát động phong trào hiến máu nhân đạo, tỷ lệ hiến máu tình nguyện đến nay đã đạt 99%; xây dựng và phát triển được hệ thống Ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện từ Trung ương đến địa phương; thành lập được 5 Trung tâm truyền máu khu vực, nhiều trung tâm truyền máu vùng, nâng cao hiệu quả trong công tác tiếp nhận máu, xét nghiệm sàng lọc, điều chế các sản phẩm máu.

Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương với vai trò là Viện chuyên khoa đầu ngành thuộc Bộ Y tế, là cơ quan thành viên của Ban chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện đã có nhiều nỗ lực, không ngừng tiên phong, sáng tạo và là “đầu tàu” trong công tác truyền thông, vận động hiến máu.

Phát biểu ý kiến tại Lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo Quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện, Bộ trưởng Đào Hồng Lan ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao các hoạt động của Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện các cấp, của các cơ quan, đơn vị… đối với phong trào hiến máu tại nước ta.

Đặc biệt là sự tiên phong, sáng tạo và tâm huyết của tập thể các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, nhân viên, tình nguyện viên của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã phối hợp với các đơn vị cùng gây dựng, duy trì và phát triển được một phong trào đầy sức sống, mang đậm tình yêu thương và góp phần quan trọng trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân.

Từ những kết quả đã đạt được trong 30 năm qua, để tiếp tục duy trì và phát triển bền vững phong trào, Bộ trưởng Đào Hồng Lan đề nghị Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện các cấp, các cơ quan, đơn vị và Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tiếp tục quan tâm, thực hiện một số vấn đề:

Tăng cường hơn nữa sự quan tâm, lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với hoạt động hiến máu tình nguyện. Phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội, của các nhà lãnh đạo, nhà quản lý đối với công tác vận động và tổ chức hiến máu.

Tập trung đề xuất xây dựng các giải pháp và triển khai để duy trì và phát triển nguồn người hiến máu tình nguyện ngày càng ổn định, thực chất và bền vững hơn, đảm bảo nguồn máu an toàn, chất lượng điều trị cho người bệnh từ tuyến Trung ương đến các địa phương, kể cả vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo…

Tiếp tục nâng cao chất lượng trong công tác tuyên truyền, vận động và tổ chức hiến máu. Đa dạng các loại hình truyền thông, vận động hiến máu; quan tâm, chú trọng công tác thi đua, khen thưởng, động viên khích lệ người hiến máu, đơn vị tổ chức hiến máu, lan tỏa những tấm gương hiến máu tiêu biểu trong cộng đồng. Đẩy mạnh vận động người hiến máu nhắc lại, hiến máu thường xuyên, hiến máu thể tích từ 350ml trở lên. Đổi mới phương pháp quản lý, phát triển các Câu lạc bộ, Đội, Nhóm về hiến máu, vận động hiến máu…

Quan tâm việc ứng dụng chuyển đổi số y tế vào quản lý người hiến máu và các đơn vị máu. Kết nối thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu người hiến máu thống nhất, liên thông giữa các địa phương, giữa các trung tâm máu, bệnh viện có tiếp nhận máu.

Đề nghị các đơn vị thuộc Bộ Y tế, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cần có những nghiên cứu, đánh giá, rà soát lại hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, cơ sở pháp lý liên quan đến hoạt động truyền máu, đến người hiến máu và báo cáo lại Ban Chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện và Bộ Y tế để kịp thời điều chỉnh, bổ sung nếu cần.

Vinh danh nghĩa cử đẹp hiến máu cứu người
Ngày 7/12/2023, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tổ chức Chương trình Gặp mặt nhà lãnh đạo, nhà quản lý và Lễ trao Giải thưởng Giọt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư