Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 05 tháng 05 năm 2024,
Ai giật dây cuộc chiến giải Ngoại hạng Anh?
Hữu Tuấn - 12/07/2013 07:34
 
Việc độc quyền phát sóng Giải Bóng đá ngoại hạng Anh (EPL) với mức giá ngày một tăng là do “kịch bản” đẩy giá của các trùm truyền thông quốc tế.
TIN LIÊN QUAN

K+ vừa phát đi thông báo, từ ngày 17/8, sẽ phát sóng EPL trên K+ (thuộc Công ty Truyền hình kỹ thuật số vệ tinh Việt Nam - VSTV - là liên doanh giữa Truyền hình Việt Nam và Canal+ của Pháp).

Bị ràng buộc bởi “điều kiện độc quyền” đã ký với đối tác ngoại, K+ không thể chia sẻ quyền phát sóng EPL ảnh: đức thanh

Ngay sau đó, Hiệp hội Truyền hình trả tiền đã có văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị không độc quyền phát sóng EPL. Vấn đề ở chỗ, ngay cả khi sẵn lòng chia sẻ, K+ cũng không được phép chia sẻ quyền phát sóng EPL, do “điều kiện độc quyền” đã ký với đối tác ngoại.

Độc quyền: Lỗi tại ai?

Dư luận đang chỉ trích mạnh mẽ việc K+ độc quyền phát sóng EPL, nhưng thực tế, K+ không phải là người châm ngòi cho “quả bom” bản quyền EPL. Câu chuyện này đã bắt đầu từ 10 năm trước, tại mùa giải 2002-2003, khi VTV lần đầu tiên mua bản quyền EPL, với mức giá 450.000 USD. Sau đó, từ năm 2004-2007, VTV tiếp tục mua bản quyền phát sóng EPL, nhưng mức giá đã tăng lên gấp 4 lần (1,8 triệu USD).

Chưa dừng lại ở đó, việc VTC xuất hiện và chọn EPL để cạnh tranh với các đài truyền hình khác đã đẩy giá bản quyền phát sóng giải bóng đá này tiếp tục tăng cao. Lúc ấy, VTC đã nghiến răng bỏ ra 4 triệu USD để giành bản quyền phát sóng EPL cho 3 mùa bóng 2007-2010.

Sau đó, K+ ra đời và cũng sử dụng chiêu thức của “đàn anh” VTC và “ông bố” VTV để mua bản quyền EPL với giá 19 triệu USD cho 3 mùa 2010-2013. Và 3 mùa bóng tới (2013-2016), K+ tiếp tục sở hữu quyền phát sóng EPL gói 1 và 2, với giá được đồn đoán là hơn 30 triệu USD.

Như vậy, K+ không phải là người khơi mào cho “cuộc chiến” đẩy giá lên cao, mà chỉ là “kẻ đến sau” và học chiêu của những người đi trước để hạ đo ván đối thủ, giành bản quyền của một giải đấu hay nhất hành tinh để kinh doanh. Đó là một sự thực mà 5 nhà đài trong Ban đàm phán mua bản quyền EPL gồm VTC, AVG, Viettel, SCTV, HTVC phải ngậm ngùi chấp nhận.

Có một sự thật rằng, độc quyền EPL là tham vọng của tất cả các đài truyền hình. Trong quá khứ, cuộc giành giật độc quyền EPL đã diễn ra giữa VTV và VTC. Vì vậy, nếu K+ không giành được bản quyền thì sẽ có một M+, N+, H+… khác mua được và không chia sẻ bản quyền EPL.

Theo hợp đồng ký kết giữa IMG (một tập đoàn của Mỹ) và Ban tổ chức EPL, thì “IMG không có quyền bán tất cả các trận đấu của EPL trên cơ sở không độc quyền cho nhiều đơn vị phát sóng”. Đây chính là nguyên nhân khiến giá bản quyền phát sóng EPL ở Việt Nam và nhiều nước khác trên thế giới luôn tăng lên theo tốc độ phi mã, không thể kiểm soát nổi. Bằng cách này, Ban tổ chức EPL có thể tận dụng sự đấu đá giữa các đài truyền hình nước sở tại để trục lợi cho mình, nâng giá bản quyền lên một cách điên rồ nhất.

Độc quyền có hệ thống

Có 2 lý do khiến K+ không được phép và không thể chia sẻ bản quyền phát sóng EPL cho các nhà đài khác.

Thứ nhất, hợp đồng IMG mua lại EPL từ Ban tổ chức EPL và bán lại cho Canal+ quy định rằng: “Canal+ không có quyền và chưa bao giờ có quyền chia sẻ lại quyền được cấp trong hai gói bản quyền Gói 1 và Gói 2 cho bất cứ đài truyền hình nào tại lãnh thổ Việt Nam, ngoại trừ K+. Việc không thể chia sẻ lại bản quyền không chỉ là điều kiện giới hạn trong thỏa thuận ký kết giữa IMG Media và Canal+, mà còn là điều khoản nghiêm ngặt mà IMG Media đã ký kết với Ban tổ chức EPL. Ban tổ chức EPL yêu cầu tất cả các đài truyền hình ở bất kỳ quốc gia nào muốn phát sóng giải cũng phải tuân thủ vấn đề bản quyền”.

Trở lại với câu chuyện bản quyền EPL, khi IMG mở thầu, đã có Canal+, các doanh nghiệp nước ngoài, các đơn vị truyền hình trả tiền của Việt Nam tham gia. Sau đó, Canal+ đã trúng thầu gói độc quyền để phát sóng trên sóng của VSTV. Trước tình hình này, VTV đã nỗ lực gây sức ép với Canal+, yêu cầu họ đàm phán với IMG chuyển gói độc quyền thành gói không độc quyền để có thể chia sẻ với các đơn vị truyền hình khác của Việt Nam. Tuy nhiên, IMG trả lời, đây là gói thầu do Ban tổ chức đưa ra và IMG không có quyền thay đổi.

Theo luật pháp quốc tế, VTV cũng như Ban đàm phán không thể can thiệp trực tiếp vào chính sách thương mại của Ban tổ chức EPL và hợp đồng mà họ đã ký với đại lý cấp quyền là IMG. Tương tự, VTV cũng không thay đổi được hợp đồng đã ký giữa Canal+ và IMG.

Trong công văn mới nhất gửi Văn phòng Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông, VTV khẳng định, VTV đã kiên trì thuyết phục cả IMG và Canal+ nhằm mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhưng kết quả không như mong muốn. Trong trường hợp này, VTV phải tuân thủ luật quốc tế, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư của Việt Nam, không thể dùng mệnh lệnh hành chính đơn thuần.

Ở khía cạnh thứ 2, việc kinh doanh bản quyền EPL thực chất là tuân theo quy luật của kinh tế thị trường, trong đó “thuận mua vừa bán” là nhân tố quan trọng nhất.

Như Báo Đầu tư đã thông tin trong bài viết “Thủ phạm thổi giá bản quyền EPL”, thì Ban tổ chức EPL thổi giá bản quyền EPL lên chóng mặt trên phạm vi toàn cầu chứ chẳng riêng gì Việt Nam.

Ở một khía cạnh nào đó, EPL cũng có thể được xem như Rolls-Roys, iPhone hay iPad, những sản phẩm thời thượng có giá bán thống nhất trên cả thế giới. Người Việt Nam hay bất cứ công dân của nước Mỹ, Pháp, Anh… muốn được sở hữu các sản phẩm này đều phải bỏ ra chi phí như nhau, cho dù thu nhập trung bình hàng năm của người Việt Nam vẫn còn cách biệt khá lớn so với người dân các quốc gia này.

Chẳng ai muốn độc quyền, bởi độc quyền sẽ tạo nên các sản phẩm có giá bán cao. Nhưng ở trong tình thế không tự mình quyết định được, người hâm mộ của EPL đành phải chấp nhận “một sự độc quyền quốc tế”, “độc quyền có hệ thống” từ các ông lớn của thế giới. Nếu không, họ vẫn còn nhiều sự lựa chọn để thỏa mãn niềm đam mê của mình, qua các kênh khác như radio, Internet, báo chí…

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư