Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 12 năm 2024,
8 cổ phiếu cần quan tâm ngày 29/3
 
Đầu tư CK trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 29/3 của các công ty chứng khoán.

1. BTP: Định giá 21.000 đồng/CP cho mục tiêu trung và dài hạn

CTCK MB (MBS)

Hiện tại BTP của CTCP Nhiệt điện Bà Rịa đang được giao dịch với mức giá 15.800 đồng/CP, EPS là 1.911 và BVPS là 17.859, tương ứng P/E 8,27 lần và P/B là 0,88 lần.

Chúng tôi nhận định giá khí (nhiên liệu đầu vào chủ yếu của BTP) chỉ biến động tăng nhẹ so với cuối năm 2015, tuy nhiên so với mức trung bình của năm 2015 vẫn thấp hơn tương đối. Do vậy, giá vốn bán hàng của BTP có thể còn thấp hơn so với năm 2015.

Bên cạnh đó tỷ giá KRW/VND có xu hướng ổn định từ đầu năm đến hiện tại, với kỳ vọng tỷ giá sẽ chỉ biến động tăng nhẹ trong năm 2016, việc hạch toán lỗ tỷ giá sẽ giảm mạnh so với năm 2015. Trong khi nhu cầu tiêu thụ điện năng tiếp tục tăng trưởng khoảng 12%/năm, nguồn cung chủ yếu đến từ các doanh nghiệp nhiệt điện.

Từ các yếu tố trên, chúng tôi cho rằng lợi nhuận sau thuế của BTP nhiều khả năng sẽ tăng trưởng ít nhất khoảng 15% trong năm nay, tương ứng 132,9 tỷ đồng. Với kết quả này, EPS của BTP sẽ là 2.197 đồng/cổ phần. Như vậy, so với mức giá hiện tại P/E của BTP vào khoảng 7,19 lần, khá hấp dẫn so với trung bình ngành khoảng 10,3 lần. Chúng tôi dự phóng mức P/E hợp lý với BTP năm 2016 ở mức 9,5 lần, tương ứng mức định giá 21.000 đồng/CP cho mục tiêu đầu tư trung và dài hạn.

2. NT2: Định giá 40.000 đồng/CP cho mục tiêu trung và dài hạn

CTCK MB (MBS)

Hiện tại NT2 của CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch đang được giao dịch với mức giá 32.400 đồng/CP, EPS là 4.324 và BVPS là 17.301, tương ứng P/E 7,46 lần và P/B là 1,87 lần.

Năm 2016, mặc dù công ty lên kế hoạch tổng doanh thu 6.003 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 728 tỷ đồng, thấp hơn kết quả thực hiện năm 2015, nhưng chúng tôi nhận định NT2 nhiều khả năng sẽ tiếp tục vượt kế hoạch và Tổng doanh thu có thể tăng trưởng so với thực hiện năm 2015 tối thiểu 15% do nhu cầu tiêu thụ điện của cả nước thường tăng trưởng gấp đôi so với tăng trưởng GDP và sản lượng điện tăng trên 10%/năm, trong khi hạn hán tiếp tục kéo dài làm gián đoạn quá trình sản xuất và cung cấp điện của nhiều nhà thủy điện, NT2 sẽ tiếp tục được huy động tối đa công suất. Bên cạnh đó, NT2 tiếp tục được thu hồi phần doanh thu 200 tỷ đồng chưa được trả của giai đoạn 2011-2013.

Dựa trên cơ sở hoạt động kinh doanh của NT2, giá khí đầu vào thấp hơn so với mức bình quân của năm 2015, VND có thể mất giá 3% so với USD, EUR không có nhiều biến động, lãi suất EUR giảm và lãi suất USD tăng bù trừ không thay đổi, chúng tôi đưa ra mức dự phóng thận trọng EPS của NT2 nhiều khả năng sẽ đạt 5000 đồng/CP, tương ứng với P/E so với mức giá hiện tại là 32.400 đồng là 6,48 lần.

Không tính cổ phiếu thưởng, tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2015 của NT2 là 26% và dự kiến chia cổ tức 20% cho năm 2016. NT2 đang có mức giá khá hấp dẫn, với P/E là 6,48 lần thấp hơn nhiều so với trung bình ngành (10,3 lần). Chúng tôi dự phóng mức P/E hợp lý với NT2 năm 2016 ở mức 8 lần, tương ứng mức định giá 40.000 đồng/CP cho mục tiêu đầu tư trung và dài hạn.

NT2: Khuyến nghị mua vào

CTCK ACB (ACBS)

Nhìn chung, trong năm 2016, với kế hoạch cổ tức 26% cùng với bối cảnh giá khí duy trì ở mức thấp (hiện chỉ trên 3USD/MMBTU) chúng tôi duy trì khuyến nghị MUA đối với CP Công ty này, với EPS hiệu chỉnh (không bao gồm lãi/lỗ chênh lệch tỷ giá và phần trích lập quỹ khen thưởng) dự phóng đạt 4.590 đồng.

3. PVD: Khuyến nghị nắm giữ

CTCK ACB (ACBS)

Tổng công ty khoan và dịch vụ khoan dầu khí (PVD) đạt 14.500 tỷ đồng doanh thu, giảm 31% và 1.670 tỷ đồng lợi nhuận, giảm 31% trong năm 2015. Sự sụt giàm của giá dầu thô cùng với cơ chế tính giá thuê ngày của các giàn tự nâng biến động theo giá dầu Brent giao ngay từ đầu năm 2015 đã tác động đến tiêu cực đến khối lượng dịch vụ liên quan đến khoan (giảm 10~20%) và đơn giá cho thuê giàn khoan theo ngày (-18%).

Hơn nữa, trong quý IV/2015, tất cả giàn thuê ngoài đều ngưng hoạt động trong khi các giàn tự nâng thuộc sở hữu của công ty: PVD II, III và VI cũng rơi vào tình trạng trên từ những tháng cuối năm 2015. Đây có thể là do quá trình thương thảo giá thuê ngày với các khách hàng khi mà mức giá dầu hiện tại khó có thể đem lại lợi nhuận trong việc vận hành khai thác.

Qua đó có thể thấy giá CP cũng như kết quả kinh doanh của PVD phản ánh khá tương quan sự dịch chuyển của giá dầu. Với tình trạng giá dầu nêu trên, các yếu tố thúc đẩy cho xu hướng đi lên mạnh của PVD hầu như không có. Trong năm 2016, PVD vừa ký hợp đồng cung cấp giàn khoan PVD III và các dịch vụ giếng khoancho chiến dịch khoan của Murphy Phương Nam Oiltại block 11-2/11 Nam Côn Sơn bắt đầu từ cuối tháng 3/2016.

Như vậy, chúng tôi dự báo sẽ có 1 giàn đất liền (PVD 11), 2 giàn tự nâng (PVD I, III) và 1 giàn nửa nổi nửa chìm (TAD-PVD V) hoạt động trong 9 tháng năm 2016. Sau đó, một giàn tự nâng nữa có thể sẽ tham gia trong những tháng cuối năm do những kỳ vọng về giá dầu phục hồi. Về giá thuê ngày (dựa trên giả định giá dầu Brent trung bình 40 USD), giá cho các giàn tự nâng sẽ giảm 16.5% xuống còn khoảng 100.000 USD/ngày trong khi giá thuê cho giàn TAD giảm 7% và giá cho thuê giàn đất liền vẫn tiếp tục duy trì ở mức giá hợp đồng 30.500 USD/ngày. Với hiệu suất sử dụng giàn giảm, khối lượng dịch vụ liên quan đến khoan cũng sẽ giảm theo, kéo doanh thu mảng này xuống 55%.

Nhìn chung, kết quả kinh doanh của PVD trong quý I/2016 sẽ chịu tác động nặng nề trong khi doanh thu và lợi nhuận sau thuế cả năm được dự phóng giảm tương đương còn VND 5.900 tỷ đồng (-59%) và 388 tỷ đồng (-78%). Với dự báo xu hướng đi lên giá dầu trong tương lai, chúng tôi khuyến nghị NẮM GIỮ với cổ phiếu này đối với các nhà đầu tư dài hạn.

4. PVS: Khuyến nghị nắm giữ

CTCK ACB (ACBS)

Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) ghi nhận 23.363 tỷ đồng doanh thu, giảm 26%) và 1.467 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.Kết quả này được giải thích chủ yếu bởi sự sụp đổ của giá dầu cùng với số lượng các hoạt động thăm dò khai thác (E&P), dẫn đến sự suy giàm trong doanh thu (-33% đến -46%) và lợi nhuận của hầu hết các mảng kinh doanh của PVS, thậm chí là lỗ đối với mảng Khảo sát địa chấn (ROV); ngoại trừ dịch vụ kho nổi FSO/FPSO và căn cứ cảng. Sự ngoại lệ này đến từ việc vận hành cả năm FPSO Lam Sơn (so với 5 tháng trong 2014) và sự tham gia của cản Sơn Trà từ 7/2015.

Hơn nữa, bất chấp sự suy giảm 37% trong Dịch vụ cơ khí dầu khí (M&C) - mảng kinh doanh đóng góp doanh thu lớn nhất của PVS (chiếm 40%), biên lợi nhuận gộp M&C được cải thiên khá (từ 3,8% lên 8,6%) do hoàn thành các dự án ngoài khơi - với BLN gộp thường cao hơn các dự án trên đất liền. Nhìn chung kết quả kinh doanh của PVS đã phản ánh khá tình hình giá dầu trong năm vừa qua.

Là một công ty con của PVN, PVS nắm 90% thị phần và gần như độc quyền trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ cho các đơn vị khai thác dầu khí tại Việt Nam. Tuy nhiên hầu hết khách hàng của PVS là các công ty con thuộc sở hữu của PVN và liên doanh.Trong bối cảnh giá dầu hiện nay, chính điều này lại là bất lợi cho PVS khi mà khả năng đàm phán bị giới hạn cũng như chiến lược phát triển của PVS bi phụ thuộc vào định hướng của PVN hơn là của chính công ty.

Trong 2016, các hoạt động E&P chưa cho thấy những dấu hiệu phục hồi,do đó sẽ tiếp tục tác động tiêu cực đến doanh thu và lợi nhuận của dịch vụ Cung ứng tàu chuyên dụng và Vận hành/ bảo dưỡng (O&M) (-40%). Mảng ROV cũng vì vậy mà sẽ tiếp tục ghi nhận lỗ trong năm nay. Mặt khác, dịch vụ FSO/FPSO và căn cứ cảng sẽ tiếp tục ít bị ảnh hưởng hơn bởi giá dầu do được ký các hợp đồng dài hạn.

Triển vọng cho mảng M&C cũng tương đồng với doanh thu chỉ giảm 7% nhờ vào các dự án đang triển ổn định trên bờ (nhà máy nhiệt điện Long Phú, nhà máy xử lý khí Cà Mau và nhà máy NPK Phú Mỹ). Tuy nhiên, như đã đề cập, với tính chất của các dự án này, biên lợi nhuận gộp của M&C sẽ chỉ đạt khoảng 4% (2015: 8,6%). Nhìn chung, chúng tôi dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế của PVS sẽ giảm khoảng 19% và 37% so với cùng kỳ. NẮM GIỮ.

5. GAS: Khuyến nghị nắm giữ

CTCK ACB (ACBS)

Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS) ghi nhận KQKD sụt giảm trong năm 2015, với 64.358 tỷ đồng doanh thu, giảm 12% và 8.831 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 38,5%. Giá dầu tiếp tục là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụy giảm đáng kể này. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, trong năm 2014, GAS đã thu được khoản quyết toán lượng khí trên bao tiêu của EVN trong cho giai đoạn 7/2009-3/2014 với số tiền 3.898 tỷ đồng. Như vậy, khi loại trừ khoản lãi bất thường trên thì doanh thu và lợi nhuận của GAS chỉ giảm tương ứng 7,6% và 15,5% so với năm trước. Nhìn chung trong năm giá CP GAS hiện tại đã giàm đáng kể 38% so với thời điển đầu năm, tương đương với đà giảm EPS của GAS (hiện đang ở mức 4.370 đồng).

Phần lớn doanh thu và lợi nhuận gộp GAS đến từ việc bán khí khô (tương ứng 60% và 68%), trong đó sản lượng bán cho các nhà máy nhiệt điện chiếm phần lớn nhất (83%). Trong 2016, tình hình hạn hán kéo dài sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản lượng của các nhà máy thủy điện nhưng lại làm tăng nhu cầu điện sản xuất từ các nhà máy nhiệt điện khí. Thêm vào đó, với việc hoàn thành giai đoạn 1 của dự án thu gom phấn phối khí mỏ Hàm Rồng Thái Bình, GAS sẽ co thêm nguồn thu mới từ các khách hàng công nghiệp miền Bắc qua kênh phân phối khí thấp áp/CNG. Do đó, chúng tôi dự phóng sản lượng khí khô của GAS sẽ tăng 3% trong khi giá bán giảm 9% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, GAS đang đề xuất xin điều chỉnh cơ chế giá giá thị trường để đảm bảo giá đầu ra cho sản lượng trên bao tiêu ít nhất bằng giá đầu vào. Nếu được thông qua, tốc độ giảm lợi nhuận do giá dầu giảm sẽ chậm lại, giảm bớt rủi ro cho GAS khi mà suy đến cùng GAS cũng chỉ đóng vai trò trung gian. Về mảng LPG (chiếm 36% doanh thu), giá bán dự kiến sẽ giảm 22% trong khi biên lợi nhuận gộp vẫn sẽ duy trì được ở mức 10% nhờ vào thị phần hơn 70%.

Cùng với giả định giá dầu ở mức trung bình 40 USD/thùng, chúng tôi dự báo trong 2016, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của GAS sẽ đạt lần lượt 57.250 tỷ đồng, giảm 11% so với năm trước và 7.240 tỷ đồng, giảm 18%. NẮM GIỮ (giá mục tiêu: 49.200 đồng/CP)

6. DPM: Khuyến nghị mua vào

CTCK ACB (ACBS)

Chấm dứt xu hướng giảm trong 3 năm liền trước, Tổng công ty phân bón và Hóa chất dầu khí (DPM) đã tăng trưởng khá trong năm 2015 với doanh thu đạt 9.851 tỷ đồng, tăng 2% và lợi nhuận sau thuế 1.521 tỷ đồng, tăng 34%, tương ứng với 101% và 98% dự phóng của chúng tôi. Kết quả này có thể được giải thích chủ yếu là do khả năng duy trì giá bán cao của các sp ure DPM (-1,3% trong khi giá khí đầu vào giảm 36% (cơ chế giá khí theo giá thị trường từ 2015).

Cho đến thời điểm hiện tại, cơ chế tính giá khí của PVGas giành cho DPM vẫn chưa có dấu hiệu thay đổi nào. Vì vậy, DPM vẫn sẽ tiếp tục hưởng lợi từ việc giá dầu thấp với giá khí dự phóng còn USD 3,8/mmbtu (-16%) (dựa trên mức giá dầu Brent trung bình 40 USD). Đối với giá phân urê của DPM, chúng tôi tin rằng sẽ chỉ giảm 6,5%, chậm hơn tốc độ giảm giá khí, nhờ vào hệ thống phâ phối rộng khắp và thượng hiệu mạnh.

Tuy nhiên, sản lượng urê năm nay sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực do tình hình hạn hán cùng với ngập măn nặng đang diễn ra ở miền Trung (DPM chiếm 70% thị phần) và vùng đồng bằng sông Cửu Long (35% thị phần), nơi có vựa lúc lớn nhất cả nước. Bên cạnh đó, mặc dù hoạt động của PVTEX dự kiến sẽ tiếp tục thua lỗ, điều này sẽ không ảnh hưởng đến lợi nhuận sau thuế của DPM trong năm nay do đã được trính lập hết.

Do đó, chúng tôi dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế của DPM sẽ giảm tương ứng 11% và 7%. Với mức PE thấp hiện nay 7,6 và giá khí đầu vào thấp trong 2016, chúng tôi vẫn duy trì khuyến nghị MUA đối với CP này với giá mục tiêu 34.400 đồng/CP.

7. DBC: Khuyến nghị mua vào

CTCK BIDV (BSC)

CTCP Dabaco Việt Nam (DBC - sàn HNX) đang thoái vốn tại các dự án bất động sản, tập trung hơn vào hoạt động lõi, phát triển mô hình từ trang trại đến bàn ăn tương tự như các đối thủ lớn Masan, CP, Vissan. Kết quả kinh doanh 2015. Năm 2015, tổng doanh thu của Tập đoàn đạt 5.791 tỷ đồng, tăng 13% so với năm trước. Tổng lợi nhuận sau thuế đạt 253 tỷ đồng, tăng 23% so với năm trước nhờ mảng chăn nuôi và chế biến thực phẩm tiếp tục được cải thiện.

Công ty đặt mục tiêu doanh thu đạt 8.456 tỷ đồng (bao gồm cả doanh thu nội bộ). Lợi nhuận sau thuế đạt 291 tỷ đồng (phấn đấu đạt 450 tỷ đồng), trong đó lợi nhuận từ sản xuất thức ăn chăn nuôi và chế biến thực phẩm là 241 tỷ đồng. Khi đó, EPS kế hoạch là 3.679 đồng/CP, loại trừ lợi nhuận từ bất động sản, EPS là 3.015 đồng/CP. Cổ tức 2016 dự kiến là 10% cổ phiếu và 5% tiền mặt.

Năm 2016, doanh thu thuần được dự báo đạt 6.314 tỷ đồng, tăng 9% trong đó, sản lượng tiêu thụ thức ăn chăn nuôi đạt 465.000 tấn, tăng 9%, tương đương với doanh thu là 3.596 tỷ đồng, chăn nuôi, chế biến thực phẩm được dự báo đạt 2.718 tỷ đồng, tăng 10%. Lợi nhuận sau thuế được dự báo đạt 266 tỷ đồng, tăng 5%, tương đương EPS là 3.344 đồng/CP. Lưu ý, dự báo của chúng tôi không tính đến lợi nhuận thu về từ việc chuyển nhượng các dự án bất động sản của DBC.

Mặt khác, rủi ro cạnh tranh tăng với mảng thức ăn chăn nuôi khi có thêm nhiều đối thủ mới gia nhập ngành và với mảng chế biến thực phẩm do lo ngại cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài; (2) Rủi ro khoản phải thu từ bất động sản.

Chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu DBC với giá mục tiêu là 35.500 đồng/CP trong 12 tháng tới theo phương pháp FCFF (upside 22%). Ngày 26/3/2016, cổ phiếu DBC được giao dịch tại mức giá 29.100 đồng/CP, tương đương P/E FW (loại trừ lợi nhuận từ bất động sản) là 8,7x, thấp hơn so với P/E của thị trường và thấp hơn so nhiều so với P/E của Vissan (92,85x) trong phiên đấu giá cho cổ đông chiến lược ngày 24/3/2016.

8. VIT: Khuyến nghị tích cực

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Năm 2016 là một năm bản lề đánh dầu bước phát triển mới của CTCP Viglacera Tiên Sơn (VIT - sàn HNX). Công ty dự kiến sẽ huy động 100% công suất nhà máy Thái Bình 2, đặt kế hoạch tiêu thụ 6,6 triệu m2 gạch, doanh thu 1.024 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 70,5 tỷ đồng, tăng trưởng gấp rưỡi so với năm 2015. Cổ tức 2016 dự kiến ít nhất 15%.

Về kế hoạch dài hạn, Công ty dự kiến tiếp tục triển khai giai đoạn 3 (2017-2018) và giai đoạn 4 (2019-2020) của nhà máy Viglacera Thái Bình, mỗi giai đoạn có công suất khoảng 4 triệu m2/năm.

Nhà máy Thái Bình 2 đi vào hoạt động ổn định là cơ sở để VIT đưa ra kế hoạch kinh doanh tăng trưởng cao trong năm 2016. Khoảng 40% sản lượng nhà máy mới được định hướng dành cho xuất khẩu và đã được các công ty thương mại của Viglacera tiến hành làm thị trường. Nếu hoàn thành kế hoạch đề ra, EPS 2016 của VIT ước đạt gần 3.800 đồng/CP. Với mức giá 22.800 đồng/cổ phần, VIT đang được giao dịch với mức P/E forward 2016 khoảng 6x. Chúng tôi cho rằng đây là mức P/E tương đối hấp dẫn và tiếp tục duy trì khuyến nghị OUTPERFORM với cổ phiếu VIT.

Thị trường chứng khoán: Khối ngoại trở lại mua ròng trong quý II
Những nỗ lực tháo gỡ nút thắt trong vấn đề mở room cho nhà đầu tư nước ngoài từ phía các bộ, theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó phòng Phân tích CTCK...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư