Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Ba giai đoạn thăng trầm của VN-Index
Trong quý I/2016, diễn biến chỉ số VN-Index đã trải qua 3 giai đoạn khá rõ rệt: giai đoạn sụt giảm nối tiếp xu hướng từ cuối năm ngoái, giai đoạn hồi phục và tăng điểm áp sát ngưỡng 580 bắt đầu từ cuối tháng 1/2016 tới giữa tháng 3/2016, giai đoạn quay lại xu hướng giảm từ cuối tháng 3/2016.

Chỉ số VN-Index bắt đầu quý I ở ngưỡng 574 điểm và kết thúc quý ở ngưỡng 561 điểm, tương đương mức giảm 2,3%. Chỉ số HNX-Index cũng có diễn biến khá tương đồng khi bắt đầu quý ở ngưỡng 79,5 điểm và kết thúc quý ở ngưỡng 79,0 điểm, tương đương mức giảm nhẹ 0,5%. Trong bối cảnh 2 sàn HSX và HNX đều có diễn biến khá ảm đạm, sàn Upcom đã nổi lên với thanh khoản đột biến và tăng trưởng nhanh chóng. Chỉ số Upcom-Index bắt đầu quý ở ngưỡng 50,8 điểm và kết thúc quý ở ngưỡng 61,4 điểm, tương đương mức tăng 20,7%, cao hơn rất nhiều so với mức tăng của 2 chỉ số VN-Index và HNX-Index.

.
Trong giai đoạn qua, có 4 nhóm cổ phiếu tác động lớn nhất đến thị trường là nhóm dầu khí, nhóm có thông tin nới room, nhóm SCIC sẽ thoái vốn và nhóm cổ phiếu ngân hàng

Khối ngoại tiếp tục xu hướng rút vốn ròng do lo ngại những bất ổn trên thị trường chứng khoán toàn cầu do triển vọng xấu từ kinh tế Trung Quốc. Hai quỹ ETF nước ngoài lớn hoạt động tại Việt Nam là VNM ETF và FTSE ETF cũng nằm trong xu thế rút vốn, khi riêng trong tháng 1/2016, 2 quỹ này đã rút lần lượt 850.000 và 525.000 chứng chỉ quỹ, tương đương tổng giá trị rút vốn ròng hơn 20 triệu USD.

Xu hướng rút vốn ròng của khối ngoại ảnh hưởng trực tiếp tới các mã cổ phiếu vốn hóa lớn và khi dòng tiền nội chưa mạnh dạn giải ngân do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán tới gần, thì thị trường đã lùi sát ngưỡng hỗ trợ dài hạn tại mốc 520 điểm.

Tại thời điểm thị trường chạm ngưỡng hỗ trợ này, một số nhóm cổ phiếu trụ cột đã bắt đầu có sự phục hồi, khởi đầu cho một sóng tăng điểm kéo dài từ cuối tháng 1/2016 đến giữa tháng 3/2016. Trong giai đoạn này, có 4 nhóm cổ phiếu tác động lớn nhất đến thị trường như sau.

Nhóm cổ phiếu dầu khí: Trong quý I/2016, đây là nhóm có biến động mạnh nhất và gây ảnh hưởng lớn tới chỉ số, do có những cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn về vốn hóa trên thị trường. Bước vào cuối tháng 1 và đầu tháng 2/2016, cùng với sự phục hồi của giá dầu, nhóm này đã trở lại mạnh mẽ và tăng trưởng tốt hơn nhiều so với thị trường. Dẫn đầu nhóm này là cổ phiếu GAS với mức tăng trưởng 64% (chỉ tính giá đóng cửa) tính từ thời điểm tạo đáy vào ngày 21/1 tới mức giá đỉnh điểm 47.300 đồng/cổ phiếu vào ngày 7/3. Ngoài ra, một số cổ phiếu dầu khí khác như PXS, PVS, PVC, PVD... cũng có sự phục hồi ấn tượng và đóng vai trò động lực cho thị trường trong giai đoạn tăng trưởng.

Nhóm cổ phiếu có thông tin nới room khối ngoại: dẫn đầu là cổ phiếu VNM, dù vẫn chưa chính thức nới room ngoại, nhưng việc VNM trong quý I/2016 đã xin ý kiến cổ đông về việc rút 7 ngành nghề kinh doanh được coi là động thái mang tính chất mở đường để doanh nghiệp này sớm nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Cổ phiếu VNM kết thúc quý với mức tăng giá 6,4%, tốt hơn nhiều so với các blue-chips khác.

Ngoài VNM, một số cổ phiếu khác được hỗ trợ bởi thông tin nới room ngoại như EVE (cổ phiếu thứ 2 tại Việt Nam sau SSI chính thức nâng trần sở hữu khối ngoại - FOL - lên 100%), VHC (nâng FOL lên 100%), BIC (nâng FOL từ 21,5% lên 49%), MBB (nâng FOL từ 10% lên 20%), REE (nâng FOL từ 43,7% lên 49%)... đều ghi nhận mức tăng trưởng khá ấn tượng sau khi thông tin được đưa ra. Nhóm này kết thúc quý với mức tăng trưởng trung bình gần 9%, tốt hơn nhiều so với thị trường.

Nhóm cổ phiếu có thông tin SCIC thoái vốn (gồm FPT, BMP, NTP...): Trong báo cáo triển vọng trước, VPBS đã nhắc tới nhóm 8 doanh nghiệp mà SCIC đã công bố thoái vốn gồm VNM, BMI, VNR, NTP, BMP, HGM, SGC và FPT. Song báo cáo lần này đã loại cổ phiếu VNM ra khỏi nhóm do đã bao gồm VNM trong nhóm nới room ngoại.

Tuy vậy, những cổ phiếu còn lại trong nhóm vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá bền vững và tốt hơn thị trường chung, mặc dù không còn đột biến như quý trước. Trong nhóm này, tiêu biểu có bộ đôi cổ phiếu ngành nhựa BMP (tăng trưởng 13,3% trong quý) và NTP (tăng trưởng 14,8% trong quý). 2 cổ phiếu này đều có kết quả kinh doanh tốt trong năm 2015 nhờ ngành nhựa được hưởng lợi từ mặt bằng giá nguyên liệu đầu vào thấp.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng, với bộ 3 ngân hàng lớn nhất VCB, CTG và BID. Nhóm cổ phiếu ngân hàng bước vào quý này cũng nhận được sự kỳ vọng của thị trường với nhiều thông tin tích cực hỗ trợ về mặt kết quả kinh doanh. Tuy vậy, diễn biến giá cổ phiếu của nhóm này lại không thực sự đạt được mức độ kỳ vọng khi liên tục tăng trưởng thấp hơn mặt bằng chung của thị trường.

Trong quý I/2016, có 3 nhóm ngành đã có mức tăng trưởng tốt hơn thị trường là năng lượng, y tế và vật liệu cơ bản. Có tới 5 nhóm ngành trong quý I/2016 ghi nhận mức tăng trưởng thấp hơn thị trường chung, bao gồm: tiêu dùng, công nghệ, tài chính, dịch vụ tiện ích và công nghiệp. Trong đó, nhóm công nghệ ghi nhận mức tăng trưởng thấp nhất.

Để chứng khoán Việt ứng phó tốt với “cuồng phong”
Hội nhập luôn được xem là thông điệp tốt để nhà đầu tư và doanh nghiệp trên sàn chứng khoán Việt Nam có dịp so tài trên đường đua quốc tế,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư