CTCK KIS Việt Nam (KIS)
Trong năm 2019, chúng tôi tiếp tục giữ quan điểm Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) sẽ phải đối mặt với khó khăn vì giá quặng sắt vẫn ở mức cao trong khi giá bán trung bình có thể sẽ không đổi (do nhu cầu thép dài suy giảm trong khi nguồn cung trong nước tăng).
Dựa trên dự phóng HPG sẽ phải chịu chi phí đầu vào cao hơn trong nửa cuối 2019, chúng tôi điều chỉnh giảm doanh thu và lợi nhuận ròng của Hòa Phát năm 2019 xuống khoảng 10%, lần lượt đạt 68.168 tỷ đồng và 7.537 tỷ đồng, tương đương 26.000 đồng/cổ phiếu.
Tuy nhiên, chúng tôi vẫn kỳ vọng tích cực đối với HPG vào năm 2020, do Dung Quất đi vào hoạt động sẽ phục hồi lợi nhuận của công ty. Do đó, chúng tôi duy trì khuyến nghị tăng tỷ trọng đối với HPG.
2. Khuyến nghị tích cực đối với cổ phiếu DGW với giá mục tiêu 28.700 đồng/CP
CTCK Bảo Việt (BVSC)
Cổ phiếu của Công ty cổ phần Thế giới số (mã DGW) đóng cửa tại mức giá 21.700 đồng/ cổ phần vào ngày 06/8/2019, giao dịch tại mức P/E năm 2019 là 6,0 lần, khá hấp dẫn theo quan điểm của chúng tôi, so với mức tăng trưởng lợi nhuận ròng cao năm 2019 là 37%.
Chúng tôi duy trì khuyến nghị OUTPERFORM đối với cổ phiểu DGW với giá mục tiêu năm 2019 là 28.700 đồng/ cổ phần, cho thấy tiềm năng tăng giá là 32% và mức P/E hợp lý năm 2019 là 8,0 lần.
Những điểm tích cực chính: (1) Với vị thế dẫn đầu thị trường trong mảng laptop và chiến lược bắt kịp xu hướng của mình, chúng tôi kỳ vọng Công ty tiếp tục hưởng lợi từ quá trình hợp nhất thị trường laptop tại Việt Nam, đặc biệt là giai đoạn 6 tháng cuối năm thường là mùa cao điểm của mảng này;
(2) Các sản phẩm mới của Xiaomi tiếp tục đóng góp vào tăng trưởng kết quả kinh doanh, cùng với đóng góp đầy đủ từ Nokia trong năm 2019;
(3) Mảng thiết bị văn phòng ít cạnh tranh duy trì tăng trưởng lành mạnh dựa vào danh mục sản phẩm và dịch vụ đa dạng cùng với gia tăng mức tiêu thụ từ chiến lược chuyển đổi số của các công ty vừa và nhỏ và làn sóng các công ty FDI vào Việt Nam;
(4) Mảng hàng tiêu dùng có biên lợi nhuận gộp cao tăng tỷ trọng đóng góp kết quả kinh doanh và duy trì là động lực tăng trưởng của Công ty về trung và dài hạn.
Rủi ro đầu tư: (1) Thị trường laptop và điện thoại di động tại Việt Nam giảm tốc; (2) Cạnh tranh thị trường điện thoại di động tại Việt Nam làm yếu đi vị thế của Xiaomi; và (3) Xiaomi trực tiếp hợp tác với các nhà bán lẻ địa phương; và (4) Rủi ro pha loãng tiềm tàng về trung và dài hạn bởi việc phát hành trái phiếu với chứng quyền.
3. Khuyến nghị tích cực đối với cổ phiếu NTL
CTCK KB Việt Nam (KBSV)
CTCP Phát triển Đô thị Từ Liêm (NTL) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2019. Theo đó, lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần đạt 453,3 tỷ đồng và Lợi nhuận sau thuế đạt 120,1 tỷ đồng, đều cao gấp gần 6.6 lần so với cùng kỳ năm 2018. So với kế hoạch năm, công ty đã hoàn thành 56% doanh thu và 51% lợi nhuận.
Doanh thu và lợi nhuận của NTL trong nửa cuối năm 2019 vẫn chủ yếu đến từ hai dự án là chung cư lô 4,5 Trần Hưng Đạo và dự án Bắc Quốc lộ 32.
Đối với cổ phiếu NTL, chúng tôi đưa ra khuyến nghị tích cực trong ngắn hạn dựa trên kết quả bán hàng tích cực tại hai dự án chung cư lô 4,5 Trần Hưng Đạo và Bắc quốc lộ 32. Cần tiếp tục theo dõi thêm tình hình triển khai các dự án mới tại TP Hạ Long để đánh giá triển vọng của NTL trong trung và dài hạn.