Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
7 lần giảm lãi suất, 9 lần giảm phí, Agribank vẫn hoàn thành mục tiêu lợi nhuận
T.L - 12/01/2021 15:22
 
Ngày 12-13/1/2021, Agribank tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2021. Năm 2020, tín dụng của Agribank tăng 8%, lợi nhuận đạt 12.869 tỷ đồng, vượt 3% kế hoạch đề ra.
a
Năm 2020, Agribank 7 lần giảm lãi suất, 9 lần giảm phí dịch vụ hỗ trợ khách hàng

Tín dụng tăng 8%, doanh thu ngoài lãi tăng mạnh

Phát biểu tại Hội nghị, ông Tiết Văn Thành, Tổng Giám đốc Agribank cho hay, năm 2020 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng với Agribank vì là năm cuối cùng thực hiện Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 và chuẩn bị triển khai Chiến lược kinh doanh giai đoạn 2021- 2025, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Agribank lần thứ X nhiệm kỳ 2020-2025 với thời cơ và thách thức mới. 

Năm 2020 cũng là năm kinh tế thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, kinh tế Việt Nam còn bị ảnh hưởng lớn bởi lũ lụt nghiêm trọng tại miền Trung, Tây Nguyên, nông nghiệp- lĩnh vực đầu tư chính của Agribank bị tác động tiêu cực của hạn hán, xâm nhập mặn, bối cảnh tăng trưởng tín dụng thấp. 

Trong bối cảnh đó, Agribank đã chủ động bám sát diễn biến đại dịch covid 19 để xây dựng kịch bản điều hành kinh doanh linh hoạt hiệu quả, nhờ vậy, kết thúc năm 2020, Agribank đã hoàn thành toàn diện các mục tiêu đề ra. 

Cụ thể, năm 2020, Agribank hoàn thành mục tiêu kép: vừa hỗ trợ nền kinh tế, vừa điều hành kinh doanh an toàn, hiệu quả. Cùng với các ngân hàng thương mại khác, Agribank đặt mục tiêu hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau dịch Covid-19 lên hàng đầu, kịp thời thực hiện hiệu quả Thông tư 01/2020/TT-NHNN. Cụ thể, Agribank đã 7 lần giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, 9 lần giảm phí dịch vụ. Agribank cũng triển khai các chương trình tín dụng với lãi suất cho vay thấp hơn từ 0,5%- 2,5% so với trước khi có dịch bệnh Covid-19, bão lũ. 

Tính đến 31/12/2020, tổng tài sản của Agribank đạt gần 1,57 triệu tỷ đồng; nguồn vốn đạt trên 1,45 triệu tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,21 triệu tỷ đồng, tăng 8,1%, trong đó gần 70% dư nợ dành cho đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn; thu dịch vụ đạt 7.100 tỷ đồng, tăng 6,2% dù ngân hàng đã 9 lần giảm phí dịch vụ, nguyên nhân do đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng, các sản phẩm ngày càng đa dạng. Thu hồi nợ xấu sau xử lý của ngân hàng cũng tiếp tục tích cực với con số trên 8.700 tỷ đồng.

Không những kết quả kích doanh tiếp tục cải thiện, chi phí quản lý của Agribank năm 2020 cắt giảm 10% khiến lợi nhuận ngân hàng năm 2020, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 12.869 tỷ đồng, vượt 369 tỷ (xấp xỉ 3%) so với kế hoạch đề ra, đủ điều kiện để ngân sách cấp bổ sung 3.500 tỷ đồng vốn điều lệ theo phương án đã được Quốc hội phê duyệt.  

Bên cạnh đó, Agribank thực hiện tiết giảm chi phí, giảm lương nhân viên, ủng hộ gần 50 tỷ đồng công tác phòng, chống dịch Covid-19 và ủng hộ các tỉnh miền Trung khắc phục thiệt hại do bão lũ.

Mong được tăng thêm 10.000 tỷ đồng vốn điều lệ năm 2021

Năm 2021, Agribank đặt mục tiêu tín dụng tăng 8-11%, lợi nhuận trước thuế tăng khoảng 10%, thu từ dịch vụ tăng 6-8%, thu hồi nợ xấu sau xử lý tối thiểu 9.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng tín dụng 8 đến 11%, ông Tiết Văn Thành cho biết, Agribank phải được tăng vốn điều lệ thêm 10.000 tỷ đồng để đảm bảo các tỷ lệ an toàn vốn.

Được biết, mặc dù Quốc hội đã phê duyệt phương án tăng vốn 3.500 tỷ đồng cho Agribank, song đến nay, ngân hàng vẫn đang đợi các cấp phê duyệt. Về lâu dài, để nâng cao năng lực tài chính, lãnh đạo Agribank mong muốn sớm được phê duyệt phương án cổ phần hóa. 

Với thị phần dư nợ đứng đầu hệ thống, Agribank có vai trò rất lo lớn đối với tăng trưởng kinh tế đất nước, đặc biệt là khu vực nông nghiệp, nông thôn. Agribank đang quyết tâm cùng ngành Ngân hàng hiện thực hóa Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực dịch vụ công. Năm 2020, Agribank chú trọng nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng cho người dân thông qua cung ứng hàng trăm sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích, đa dạng kênh phân phối; Triển khai an toàn 68 Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng với gần 14.500 phiên giao dịch, phục vụ hơn 1,2 triệu khách hàng tại địa bàn 400 xã trên toàn quốc; triển khai hiệu quả Đề án Thẻ “Tam nông”.  

Riêng đối với Chương trình tín dụng tiêu dùng, sau gần 2 năm triển khai, doanh số cho vay đã vượt xa quy mô ban đầu, đạt gần 22.000 tỷ đồng với 230.000 hộ gia đình, cá nhân được bổ sung vốn phục vụ nhu cầu hợp pháp và cấp thiết… qua đó tạo điều kiện thuận lợi để người dân khu vực nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn và các dịch vụ tài chính ngân hàng, hạn chế tín dụng đen và đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.

Agribank được nhận Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ghi nhận đóng góp tích cực trong việc kết nối cung cấp dịch vụ thanh toán trên Cổng Dịch vụ công quốc gia năm 2020, ghi nhận sự đi đầu của Agribank trong phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích, hiện đại.

Ngoài ra, để tiếp tục hiện thực hóa Chiến lược quốc gia của Việt Nam về kinh tế xanh thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, năm 2020, Agribank triển khai nhiều hoạt động ngân hàng xanh, trong đó hoàn thành mục tiêu trồng 1 triệu cây xanh tại các địa phương trên cả nước, trở thành đơn vị tiên phong hưởng ứng Chương trình 1 tỷ cây xanh trong 5 năm của Thủ tướng Chính phủ. Agribank triển khai nhiều chương trình hoạt động Vì cộng đồng, tích cực nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn thông qua triển khai Chương trình trao tặng tủ sách “Thêm con chữ, bớt đói nghèo”, dành kinh phí hàng trăm tỷ đồng ủng hộ các hoạt động an sinh xã hội ưu tiên lĩnh vực giáo dục, y tế, xây dựng nhà tình nghĩa, trạm y tế, đường giao thông nông thôn...

Năm 2020, Agribank giành được hàng loạt giải thưởng uy tín: Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 2020; Top 10 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam VNR500; Top 3 trong 1000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam; Top 50 doanh nghiệp xuất sắc nhất Việt Nam; ngân hàng bán lẻ; ngân hàng Việt Nam tiêu biểu về hỗ trợ đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao; ngân hàng vì cộng đồng… Năm 2020, Agribank đảm nhận vị trí Chủ tịch Hiệp hội ngân hàng Việt Nam nhiệm kỳ VII (2020- 2024), tiếp tục khẳng định uy tín, vị thế, vai trò chủ lực của Agribank trong hệ thống ngân hàng.

Lãnh đạo Agribank khẳng định, bước sang năm 2021, năm đầu tiên thực hiện Đề án Chiến lược kinh doanh giai đoạn 2021- 2025, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Agribank lần thứ X nhiệm kỳ 2020-2025, bám sát Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 07/01/2021 của Thống đốc NHNN, toàn hệ thống Agribank tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới sáng tạo, lấy khoa học công nghệ làm khâu đột phá, đổi mới mô hình quản trị, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, kinh doanh an toàn, hiệu quả; tiếp tục xây dựng Agribank hiện đại, hội nhập, giữ vững vị trí chủ lực trên thị trường tài chính nông nghiệp, nông thôn với hình ảnh ngân hàng hiện đại, đổi mới, năng động, chuyên nghiệp, chất lượng dịch vụ hàng đầu; ưu tiên triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ khách hàng và nền kinh tế, góp phần đưa hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại trạng thái bình thường, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Agribank muốn bán 0,5% cổ phần cho nhân viên, sớm niêm yết lên sàn
Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank đề xuất Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm 2 giai đoạn cổ phần hóa, bởi nếu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư