Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 20 tháng 09 năm 2024,
8X Nguyễn Việt Bắc, ông chủ Thưởng Trà Quán với khát vọng bảo tồn giống trà Việt cổ
Viễn Nguyệt - 18/03/2018 13:11
 
Tốt nghiệp loại ưu ngành kỹ thuật nhiệt, Nguyễn Việt Bắc từ chối mọi lời mời làm việc của các doanh nghiệp, mà bước chân vào kinh doanh phần mềm. Khi đang gặt hái được nhiều thành công trên lĩnh vực này thì chàng trai 8X quê Quảng Xương (Thanh Hóa) này lại bỏ phắt để quay sang lĩnh vực mới hoàn toàn - làm hồi sinh những giống trà Việt cổ.

“Người bạn” tri âm

Trong không gian ấm cúng của Thưởng Trà Quán ở 2E - Tông Đản (Hà Nội), Bắc bắt đầu một ngày mới bằng một ấm trà đặc biệt. Nhìn sự cẩn trọng, tỷ mỉ của anh trong từng động tác châm nước, pha trà, người ta liên tưởng đến cung cách giao tiếp đối với một người bạn tâm giao tri kỷ, chứ không chỉ ở việc pha chế một thứ đồ uống thông thường. Với Bắc, đó là sự kính ngưỡng đối với trà.

“Tôi uống trà từ khi còn nhỏ, mỗi lần kỳ thi tới là uống trà để thức khuya học bài ôn thi và nó trở thành thói quen lúc nào không hay. Phần nữa, là sự ảnh hưởng phong cách sống từ cha và ông nội”, Bắc kể.

.
Nguyễn Việt Bắc thực hiện các thao tác pha trà.

Vào cấp 3, khác hẳn với bạn bè đồng trang lứa bởi tính cách trầm ngâm, thích sưu tầm và đọc cổ văn, tứ thư, ngũ kinh, cộng với thú uống trà tao nhã đã hình thành một lối sống và cũng chính điều này góp phần hun đúc quyết tâm mở một quán trà riêng khi anh ra Hà Nội học đại học, để “đáp ứng chính nhu cầu của mình và làm nơi tiếp khách thưởng trà, phục vụ những khách có cùng sở thích”.

Năm 2010, quán ra đời. Những ấm trà đặc “cắm tăm” đã thu hút khá đông những vị khách nghiền trà. Dù vậy, thứ đồ uống được chọn lựa khá kỹ này vẫn không làm hài lòng “gu” thẩm trà tinh tế của Bắc. Nhu cầu tìm kiếm, lựa chọn các loại trà ngon bắt đầu hình thành và cũng từ đây khởi đầu một hành trình gian nan của gã trai lãng tử trên các vùng trà miền sơn cước. Nhãn quan về trà được mở mang, cùng với đó là những trải nghiệm mà cho đến tận bây giờ vẫn còn như in trong tâm trí anh.

Vùng đất trà Tân Cương (Thái Nguyên) có loại trà Bạch Hạc nổi tiếng, được đưa từ Phú Thọ về vào năm 1918, nhưng giống trà này bị phá đi rất nhiều, bởi nó không cho năng suất cao như những giống trà lai mới. Nhìn những cây trà cổ hàng trăm năm tuổi đang sống lay lắt, kiệt quệ, Bắc không khỏi xót xa.

Ở Suối Giàng (Yên Bái), Bắc gặp những cây trà cổ nhìn như những cây bonsai, rất đẹp về ngoại hình, nhưng đáng buồn vì đó là biểu hiện của sự suy kiệt quá mức, do đất đai cằn cỗi, không được chăm bón. Vùng Tà Xùa (Sơn La) còn đắng lòng hơn bởi những cây trà cổ thụ mọc ở độ cao hơn ngàn mét so với mặt biển, hàng trăm năm vươn mình chịu đựng mọi điều kiện của thiên nhiên để sản sinh ra những búp trà đầy tinh túy. Ấy vậy mà, chúng chẳng được yên thân bởi sức tàn phá ghê gớm của con người, những cây trà ngày càng trơ trọi, khẳng khiu…

Chính thức khởi động kế hoạch của mình vào năm 2011 ở Tân Cương, từ một mảnh vườn 3.600 m2, chủ nhân đang có ý định phá đi vì cây trà cổ không đem lại hiệu quả kinh tế như những cây trà khác trên cùng một diện tích. Khó khăn chồng chất vì tác động để thay đổi thói quen vốn đã thâm căn cố đế của người dân trên những vùng trà đã định hình quả là điều không tưởng, nhất là đối với một người chân ướt chân ráo vào nghề trà như Bắc. Nhưng với quyết tâm nung nấu phải giữ lại bằng được giống trà bản địa, anh đã đề nghị chủ vườn không chặt đi, mà cứ để đó trong vòng 2 năm, số tiền trả cho họ lớn hơn số gia chủ thu được từ vườn trà đó. Cùng thời điểm, vườn trà Tà Xùa cũng được triển khai.

Cái được lớn nhất đối với Nguyễn Việt Bắc không phải là thương hiệu, mà là diện tích trà cổ được giữ lại ngày càng nhiều, cây trà được định danh rõ ràng với mỗi sản phẩm.

Đây là quãng thời gian cực kỳ vất vả đối với Bắc. Một mình một ngựa, lặn lội trên các cung đường Thái Nguyên - Sơn La - Hà Nội. Có lần bị lạc giữa bốn bề là núi, xung quanh không có nhà dân, màn đêm sập xuống. Đêm giữa rừng vừa lạnh, vừa đói. May mà bộ đồ trà vẫn mang theo bên mình. Vậy là nổi lửa pha trà chờ trời sáng…

Đường từ Tà Xùa vào các thôn bản cũng gian nan muôn phần. Có lần Bắc bị “giam” tới 4 ngày đêm trong rừng vì trời mưa, xe máy không thể đi nổi vì đường đất trơn trượt. Lần đó, cũng chỉ có “người bạn tri âm” trà tiếp động lực cho Bắc trong suốt thời gian ở lán giữa rừng chờ mưa tạnh…

Chưa hết, ở Tà Xùa, cái vướng nhất là giao tiếp với bà con dân bản. Hầu hết đồng bào Mông ở đây không nói được tiếng Kinh, hỏi gì cũng lắc. Thế là lại phải lọ mọ đi tìm cán bộ xã làm “thông dịch”…

Sau khi khảo sát, ở mỗi vùng trà, Bắc thuyết phục một hộ dân giữ lại giống trà làm mẫu. Bắc hướng dẫn họ chăm bón vườn trà bằng kiến thức, tư liệu mà anh đã dày công nghiên cứu, đồng thời bao tiêu sản phẩm cho họ. Người dân tin tưởng bởi họ thấy anh làm trà bằng sự chân thành với niềm đam mê kỳ lạ, điều khác biệt hoàn toàn với những thương lái trước đó.

Năm đầu tiên, tiêu thụ sản phẩm trà vô cùng khó, vì Bắc chưa có thương hiệu trong giới kinh doanh trà, khách hàng cũng chưa biết nhiều. Trà tồn đọng đầy kho, song ông chủ “cực đoan” kiên quyết không chấp nhận bán rẻ cho dân buôn, bởi anh cho rằng, đó chính là sự tiếp tay cho cách đấu trộn vơ bèo vạt tép, làm tổn hại đến ngành trà.

Đến năm 2013, tiếng tăm của Bắc đã nổi như cồn trong giới làm trà. Thế nhưng, Bắc cho rằng, cái được lớn nhất đối với anh không phải là thương hiệu, mà quan trọng hơn là diện tích trà cổ được giữ lại ngày càng nhiều, cây trà được định danh rõ ràng với mỗi sản phẩm của từng vùng được đặt tên khác nhau: Tà Xùa là Lạc Sơn, Ngạnh Ngọc (là một loại hồng trà rất hiếm), Yết Tế; Thái Nguyên có Bạch Hạc. Giới uống trà Việt Nam bắt đầu quay lại với giống trà bản địa ở những vùng đất trà trên cả nước, người dân thay đổi quan niệm về giống trà cổ, dân buôn trà cũng đi lùng “trà ta”, thay vì những giống trà lai như trước.

Quan niệm khác người về “trà đạo”

Đam mê trà đến mức trở thành thứ đồ uống không thể thiếu trong đời sống, “không uống trà từ lúc lọt lòng, nhưng sẽ uống trà đến khi nhắm mắt xuôi tay”, nhưng Bắc không sùng bái nghệ thuật trà đạo như một số người vẫn làm khi có chút tiếng tăm. Thoạt nghe, điều này có vẻ khá mâu thuẫn với “ấp ủ đưa nghệ thuật trà thành một nét văn hóa vươn xa trên thế giới, thay vì thưởng thức thông thường” của Bắc, nhưng nghe anh tâm sự, mới thấy sự thấu đáo mà chỉ người làm trà bằng cái tâm mới có.

“Nhiều người hay nói từ ‘trà đạo Việt’, rồi gò ép khiên cưỡng và quan trọng hóa việc uống trà, nhưng tôi quan niệm khác, vì việc xây dựng tính thẩm mỹ và nghi lễ trong việc uống trà phải được sinh ra từ sự kính ngưỡng đối với sản phẩm đó”, Bắc chia sẻ.

Người làm nghề hãy có thái độ kính ngưỡng với nghề của mình, từ đó sẽ phát tiết những tinh phẩm. Khi người dùng trà nhìn thấy sự cẩn trọng của người làm nghề trà, sự tôn trọng của người làm trà với người dùng trà, thì sự trân trọng, yêu quý trà sẽ hình thành.

Hiện nay, người dùng trà đang đứng trước sự thiếu hụt thông tin về mọi mặt. Như đất trà Thái Nguyên có nhiều loại, nhưng người dùng chỉ biết đến một tên gọi duy nhất là trà Thái, hoặc như trà quý Yết Tế, quá trình thu hái nguyên liệu cực kỳ công phu, cầu kỳ, bởi cây trà cổ thụ rất cao, phải leo lên để hái từng ngọn, búp trà vừa nhú lên sẽ hái đọt trên cùng của búp, khi chế biến xong, đọt trà này trắng muốt và lớp lông tơ li ti vẫn còn nguyên trên cánh trà. Thế nhưng có mấy ai biết tới quá trình này.

Bởi vậy, nỗ lực xây dựng lối sống của một người làm nghề với nghề, cách tư duy của người làm trà, cách cư xử với cây trà để tạo sự lan tỏa trong cộng đồng làm trà là “kim chỉ nam” trong đường hướng phát triển nghề trà của Bắc. “Hãy làm cho sản phẩm của mình ngày càng tốt lên và cung cấp thông tin chân thực cho khách hàng. Khi tôn trọng sản phẩm thì đương nhiên phải sử dụng một cách cẩn trọng hơn, sự cẩn trọng này được bồi đắp dần để hình thành nghi lễ, đó mới là nét văn hóa trà Việt”, Bắc tâm sự.

Doanh nhân Cường Phạm: Từ kỹ sư Apple đến ông chủ hãng nước mắm trứ danh
Sau hơn 20 năm làm việc tại Apple, Cường Phạm, kỹ sư máy tính người Mỹ gốc Việt, đã trở thành ông chủ hãng nước mắm Red Boat, được nhiều...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư