Thứ Ba, Ngày 29 tháng 04 năm 2025,
Bán nợ của VAMC thế nào để tránh tiêu cực?
Mạnh Bôn - 04/03/2014 09:01
 
Theo ông Nguyễn Văn Bốn, Phó cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp), cần phải ban hành tiêu chí lựa chọn tổ chức tham gia đấu giá dựa vào năng lực, kinh nghiệm, đề xuất về cách thức bán đấu giá, cơ sở vật chất, chi phí tổ chức bán đấu giá… làm cơ sở để VAMC lựa chọn tổ chức đấu giá. Băn khoăn việc VAMC bán nợ xấu với giá nào? Không nên trì hoãn phân loại nợ xấu Chủ tịch VAMC: “Tôi không có gì phải nuối tiếc…” Doanh nghiệp “ngán” thi hành án

Nghị định 17/2010/NĐ-CP ngày 4/3/2010 đã quy định cụ thể về nguyên tắc, trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản. Thưa ông, vậy có cần thiết phải ban hành cơ chế riêng cho VAMC?

Bán nợ của VAMC thế nào để tránh tiêu cực?
Ông Nguyễn Văn Bốn, Phó cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp)

Sự ra đời của VAMC rất đặc thù. Cơ cấu, tổ chức hoạt động của tổ chức tài chính này cũng rất đặc thù. Tài sản mà tổ chức này tiếp nhận qua việc mua nợ xấu của các ngân hàng thương mại để xử lý rất lớn.

Việc xử lý tài sản bảo đảm do VAMC nhận về khi mua nợ không chỉ đơn thuần là xử lý tài sản như những trường hợp khác, mà còn tạo điều kiện cho tổ chức tài chính đặc biệt này thu hồi vốn, thúc đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu của nền kinh tế.

Chính vì vậy, Nghị định 53/2013/NĐ-CP ngày 18/5/2013 về việc thành lập, tổ chức hoạt động của VAMC đã yêu cầu Bộ Tư pháp phải xây dựng trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu nếu các bên (VAMC, ngân hàng, chủ tài sản) không có thỏa thuận về xử lý tài sản.

Tôi nói thêm rằng, cơ chế đấu giá tài sản này chỉ áp dụng đối với tài sản của khoản nợ xấu mà VAMC đã mua và các bên liên quan không có thỏa thuận, còn tất cả tài sản khác của VAMC được xử lý theo quy định hiện hành về quản lý tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

Thế đặc thù ở đây là gì, thưa ông?

Bên cạnh xử lý tài sản đảm bảo theo thỏa thuận với ngân hàng, chủ tài sản; thuê tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp xử lý, VAMC còn được phép tự tổ chức bán đấu giá đối với tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu không có thỏa thuận với ngân hàng và chủ nợ trị giá dưới 10 tỷ đồng và tài sản bảo đảm không thuê được tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp thực hiện.

Trong trường hợp này, Tổng giám đốc VAMC có quyền thành lập Hội đồng Đấu giá. Hội đồng đấu giá có quyền ban hành quy chế bán đấu giá, trong đó quy định rõ điều kiện, cách thức đăng ký tham gia đấu giá; phí tham gia, tiền đặt trước; cách thức đấu giá; nguyên tắc xác định bước giá…

Thậm chí, khi tổ chức bán đấu giá, VAMC có thể thỏa thuận với chủ tài sản rút ngắn thời hạn niêm yết thông báo công khai việc bán đấu giá.

Cơ chế đặc thù này sẽ tạo điều kiện để VAMC nhanh chóng “giải phóng” tài sản bảo đảm đã nhận về qua mua nợ, thu hồi vốn để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ xử lý nợ xấu.

Nhưng theo phản ánh của VAMC, số tài sản có trị giá dưới 10 tỷ đồng không nhiều. Có nghĩa là, tổ chức tài chính này không có nhiều cơ hội để tự tổ chức bán đấu giá?

Đúng là, số tài sản trị giá dưới 10 tỷ đồng hiện không nhiều, nhưng thời gian tới có thể tăng lên. Bởi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, VAMC được mua các khoản nợ xấu của khách hàng, hoặc nhóm khách hàng là tổ chức từ 3 tỷ đồng trở lên, mua nợ xấu của khách hàng là cá nhân từ 1 tỷ đồng trở lên.

Giá trị tài sản tối thiểu mà VAMC được phép mua có thể được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh cho phù hợp với thực tế, nên tổ chức tài chính này không thiếu cơ hội để tổ chức bán đấu giá. Hơn nữa, ngoài tài sản trị giá dưới 10 tỷ đồng, VAMC còn được tổ chức bán đấu giá tài sản trị giá trên 10 tỷ đồng trong trường hợp không thuê được tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp thực hiện.

Trong trường hợp thuê tổ chức chuyên nghiệp đấu giá tài sản, VAMC có cơ chế đặc thù không?

Hiện tại, chưa có quy định cụ thể về tiêu chí, cách thức lựa chọn tổ chức bán đấu giá tài sản, nên mỗi nơi thực hiện khác nhau. Ví dụ, ở TP.HCM, chỉ lựa chọn tổ chức của Nhà nước bán đấu giá tài sản nhà nước. Trong khi đó, ở Hà Nội, không chỉ có tổ chức của Nhà nước, mà tất cả doanh nghiệp đấu giá chuyên nghiệp đều được tham gia bán đấu giá tài sản nhà nước.

Để bảo đảm minh bạch, hiệu quả, cơ chế bán đấu giá của VAMC yêu cầu phải công bố công khai về việc mời tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp tham gia ít nhất 2 lần liên tiếp trên báo địa phương nơi có tài sản bán đấu giá, trên Báo Đấu thầu; đăng thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước và Website của VAMC. Trường hợp có 2 tổ chức bán đấu giá tham gia thì VAMC xem xét, lựa chọn.

Nếu VAMC lựa chọn tổ chức đấu giá, theo ông, liệu có dẫn tới tiêu cực trong việc lựa chọn không?

Thực tế bán đấu giá tài sản, đặc biệt là tài sản thi hành án vừa qua cho thấy, có không ít chấp hành viên “ăn tất cả mọi cửa”: người bị thi hành án, người được thi hành án, công ty thẩm định giá, công ty tổ chức đấu giá và “ăn” của cả người trúng đấu giá.

Pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về lựa chọn tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp, nên đã dẫn tới tiêu cực như tôi vừa nói. Để tránh tình trạng này, theo tôi, cần phải ban hành tiêu chí lựa chọn tổ chức tham gia đấu giá dựa vào năng lực, kinh nghiệm, đề xuất về cách thức bán đấu giá, cơ sở vật chất, chi phí tổ chức bán đấu giá… làm cơ sở để VAMC lựa chọn tổ chức đấu giá.

Tốt hơn hết là, VAMC tổ chức đấu thầu giữa các tổ chức tham gia đấu giá theo đúng Luật Đấu thầu để chọn tổ chức bán đấu giá hiệu quả nhất.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư