Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
VBF 2018
AmCham: Doanh nghiệp Hoa Kỳ đang di dời khỏi Trung Quốc
Khánh Linh - 04/12/2018 09:27
 
Ông Michael Kelly, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham) coi căng thẳng đang diễn ra trong thương mại giữa Hoa Kỳ - Trung Quốc đang kích hoạt việc tái tổ chức chuỗi cung ứng. Và đây là cơ hội cho Việt Nam thu hút thêm FDI.
.
 Ông Michael Kelly, Chủ tịch AmCham, thay mặt các thành viên nêu kiến nghị tại VBF 2018

Một cuộc khảo sát gần đây của AmCham tới các doanh nghiệp Hoa Kỳ ở Trung Quốc cho thấy, một phần ba đã di dời hoặc đang cân nhắc di chuyển một số cơ sở sản xuất của họ ra nước ngoài trong bối cảnh căng thẳng trong thương mại.

Một cuộc khảo sát riêng biệt của các công ty nước ngoài từ các quốc gia khác cho thấy một nửa đang cân nhắc việc di dời, và Đông Nam Á là lựa chọn hàng đầu của họ.

“Trung Quốc vẫn sẽ là một thành viên quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, AmCham thấy rằng, việc các công ty và các nhà cung cấp di chuyển một số hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc và Việt Nam đang có được lợi ích từ một số doanh nghiệp đó”, ông Michael Kelly nhấn mạnh.

Nhưng, ông Michael Kelly đã đặt một câu hỏi không dễ trả lời ngay tại VBF, trước sự có mặt của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các bộ ngành. Đó là làm thế nào để Việt Nam có thể tận dụng triệt để cơ hội này để tiếp tục giữ vững tốc độ kinh tế tăng trưởng kinh tế nhanh chóng?.

Ông Michael Kelly đã nói, các nhà đầu tư nước ngoài cần một sân chơi bình đẳng, không chỉ để thu hút vốn đầu tư nhiều hơn trong tương lai mà còn để duy trì vốn đầu tư đã có tại đây.

“Những thay đổi thường xuyên và hồi tố của các đạo luật và quy định - bao gồm thuế suất và chính sách - là những rủi ro đáng kể đối với các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Những thay đổi này ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư và kinh doanh của các dự án đã được cấp phép”, ông Michael Kelly thẳng thắn.

Đề xuất này của AmCham có lẽ liên quan đến những tranh cãi mới đây trong cộng đồng doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ. Một số doanh nghiệp đã áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định tự do thương mại cho các lô hàng nhập khẩu tại chỗ có C/O được xuất trình đúng hạn, tờ khai đã được cơ quan hải quan kiểm tra và đóng dấu xác nhận trong quá trình thông quan, việc này đã được thực hiện trong suốt giai đoạn trước. Tuy nhiên, từ cuối năm 2017, một số cơ quan hải quan địa phương lại kết luận rằng trường hợp nhập khẩu tại chỗ nêu trên không được áp dụng thuế suất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt (thuế suất FTA), mà phải áp dụng thuế suất ưu đãi (thuế suất MFN) từ ngày 1/9/2016 tới nay theo Nghị định 129/2016/NĐ-CP. Theo đó, các doanh nghiệp đã bị ấn định bổ sung thuế nhập khẩu và thuế GTGT cho hàng hóa nhập khẩu tại chỗ theo quyết định của cơ quan hải quan địa phương.

Các doanh nghiệp cho rằng, hay vì nhập khẩu tại chỗ hàng hóa từ Việt Nam và bị áp dụng mức thuế suất không ưu đãi như hướng dẫn hiện hành, doanh nghiệp có thể dễ dàng nhập khẩu cùng loại hàng hóa từ các nước được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định thương mại tự do. Vì vậy, yêu cầu thực hiện áp dụng thuế suất hiện tại tuy có thể mang đến lợi ích ngắn hạn cho cơ quan hải quan trong việc thu ngân sách nhưng về dài vô hình chung sẽ hạn chế tiêu thụ hàng hóa trong nước, đi ngược lại chủ trương phát triển kinh tế của Chính Phủ.

"AmCham khuyến cáo rằng chính phủ nên xem xét việc hướng dẫn về bảo vệ đầu tư để ngăn chặn các hiệu ứng ràng buộc tiêu cực và hồi tố của các điều luật và quy định mới đối với các dự án hiện nay", ông Michael Kelly đề xuất.

Làm sao để "nắn" dòng vốn FDI vào các dự án giao thông?
Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực hạ tầng giao thông thời gian qua theo ghi nhận của Bộ Giao thông Vận tải còn khá khiêm tốn....
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư