Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
An Giang phấn đấu vào nhóm dẫn đầu về kinh tế tại khu vực ĐBSCL
Trúc Giang - 21/09/2020 20:37
 
Từ ngày 23 đến 25/9/2020 sẽ diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Nhân sự kiện này, phóng viên Báo Đầu tư có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang về những thành tựu kinh tế - xã hội mà tỉnh đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua, cũng như các mục tiêu phát triển trong nhiệm kỳ tới.

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao trong những năm qua, diện mạo tỉnh An Giang đang không ngừng thay đổi.
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao trong những năm qua, diện mạo tỉnh An Giang đang không ngừng thay đổi.

Ông có thể khái quát kết quả đạt được trong 5 năm thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020?

Trong 5 năm qua, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong tỉnh đã phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn đạt được những thành tựu quan trọng và khá toàn diện, đưa kinh tế - xã hội tỉnh An Giang tiếp tục phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện; an ninh, quốc phòng được giữ vững.

Có 8/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020 (chiếm 57,14% tổng số chỉ tiêu); có 2 chỉ tiêu cơ bản đạt so với Nghị quyết, đó là GRDP bình quân đầu người (giá thực tế) đến năm 2020 đạt 96,3% và thu ngân sách 5 năm đạt 98%; 2 chỉ tiêu đạt trên 80%, gồm tổng vốn đầu tư xã hội 5 năm đạt 86,1% và số đảng viên được kết nạp mới đạt 81,2%.

Kinh tế tăng trưởng qua từng năm, phù hợp với nguồn lực địa phương. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 5 năm ước đạt 5,25%/năm (giai đoạn 2011 - 2015 đạt 5,07%). Quy mô kinh tế tăng khá, năm 2020 đạt 89.362 tỷ đồng, đứng thứ 5/13 tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần khu vực nông nghiệp và tăng khu vực thương mại - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng. Đến năm 2020, khu vực I chiếm 32,86%, khu vực II chiếm 14,4%, khu vực III chiếm 49,09%. GRDP bình quân đầu người được cải thiện rõ nét, đến năm 2020 đạt 46,8 triệu đồng/người, tương đương 1.910 USD (tăng 16 triệu đồng so với năm 2015). Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều đến năm 2020 giảm còn 1,93%, giảm bình quân 1,5%/năm.

.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang.

Nhìn lại nhiệm kỳ qua, theo ông, đâu là những thành tựu nổi bật về phát triển kinh tế của tỉnh An Giang?

Trong nhiệm kỳ qua, các lĩnh vực kinh tế chủ yếu của tỉnh đều đạt mức tăng trưởng khá cao. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò nền tảng thúc đẩy kinh tế phát triển với tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm đạt 2,30%/năm. Chương trình Phát triển nông nghiệp và Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp được triển khai theo phương châm lấy thị trường làm mục tiêu định hướng cho sản xuất, nâng chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh hàng hóa.

Chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp mang lại nhiều hiệu quả, giảm dần diện tích trồng lúa hiệu quả thấp, tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, rau màu, cây ăn trái gắn với ứng dụng khoa học - công nghệ. Các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị được nhân rộng, giá trị sản xuất được nâng lên.

Nét nổi bật là tỉnh đã tìm kiếm giải pháp tháo gỡ các “điểm nghẽn”, nhất là về thủ tục thủ tục hành chính, khuyến khích tập trung đất đai sản xuất quy mô lớn, mời gọi đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Bước đầu hình thành các vùng chuyên canh gắn với nhà đầu tư lớn, từng bước giải quyết bài toán giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2020 đạt 192 triệu đồng/ha.

Lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch tiếp tục phát triển và chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế (năm 2020 chiếm 49,09%, tăng hơn 5% so với năm 2015). Quy mô thị trường nằm trong nhóm đầu khu vực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giai đoạn 2015- 2020 ước đạt 502.000 tỷ đồng (tăng 17% so với giai đoạn 2020 - 2015). Hạ tầng thương mại, dịch vụ, hệ thống chợ, siêu thị phát triển khá đồng bộ, hiện đại, giao thương hàng hóa nhộn nhịp. Kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 4,181 tỷ USD. Hàng hóa của tỉnh An Giang đã có mặt trên thị trường 105 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Thế mạnh về du lịch được phát huy. Tỉnh tập trung phát triển hạ tầng du lịch, ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông kết nối các khu, điểm du lịch, từ đó mời gọi được nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch như Khu du lịch Núi Sam, Núi Cấm, Rừng tràm Trà Sư... Nếu như năm 2015, tỉnh thu hút được 6,25 triệu lượt khách với doanh thu 1.520 tỷ đồng, thì năm 2019 đạt 9,2 triệu lượt khách với doanh thu 5.500 tỷ đồng.

Lĩnh vực công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng khá, nhiều doanh nghiệp đầu tư chế biến lúa gạo, thủy sản đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Các khu, cụm công nghiệp tiếp tục được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư, giải quyết việc làm cho người dân. Lĩnh vực năng lượng tái tạo được khai thác, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Toàn tỉnh có 545 doanh nghiệp công nghiệp, trong đó có 419 doanh nghiệp chế biến, chế tạo và hàng ngàn cơ sở sản xuất nhỏ lẻ.

Thưa ông, một trong 3 khâu đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020 là “Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung khâu giảm thủ tục hành chính nhằm cải thiện môi trường thu hút đầu tư”, đến nay đã được kết quả ra sao?

Công tác cải cách hành chính gắn với cải thiện môi trường đầu tư có sự chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao uy tín và hình ảnh thân thiện, năng động của An Giang trong mắt nhà đầu tư, góp phần thu hút có hiệu quả nguồn lực xã hội đầu tư phát triển. Số lượng doanh nghiệp tiếp tục tăng, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực mới (điện mặt trời, chăn nuôi bò sữa, chế biến sữa bò theo quy mô trang trại, điện sinh khối…). Tỉnh An Giang hiện có 5.695 doanh nghiệp đang hoạt động và có kê khai thuế, với tổng vốn đăng ký là 52.644 tỷ đồng.

Trong 5 năm qua, tỉnh đã thu hút được 340 dự án đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký 78.419 tỷ đồng (gồm 9 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài và 331 dự án đầu tư trong nước). So với giai đoạn 2011 - 2015, số dự án tăng 60,4% (tăng 128 dự án) và tổng vốn đăng ký tăng 1,8 lần (tăng 50.442 tỷ đồng).

Trong nhiệm kỳ 2021 - 2025, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội được tỉnh An Giang đề ra như thế nào, thưa ông?

Trên cơ sở dự báo tình hình thế giới và trong nước, cũng như đánh giá những thuận lợi và thách thức của địa phương, tỉnh An Giang đề ra mục tiêu tổng quát trong nhiệm kỳ 2021 - 2025 là nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ và hiệu quả quản lý của chính quyền; phát huy dân chủ, kỷ cương; khai thác mạnh mẽ lợi thế so sánh của địa phương trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế. Đồng thời, phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, giữ vững quốc phòng, an ninh. Phấn đấu đến năm 2025, kinh tế An Giang thuộc nhóm đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và đạt mức trung bình cả nước; đến năm 2030 đạt trên mức trung bình cả nước.

Tỉnh xác định nông nghiệp là nền tảng của nền kinh tế; dịch vụ, du lịch và công nghiệp là động lực cho phát triển. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng chuyển dịch hợp lý từ nông nghiệp sang công nghiệp và thương mại, dịch vụ; tăng chất lượng, giá trị lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ và du lịch; nâng cao trình độ sản xuất, kinh doanh, năng lực cạnh tranh của các chủ thể kinh tế; chú trọng phát triển các ngành nghề vừa tăng thu nhập của người dân, vừa tạo nguồn thu ngân sách.

Phát triển kinh tế - xã hội của An Giang được đặt trong sự tương tác với các vùng, miền cả nước, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tăng cường phối hợp và liên kết với các địa phương trong vùng trên tất cả các lĩnh vực để phát triển bền vững.

Trong nhiệm kỳ 2021 - 2025, tỉnh An Giang xác định 3 khâu đột phá. Đó là đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp và du lịch; nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, cải thiện hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo nhằm phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Một số chỉ tiêu chủ yếu nhiệm kỳ 2020- 2025:

- Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 5 năm đạt từ 6,5 - 7%/năm.

- GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt từ 70,4 đến 72,2 triệu đồng/người/năm, tương đương từ 2.563 đến 2.626 USD.

- Tổng vốn đầu tư xã hội 5 năm đạt từ 164.600 đến 176.000 tỷ đồng.

- Kim ngạch xuất khẩu 5 năm đạt 5.285 triệu USD.

- Thu ngân sách từ kinh tế địa bàn 5 năm đạt 41.303 tỷ đồng.

- Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt 43%.

- Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đến năm 2025 đạt 55%.

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân đến năm 2025 đạt 73%.

- Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân 1 - 1,2%/năm.
An Giang hội tụ tiềm năng phát triển nông nghiệp
An Giang - vùng đất đầu nguồn của Đồng bằng sông Cửu Long, với 2 nhánh sông Tiền và sông Hậu chảy qua địa phận tỉnh khoảng 100 km, mang phù sa...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư