Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Bạc Liêu - “điểm hẹn” văn hóa du lịch
Huy Tự - 18/08/2022 07:58
 
Trên đà phục hồi và khởi sắc sau ảnh hưởng bởi Covid-19, Bạc Liêu đang đẩy mạnh phát triển du lịch, hướng tới mục tiêu trở thành “điểm hẹn” văn hóa, trung tâm du lịch của vùng ĐBSCL.
Bạc Liêu có nhiều điểm đến hấp dẫn du khách. Trong ảnh: Điểm tham quan cánh đồng điện gió Bạc Liêu.  Ảnh: Hữu Thọ

Phục hồi và khởi sắc 

Bên cạnh sự quan tâm của các cấp, các ngành, du lịch tỉnh Bạc Liêu đang từng bước khởi sắc nhờ sự sáng tạo, liên tục làm mới nhằm thu hút lượng lớn khách du lịch trong và ngoài tỉnh.

Sáu tháng đầu năm 2022, doanh thu dịch vụ, du lịch của tỉnh Bạc Liêu đạt 1.700 tỷ đồng, đạt 56% kế hoạch năm, tăng 76,2% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận, nhất là trong bối cảnh ngành du lịch đã trải qua hơn 2 năm “đóng băng” vì Covid-19.

Bạc Liêu không chỉ nổi tiếng bởi cánh đồng điện gió, vườn nhãn cổ, cánh đồng muối đặc trưng, hay những ngôi chùa cổ kính, mà còn hấp dẫn du khách đam mê khám phá với những vườn nho, những nông trại cừu, ngựa đặc trưng của miền Đông Nam bộ, của núi rừng Tây Nguyên và những vườn hoa đầy hương sắc…

Bên cạnh 9 điểm du lịch tiêu biểu (trong tổng số 38 điểm du lịch tiêu biểu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - ĐBSCL) đã được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận, Bạc Liêu đang khảo sát, hoàn thiện hồ sơ, dự kiến cuối năm 2022 tiếp tục đề nghị Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận Khu chùa Xiêm Cáng là điểm du lịch tiêu biểu thứ 10 của tỉnh.

Sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch sau đại dịch là cơ sở để tỉnh đề ra mục tiêu trong 6 tháng cuối năm 2022 phấn đấu đón khoảng 3,3 triệu lượt khách, doanh thu du lịch - dịch vụ đạt khoảng 3.000 tỷ đồng.

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Bạc Liêu đón hơn 7 triệu lượt khách, tổng doanh thu từ du lịch đạt khoảng 10.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 7% GRDP của tỉnh; đề xuất đưa Khu du lịch tổng hợp Nhà Mát - ven biển TP. Bạc Liêu vào danh mục Khu vực ưu tiên quy hoạch trở thành khu du lịch quốc gia.

Để thực hiện mục tiêu này, cùng với việc tiếp tục củng cố, nâng cấp phát triển sản phẩm du lịch đã có theo hướng khai thác đa dạng, có chiều sâu, tỉnh Bạc Liêu hướng đến khuyến khích, mở rộng phát triển du lịch nông thôn trên địa bàn TP. Bạc Liêu, huyện Hồng Dân và huyện Phước Long. Trong đó, điểm nhấn là mô hình du lịch cộng đồng, được xác định là hướng đi lâu dài, bền vững trong thời gian tới.

Tuy nhiên, theo ngành du lịch tỉnh Bạc Liêu, qua khảo sát một số điểm du lịch sinh thái cộng đồng mới hình thành trên địa bàn, bên cạnh những mặt tích cực, mô hình du lịch cộng đồng còn một số hạn chế như chưa được đầu tư bài bản, nên việc khai thác sản phẩm, dịch vụ đơn điệu, trùng lặp; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu; hạ tầng giao thông chưa phát triển... Trên cơ sở đánh giá những thuận lợi và hạn chế của mô hình du lịch cộng đồng, tỉnh sẽ có những giải pháp cụ thể trong thời gian tới.

Chung tay phát triển

Được xác định là một trong 5 trụ cột kinh tế của tỉnh Bạc Liêu, những năm qua, ngành du lịch đã có bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế; thu hút đầu tư; tạo việc làm; xóa đói giảm nghèo; nâng cao dân trí; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc; xây dựng và quảng bá hình ảnh vùng đất, văn hóa, con người Bạc Liêu năng động, hiếu khách, thân thiện, trọng nghĩa tình.

Bạc Liêu có đến 9 điểm du lịch tiêu biểu đã được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận, gồm: Đền thờ Bác Hồ; Khu du lịch sinh thái Hồ Nam; Khu Quảng trường Hùng Vương; Khu nhà Công tử Bạc Liêu; Khu biển nhân tạo - Khu du lịch Nhà Mát; Khu lưu niệm Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu; Khu nhà hàng - khách sạn Bạc Liêu; Khu Quán âm Phật đài và Khu điện gió Bạc Liêu.

Mặc dù vậy, một số chỉ tiêu như tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế, thu nhập từ du lịch, tỷ trọng đóng góp của ngành du lịch trong GDP của tỉnh, năng lực cạnh tranh của du lịch còn thấp so với các tỉnh trong khu vực. Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng du lịch còn thấp; sự phối hợp liên ngành chưa được phát huy; hiệu quả hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch chưa cao; nguồn nhân lực và hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; đầu tư cho du lịch chưa tương xứng; một số chính sách thúc đẩy phát triển du lịch còn bất cập...

Để khai thác, phát huy hiệu quả các nguồn lực, tài nguyên du lịch của tỉnh nhà, tận dụng cơ hội thuận lợi trong nước, tạo bước phát triển đột phá để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn có tính chất động lực, ngành văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Bạc Liêu cùng với các cấp, các ngành cần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của du lịch. Tại các địa phương trọng điểm du lịch, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, vận động nhân dân tự giác và tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường; thực hiện nếp sống văn minh, tôn trọng pháp luật; xây dựng phong trào ứng xử văn minh, có thái độ cởi mở, chân thành với khách du lịch.

Xuất phát từ yêu cầu đổi mới hoạt động du lịch trong tình hình mới, để tạo ấn tượng đẹp, níu chân du khách lưu trú dài ngày và quay lại Bạc Liêu…, ngành du lịch cần quan tâm đa dạng các giải pháp, đưa những lợi thế vượt trội của Bạc Liêu vào sản phẩm du lịch, như du lịch chữa bệnh, nghỉ dưỡng, hội nghị, khám phá, vui chơi giải trí cao cấp… Cùng với đó, thường xuyên và liên tục sáng tạo để tránh trùng lắp, sao chép, tránh gây nhàm chán cho du khách.

Du lịch là ngành xuất khẩu tại chỗ. Ngành du lịch Bạc Liêu định hướng phát triển đi đôi với bảo tồn di sản, làng nghề truyền thống, văn học nghệ thuật và những giá trị văn hóa đặc sắc của Bạc Liêu giàu tiềm năng, giàu sự khác biệt, đồng thời phát triển theo xu hướng gần gũi với môi trường tự nhiên.

Theo đó, cần nghiên cứu, phát huy chất xám trí tuệ của các chuyên gia, doanh nghiệp, nhằm khai thác tiềm năng du lịch Bạc Liêu đa dạng về loại hình. Bên cạnh đó, cần trưng cầu ý kiến các doanh nghiệp có kinh nghiệm góp ý phản biện, xây dựng theo dạng tìm đáp án mở, chứ không khuôn khổ, khép kín, nhằm tranh thủ sự ủng hộ, đồng thuận từ nhiều phía để tăng cường nội lực cho du lịch Bạc Liêu thời gian tới.

Bạc Liêu là một trong những tỉnh có nhiều sản phẩm mang thương hiệu văn hóa du lịch đặc trưng của ĐBSCL, như các dòng sản phẩm văn hóa lịch sử, tâm linh tín ngưỡng, nghệ thuật đờn ca tài tử, sinh thái rừng biển, điện gió, các công trình nghệ thuật kiến trúc lâu đời và hiện đại… cần được quan tâm nhiều hơn về chất lượng để duy trì và phát huy hiệu quả.

Chất lượng thể hiện ở từng chi tiết sản phẩm, từng phân khúc trong chuỗi dịch vụ và tổng thể điểm đến. Hơn nữa, chất lượng dịch vụ phải được đo bằng sự hài lòng của du khách; chất lượng điểm đến phải được đánh giá dựa trên giá trị trải nghiệm mà du khách tiếp nhận được.

Trong thời gian tới, ngành du lịch tỉnh Bạc Liêu sẽ tiếp tục hiện đại hóa cơ sở vật chất nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách, xây dựng những sản phẩm văn hóa đặc trưng, khác biệt, có sức lan tỏa và ảnh hưởng sâu rộng, tạo ấn tượng mạnh mẽ với du khách và thu hút du khách quay trở lại. Mục tiêu của ngành du lịch Bạc Liêu là phát triển hiệu quả và bền vững, tạo thêm nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, đưa Bạc Liêu trở thành “điểm hẹn văn hóa”, trung tâm du lịch của vùng ĐBSCL.

Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2022

Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2022 sẽ diễn ra từ ngày 27 đến 29/11/2022 với 10 sự kiện chính, bao gồm: Chương trình khai mạc; Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Bạc Liêu; Liên hoan Đờn ca tài tử tỉnh Bạc Liêu; Liên hoan Nhạc ngũ âm và múa dân gian Khmer tỉnh Bạc Liêu; tổ chức khảo sát đánh giá tiềm năng, sản phẩm du lịch mới của tỉnh; không gian “Hội tụ tinh hoa di sản văn hóa phi vật thể đại diện các vùng, miền”; Ngày hội Tôm và Muối Bạc Liêu; khởi công, khánh thành một số dự án, công trình; Hội thảo góp ý Đề án Xây dựng sản phẩm OCOP “Khu du lịch cộng đồng Vườn nhãn Bạc Liêu” và tổ chức công nhận chùa Xiêm Cán là điểm du lịch tiêu biểu Đồng bằng sông Cửu Long; Chương trình bế mạc và Chương trình nghệ thuật sân khấu thực cảnh với chủ đề “Âm vang dạ cổ”.

Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, Trưởng ban Tổ chức sự kiện chia sẻ, Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2022 là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, là dịp để quảng bá hình ảnh du lịch Bạc Liêu đến với bạn bè trong nước và quốc tế; tăng cường thu hút nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đưa tỉnh Bạc Liêu phát triển nhanh và bền vững.

Để Ngày hội diễn ra thành công, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đề nghị các ban, ngành và các địa phương trong tỉnh cùng chủ động, tích cực vào cuộc, cung cấp thông tin kịp thời cho báo chí; quan tâm thực hiện các nội dung, phần việc thật chu đáo… Sự kiện là dịp để Bạc Liêu tạo ấn tượng đẹp về bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng, mang đến hình ảnh một Bạc Liêu tươi mới, năng động và nghĩa tình trong lòng du khách trong nước và quốc tế.
Bạc Liêu đẩy nhanh phục hồi tăng trưởng kinh tế
Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm của tỉnh Bạc Liêu đạt khá, tổng sản phẩm của tỉnh (GRDP) ước tăng 7,45% so với cùng kỳ năm trước...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư