Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 06 tháng 01 năm 2025,
Ba câu hỏi của Bộ trưởng và lời giải cho nền kinh tế
Hà Nguyễn - 24/07/2023 09:03
 
Vượt qua ý nghĩa của một hội nghị ngành, Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai công tác 6 tháng cuối năm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trở thành cuộc thảo luận để tìm ra giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Lãnh đạo các địa phương và các chuyên gia kinh tế tham gia thảo luận tìm giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ba câu hỏi của Bộ trưởng

“Trong nửa đầu năm, ngành Kế hoạch - Đầu tư và Thống kê đã thực hiện nhiều nhiệm vụ lớn, quan trọng, nhiều nhiệm vụ có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển của nền kinh tế”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổ chức vào cuối tuần qua.

Dễ hiểu vì sao Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói như vậy. Là cơ quan tham mưu tổng hợp, chiến lược cho Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, nên các nhiệm vụ, công việc được giao của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói riêng, toàn ngành Kế hoạch - Đầu tư và Thống kê nói chung luôn gắn liền với nền kinh tế.

“Nửa năm 2023 đã trôi qua, đồng thời chúng ta cũng đã trải qua nửa nhiệm kỳ 2021-2025. Đây là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng đối với việc thực hiện Kế hoạch 5 năm, trong khi tình hình đang diễn biến rất phức tạp và khó lường. Nhiệm vụ hiện nay không phải chỉ là làm sao vượt qua khó khăn, lấy lại đà tăng trưởng để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay, mà còn cho cả nhiệm kỳ. Nếu năm nay không đạt mục tiêu, sẽ khó cho năm sau, khó cho cả nhiệm kỳ, cho cả mục tiêu 2030 và 2045”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Bởi thế, hội nghị sơ kết công tác của ngành đã trở thành một cuộc thảo luận để tìm ra các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bao trùm lên tất cả là tìm lời giải đáp cho 3 câu hỏi lớn mà Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đặt ra. Đó là khó khăn, thách thức chủ yếu của nền kinh tế, doanh nghiệp hiện nay là gì? Phản ứng chính sách để thích ứng với các diễn biến của kinh tế toàn cầu ra sao? Nội lực, động lực và giải pháp cho 6 tháng cuối năm, cũng như trong thời gian tới là gì?

Không chỉ các địa phương, mà cả các chuyên gia kinh tế đã cùng tham gia trả lời các câu hỏi này. Chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra rằng, khó khăn lớn nhất với nền kinh tế hiện nay chính là khu vực công nghiệp, là xuất nhập khẩu suy giảm, còn tiêu dùng trong nước chưa phục hồi.

“Trong tăng trưởng GDP của 6 tháng đầu năm, 80% là đóng góp của khu vực dịch vụ. Khoảng 10% là của nông nghiệp và 10% là của công nghiệp. Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phải thúc đẩy cầu trong nước, đặc biệt là cầu tiêu dùng. Đồng thời, phát triển khu vực nông nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, rà soát để sửa đổi các cơ chế, chính sách pháp luật còn chồng chéo, vướng mắc”, chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã chỉ ra việc các doanh nghiệp vốn đã bị “đòn nặng” sau Covid-19, lại thêm sự suy giảm cầu từ bên ngoài, giờ gặp khó khăn gấp bội bởi nhiều cơ chế, chính sách đang cản trở hoạt động của họ. Các quy định về phòng cháy, chữa cháy, khó khăn của thị trường bất động sản, hay trái phiếu doanh nghiệp, việc thiếu điện… đã được chỉ ra.

Lời giải cho nền kinh tế

Hàng loạt khó khăn của nền kinh tế, của các địa phương đã được lãnh đạo các tỉnh tham gia hội nghị nêu trên nhấn mạnh, từ khó khăn của doanh nghiệp đến vướng mắc trong sản xuất - kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công… Và lời giải cho nền kinh tế cũng từ đây được hé lộ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục tiên phong cải cách, xây dựng các thể chế đặc thù cho các địa phương và các vùng kinh tế, sớm hoàn thiện đề án phát triển trung tâm tài chính tại TP.HCM, thúc đẩy cải cách thể chế…

“Để trả lời câu hỏi của Bộ trưởng, tôi cho rằng, cần phải thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Trong khi các lĩnh vực khác đang gặp khó khăn, đầu tư công đang trong tầm tay của chúng ta”, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội nói và cho rằng, Hà Nội cũng đang nỗ lực thành lập các tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu cả năm đạt 95% như mục tiêu Chính phủ đề ra.

“Ngoài đầu tư công, cũng cần tháo gỡ các cơ chế, chính sách vĩ mô, chẳng hạn chính sách tiền tệ. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp có tài sản lớn, nhưng gặp khó khăn về dòng tiền. Cần đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư nên chủ động rà soát các bất cập trong chính sách đầu tư để tháo gỡ cho cả đầu tư công và đầu tư tư”, ông Nguyễn Mạnh Quyền nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho rằng, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, vốn từ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội là giải pháp hữu hiệu và cần được thúc đẩy. “Tỉnh chúng tôi được giao triển khai một số dự án trọng điểm, như cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang. Chúng tôi đang nỗ lực chuẩn bị để đẩy nhanh tiến độ”, ông Sơn nói.

Trong khi đó, ông Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, phải đến năm 2026 mới có thể là “điểm rơi” để đầu tàu kinh tế của cả nước lấy lại đà tăng trưởng. Để thúc đẩy tăng trưởng, không chỉ cần giải pháp trong ngắn hạn, mà cần cả các giải pháp trong dài hạn, như xây dựng trung tâm tài chính quốc tế. “Phải xác định rõ nhiệm vụ nào là ưu tiên chiến lược để dồn lực triển khai, nếu không lại dở dang. Ví dụ, với TP.HCM, đó là hệ thống đường sắt đô thị, hay đường vành đai 3…”, ông Cường nói.

Cần cả giải pháp trong ngắn hạn và dài hạn cũng là điều được các chuyên gia nhắc tới. Chuyên gia Cao Viết Sinh nhắc đến các vấn đề mang tính chiến lược, dài hơi. Ông Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh cần cả các tổ công tác về cải cách, để chuẩn bị cho nhiệm kỳ sau…

Trân trọng ý kiến của các chuyên gia và lãnh đạo các địa phương, phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ ra hàng loạt nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần thực hiện trong 6 tháng cuối năm. Thực tế, đó cũng là các giải pháp quan trọng cho nền kinh tế, từ giải ngân vốn đầu tư công, đến tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, tăng cường huy động, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư công, cũng như đầu tư tư nhân, khu vực đầu tư nước ngoài vào phát triển kinh tế - xã hội…

Ngay cả với các giải pháp dài hơi, Bộ trưởng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục tiên phong cải cách, xây dựng các thể chế đặc thù cho các địa phương và các vùng kinh tế, sớm hoàn thiện đề án phát triển trung tâm tài chính tại TP.HCM, thúc đẩy cải cách thể chế…

“Chúng tôi sẽ xây dựng các đề án để phát triển các ngành sản xuất mới, như hydrogen, chip bán dẫn… Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổ chức hai trung tâm nghiên cứu mới ở Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia về hai lĩnh vực này, đồng thời có chương trình đào tạo nhân lực để có thể tranh thủ cơ hội mới, xu hướng mới nhằm phát triển đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Hóa giải thách thức trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP 2023
Trong kịch bản lạc quan nhất, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, tăng trưởng GDP năm 2023 đạt 6,46%, với một loạt đòi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư