Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 05 năm 2024,
Ba cảng biển lớn của Việt Nam tồn đọng 2.094 container phế liệu
Nguyễn Lê - 14/05/2023 12:00
 
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký báo cáo của Chính phủ về công tác bảo vệ môi trường năm 2022 gửi Quốc hội.
.
 Có đến 2.094 container phế liệu đang tồn đọng tại ba cảng biển của hai miền Nam - Bắc.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký báo cáo của Chính phủ về công tác bảo vệ môi trường năm 2022 gửi Quốc hội.

Theo đánh giá của Chính phủ, trong bối cảnh đất nước đang triển khai nhiều giải pháp nhằm phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 thì các áp lực đến môi trường sẽ ngày càng lớn.

Trong khi đó, môi trường nước ta đã và đang chịu áp lực lớn từ các nguồn ô nhiễm môi trường gia tăng nhanh về số lượng, quy mô và mức độ tác động

Cả nước hiện có 291 khu công nghiệp, 734 cụm công nghiệp đang hoạt động; 888 đô thị; 4.575 làng nghề, 25.278 trang trại trồng trọt, chăn nuôi; hơn 4.9 triệu xe ô tô và hàng chục triệu xe mô tô, xe máy đang lưu hành; 13.674 cơ sở y tế; gần 211.347 cơ sở sản xuất công nghiệp ; 30 nhà máy nhiệt điện than ; trên 5.000 mỏ và điểm khai thác khoáng sản; hàng chục các khu tổ hợp, liên hợp trong đó tập trung nhiều dự án, loại hình sản xuất về bauxite, gang thép, lọc hóa dầu, trung tâm điện lực.

Ô nhiễm không khí vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là ô nhiễm bụi mịn tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM tại một số thời điểm trong ngày và một số ngày trong năm, nhất là khi có sự kết hợp giữa các yếu tố khí tượng, khí hậu, hiện tượng thời tiết sương mù với sự gia tăng các nguồn phát thải ô nhiễm không khí. Chỉ số chất lượng không khí (AQI) có thời điểm vượt ngưỡng an toàn, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người dân.

Ô nhiễm trên Biển Đông diễn biến phức tạp và chưa có biện pháp ứng phó hiệu quả, đặc biệt nổi lên là ô nhiễm dầu từ các hoạt động hợp tác khai thác dầu khí, giao thông vận tải trên biển và sự cố tràn dầu trên Biển Đông ảnh hưởng tới các vùng ven biển ở nước ta, báo cáo nêu.

Về kết quả bảo vệ môi trường, liên quan đến quản lý chất thải rắn sinh hoạt, theo báo cáo tổng khối lượng phát sinh trên địa bàn 48/63 tỉnh/thành phố là khoảng 48,5 nghìn tấn/ngày (trong đó khu vực đô thị phát sinh khoảng 26.100 tấn/ngày và khu vực nông thôn khoảng 22.400 tấn/ngày). Tỷ lệ được xử lý tại đô thị trung bình đạt khoảng 96,23%, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra.

Tổng lượng rác thải từ khách du lịch khoảng 400.000 tấn (tăng hơn 240.000 tấn so với năm 2021); trung bình 1,2 kg/ngày đêm/người.

Tổng lượng chất thải rắn y tế phát sinh khoảng 440,7 tấn/ngày, trong đó chất thải rắn y tế nguy hại là 71,5 tấn/ngày. Tỷ lệ chất thải rắn y tế của bệnh viện được xử lý đạt quy chuẩn là 95%.

Về quản lý phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, Chính phủ dẫn báo cáo của Tổng cục Hải quan, trong năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 6.470.939 tấn phế liệu (giảm 39% so với năm 2021).

Trong đó phế liệu sắt, thép chiếm 55,7%, phế liệu giấy chiếm 36%, còn lại là phế liệu thủy tinh, phế liệu nhựa và phế liệu xỉ lò cao.

Đáng chú ý là tại 3 cảng biển lớn (Hải Phòng, TP.HCM, Bà Rịa  Vũng Tàu) hiện còn tồn đọng 2.094 container phế liệu; 388 container đã tiêu hủy/đang xây dựng kế hoạch tiêu hủy; 463 container không đủ điều kiện nhập khẩu, buộc tái xuất.

Phần giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật, báo cáo nêu năm 2022. Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường và các lực lượng nghiệp vụ có liên quan đã kiểm tra, phát hiện 28.812/30.257 đối tượng vi phạm pháp luật về môi trường (tăng 9,29% so với năm 2021); khởi tố, đề nghị khởi tố 557 vụ/700 đối tượng (tăng 57,45% so với năm 2021); xử phạt hành chính 14.402 vụ/14.975 đối tượng (tăng 21,8% so với năm 2021) với số tiền 197,7 tỷ đồng.

Báo cáo cũng nêu nhiều nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ môi trường trong thời gian tới, theo dự kiến, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành sẽ tiếp tục ban hành 15 quy chuẩn kỹ thuật môi trường; 2 định mức kinh tế - kỹ thuật về bảo vệ môi trường.

15 quy chuẩn gồm: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn; về độ rung; về chất lượng trầm tích; về dung dịch khoan và mùn khoan thải từ các công trình dầu khí trên biển; về nước khai thác thải từ các công trình dầu khí trên biển; về khử khuẩn nhiệt chất thải y tế; về ngưỡng chất thải nguy hại; về đồng xử lý chất thải trong lò nung xi măng; về lò đốt chất thải; về tái chế dầu thải; về bãi chôn lấp chất thải rắn; về thiết bị xử lý, tái chế chất thải; về khí thải đối với ô tô đang lưu hành tại Việt Nam; về giới hạn các chất ô nhiễm khó phân hủy trong nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa và thiết bị; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với công trình, thiết bị xử lý nước thải tại chỗ.

Hai định mức kinh tế - kỹ thuật về bảo vệ môi trường gồm định mức kinh tế - kỹ thuật cho hoạt động quan trắc các thông số dioxin/furan trong nước thải, khí thải; định mức kinh tế - kỹ thuật cho hoạt động quan trắc môi trường.

Thừa Thiên Huế phạt doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường gần 230 triệu đồng
Công ty cổ phần Liên doanh vật liệu xây dựng Bảo Nguyên bị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xử phạt hành chính do hành vi xả thải, gây ô nhiễm môi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư