Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Ba điểm lớn cần làm rõ của Luật Doanh nghiệp sửa đổi
Phan Văn Quý - 26/06/2014 09:09
 
 Theo Đại biểu Quốc hội Phan Văn Quý (Chủ tịch CTCP Tập đoàn Thái Bình Dương), về cơ bản, nội dung của Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã hướng tới việc cải thiện thêm một bước nữa về môi trường kinh doanh, song vẫn còn một số nội dung cần được xem xét, làm rõ.
TIN LIÊN QUAN

Theo đó, có 3 nội dung lớn:

   
  Đại biểu Phan Văn Quý, Ủy viên ủy ban Pháp luật
của Quốc hội - Ảnh Đức Thanh
 

Một là: Về Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Theo quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 29 của dự thảo Luật, doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi đáp ứng các điều kiện đầu tư áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Điều ước quốc tế và pháp luật về đầu tư.

Hiện nay, theo quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 12 Nghị định số 102 ngày 01/10/2010 của Chính phủ thì doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã thành lập tại Việt Nam, dự định thành lập doanh nghiệp mới, mà doanh nghiệp mới này có trên 49% vốn điều lệ là sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thì phải có dự án đầu tư.

Tuy nhiên, muốn có dự án đầu tư thì Nhà đầu tư phải thành lập doanh nghiệp để thực hiện các công tác chuẩn bị đầu tư, nhưng Nhà đầu tư không thể thành lập doanh nghiệp do vướng phải quy định tại Nghị định số 102 nêu trên.

Vì vậy, các quy định về điều kiện thành lập doanh nghiệp cần thông thoáng và cởi mở hơn nhằm tạo môi trường đầu tư hấp dẫn và tạo thuận lợi tối đa cho những người kinh doanh, đầu tư thật sự.

Ngoài ra, Khoản 5 Điều 30 của dự thảo Luật quy định chỉ ghi ngành, nghề kinh doanh nếu là kinh doanh ngành nghề có điều kiện. Theo tôi, nên ghi thêm các ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp vào Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, như vậy sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi làm việc với các đối tác và cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời, tạo thuận lợi cho công tác quản lý của nhà nước.

Hai là: Về Tập đoàn kinh tế tư nhân

Hiện nay, tiêu chí về Tập đoàn kinh tế tư nhân chưa được xác định rõ ràng, dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp mạnh như Vincom, Hòa Phát, Hoàng Anh Gia Lai… mặc dù gọi là Tập đoàn nhưng chưa được công nhận chính thức, trong khi đó nhiều doanh nghiệp vừa được thành lập cũng gọi là Tập đoàn.

Để môi trường kinh doanh được minh bạch, cần tạo khung pháp lý cho hoạt động của các Tập đoàn kinh tế tư nhân, giúp phản ánh đúng thực lực, tầm vóc và xu hướng phát triển của doanh nghiệp. Theo tôi, cần có quy định về tiêu chí xác định Tập đoàn kinh tế tư nhân. Ví dụ: Tập đoàn kinh tế phải là doanh nghiệp có vốn điều lệ từ 1000 tỷ đồng trở lên và có ít nhất 5 công ty con.

Nếu các tiêu chí trên được quy định rõ sẽ giúp chuẩn hóa công tác quản lý Nhà nước đối với các Tập đoàn, tạo động lực cho Tập đoàn kinh tế tư nhân phát triển. Các Tập đoàn này sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm cho các công ty, góp phần tạo nên bức tranh đa dạng cho nền kinh tế, tạo nên giá trị và thương hiệu quốc gia.

Ba là: Về giải thể doanh nghiệp

Hiện nay đang xảy ra tình trạng nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động mà không làm thủ tục giải thể do gặp rất nhiều bất cập và khó khăn trong thủ tục giải thể. Việc này dẫn đến hệ lụy là Nhà nước bị thất thu thuế, người lao động không được bảo đảm đầy đủ quyền lợi, thông tin thống kê về doanh nghiệp thiếu chính xác, ảnh hưởng tới sự minh bạch của môi trường kinh doanh.

Do vậy, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường khi không có nhu cầu hoặc không đảm bảo điều kiện hoạt động theo quy định thì trình tự thủ tục giải thể phải đơn giản, hợp lý, trong đó cần tăng cường sự phối hợp và thống nhất giữa các đơn vị liên quan trong giải quyết thủ tục giải thể doanh nghiệp.

* Chuyên mục Góp ý Luật Doanh nghiệp sửa đổi tại Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn được thực hiện từ nay đến tháng 10/2014.

* Tòa soạn mong nhận được góp ý, đề xuất, kiến nghị của quý độc giả, các chuyên gia kinh tế, luật sư, doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp về các nội dung của Luật Doanh nghiệp sửa đổi. Nội dung góp ý sẽ được tổng hợp, chuyển tới Ban Soạn thảo.

* Nội dung góp ý vui lòng gửi về địa chỉ: [email protected].

* Ban Biên tập Báo Đầu tư điện tử trân trọng mọi đóng góp, chia sẻ của quý độc giả.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư