Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Bán lẻ dược phẩm còn nhiều dư địa tăng trưởng
Hải Yến - 25/02/2024 16:55
 
Dư địa tăng trưởng của bán lẻ dược phẩm còn rất lớn và ưu thế sẽ thuộc về các doanh nghiệp sở hữu hệ thống bán lẻ lớn, ứng dụng công nghệ trong bán hàng, vận chuyển...

Bức tranh sáng

Dù hoạt động bán lẻ của không ít ngành hàng đối mặt với tình trạng suy giảm trong năm 2023, nhưng bức tranh của bán lẻ dược phẩm vẫn sáng. Các doanh nghiệp đang tiếp tục mở rộng mạng lưới để tạo đà tăng trưởng doanh số trong năm 2024 và các năm kế tiếp.

Đơn cử, năm 2023, chuỗi nhà thuốc Long Châu đóng góp 50% doanh thu hợp nhất của Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số (FPT Retail) với 15.888 tỷ đồng, tăng trưởng 66% so với năm 2022.

Năm qua, chuỗi Long Châu mở mới 560 cửa hàng, nâng tổng số lượng nhà thuốc phát sinh doanh thu lên gần 1.500 nhà thuốc. Đáng chú ý, doanh thu trung bình của các nhà thuốc vẫn duy trì được mức gần 1,1 tỷ đồng/tháng trong cả năm 2023.

Thị trường dược phẩm và chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam được dự báo duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong dài hạn. Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán MBS, quy mô thị trường dược phẩm Việt Nam khoảng 6 - 7 tỷ USD. Trong đó, hơn 70% thuộc về kênh ETC (đấu thầu thuốc qua các bệnh viện, sở y tế) và thị trường bán lẻ dược phẩm với quy mô gần 2 tỷ USD đang có sự cạnh tranh của gần 60.000 nhà thuốc.

Tính đến nay, cả nước có hơn 3.000 cửa hàng bán lẻ dược phẩm theo mô hình chuỗi hiện đại. MBS đánh giá, thị trường bán lẻ dược phẩm còn tiềm năng tăng trưởng lớn bởi chưa có đơn vị dẫn đầu về thị phần; xu hướng già hóa dân số tăng, nhu cầu quan tâm đến sức khỏe của người dân tăng mạnh sau đại dịch Covid-19 và Việt Nam nằm trong top 30 quốc gia có nồng độ PM2.5 trung bình cao nhất thế giới, môi trường sinh hoạt ngày càng ô nhiễm, thúc đẩy nhu cầu sử dụng thực phẩm chức năng, hỗ trợ sức khỏe.

Ngoài ra, chuỗi nhà thuốc Trung Sơn Pharma vừa được Tập đoàn Dongwha Pharm mua lại với tổng giá trị khoảng 30 triệu USD, tương đương 51% cổ phần. Điều này cho thấy, thị trường bán lẻ thuốc tại Việt Nam vẫn đang tiếp tục nhận được sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Tiếp tục mở rộng chuỗi bán lẻ

Số lượng doanh nghiệp đầu tư chuỗi nhà thuốc theo mô hình hiện đại không nhiều, nhưng có thể thấy, những năm gần đây, các doanh nghiệp tham gia mảng này đã nhân rộng hệ thống với tốc độ thần tốc.

Với gần 1.500 nhà thuốc phủ khắp 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, Long Châu đang dẫn đầu thị trường bán lẻ dược phẩm về số lượng cửa hàng, tiếp theo là Pharmacity và An Khang.

Trước đó, Pharmacity dẫn đầu, nhưng đã đóng bớt cửa hàng trong quá trình tái cơ cấu, đưa số lượng cửa hàng xuống dưới ngưỡng 1.000. Chuỗi nhà thuốc An Khang hiện có 527 nhà thuốc, doanh thu năm 2023 đạt 2.200 tỷ đồng, tăng 43% so với năm 2022.

Ngoài việc chạy đua mở rộng hệ thống, các doanh nghiệp cũng cạnh tranh quyết liệt để hiện diện tại những vị trí đắc địa, đồng thời dần tiến vào các khu dân cư nhằm tối đa doanh số bán lẻ.

Bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch Hội đồng Quản trị FRT Retail cho biết, doanh nghiệp tiếp tục xác định Long Châu là động lực tăng trưởng trong thời gian tới khi tiếp tục đầu tư để mở mới chuỗi nhà thuốc tại nhiều địa bàn.

Trong khi đó, Thế giới Di động (sở hữu chuỗi nhà thuốc An Khang) xác định, chuỗi nhà thuốc An Khang sẽ hiện diện ở những vị trí thuận tiện, dễ tiếp cận, có diện tích nhỏ gọn (khoảng 30-40 m2), nhưng vẫn đảm bảo yếu tố trưng bày và đủ thuốc để phục vụ hầu hết nhu cầu của khách hàng. 

Tuy nhiên, việc nhân rộng chuỗi nhà thuốc cần phải đi đôi với việc mở rộng danh mục đầu thuốc, đảm bảo sẵn sàng cung ứng các loại thuốc đặc trị, thuốc hiếm cho người tiêu dùng. Quan trọng hơn, hạ tầng logistics của chuỗi phải đáp ứng lượng giao dịch lớn trên toàn quốc, đặc biệt là phải ứng dụng số hóa trong các khâu của nhà thuốc.

Để đáp ứng tốc độ mở rộng “thần tốc” và phục vụ lượng giao dịch lớn, năm 2023, hệ thống nhà thuốc Long Châu đã chính thức đưa 2 kho tổng vào hoạt động với diện tích lên đến 35.000 m2 tại Hà Nội và 45.000 m2 tại Long An. Kho tổng của Long Châu được xem là kho bán lẻ dược phẩm lớn nhất Việt Nam cả về diện tích và quy mô.

Kho tổng Long Châu được phân khu hàng đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn trong lĩnh vực dược phẩm như GDP, GPP, FM và đáp ứng các điều kiện trữ lạnh chuyên biệt của dược theo chuẩn GSP. Khả năng đáp ứng vận hành của kho trung bình khoảng 70.000 đơn hàng và hơn 200 chuyến xe mỗi ngày đến hệ thống nhà thuốc Long Châu khu vực miền Nam.

Tương tự, Thế giới Di động cho biết, sẽ đầu tư theo chiều sâu để biến An Khang trở thành chuỗi dược phẩm hàng đầu về chăm sóc sức khoẻ.

Chuỗi nhà thuốc Long Châu đóng góp 50% doanh thu của FPT Retail
Kết thúc năm 2023, Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT công bố cán mốc doanh thu 31.850 tỷ đồng, trong đó chuỗi FPT Long Châu đóng góp 50% doanh thu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư