Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 04 tháng 10 năm 2024,
Ban hành Thông tư hướng dẫn cơ cấu nợ, giảm lãi vay hỗ trợ doanh nghiệp, có hiệu lực từ 13/3
T.L - 12/03/2020 16:45
 
Hôm nay (12/3/2020), Ngân hàng Nhà nước chính thức ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Ngân hàng Nhà nước là cơ quan đầu tiên ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Phát biểu tại buổi họp báo thông tin với báo chí về thông tư chiều 12/3, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, Thông tư có hiệu lực bắt đầu từ ngày mai (13/3).

Trong các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, chính sách cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi vay được các doanh nghiệp đặc biệt mong chờ, vì đây là sự hỗ trợ thiết thực nhất với doanh nghiệp hiện nay.

“Các tổ chức tín dụng cơ cấu lại nợ, giảm lãi vay không chỉ để thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ mà còn thể hiện tinh thần đồng hành, chia sẻ cùng doanh nghiệp. Nếu như năm 2009, việc hỗ trợ cho doanh nghiệp được thực hiện bằng nguồn ngân sách (cấp bù lãi suất), thì lần này, việc hỗ trợ doanh nghiệp hoàn toàn bằng nguồn của ngân hàng thương mại. Các ngân hàng thương mại chia sẻ lợi nhuận khó khăn của mình với khó khăn của doanh nghiệp”, Phó thống đốc khẳng định.

Tinh thần, quan điểm của Thông tư là tạo các điều kiện, cơ chế thuận lợi nhất cho tổ chức tín dụng chủ động cơ cấu lại thời hạn các khoản nợ đến hạn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng phải ban hành các quy định nội bộ hướng dẫn thực hiện, tránh hiện tượng trục lợi chính sách.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, đến thời điểm này, ước tính số dư nợ bị ảnh hưởng bởi Covid-19 không thể trả nợ đúng hạn là 926.000 tỷ đồng, chiếm 11% tổng dư nợ.

Cũng theo ông Hùng, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước  đã nhận được nhiều văn bản, đơn từ của các hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trực thuộc Hiệp hội, đơn cử hiệp hội các ngành: vận tải, da giày, sắn, cà phê, dệt may, giáo dục ngoài công lập, Hiệp hội doanh nghiệp trẻ… 

Thực tế, ngay khi dịch bệnh xảy ra, Ngân hàng Nhà nước đã ngay lập tức ban hành các văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng nắm bắt tình hình, liên tục họp bàn đưa ra giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Về phạm vi nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ và tiêu chí xác định khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Thông tư quy định: phạm vi là số dư nợ gốc và/hoặc lãi (bao gồm cả số dư nợ của các khoản nợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 55/2015/NĐ) đáp ứng đầy đủ 3 điều kiện điều kiện.

Thứ nhất, phát sinh từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính. Thứ hai, phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày liền sau 03 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19. Thứ ba, khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi do sụt giảm doanh thu, thu nhập bởi dịch Covid-19.

Về miễn, giảm lãi, phí, Thông tư quy định tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quyết định việc miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ đối với số dư nợ phát sinh từ hoạt động cấp tín dụng (trừ hoạt động mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) mà nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày liền sau 03 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19 và khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi do sụt giảm doanh thu, thu nhập bởi dịch Covid-19.

Về giữ nguyên nhóm nợ, Thông tư quy định tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại theo quy định của Ngân hàng Nhà nước tại thời điểm gần nhất trước ngày 23/01/2020 trong thời gian cơ cấu lại (trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này) đối với số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi quy định Thông tư này và tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro theo thời hạn đã được cơ cấu lại theo quy định của pháp luật về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mà không phải áp dụng nguyên tắc điều chỉnh vào nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn.

NHNN  quy định cụ thể trách nhiệm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải ban hành quy định nội bộ về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ theo quy định của Thông tư này để thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống, đảm bảo giám sát chặt chẽ, an toàn, phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ để trục lợi, phản ánh sai lệch chất lượng tín dụng.

Không chỉ cắt giảm, doanh nghiệp cần được chia sẻ chi phí
Trong tháng 3 này, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp cụ thể sẽ phải có trên bàn Thủ tướng Chính phủ. Đây là hạn định mà Chỉ thị...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư