Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
4 cổ phiếu cần quan tâm ngày 14/7
 
Đầu tư trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 14/7 của các công ty chứng khoán.

1. HSG: Khuyến nghị mua vào

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VBPS)

Tập đoàn Hoa Sen (HSG) ước lợi nhuận sau thuế trong 9 tháng đầu niên độ tài chính 2015 (từ ngày 1/10/2014 đến ngày 30/6/2015) đạt 483 tỷ đồng, tăng mạnh 72% so với cùng kỳ và vượt 7% kế hoạch cả năm của công ty. Nguyên nhân chủ yếu là nhờ vào tốc độ tăng trưởng sản lượng bán hàng cùng với khả năng duy trì được giá bán tốt của HSG.

Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam, trong 9 tháng đầu của NĐTC 2015, sản lượng tiêu thụ tôn mạ của HSG tăng 30 so với cùng kỳ và đạt 573 nghìn tấn, trong đó, xuất khẩu chiếm 53% và tăng trưởng 30% so với cùng kỳ.

Kết quả này vượt quá mong đợi và gần bằng với mức dự phóng của chúng tôi cho NĐTC 2015. Chúng tôi sẽ cập nhật lại các dự báo của mình khi báo cáo tài chính quý III của NĐTC 2015 được công bố. Bên cạnh đó, chúng tôi tin rằng mức tăng trưởng lợi nhuận này sẽ cải thiện xu hướng ngắn hạn của cổ phiếu sang tăng giá với ngưỡng kháng cự là 45.000 đồng/cổ phiếu. Do đó, chúng tôi thay đổi khuyến nghị từ GIỮ sang MUA.

Ngoài ra, HSG công bố Nghị quyết HĐQT ngày 13/7/2015 về việc trình ĐHĐCĐ thông qua chủ trương đầu tư các dự án sau bằng hình thức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản:

- Dự án Nhà máy Hoa Sen Nghệ An: đầu tư nhà máy có công suất dây chuyền cán nguội và tẩy rỉ liên tục đạt 1,2 triệu tấn/năm; tổng vốn đầu tư dự kiến là 7 nghìn tỷ đồng (trong đó vốn cố định là 4,5 nghìn tỷ đồng)

- Dự án Khu liên hợp nhà máy luyện cán thép Hoa Sen: nghiên cứu và lập báo cáo tiền khả thi cho dự án có công suất dự kiến từ 5 đến 8 triệu tấn/năm

Giá cổ phiếu cuối phiên hôm nay không đổi tại mức 43.800 đồng/cổ phiếu, đang giao dịch tại mức P/E trượt là 6,9 lần, thấp hơn nhóm tương đương cùng ngành trong nước (8,6 lần).

2. KDC: PE giao dịch ở mức 21,5 lần

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VBPS)

CTCP Kinh Đô (HSX-KDC) đã cam kết trở thành nhà đầu tư chiến lược mua toàn bộ cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Đông Á trong đợt phát hành tăng vốn từ 5.000 lên 6.000 tỷ đồng. Theo đó, KDC sẽ mua 100 triệu cổ phiếu DongA Bank với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, trở thành cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu khoảng 17%.

Thời gian dự kiến phát hành vào quý III/2015 và phát hành một lần duy nhất. Hiện các cổ đông chính của DongA Bank gồm có: CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận PNJ (7,7%), ông Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Trần Phương Bình và gia đình (9,6%), CTCP Xây dựng Bắc Nam 79 (10%).

Ngân hàng TMCP Đông Á là ngân hàng có quy mô nhỏ trong hệ thống ngân hàng. Năm 2014 là một năm không tốt đối với hoạt động kinh doanh của ngân hàng với thu nhập lãi giảm đáng kể 15%, đạt 5.592 tỷ đồng, so với năm trước trong khi các chi phí hoạt động và dự phòng tương đương với năm trước. Dư nợ cho vay của ngân hàng tính đến cuối năm đạt 51.850 tỷ đồng (-2,3%) với tỷ lệ 30% là khách hàng cá nhân và 70% là khách hàng doanh nghiệp. Trong năm 2014, do Đông Á đã bán 3.921 tỷ đồng cho VAMC, điều này cũng đã góp phần giảm tăng trưởng tín dụng của ngân hàng. Kết quả hai quý cuối năm 2014 Đông Á ghi nhận tổng cộng khoản lỗ là -198 tỷ đồng, lũy kế cả năm lợi nhuận sau thuế hợp nhất chỉ đạt 27 tỷ đồng, giảm 92% so với năm trước.

Với việc đầu tư vào Ngân hàng TMCP Đông Á, mô hình hoạt động của KDC ngày càng trở nên giống công ty đầu ngành tiêu dùng là Masan. Ngoài hoạt động kinh doanh cốt lõi, Masan cũng có công ty liên kết là Ngân hàng Techcombank. Chúng tôi tin rằng khoản đầu tư vào Ngân hàng Đông Á sẽ giúp KDC thuận lợi hơn trong hoạt động tài chính nói chung.

Giá cổ phiếu KDC hôm nay đóng cửa tại 46.400 đồng (+1,3%), giao dịch tại P/E là 21,5 lần va P/B là 1,9 lần.

3. VNM: PE ở mức 19,1 lần

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VBPS)

6 tháng đầu năm 2015,Công ty ước tính đã thực hiện 50% kế hoạch doanh thu cả năm, đạt khoảng 19.212 tỷ đồng. Về lợi nhuận trước và sau thuế, VNM dự tính đạt 55% chỉ tiêu được giao trong năm 2015. Kết quả sáu tháng như vậy khả quan và nằm trong kế hoạch doanh thu mà công ty đã đặt ra.

Đồng thời, trong nửa năm 2015, VNM tiếp tục dẫn đầu thị trường ở ba ngành hàng sữa nước, sữa chua và sữa đặc. Cụ thể, thị phần sữa nước tăng 2% so với 2014, lên mức 53%; sữa chua và sữa đặc có thị phần lần lượt là 84% và 80%. Ngoài ra, mặt hàng sữa bột cũng đứng đầu thị trường về mặt sản lượng, chiếm 25,2% và thứ hai về mặt giá trị (17,8%).

Tăng chi phí marketing để nâng thị phần: mục tiêu dài hạn của công ty là nhằm giữ và nâng cao thị phần ở các ngành hàng, duy trì vị thế thị phần số 1 tại Việt Nam của VNM. Do đó, chi phí bán hàng và marketing của VNM theo kế hoạch từ đầu năm sẽ tăng lên gần gấp đôi

Về thông tin trả cổ tức 2015 như đã thông báo, VNM sẽ tạm ứng đợt 1 cổ tức 2015 là 40% cổ tức tiền mặt. Ngoài ra, công ty cũng phát hành cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 5:1 vào tháng 8/2015. Tỷ lệ cổ tức đợt 2 sẽ được quyết định trong đại hội cổ đông được tổ chức vào năm sau.

Từ đầu năm 2014, giá nguyên liệu sữa bắt đầu giảm liên tục và được dự báo giảm đến hết quý 3 năm nay. Công ty đã đặt mua trước nguyên liệu cho cả năm 2015, nên nếu giá nguyên liệu có tăng trở lại cũng không ảnh hưởng đến hoạt động của VNM trong năm nay. Còn về giá nguyên liệu sữa cho năm 2016, do công ty chưa xác định được diễn biến giá sẽ như thế nào, nên nguyên liệu sữa năm sau cần chờ thêm đến tháng 11 mới đưa ra quyết định.

Về vấn đề sữa đang bị chính phủ áp giá trần đến hết 31/12/2016, điều này ảnh hưởng rất mạnh đến VNM trong năm 2014. Tuy nhiên, trong năm 2015, nhờ giá sữa nguyên liệu giảm mà doanh thu công ty ít bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, từ năm 2013, VNM có ba nhà máy lớn đi vào hoạt động là nhà máy ở Đà Nẵng, nhà máy sữa nước Mega ở Bình Dương và nhà máy sản xuất sữa bột. Hiện nay, công suất của các nhà máy đạt 65%, đặc biệt sữa tươi đóng bịch có công suất tối đa. Do đó nhà máy mới hiện đang hoạt đông tốt và có khả năng đầu tư mở rộng công suất sớm hơn như nhóm sản phẩm sữa tươi đóng bịch sẽ mở rộng vào 2016 thay vì theo kế hoạch là 2017.

Trong đại hội cổ đông năm 2015 tổ chức vào ngày 27/04, VNM tuyên bố sẽ chi 4.000 tỷ đồng để đầu tư mở rộng thị trường, phát triển nguồn nguyên liệu và tăng năng lực sản xuất. Về định hướng sử dụng khoản tiền này,công ty sẽ đầu tư mở rộng theo những hướng sau đây.

Thứ nhất, VNM có thể phát triển đàn bò sữa. Do nhu cầu sử dụng sữa nội địa vẫn rất lớn và còn tăng cao nên trong vòng 20 năm nữa, Việt Nam vẫn có thể phải nhập sữa. Hiện VNM chỉ có thể tự đáp ứng 30.000 đến 40.000 con, số còn lại mua từ nông dân (70.000 – 80.000 con). Do đó tập trung mở rộng vùng nguyên liệu và đàn bò là chiến lược lâu dài của VNM.

Thứ hai, VNM có thể đầu tư vào nơi giá nguyên liệu sữa rẻ. VNM đã đi những bước đầu tiên bằng việc đầu tư vào công ty Miraka, một công ty sản xuất bột sữa nguyên liệu của New Zealand. Lợi thế của nơi này là nhờ vào khí hậu tốt, cỏ mọc nhanh nên công ty không tốn chi phí xây trang trại, giá sữa do đó cũng rẻ hơn những nơi khác. Mặc dù năm đầu tiên Miraka hoạt động thua lỗ, những năm tiếp theo đã có lợi nhuận (tỷ suất hoàn vốn tại Miraka là khoảng 20% tính theo đồng đô la New Zealand). Ngoài ra, do Miraka xuất khẩu trên 13 nước nên khi đầu tư VNM được hưởng thêm phần lợi nhuận đó.

Mục tiêu của VNM trong M&A là đầu tư vào những công ty sữa sản xuất thành phẩm có uy tín, nắm ít nhất trên 50% vốn để có thể quản lý hoạt đông công ty và hợp nhất doanh số. Về vấn đề này, công ty đang trong quá trình tìm kiếm, phân tích đối tượng và nếu có cơ hội sẽ tiến hành thực hiện.

Bên cạnh đó, tỷ trọng xuất khẩu cao nhất của VNM chỉ khoảng 15% do thị trường nội địa vẫn là đối tượng tập trung chính của VNM. VNM cũng đang tích cực đầu tư và xuất khẩu sữa sang Campuchia. Vào đầu năm 2014, VNM đầu tư 51% vào công ty Angkor Dairy Products có tổng vốn dự án 23 triệu USD. Tháng 7 này sản phẩm sữa nước đầu tiên, với tên gọi Angkor Milk, của công ty sẽ ra mắt và đến tháng 10 sẽ tiếp tục cho ra thị trường sữa đặc và sữa có đường.

Về ngành hàng, VNM vẫn tập trung vào mặt hàng sữa, đối với mặt hàng khác như nước giải khát, nước trái cây công ty có đầu tư nhưng không chủ đạo. Ngoài ra, công ty cũng đang có ý định nghiên cứu sản phẩm mới ví dụ như đậu phụ.

Mọi thay đổi liên quan đến vị trí của bà Liên sẽ được quyết định khi nhiệm kỳ của bà sẽ kết thúc vào tháng 4/2017. Như vậy, trước mắt về mặt quản trị, VNM vẫn tạm thời ổn định cho đến khi bầu nhiệm kỳ mới.

Chủ trương của Chính phủ những năm gần đây là khuyến khích cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Công ty cũng đã trình lên chính phủ xin giảm vốn của SCIC nhưng việc thoái vốn này là do SCIC quyết định. Ngoài ra, bà Liên cũng bày tỏ mong muốn cá nhân rằng sở hữu cổ đông là Nhà nước nên ở tỷ lệ cân đối để công ty có thể linh hoạt trong việc đưa ra các quyết sách.

Vào cuối ngày 13 tháng 07 năm 2015, VNM đã giao dịch ở mức 117.000 đồng (+1,7%), chỉ số P/E là 19,1 lần, chỉ số P/B là 5,6 lần.

4. DCM: Tiêu thụ urê vẫn khả quan

CTCK MB (MBS)

DCM công bố kết quả kinh doanh sơ bộ 6 tháng đầu năm. Ước tính thực hiện 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu của DCM đạt 3,151 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 584 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm nhà máy Đạm Cà Mau vận hành an toàn, ổn định đạt 103% công suất thiết kế, sản lượng urê đạt 427 nghìn tấn, vượt 6% so với kế hoạch và tăng 4% so với cùng kỳ năm 2014, đồng thời cung ứng ra thị trường 420 ngàn tấn sản phẩm. Chỉ tính riêng trong tháng 5 và tháng 6 (mùa vụ cao điểm), Đạm Cà Mau cung ứng ra thị trường gần 200 ngàn tấn, bình quân hàng ngày xuất ra thị trường khoảng 3 ngàn tấn Urê hạt đục với giá bán cạnh tranh, ổn định.

Kết quả khả quan này một phần nhờ công ty kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả chi phí sản xuất kinh doanh.

6 tháng qua, DCM cũng đã cho ra mắt sản phẩm và ký kết hợp đồng đại lý phân phối Đạm Cà Mau với các đối tác tại Campuchia; cải tiến chất lượng và thay đổi mẫu bao bì mới cho sản phẩm Urê hạt đục – Đạm Cà Mau; ký kết hợp tác nghiên cứu và sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh với đối tác BellFarm - Nhật Bản...

Hiện tại, thị trường urê trong nước khi tình trạng cung vượt cầu với lượng cung vượt cầu , tuy nhiên DCM vẫn tiêu thụ sản phẩm khả quan.

Năm 2015, Công ty đặt kế hoạch sản xuất 748 nghìn tấn phân đạm, doanh thu đạt 5.488 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 637 tỷ đồng.

Phiên 13/7: Nhà đầu tư nội, ngoại "săn" EIB
Mọi con mắt của nhà đầu tư trong phiên ngày hôm nay dường như dõi theo giao dịch tại cổ phiếu EIB của Eximbank với lực mua bất tận. Kịch bản về...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư