Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Bán tháo diện rộng, VN-Index có lúc giảm hơn 40 điểm
Thanh Thủy - 26/09/2022 16:08
 
Đã có thời điểm, VN-Index rơi xuống dưới 1.160 điểm, giảm 43 điểm so với cuối tuần trước. Lực bán lớn kéo giá loạt cổ phiếu giảm sâu nhưng cũng kéo dòng tiền tham gia sôi động.

Tâm lý tiêu cực đè nặng thị trường

Cả ba chỉ số đều đã nhích lên đáng kể so với thời điểm 14h. VN-Index đã có lúc xuống dưới 1.160 điểm, giảm hơn 43 điểm so với cuối tuần trước. Chỉ số HNX lại có thêm một phiên giảm trên 3%, trong đó, riêng HNX30-Index giảm tới 4,8%.  

Tình trạng bán tháo xuất hiện trên diện rộng khi lực cung giá rẻ áp đảo ở nhiều cổ phiếu. Toàn thị trường 676 mã cổ phiếu giảm giá, 72 mã giảm kịch biên độ. Trong khi đó, chỉ 137 mã tăng và 19 mã tăng trần (đa phần là các cổ phiếu trên sàn UPCoM có thanh khoản ảm đạm).

VN-Index lao dốc giảm sâu
VN-Index lao dốc giảm sâu.

Mặt bằng lãi suất dềnh lên trên toàn cầu đã tác động tiêu cực đến hầu khắp các thị trường tài chính. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng vừa quyết định tăng 100 điểm cơ bản đối với một loạt các lãi suất điều hành chủ chốt, trong đó lãi suất tái cấp vốn tăng từ mức 4% lên 5%, lãi suất tái chiết khấu tăng từ mức 2,5% lên 3,5% và trần lãi suất cho vay qua đêm & thanh toán bù trừ tăng từ 5% lên 6%.

Đã có một số tổ chức dự báo về khả năng điều chỉnh lãi suất điều hành như Bộ phận Nghiên cứu toàn cầu của Tập đoàn HSBC nhận định NHNN sẽ phải điều chỉnh lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong quý III/2022 trước khi tăng lãi suất 3 lần, mỗi lần 25 điểm cơ bản trong năm 2023; hay VNDirect cũng từng dự báo mức tăng 50 điểm cơ bản trong năm 2022. VNDirect đánh giá mức tăng 100 điểm cơ bản lãi suất điều hành tương đối quyết liệt và kịp thời nhưng “có đôi chút bất ngờ”.

Không còn đứng ngoài quan sát, tâm lý tiêu cực cùng cú rơi sâu của phiên hôm nay kéo dòng tiền lớn giao dịch trở lại. Giá trị giao dịch trên ba sàn đạt 20.116 tỷ đồng, cao gấp rưỡi phiên cuối tuần trước. Trong đó, thanh khoản riêng trên sàn HoSE đạt 17.552 tỷ đồng, mức cao nhất trong 3 tuần trở lại đây. Tổng giá trị giao dịch bình quân tuần trước cũng chỉ đạt 12.119,42 tỷ/phiên.

Các nhà đầu tư nước ngoài là bên bán ròng trong phiên hôm nay. Tổng cộng, khối ngoại bán ròng hơn 599 tỷ đồng trên ba sàn, duy trì chuỗi bán ròng 4 phiên liên tiếp. Hai cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất là NLG (gần 170 tỷ đồng) và KDH (141 tỷ đồng).

Dòng chứng khoán rơi sâu, nhiều cổ phiếu phục hồi mạnh cuối phiên

Nhóm cổ phiếu ngân hàng và bất động sản với quy mô vốn hóa lớn là đầu tàu kéo chỉ số rơi sâu. BID, BCM, CTG, VHM và VPB là 5 cổ phiếu tác động tiêu cực nhất với VN-Index. Cổ phiếu bán lẻ MWG của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động đã có thời điểm giảm xuống còn 65.800 đồng. Bứt lên cuối phiên, nhưng MWG vẫn giảm hơn 2% về mức 68.000 đồng và cũng góp hơn 1 điểm giảm cho chỉ số chung của thị trường.

Tương tự, cổ phiếu BCM nằm trong top đầu kéo thị trường giảm thực tế cũng đã vọt lên trong phiên ATC, từ mức giá sàn 88.100 đồng tăng lên 93.800 đồng. Một cổ phiếu khác ngành bất động sản khu công nghiệp là  IDC cũng ghi nhận nhiều sự hồi phục đáng chú ý trong gần tiếng đồng hồ giao dịch cuối cùng của phiên.

Nhóm cổ phiếu giảm sâu nhất trong phiên hôm nay là dòng chứng khoán. FTS, CTS, VDS, ART… đều “nằm sàn”. Hầu hết các cổ phiếu cũng đều giảm trên 5%. Chỉ một số ít như HCM kịp hồi phục ở cuối phiên.

Fed tăng lãi suất, châu Á có rơi vào khủng hoảng tài chính?
Giới phân tích cho rằng việc Mỹ tiếp tục tăng lãi suất sẽ gây ra những rủi ro đáng kể, nhưng sẽ không dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư