Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
Bản lĩnh doanh nhân mùa Covid-19
Hà Minh - 13/10/2020 08:06
 
Trong cuộc chiến chống Covid-19, những toan tính lợi nhuận của doanh nghiệp đã được tạm gác qua một bên và nhường chỗ cho những giá trị nhân văn cốt lõi trong tính cách, văn hóa của người Việt Nam.

Tạm gác những kế hoạch dở dang, những ý tưởng đang chờ được đưa vào thực tiễn, những lo toan về lời lãi, những tính toán thương trường…, cộng đồng doanh nhân Việt đồng lòng bước vào “chiến hào” chống Covid-19, tạo nên sức mạnh đoàn kết, nhân lên những sẻ chia, lan tỏa lòng nhân ái cùng cả nước chiến thắng đại dịch.

Hội doanh nhân trẻ Đà Nẵng tặng máy thở cho Bệnh viện Đà Nẵng.
Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng tặng máy thở cho Bệnh viện Đà Nẵng.

“Thương trường” không lợi nhuận

Đầu năm 2020, khi cộng đồng doanh nghiệp đang phấn chấn vì những thành tựu của năm cũ và đề ra những kế hoạch, chỉ tiêu kinh doanh, chiến lược phát triển cho năm mới đầy hứa hẹn, thì “cơn bão” Covid-19 quét qua. Dù Việt Nam đã giành chiến thắng trong giai đoạn đầu chống dịch, nhưng cách ly xã hội, tạm ngưng sản xuất - kinh doanh đã khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng. Để tồn tại, họ phải cắt giảm nhân sự, tiết kiệm chi phí, thu hẹp quy mô sản xuất - kinh doanh, từng bước phục hồi, dựa nhau mà sống.

Tưởng rằng “cơn bão nghiêng đêm” đã qua, với sự quan tâm của Chính phủ, các cấp chính quyền, “anh dắt tay em cùng qua đường cho khỏi ngã” và làn sóng hồi phục bắt đầu rục rịch, thì cú “đánh bồi” của “giặc” Covid-19 vô hình lại nhắm vào Đà Nẵng, khiến mọi toan tính bị “phong tỏa” như chính những bệnh viện, những khu phố có người nhiễm virus.

“Cú sốc” liên hoàn này khiến người Đà Nẵng liên tưởng đến hai cơn bão Chanchu, Xangsane nối tiếp nhau đổ bộ lên quê hương mình vào 14 năm về trước. Lễ hội “Tuyệt vời Đà Nẵng 2020” như là cú đề-pa để doanh nghiệp du lịch tái khởi động sau nhiều tháng ngủ đông bị phá sản vào phút chót. Bao nhiêu dự án quy mô đang chạy trơn tru bù tiến độ bỗng dưng khựng lại. Bao nhiêu hợp đồng kinh tế trăm tỷ bị “cách ly”. Lĩnh vực đầu tư xây dựng, giao thông, bất động sản đang trên đà hâm nóng để vớt vát cho một năm khó khăn phải đứng khựng vì giãn cách. Sức khỏe, con người vẫn là trên hết!

Với các doanh nghiệp quy mô sản xuất lớn, chi phí cao, người lao động nhiều, hẳn những người đứng đầu đã thêm một phen mất thăng bằng cho dù họ đã bao lần “lên bờ xuống ruộng” trên thương trường. Điều này chẳng phải nói ra thì ai cũng biết và tâm trạng lo lắng, áp lực, rối bời của doanh nhân là điều khó tránh khỏi. Trước mặt họ là dịch bệnh, sau lưng họ là hàng trăm, hàng ngàn con người, bao nhiêu cuộc sống, bao nhiêu số phận.

Đại diện Tập đoàn VinaCapital trao hỗ trợ cho  đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Đà Nẵng.
Đại diện Tập đoàn VinaCapital trao hỗ trợ cho đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Đà Nẵng.

Tuy nhiên, lo lắng, rối bời liệu có được gì? Như những người không may bị dương tính với virus Corona, người ta còn khổ hơn, sợ hãi hơn, nhưng không còn cách nào khác là sớm bình tĩnh đối mặt, điều trị và cùng cộng đồng vượt qua đại dịch. Thay cho cảm giác âu lo, nhiều doanh nhân đã ứng phó với dịch bằng những hành động chia sẻ. Họ bước vào một “thương trường” phát sinh mà trong đời doanh nhân của họ chưa bao giờ mường tượng ra.

“Thương trường như chiến trường” và lần này, “chiến trường” cực kỳ cam go vì họ phải “chiến đấu” với những bóng ma vô hình. Chính vì vậy, ở “thương trường” này, những toan tính lợi nhuận đã được tạm gác qua một bên và nhường chỗ cho những giá trị nhân văn cốt lõi trong tính cách, văn hóa của người Việt Nam.

Đại diện Tập đoàn VinaCapital trao phần quà  hỗ trợ cho gia đình trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh.
Đại diện Tập đoàn VinaCapital trao phần quà hỗ trợ cho gia đình trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh.

Cùng hướng về Đà Nẵng

Từ một ông chủ khu du lịch sinh thái rảnh tay vì doanh nghiệp ngưng hoạt động, anh Diện bị cuốn vào lịch mua sắm, vận chuyển hàng hỗ trợ tới bệnh viện cách ly, các khu phố, làng quê bị phong tỏa. Ban đầu, anh quyết định trích 200 triệu đồng từ quỹ an sinh xã hội của Công ty để đồng hành cùng cuộc chiến chống dịch kèm lời kêu gọi bạn bè, người quen, đồng nghiệp cùng chung tay.

Thấy anh “nói xong là làm luôn”, các mạnh thường quân lập tức hưởng ứng, gửi tiền, gửi hàng đến người cần. Chỉ sau chưa tới một tuần lễ, tài khoản lập riêng cho chiến dịch từ thiện này đã vượt con số 3 tỷ đồng.

“Thương trường như chiến trường” và lần này, “chiến trường” cực kỳ cam go vì cộng đồng doanh nhân phải “chiến đấu” với những bóng ma vô hình. Chính vì vậy, ở “thương trường” này, những toan tính lợi nhuận đã được tạm gác qua một bên và nhường chỗ cho những giá trị nhân văn cốt lõi trong tính cách, văn hóa của người Việt Nam.

“Đóng góp của cá nhân tôi không bao nhiêu và tôi cũng chỉ là một kênh vận động theo kiểu hữu hảo thôi, nhưng mình có kế hoạch nhanh chóng, hiệu quả, nên anh em, bạn bè tin tưởng đồng hành. Thậm chí, nhiều người gửi tiền mà không nêu danh tính nữa. Dù doanh nghiệp ngừng sản xuất - kinh doanh, nhưng lao vào việc này, mình học thêm được nhiều điều bổ ích trong quản trị, điều phối nguồn lực. Đặc biệt là tâm mình rất an”, anh Diện chia sẻ.

Tùy vào quy mô, tiềm lực của bản thân và doanh nghiệp, người ta thấy những doanh nhân như Trần Quốc Bảo (Tập đoàn VN Đà Thành), nhiều ông chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa bỏ tiền ra, xắn tay áo đi mua hàng hóa, vật dụng thiết yếu gửi vào tâm dịch. Nhiều doanh nhân khắp cả nước cũng hướng về Đà Nẵng bằng từng lô hàng khẩu trang, áo bảo hộ, dung dịch sát khuẩn, lương thực, thực phẩm, nước uống và cả tiền mặt để tiếp sức cùng chính quyền, người dân bên bờ sông Hàn kèm lời nhắn: “Đà Nẵng còn nợ chúng tôi một chuyến du lịch”, “Mong Đà Nẵng sớm bình yên để đón chúng tôi vào chơi”, hay đơn giản chỉ là “Cố lên, Đà Nẵng nhất định chiến thắng dịch”...

Những doanh nghiệp nổi danh trên thương trường trong nước và quốc tế cũng lập tức vào cuộc. 3 tỷ đồng là số tiền mà Tập đoàn Ecopark trao tặng cho Bệnh viện C Đà Nẵng. Ông Trần Quốc Việt, Tổng giám đốc Tập đoàn Ecopark chia sẻ: “Ecopark luôn sẵn sàng đồng lòng chia sẻ cùng cả nước nói chung và Bệnh viện C Đà Nẵng nói riêng trong cuộc chiến đẩy lùi Covid-19. Đặc biệt là sát cánh cùng đội ngũ y bác sĩ, những người đi đầu trong cuộc chiến chống Covid-19, mang tới một cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) trao tặng UBND TP. Đà Nẵng trang thiết bị y tế trị giá 5 tỷ đồng, tặng tỉnh Quảng Nam số vật phẩm y tế trị giá 5 tỷ đồng; đồng thời, hỗ trợ 2.000 bộ kit xét nghiệm SARS-CoV-2 trị giá hơn 1 tỷ đồng cho Bệnh viện Trung ương Huế.

Trong khi đó, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPP) của doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn trao tặng 10 máy theo dõi bệnh nhân cho Bệnh viện Phổi và Bệnh viện Đà Nẵng. VinaCapital, Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng cũng giúp một tay trong cuộc chiến này…

Các tập đoàn lớn tầm cỡ như Vingroup, Sun Group... cũng không đứng ngoài cuộc, mà nhanh chóng thực hiện những cam kết xã hội vốn có của mình. Họ tặng máy thở, thu dung, cách ly điều trị cho bệnh nhân, tài trợ xây dựng bệnh viện dã chiến quy mô, dù bản thân vẫn đang trải qua vô vàn khó khăn vì dịch bệnh. Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân vẫn âm thầm đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại TP. Đà Nẵng để đóng góp nguồn lực hoặc tự tìm đến những con người, gia đình, khu phố để tặng quà, tiếp thêm động lực cho người dân trong “cuộc chiến” được dự báo là không phải ngày một ngày hai.

Doanh nhân thời Covid-19, phía sau vai trò của những chiến sĩ trên mặt trận phát triển kinh tế - xã hội, hơn lúc nào hết, đã thể hiện trách nhiệm rõ ràng với cộng đồng. Suy cho cùng, cộng đồng có an toàn, người dân có khỏe mạnh, đất nước có bình yên, thì doanh nghiệp mới yên tâm sản xuất - kinh doanh và phát triển được. Và khi tích lũy được giá trị đối với cộng đồng, chia sẻ những gì mình có, để tâm mình an hơn, thì chắc chắn, họ sẽ lãi nhiều hơn khi khó khăn qua đi.

Tri ân!

Tấm lòng của doanh nhân, bản lĩnh của những người mặc áo blouse trắng, hành động quyết liệt của chính quyền, sự đồng thuận của người dân đã đem lại chiến thắng trong “cuộc chiến” chống Covid-19. Hơn một tháng sau khi bùng phát, đợt dịch Covid-19 thứ 2 khởi nguồn từ Đà Nẵng đã được dập tắt. Ghi lòng tạc dạ những nghĩa cử của những doanh nhân, những y, bác sỹ và người dân có lẽ là giải pháp duy nhất của chính quyền các địa phương, bởi khi họ cho đi, đã không nghĩ mình sẽ nhận lại.

Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, trong thư cảm ơn đến lực lượng hỗ trợ Đà Nẵng chiến thắng Covid-19 đã nhấn mạnh, có được thắng lợi trong công cuộc phòng, chống Covid-19 lần này, có thể nói, ngoài nội lực của chính mình, bằng quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh và cách làm quyết liệt, khoa học, chủ động, sáng tạo, linh hoạt của toàn Đảng bộ, các cấp chính quyền, đoàn thể và các lực lượng trên toàn địa bàn, TP. Đà Nẵng chân thành cảm ơn sự chỉ đạo sâu sát, thường xuyên của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Trung ương, Bộ Y tế và các bộ, ban, ngành Trung ương; sự hỗ trợ, giúp đỡ về vật chất, tinh thần, tiếp sức về nhân lực của các địa phương bạn, của các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, nhà tài trợ, của người dân trên cả nước, người Việt Nam ở nước ngoài...

“Tất cả đã hướng về, dành trọn tình cảm, đồng hành, tiếp thêm sức mạnh ngoại lực to lớn để TP. Đà Nẵng vượt qua đại dịch Covid-19 vừa qua”, bức thư viết.

Tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái đã được phát huy trong lúc dịch bệnh, hoạn nạn. “Qua cuộc chiến chống lại Covid-19 những ngày qua, chúng ta càng tự hào hơn với những giá trị truyền thống lịch sử quý báu của đất nước, dân tộc mình. Những lúc có nguy cơ, lúc xảy ra hoạn nạn, thì tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, nhường cơm sẻ áo, chia ngọt sẻ bùi của người dân, của các địa phương bạn lại sâu sắc hơn bao giờ hết”, ông Thơ nhấn mạnh.

Doanh nhân Đồng Đức Trọng, CEO Rakuna: Khó khăn là lúc cần thay đổi
Đam mê kinh doanh, ưa mạo hiểm và thích thử thách bản thân, nên với Đồng Đức Trọng, khó khăn cũng là cơ hội để anh thay đổi, tìm ra hướng đi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư