Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 20 tháng 09 năm 2024,
Bất cập tại các khu kinh tế ở miền Trung
Thanh Chung - 23/08/2022 09:18
 
Việc đầu tư xây dựng khu kinh tế ở miền Trung vẫn còn nhiều bất cập về quy hoạch, như dự án treo, chậm tiến độ…, khiến các khu kinh tế chưa thể thu hút nhà đầu tư.
Khu kinh tế Nam Phú Yên hội tụ nhiều tiềm năng phát triển, nhưng đến nay vẫn chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư như kỳ vọng

Lãng phí tài nguyên đất

Khu kinh tế Dung Quất với diện tích khoảng 45.332 ha. Hiện quỹ đất dành cho đầu tư dự án phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ ở Khu kinh tế gần như lấp đầy. Tuy nhiên, khi đến thực tế, chúng tôi nhận thấy, nơi này có nhiều bãi đất trống, các dự án xây dựng dở dang suốt hàng chục năm.

Tính đến tháng 7/2022, Khu kinh tế Dung Quất có 243 dự án đã đi vào hoạt động, 105 dự án chậm triển khai (trong đó có 53 dự án thuộc nhóm thương mại, dịch vụ và khu dân cư). Việc các dự án treo, chậm tiến độ đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân tại khu kinh tế này và ảnh hưởng lớn đến việc thu hút các nhà đầu tư.

Tại buổi làm việc với Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi ngày 31/5/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, ông Đặng Văn Minh cho rằng, thời gian qua, Ban Quản lý đã đạt được những kết quả tích cực trên các chỉ tiêu về sản xuất công nghiệp; làm tốt việc chỉ đạo tư vấn và phối hợp với các sở, ngành, địa phương lập Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.

Tuy vậy, ông Đặng Văn Minh cũng chỉ ra một số tồn tại trong công tác quản lý của Ban Quản lý, như thiếu quyết liệt trong việc thực hiện kết luận của UBND tỉnh; chậm triển khai thực hiện các kết luận thanh tra; chậm giải quyết các tồn tại, vướng mắc đối với một số dự án đầu tư, các dự án về đất và công tác quản lý đất đai… “Những hạn chế này đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2022 và những năm tiếp theo nếu không được giải quyết triệt để trong thời gian sớm nhất”, ông Đặng Văn Minh nói.

Ông Minh yêu cầu, Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi phải chủ động khắc phục các tồn tại, hạn chế, rà soát lại các nội dung đã được đặt ra trong chương trình công tác trọng tâm trong năm 2022, xây dựng kế hoạch, khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung công việc còn lại, không để chậm trễ.

Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu Ban Quản lý tập trung giải quyết các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện đối với các dự án đầu tư công trong năm 2022 và đẩy nhanh tiến độ giải ngân; tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các nhà đầu tư, nhất là các dự án Khu công nghiệp Bình Hòa - Bình Phước, Nhà máy thép Hòa Phát 2…   

Khu kinh tế Dung Quất có lợi thế khi tiếp giáp sân bay Chu Lai ở phía Bắc và tuyến đường sắt quốc gia chạy song song với Quốc lộ 1 về phía Tây. Hệ thống đường bộ gồm: đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Quốc lộ 1, Quốc lộ 24B, DT 621, tuyến Dốc Sỏi - Dung Quất, tuyến Trì Bình - Dung Quất, tuyến Bình Long - Dung Quất.

Đặc biệt, Quảng Ngãi có 3 vùng nước cảng biển là vùng nước tại khu vực Dung Quất, khu vực Sa Kỳ và khu vực đảo Lý Sơn. Trên địa bàn tỉnh có một số doanh nghiệp hoạt động liên quan đến lĩnh vực logistics, chủ yếu làm dịch vụ vận chuyển và cho thuê kho bãi.

Khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa) có diện tích khoảng 150.000 ha, đã thu hút khoảng 150 dự án đầu tư cũng trong tình trạng lãng phí tài nguyên đất. Một nhà đầu tư tại khu vực phía Bắc Khu kinh tế Vân Phong cho hay, nếu khu vực này được quy hoạch, phát triển thì tỉnh Khánh Hòa sẽ được lợi rất lớn. Đây là vùng đất hứa hẹn sẽ phát triển rất lớn đối với các nhà đầu tư, đặc biệt về lĩnh vực du lịch, giải trí.

“Chúng tôi đã đầu tư vào khu vực Bắc Vân Phong và rất chờ mong được UBND tỉnh Khánh Hòa quy hoạch cụ thể để phát huy giá trị kinh tế, du lịch phát triển, giá đất được tăng lên. Nếu UBND tỉnh không quyết liệt hơn, thì sẽ rất thiệt thòi cho người dân và nhà đầu tư trước đó”, nhà đầu tư này chia sẻ.

Đặc biệt, tại Khu kinh tế Vân Phong, Dự án cảng trung chuyển được khởi công từ 12 năm trước (diện tích quy hoạch khoảng 750 ha), nhưng đến nay vẫn đình trệ, ảnh hưởng đến hàng loạt dự án khác trong khu vực.

Không thu hút được nhà đầu tư

Tại Bình Định, từ năm 2021 đến nay, chỉ mới thu hút được một nhà đầu tư đến khu kinh tế. Ông Phan Viết Hùng, Phó trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Bình Định cho hay, nguyên nhân là, theo chỉ đạo của Trung ương, phải tiến hành đấu thầu, đấu giá đất, nhưng dịch bệnh, chiến sự Nga - Ukraine khiến doanh nghiệp nước ngoài khó đến Việt Nam để làm thủ tục.

“Trước đây, khu kinh tế được giao đất cho thuê đất, chọn lựa nhà đầu tư có năng lực thì giao đất, nên các nhà đầu tư nước ngoài đến nhiều. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục phối hợp với các chủ đầu tư hạ tầng, chủ đầu tư khu chức năng đẩy mạnh xúc tiến đầu tư và làm việc với các phòng thương mại của các nước để tổ chức các đợt giao lưu, xúc tiến giữa các doanh nghiệp”, ông Hùng nói.

Theo Đồ án Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nhơn Hội, đến năm 2040, Khu kinh tế Nhơn Hội có khoảng 230 ha đất thuộc Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Nhơn Hội được thay đổi chức năng, chuyển mục đích thành đất đô thị và đất hồ thuộc Khu đô thị Mai Hương.

Theo ông Hùng, việc quản lý, chuyển mục đích sử dụng phần diện tích 230 ha đất công nghiệp trên đây sang mục đích khác và lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án tại diện tích đất đưa ra ngoài khu công nghiệp hoàn toàn không ảnh hưởng đến thu hút đầu tư, bởi Khu kinh tế được mở rộng ở Vân Canh với 2.300 ha.

“Việc chuyển đổi 230 ha đất công nghiệp hoàn toàn phù hợp với quy hoạch mới và tạo điều kiện chuyển khu công nghiệp ra xa thành phố hơn. Việc này cũng hợp lý hơn về vấn đề hạ tầng, về môi trường và các dịch vụ đi kèm”, ông Hùng nói.

Tại Quảng Bình, ông Phạm Tiến Duật, Phó trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Bình, Trưởng đại diện tại Khu kinh tế Hòn La cho hay, công tác quy hoạch phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế luôn được Ban Quản lý chú trọng. Ban Quản lý đã tập trung triển khai các quy hoạch khu chức năng đảm bảo tính đồng bộ giữa quy hoạch chung đã được phê duyệt, đồng thời phù hợp định hướng phát triển của địa phương liên quan nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có để phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Theo ông Duật, quá trình triển khai cũng gặp một số khó khăn như quỹ đất của địa phương còn hạn chế, nhất là quỹ đất để phát triển công nghiệp; phạm vi quy hoạch khu kinh tế bao gồm các cụm dân cư hiện hữu, việc phát triển các khu chức năng gặp khó khăn. Trong điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn khó khăn, ngân sách tỉnh hạn hẹp, việc đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật - xã hội khu kinh tế còn chậm.

“Hiện nay, do điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn khó khăn, hạ tầng kỹ thuật các khu kinh tế, khu công nghiệp nói chung thiếu đồng bộ, quỹ đất sạch còn hạn chế; thông qua xúc tiến đầu tư, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đến tìm hiểu, nhưng việc đăng ký còn hạn chế; các dự án đầu tư đang thực hiện chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ.

Vì vậy, việc thu hút nhà đầu tư lớn và nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài gặp nhiều khó khăn. Đến nay, tại Khu kinh tế Hòn La có một dự án đầu tư của Hàn Quốc với tổng mức đầu tư 11 triệu USD đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư. Do tình hình thu hút khó khăn và dịch bệnh Covid-19, nên từ đầu năm đến nay, chưa có dự án đầu tư nước ngoài trong khu kinh tế trên địa bàn tỉnh”, ông Duật cho hay.

Nhiều hạn chế trong phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

Mới đây, tại Tọa đàm Liên kết phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trong bối cảnh mới, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương cho hay, Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung có điều kiện thuận lợi để trở thành trung tâm kinh tế biển mạnh, phát triển đa dạng các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao; phát triển cảng biển, dịch vụ cảng, kinh tế đảo và vận tải biển, sông - biển, động lực thúc đẩy, lôi kéo các địa phương khác cùng phát triển.

Tuy nhiên, trong bối cảnh, tình hình mới của đất nước, việc phát triển vùng còn khá chậm, chưa đáp ứng được kỳ vọng của Trung ương.

Theo ông Trần Tuấn Anh, việc phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đang gặp phải nhiều tồn tại, hạn chế, như tăng trưởng kinh tế thiếu ổn định; quy mô kinh tế còn nhỏ, khoảng cách phát triển giữa các địa phương gia tăng, nhất là mật độ kinh tế; quy hoạch phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung còn nhiều bất cập; hạ tầng kinh tế - kỹ thuật chưa đồng bộ, cản trở tổ chức không gian phát triển; các đô thị thiếu liên kết thành một hệ thống thống nhất; tài nguyên chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả để trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển, nhất là tài nguyên biển; tỷ lệ lao động lành nghề thấp...
Huyết mạch giao thông trong chuỗi liên kết các khu kinh tế miền Trung
Khu vực miền Trung trải dài trên nhiều tỉnh, thành phố, địa hình bị chia cắt thành nhiều vùng khác nhau, do vậy, hệ thống hạ tầng giao thông...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư