Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
6 tháng thay chính sách thuế 2 lần, doanh nghiệp đứt hơi xoay theo
Thanh Hương - 22/04/2016 21:35
 
11 nhà nhập khẩu ô tô vừa cùng ký tên trên văn bản kiến nghị gửi tới Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về những thay đổi chóng mặt trong quá trình tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với ô tô nguyên chiếc, khiến doanh nghiệp khó lên kế hoạch trong hoạt động kinh doanh của mình.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn, ông Trần Tấn Trung, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Liên Á Quốc tế, đơn vị phân phối chính hãng xe Audi tại Việt Nam cho hay, sẽ đăng ký phát biểu những bức xúc của các doanh nghiệp ô tô liên quan đến tính thuế TTĐB với ô tô tại Hội nghị Thủ tướng với Doanh nghiệp sẽ diễn ra vào ngày 29/4 tới tại TP. HCM.

Theo phản ánh của doanh nghiệp, từ 1/1/2016, việc tính thuế TTĐB với ô tô nhập khẩu được áp dụng theo Nghị định 180/2015/NĐ-CP và Thông tư 195/2015/TT-BTC. Theo các văn bản này, cách tính thuế TTĐB của ô tô nhập khẩu mới là dựa trên giá trị của nhà nhập khẩu cộng thêm 5%. Còn với việc Quốc hội vừa thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt với thời hạn áp dụng kể từ ngày 1/7/2016, cách tính thuế TTĐB của ô tô nhập khẩu được cho là lại sẽ có những thay đổi tiếp và chưa biết theo hướng nào.

 “Theo tính toán của chúng tôi, dù xe mang động cơ dưới 1.5 L được giảm thuế suất thuế TTĐB là 5%, nhưng do đổi cách tính thuế TTĐB và Luật mới ban hành nên giá xe động cơ dưới 1.5 L sẽ không giảm, thậm chí còn tăng. Đó là chưa kể cách tính thuế TTĐB hiện nay khá mù mờ, không rõ tính tới người tiêu dùng hay tính tới đại lý. Điều này khiến tất cả các chi phí hoạt động của nhà nhập khẩu như lương nhân viên, cốc uống nước… đều được chịu thêm thuế TTĐB”, ông Trung nói.

Trong kiến nghị của mình, 11 doanh nghiệp cũng cho biết, việc áp dụng Luật thuế TTĐB mới từ ngày 1/7/2016 sẽ gặp vấn đề bởi phương thức tính thuế mới theo dự luật chưa rõ ràng. Cụ thể tỷ lệ để so sánh với giá bán bình quân của các cơ sở kinh doanh thương mại làm căn cứ tính thuế thay vì cố định lại được thay đổi thành khung tỷ lệ với biên độ chưa xác định. Việc xác định “cơ sở kinh doanh thương mại là cơ sở đầu tiên trong khâu lưu thống thương mại” (nhà bán sỉ/nhà phân phối) là chưa cụ thể, khi mà mối quan hệ trong “cơ sở có mối quan hệ liên kết” chưa được định nghĩa trong bất cứ văn bản Luật nào trên thực tế.

Ngoài ra việc hiện chưa có thông tin triển khai Luật thuế TTĐB mới trong khi ngày hiệu lực dự kiến là trong vòng chưa đến 2 tháng nữa cũng đang làm khó các doanh nghiệp có thể tính toán, sắp xếp kế hoạch kinh doanh dài hơi của mình bởi một chiếc ô tô cần khoảng 3-4 tháng để đặt hang và nhập khẩu về Việt Nam.

“Trước đó, khi phương pháp tính thuế TTĐB mới được triển khai từ 1/1/2016, mặc dù Nghị định và Thông tư hướng dẫn đã được ban hành nhưng các nhà nhập khẩu chính thức không thể thực hiện kê khai phần thuế TTĐB tăng thêm do hệ thống kê khai trực tuyến đã không cập nhật biểu mẫu mới cho tới gần cuối tháng 3/2016. Chúng tôi không muốn lại một lần nữa đối mặt với tình trạng muốn kê khai và tuân thủ Luật mà lại không thể làm được”, kiến nghị viết.

Như vậy, dù Chính phủ luôn chủ trương tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhưng việc liên tục điều chỉnh chính sách thuế trong thời gian ngắn đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô chính thức bởi luôn phải xoay như chong chóng để điều chỉnh kinh doanh cho phù hợp.

Bởi vậy, các doanh nghiệp nhập khẩu chính thức cũng đề nghị, Bộ Tài chính họp công khai với các doanh nghiệp ô tô nhập khẩu chính hãng cùng với sự tham gia của các cơ quan báo, đài để minh bạch, rõ ràng việc tính thuế, nhằm đảm bảo việc thực hiện dễ dàng và tránh các hiểu lầm khi thực hiện trong thực tế. 

Giảm thuế Tiêu thụ đặc biệt với ô tô nhỏ: Lợi chưa thấy, hại bủa vây
Trong khi các nhà nhập khẩu ô tô hạng sang lo ngại việc tăng mạnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với các dòng xe có dung tích động cơ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư