Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 17 tháng 01 năm 2025,
80% đầu ra của dưa hấu phụ thuộc thị trường trong nước
Thế Hải - 20/04/2018 19:10
 
Sản lượng dưa hấu của nước ta hiện đã vượt 1,5 triệu tấn, nhưng chỉ 20% trong số này xuất khẩu, 80% phụ thuộc vào thị trường trong nước, dẫn đến điệp khúc đổ bỏ, rớt giá thường xuyên.
Sản lượng vượt hơn 1,5 triệu tấn, trong đó 80% phụ thuộc tiêu thụ nội địa, cảnh được mùa, rớt giá xảy ra liên tục với dưa hấu. (Ảnh: Thanh niên tình nguyện hỗ trợ người dân Quảng Ngãi bán dưa hấu niên vụ 2017).
Sản lượng vượt hơn 1,5 triệu tấn, trong đó 80% phụ thuộc tiêu thụ nội địa, cảnh được mùa, rớt giá xảy ra liên tục với dưa hấu. (Ảnh: Thanh niên tình nguyện hỗ trợ người dân Quảng Ngãi bán dưa hấu niên vụ 2017).

Đại diện 7 Sở Công Thương, gồm: Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi đã làm việc trực tiếp với gần 100 thương nhân hoạt động trong ngành xuất nhập khẩu nông sản trong nước và  Trung Quốc, tìm đường ra cho dưa hấu niên vụ 2018.

Sự kiện do Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) và Sở Công Thương Quảng Ngãi - địa phương có diện tích dưa hấu lớn trên cả nước tổ chức.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) thông tin, năm 2017, sản lượng dưa hấu cả nước đạt 1,5 triệu tấn, nhưng đầu ra chủ yếu phụ thuộc vào thị trường nội địa với 80% sản lượng, chỉ 20% có thể xuất khẩu, thị trường tiêu thị chính là Trung Quốc.

“Việc nông dân mở rộng quy mô sản xuất tràn lan thời gian qua đã khiến nguồn cung nội địa vượt nhu cầu thị trường. Từ đó, tạo sức ép lên giá cả trong nước, gây nhiều khó khăn và áp lực cho vấn đề tiêu thụ nông sản”, ông Đông nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Tăng Bính, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, dưa hấu và một số nông sản khác vẫn còn bấp bênh trong khâu tiêu thụ. Vụ mùa đầu năm 2018 này, diện tích trồng dưa hấu của nông dân Quảng Ngãi tăng lên đáng kể (khoảng 1.400ha), song đến nay dù đã bắt đầu vào mùa thu hoạch nhưng việc tiêu thụ sản phẩm này vẫn chưa có đối tác thu mua.

Năm 2017, dưa hấu Quảng Ngãi được mùa, rớt giá và không thể tiêu thụ được, nhiều Bộ ngành, cơ quan đã cùng chung tay hỗ trợ tiêu thụ giúp bà con nông dân.

Thị trường trong nước hiện đang là kênh tiêu thụ chủ lực của dưa hấu, trong khi xuất khẩu mới chiếm 20% sản lượng, nhưng phụ thuộc phần lớn vào thị trường Trung Quốc. Trong số 4 thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành rau quả năm 2017, ngoài Hoa Kỳ, Nhật Bản và EU, nhiều năm qua, Trung Quốc luôn chiếm vị trí dẫn đầu.

Năm 2017, xuất khẩu rau quả đạt 3,5 tỷ USD, xuất sang Trung Quốc chiếm gần 76% tổng kim ngạch, đạt 2,65 tỷ USD, tăng 52,4% so với năm 2016.

Việt Nam hiện có 8 loại trái cây tươi được phép xuất khẩu vào Trung Quốc, gồm thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm, trong đó có 4 loại chiếm thị phần gần như tuyệt đối (từ 85-98%) tại thị trường này.

Một số loại trái cây có khả năng sản xuất nhưng lại chưa được phép xuất khẩu vào thị trường này gồm măng cụt, bưởi da xanh, chanh leo... và vẫn đang trong quá trình đàm phán mở cửa thị trường.

Thông tin từ Thương hội xuất nhập khẩu hoa quả Bằng Tường (TP Bằng Tường, Trung Quốc cho biết, hiện Thương hội Bằng Tường là đơn vị dẫn đầu cả nước về xuất nhập khẩu nông sản, chiếm 51% trọng lượng xuất nhập khẩu hoa quả Trung Quốc.

Bởi vậy, cơ hội xuất khẩu không chỉ dưa hấu mà nhiều loại nông sản của Việt Nam vẫn rất lớn. Năm 2017, xuất khẩu dưa hấu mang về hơn 95 triệu USD.

Tuy nhiên, để xuất khẩu suôn sẻ, yêu cầu về chất lượng, xuất xứ với nông sản nói chung và dưa hấu nói riêng ngày càng cao. Bộ Công Thương cho biết, hoạt động xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc sẽ ngày càng thắt chặt bởi các rào cản về chất lượng nông sản, truy xuất nguồn gốc xuất xứ…

Cụ thể, từ ngày 1/4, phía Trung Quốc yêu cầu truy xuất nguồn gốc hoa quả xuất khẩu từ Việt Nam. Bộ Công Thương đã đề nghị các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất kinh doanh nông sản trong quá trình sản xuất, kinh doanh phải đáp ứng quy trình sản xuất nông sản an toàn, đảm bảo đủ yêu cầu về sản phẩm của nước nhập khẩu.

Mới đây nhất, UBND tỉnh Lạng Sơn vừa có văn bản số 1311/VP-KTTH gửi các ngành chức năng của tỉnh về tình hình triển khai khuyến cáo phía Quảng Tây, Trung Quốc tăng cường quản lý truy xuất nguồn gốc hoa quả xuất nhập khẩu.

Theo đó, Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn chủ trì phối hợp với Cục Hải quan thực hiện niêm yết khuyến cáo thông tin tại các khu vực cửa khẩu để doanh nghiệp, thương nhân kinh doanh xuất khẩu hoa quả biết.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII hướng dẫn các doanh nghiệp, thương nhân về thủ tục, cách thức thực hiện quản lý truy xuất nguồn gốc hoa quả nhập khẩu theo quy định của phía Trung Quốc.

Xuất khẩu rau quả ước đạt 934 triệu USD trong 3 tháng đầu năm
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu mặt hàng rau quả trong tháng 3/2018 ước đạt 284 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư