
-
Rõ dần phương án đầu tư tuyến cao tốc kết nối rừng và biển
-
Kinh tế năm 2025: Tăng tốc “khoán tăng trưởng”
-
Chủ tịch Quảng Trị chỉ đạo đẩy nhanh các thủ tục dự án Khu bến cảng Mỹ Thuỷ
-
Thủ tướng yêu cầu thông xe cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cuối năm nay
-
Bảo đảm tiến độ các dự án đường sắt trọng điểm quốc gia -
Thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh Khánh Hòa
Dành những chính sách ưu đãi cao nhất, có lợi nhất cho nhà đầu tư, không chỉ bằng khẩu hiệu, mà bằng những việc làm, chương trình, kế hoạch cụ thể, tỉnh Bạc Liêu đang tập trung thu hút đầu tư vào 5 trụ cột kinh tế, tạo nền tảng phát triển toàn diện kinh tế - xã hội.
![]() |
Quảng trường trung tâm Hùng Vương - điểm nhấn không gian đô thị của TP. Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu). Ảnh: Thu Đông |
Bến đỗ mới của nhiều dự án lớn
Những nỗ lực thực thi đồng bộ các giải pháp trong công tác thu hút, mời gọi đầu tư của tỉnh Bạc Liêu trong thời gian qua đã được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đánh giá cao, hưởng ứng mạnh mẽ.
Nếu như trước năm 2015, toàn tỉnh chỉ thu hút được 59 dự án với vốn đầu tư đăng ký 18.180 tỷ đồng và 84,77 triệu USD, thì từ năm 2015 đến nay, nhất là từ khi Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Bạc Liêu được tổ chức đầu năm 2018, đã có gần 200 nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đề xuất đầu tư vào tỉnh trong các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, y tế, năng lượng… Tỉnh đã thu hút, cấp chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư cho 79 dự án (trong đó có 74 dự án trong nước, với tổng vốn đăng ký đầu tư 25.190,53 tỷ đồng và 5 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký đầu tư 4,404 tỷ USD), tăng 1,3 lần số lượng dự án và tăng 6,2 lần tổng vốn đăng ký đầu tư so với trước năm 2015.
Đặc biệt, đầu năm 2020, Bạc Liêu đã thu hút được Dự án Nhà máy Điện khí LNG Bạc Liêu với quy mô công suất 3.200 MW, tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD, đã được Bộ Công thương trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung toàn bộ công suất vào Quy hoạch Phát triển điện lực Quốc gia. Đây là dự án 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất Vùng Đồng bằng sông Cửu Long từ trước tới nay, phần nào cho thấy sự nỗ lực thu hút đầu tư của tỉnh trong những năm qua.
Mới đây, Tập đoàn Kosy đã tổ chức Lễ động thổ xây dựng Nhà máy Điện gió Kosy Bạc Liêu giai đoạn 1 (thuộc địa bàn xã Vĩnh Thịnh, Vĩnh Mỹ A, Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình). Theo kế hoạch, Dự án Nhà máy Điện gió Kosy Bạc Liêu chia làm 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn I có công suất 40 MW, với 9 trụ tua-bin; tổng mức đầu tư trên 1.500 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành nghiệm thu lắp đặt tua-bin, thiết bị kỹ thuật và đi vào vận hành trước ngày 30/10/2021.
Khi đi vào hoạt động, Nhà máy Điện gió Kosy Bạc Liêu (giai đoạn I) sẽ cung cấp sản lượng điện gió trung bình khoảng 115 triệu kWh/năm, hòa cùng hệ thống lưới điện quốc gia; đạt doanh thu khoảng 270 tỷ đồng/năm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho người lao động tại địa phương.
Điều đáng ghi nhận là, trong điều kiện khó khăn chung, các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã huy động nguồn lực để triển khai và khởi công các dự án đúng kế hoạch cam kết, qua đó tăng tổng vốn đầu tư vào tỉnh và góp phần quan trọng vào thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh Dự án Nhà máy Điện khí LNG (đang hoàn thiện thủ tục) và Dự án Nhà máy Điện gió Kosy Bạc Liêu, nhiều dự án đầu tư tại Bạc Liêu đã được khởi công như: Dự án Nhà máy Điện gió Hòa Bình 1 - giai đoạn II của Công ty TNHH Điện gió Hòa Bình 1, giai đoạn II; Dự án Nhà máy Điện gió Hòa Bình 2 của Công ty TNHH Đầu tư Điện gió Hòa Bình 2; Dự án Nhà máy Điện gió Đông Hải 1 - giai đoạn II của Công ty CP Điện gió Bắc Phương; Dự án Nhà máy Điện gió Hòa Bình 5 (giai đoạn I) của Công ty CP Năng lượng Hacom Bạc Liêu. Đây cũng là chỉ dấu, tín hiệu tích cực để Bạc Liêu triển khai thu hút đầu tư trong nhiệm kỳ mới.
Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt thách thức
Năm 2020 là một năm nhiều khó khăn và thách thức, song với sự hợp tác chân thành, sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền và ngành chức năng, các nhà đầu tư và các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Có được kết quả này là nhờ tỉnh đã đổi mới tư duy và phương pháp xúc tiến, cải thiện môi trường đầu tư, tập trung vào 4 vấn đề chính mà nhà đầu tư rất quan tâm, đó là: định hướng thu hút đầu tư rõ ràng, minh bạch; chính quyền tỉnh chủ động tập trung tiếp cận doanh nghiệp có năng lực và nguồn lực với tư duy và phương thức mới; môi trường đầu tư phải thật sự hấp dẫn và sự cầu thị của chính quyền các cấp trong thực thi nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh sự hỗ trợ đắc lực của các bộ, ngành trung ương, chính quyền tỉnh luôn quan tâm và quyết liệt triển khai thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn. Tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp luôn là quyết tâm của cả hệ thống chính trị, không chỉ bằng các khẩu hiệu, mà được thể hiện qua những việc làm, chương trình, kế hoạch cụ thể.
UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành rà soát công tác cải cách hành chính, quyết liệt triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng minh bạch và thông thoáng hơn; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các kênh đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp, qua đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, bức xúc của doanh nghiệp để có hướng khắc phục kịp thời và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Với phương châm “đúng đối tượng, phù hợp chính sách, nhanh thủ tục” và với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của tỉnh là đưa các chính sách ưu đãi cao nhất, có lợi nhất cho nhà đầu tư, những khó khăn của nhà đầu tư cũng chính là khó khăn của địa phương, tỉnh Bạc Liêu đã ban hành nhiều giải pháp đồng bộ, giải quyết dứt điểm những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý; cắt bỏ thủ tục rườm rà, chồng chéo, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp. Những hành động này của tỉnh đã được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đánh giá cao.
Bạc Liêu cam kết sẽ hợp tác tích cực, giải quyết kịp thời với tinh thần trách nhiệm cao nhất, thuận lợi nhất, đồng hành phát triển lâu dài với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, cùng hợp tác, cùng tạo ra những bước phát triển mới.
Giải pháp chiến lược
Tỉnh Bạc Liêu có lợi thế đường bờ biển dài, thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản xuất khẩu (tôm sú, tôm thẻ). Hiện nay, diện tích canh tác thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 136.632 ha, bình quân tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác hàng năm đạt 365.000 tấn.
Tỉnh đang triển khai xây dựng Đề án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, nhằm đưa Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 694/QĐ-TTg, ngày 24/5/2017 về việc thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu (tại xã Hiệp Thành, TP. Bạc Liêu; quy mô 418,91 ha).
Cùng với định hướng phát triển ngành thủy sản, Bạc Liêu đặt mục tiêu tạo bước đột phá, trở thành tỉnh dẫn đầu phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Hàng năm, tỉnh đều xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện Chương trình Xúc tiến đầu tư. Trong giai đoạn tới, tỉnh sẽ tập trung thu hút đầu tư vào 5 lĩnh vực trụ cột, bao gồm: phát triển nông nghiệp, trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất tôm, lúa gạo; phát triển công nghiệp, trọng tâm là năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện khí); phát triển du lịch; phát triển thương mại dịch vụ - giáo dục - y tế chất lượng cao; phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Trong thời gian tới, cạnh tranh thu hút đầu tư sẽ ngày càng cao. Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục khó khăn, thách thức và nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư vào 5 trụ cột chính, Bạc Liêu sẽ tập trung thực hiện đồng bộ và hiệu quả 6 nhóm giải pháp trọng tâm.
Một là, tập trung đầu tư xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm phục vụ thu hút đầu tư.
Hai là, tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong thực hiện dự án đầu tư (quy hoạch, xây dựng, đất đai…); cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Ba là, đẩy nhanh và sớm hoàn thành việc lập quy hoạch tỉnh Bạc Liêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bốn là, thực hiện hiệu quả hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Bạc Liêu, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, người dân và doanh nghiệp trong việc liên hệ giải quyết thủ tục hành chính để tăng tính liên thông và minh bạch.
Năm là, tiếp tục cập nhật, sửa đổi các quy định khuyến khích và ưu đãi đầu tư áp dụng tại tỉnh cho phù hợp với các quy định mới của Chính phủ, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nhằm hỗ trợ tích cực cho các nhà đầu tư.
Sáu là, tăng cường tuyên truyền, quảng bá môi trường đầu tư, kinh doanh, tiềm năng và thế mạnh của tỉnh đến các nhà đầu tư có tiềm năng trong nước và ngoài nước.
Với những nỗ lực và quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, hiện nay, đã có 85 dự án hoàn thành và đi vào hoạt động, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 15.968,81 tỷ đồng, hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, công nghiệp chế biến...

-
Quy định mới về quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích có hiệu lực từ ngày 1/9/2025 -
Giải thể Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng Dự án Luật Đất đai sửa đổi -
Thủ tướng yêu cầu thông xe cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cuối năm nay -
Bảo đảm tiến độ các dự án đường sắt trọng điểm quốc gia -
Thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh Khánh Hòa -
Giao bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển và kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách trung ương năm 2025 -
Thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh Khánh Hòa
-
1 Đề xuất tính thuế dựa trên số lần giao dịch bất động sản, cao nhất lên tới 10% giá bán
-
2 Thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong thời kỳ mới: Từ lợi thế chi phí đến niềm tin thể chế
-
3 Cách nhìn mới trong tư duy cải cách thị trường vàng
-
4 Dự án điện khí LNG Cà Ná hơn 57.000 tỷ đồng: Chỉ 1 nhà thầu nộp hồ sơ
-
VietinBank thông báo về việc tự động cập nhật mã số thuế theo mã định danh cá nhân
-
Chuyển đổi số - Phát triển xanh ngành logistics
-
Mỹ Tho Central Complex: Tâm điểm đón sóng tăng trưởng của Đồng Tháp mới
-
ABAC III Hải Phòng: Kết nối trí tuệ, chia sẻ tầm nhìn, khơi thông ý tưởng
-
Hướng đi mới của bất động sản Cửa Lò: Bắt nhịp phát triển đô thị biển
-
Công ty Biotion Hàn Quốc ký Biên bản Ghi nhớ với Viện nuôi trồng Thủy sản - Đại học Nha Trang về hợp tác kết nối đào tạo