Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 26 tháng 11 năm 2024,
An Giang đón làn sóng đầu tư vào nông nghiệp và du lịch
Dự kiến, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang năm 2018, Lãnh đạo tỉnh An Giang sẽ trao quyết định chủ trương đầu tư cho 26 dự án của 19 nhà đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 27.000 tỷ đồng và trao văn bản ghi nhớ cam kết đầu tư cho 8 nhà đầu tư với tổng vốn đăng ký 105.000 tỷ đồng.

Hội tụ tiềm năng 

Là vùng đất đầu nguồn của Đồng bằng sông Cửu Long, trung tâm kinh tế - thương mại kết nối 3 thành phố lớn là TP.HCM, Cần Thơ và Phnom Penh (Campuchia), An Giang được đánh giá là địa phương hội tụ rất nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp và dịch vụ du lịch. 

An Giang có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp. Trong ảnh: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm mô hình trồng lúa chất lượng cao tại tỉnh An Giang. Ảnh: Ngô Chuẩn
An Giang có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp. Trong ảnh: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm mô hình trồng lúa chất lượng cao tại tỉnh An Giang. Ảnh: Ngô Chuẩn

Về phát triển nông nghiệp, với sản phẩm chủ lực từ cây lúa và hạt gạo, An Giang được biết đến là địa phương năng động, sáng tạo ra những mô hình sản xuất mới, hiệu quả, nâng cao giá trị sản phẩm và lợi nhuận cho nhà nông và nhà đầu tư. Không chỉ vượt trội về lúa gạo, ngành thủy sản của An Giang với nghề nuôi cá lồng bè tiêu thụ trong nước, nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu còn rất nhiều tiềm năng đầu tư và cơ hội phát triển, xuất phát từ nhu cầu ngày càng tăng của thị trường thế giới. 

Tỉnh An Giang có nhiều di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng được xếp hạng. Bên cạnh 28 di tích cấp quốc gia, tỉnh còn có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt là Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tọa lạc trên vùng cù lao Ông Hổ xanh ngát giữa dòng sông Hậu hiền hòa và Khu di chỉ Óc Eo độc đáo với nhiều hiện vật lịch sử, thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu. 

Những tiềm năng phong phú, đa dạng nêu trên đã tạo nên lợi thế cho tỉnh trong thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Hệ thống cáp treo tại Khu du lịch Núi Cấm, một trong những điểm du lịch nổi tiếng tại An Giang. Ảnh: Hữu Trực
Hệ thống cáp treo tại Khu du lịch Núi Cấm, một trong những điểm du lịch nổi tiếng tại An Giang. Ảnh: Hữu Trực

Tính từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh An Giang đã thu hút được 234 dự án (gồm 6 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, 228 dự án đầu tư trong nước) với tổng vốn đầu tư đăng ký 50.449 tỷ đồng. So với giai đoạn 2011-2015, số dự án tăng 15,84% (tăng 32 dự án), tổng vốn đăng ký tăng 100,64% (tăng 25.338 tỷ đồng).

Nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, vốn đầu tư đăng ký của các dự án trong nước và nước ngoài chiếm khoảng 48% so với tổng vốn đầu tư toàn xã hội, cao gấp gần 3 lần so với tổng vốn đầu tư công. Trong đó, nhiều dự án quy mô lớn trong các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch đã được đưa vào hoạt động, trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần tăng trưởng xuất khẩu, chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu, tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm cho người lao động. 

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Thời gian qua, tỉnh An Giang đã thu hút và chấp thuận chủ trương đầu tư cho các dự án có quy mô lớn. Trong đó, điển hình là: Dự án Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao FAM - An Giang tại xã Bình Thành (huyện Thoại Sơn) của Tập đoàn FLC với quy mô 216,6 ha, vốn đầu tư đăng ký 208 tỷ đồng; Dự án Khu sản xuất giống thủy sản công nghệ cao tại thị xã Tân Châu của Công ty CP Cá tra Việt Úc với quy mô 160 ha, vốn đầu tư đăng ký 200 tỷ đồng; Dự án Khu nông nghiệp công nghệ cao tại xã Tân Tuyến (huyện Tri Tôn) của Công ty TNHH Nông nghiệp xanh Lư Gia với quy mô 500 ha, vốn đầu tư đăng ký 2.000 tỷ đồng; Dự án Nhà máy chế biến gạo xuất khẩu Ngọc Thiên Phú tại huyện Châu Phú của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Gạo Ngọc Thiên Phú có vốn đầu tư đăng ký 2.700 tỷ đồng.

Tỉnh An Giang có diện tích tự nhiên 3.537 km2, dân số trên 2,15 triệu người, có tuyến biên giới giáp Vương quốc Campuchia dài gần 100 km, 2 cửa khẩu quốc tế (Tịnh Biên và Vĩnh Xương); 2 cửa khẩu quốc gia (Khánh Bình, Vĩnh Hội Đông) cùng 2 cửa khẩu phụ (Bắc Đai và Vĩnh Gia), tạo dòng chảy liền mạch trong giao thương biên giới.

Bên cạnh đó, phải kể đến các dự án như: Dự án Nhà máy chế biến gạo xuất khẩu tại huyện Tri Tôn của Công ty CP Gạo Hạnh Phúc An Giang có vốn đầu tư đăng ký 1.100 tỷ đồng; Dự án Nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh và chế phẩm sinh học tại huyện Tịnh Biên của Công ty CP Đầu tư xây dựng công nghiệp HTH với quy mô 48 ha, vốn đầu tư đăng ký 308 tỷ đồng; Dự án Khu liên hợp sản xuất giống và nuôi cá tra thương phẩm công nghệ cao xã Mỹ Phú, huyện Châu Phú của Công ty TNHH Phát triển Lộc Kim Chi với quy mô 350 ha, vốn đầu tư đăng ký 950 tỷ đồng...

Thời gian qua, UBND tỉnh An Giang đã chấp thuận chủ trương để Tập đoàn TH nghiên cứu, thực hiện đầu tư Dự án Phát triển bò sữa tại huyện Tri Tôn, quy mô trang trại khoảng 100 ha, vùng nguyên liệu lõi 900 ha và 3.000 ha liên kết để trồng nguyên liệu. Tổng vốn đầu tư đăng ký của Dự án khoảng 6.000 tỷ đồng. 

Ngoài ra, tỉnh cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ với Công ty Rice Growers Singapore Pte (Sunrice) về việc hợp tác xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo Japonica bền vững, từ nghiên cứu sản xuất giống, sản xuất lúa gạo hàng hóa theo tiêu chuẩn quốc tế (GAP, SRP, hữu cơ…), chế biến, tiêu thụ và tạo sản phẩm giá trị gia tăng từ phụ phẩm lúa gạo.

Khơi dậy tiềm năng dịch vụ - du lịch

Để khơi dậy tiềm năng du lịch của tỉnh, trong thời gian qua, tỉnh An Giang đã tăng cường quảng bá và thu hút được một số dự án từ các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh, như: Dự án Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng Trà Sư tại xã Văn Giáo và xã Vĩnh Trung (huyện Tịnh Biên) của Công ty CP Du lịch An Giang với quy mô 38,48 ha, vốn đầu tư đăng ký 748 tỷ đồng; Dự án Khu du lịch Núi Sam tại TP. Châu Đốc của Công ty TNHH MGA Việt Nam với quy mô 18,18 ha, vốn đầu tư đăng ký 686 tỷ đồng; Dự án Trung tâm thương mại dịch vụ du lịch TP. Châu Đốc của Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Hải Đến với quy mô 87,92 ha, vốn đầu tư đăng ký 2.408 tỷ đồng...

Lĩnh vực dịch vụ - du lịch tại tỉnh An Giang vẫn còn rất nhiều tiềm năng phát triển và là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư thực sự quan tâm và muốn khai thác. Thời gian gần đây, các nhà đầu tư lớn và có tiềm lực như Tập đoàn FLC, Tập đoàn T&T, Tập đoàn Phú Cường... cũng rất quan tâm tới việc đầu tư phát triển dịch vụ - du lịch mà An Giang đang chú trọng mời gọi đầu tư. Các doanh nghiệp này đã cam kết với tỉnh An Giang xúc tiến nghiên cứu đầu tư một số dự án về xây dựng khu đô thị mới, quản lý hạ tầng đô thị thông minh, khu phức hợp trung tâm thương mại kết hợp căn hộ cao cấp và dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng sinh thái… tại địa phương.

Mặc dù có nhiều lợi thế để đầu tư phát triển, nhưng đến nay, số vốn thu hút đầu tư vào An Giang còn khá khiêm tốn so với tiềm năng của tỉnh. Vì vậy, để đẩy mạnh thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển, trong thời gian tới, An Giang sẽ tiếp tục có giải pháp khắc phục các hạn chế, cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính. 

Tỉnh An Giang luôn xác định đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Trên cơ sở đó, khai thác tốt nhất nội lực và thu hút tối đa ngoại lực cho đầu tư phát triển, xây dựng An Giang trở thành điểm đến tin cậy, hấp dẫn cho các nhà đầu tư.

An Giang: Phát triển hạ tầng du lịch thu hút thêm du khách
Sáng ngày 11/10/2018, UBND tỉnh An Giang đã tổ chức Hội nghị sơ kết 02 năm triển khai thực hiện Chương trình hành động số 59/CTr-UBND ngày 13/02/2017...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư