Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Bắt đầu kỷ nguyên của doanh nghiệp sáng tạo
Khánh An - 06/01/2015 08:26
 
() Trong bức tranh kinh tế năm 2015 với nhiều điểm sáng, ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhắc nhiều đến cơ hội cho những doanh nghiệp năng động và sáng tạo.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Chìa khóa năm 2015 là năng lực nội sinh
Doanh nhân Việt chia sẻ kế hoạch kinh doanh 2015
Doanh nghiệp Việt Nam sẽ làm nên chuyện

Kinh tế Việt Nam năm 2015, theo nhận định của Trưởng ban kinh tế Trung ương, sẽ ra sao?

Cũng câu hỏi này cách đây một năm, câu trả lời khó hơn, mù mờ nhiều. Còn hiện tại, tình hình khá rõ rệt. Theo tôi, kinh tế Việt Nam năm 2015 hứa hẹn sẽ có nhiều điểm sáng.

Ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương

Có thể nhìn thấy từ xu hướng phục hồi của kinh tế thế giới và sự ổn định của nền tảng kinh tế vĩ mô trong nước. Hai vấn đề này tạo điều kiện cho những chuyển biến tích cực hơn của nền kinh tế trong năm 2015.

Hơn nữa, năm 2015 là một năm rất đặc biệt.

Thứ nhất, đây là năm cuối cùng nhiệm kỳ này và chuẩn bị cho nhiệm kỳ sau. Chúng tôi thấy các địa phương đang tập trung cao độ để hoàn thành các chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm. Người Việt mình khi mà chạy nước rút cũng rất đáng nể.

Thứ hai, năm 2015 là năm đầu thực thi nhiều hiệp định tự do thương mại (FTA) mà Việt Nam tham gia đàm phán. Đó là FTA với Hàn Quốc, EU,  Liên minh thuế quan Nga - Kazakhstan - Belarus. Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) mở cửa vào năm 2015. Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng được kỳ vọng hoàn tất trong năm 2015. Các sự kiện hội nhập quốc tế sẽ tạo ra động lực cho tăng trưởng thương mại và đầu tư, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Ba là, năm 2015 cũng là năm có nhiều bộ luật, đạo luật liên quan đến kinh doanh, môi trường đầu tư  - thể chế kinh tế thị trường được ban hành và có hiệu lực. Có thể kể đến Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Dạy nghề…

Cùng với những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, những thành tố này đang tạo nên sức sống mới cho nền kinh tế năm 2015.

Như vậy, năm 2015 đang bắt đầu với nhiều thuận lợi?

Câu chuyện thuận lợi hay thách thức phụ thuộc rất nhiều vào chương trình hành động, tổ chức chỉ đạo và thực hiện để tiếp tục được đà đã tạo ra trong năm 2014 và cơ hội mới trong năm 2015.

Điểm quan trọng, chương trình hành động này không phải chỉ của Chính phủ, của Trung ương hay địa phương, mà phải từng bộ, từng ngành, từng cấp, từng doanh nghiệp và chính người dân vào cuộc.

Đơn cử như việc tận dụng cơ hội từ cam kết trong các FTA. Chưa khi nào Việt Nam lại gặt hái được những kết quả đàm phán như thế này, nhưng khó khăn sẽ rất lớn nếu không có chương trình hành động theo hướng tích hợp, lồng ghép cam kết.

Chính phủ phải chỉ đạo thống nhất cả theo chiều ngang từng hiệp định cũng như “bổ dọc” theo lĩnh vực. Đây sẽ là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước hoạch định các chính sách, cộng đồng doanh nghiệp xây dựng kế hoạch kinh doanh.

Về AEC, tôi cảm giác là doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự quan tâm, trong khi các doanh nghiệp nước ngoài lại rất sốt sắng. Rõ ràng, nếu có năng lực cạnh tranh, chúng ta sẽ hưởng lợi nhiều từ việc hàng hóa sản xuất tại Việt Nam sẽ đi vào các nước ASEAN. Ngược lại, không chuẩn bị tốt, Việt Nam có thể trở thành vùng trũng tiêu thụ hàng hóa của các nước trong khu vực…

Năm 2015, theo tôi, chìa khóa tạo ra đột phá là trách nhiệm của người đứng đầu và cơ chế tạo động lực và áp lực trách nhiệm cho từng người, từng cơ quan, từng vị trí công việc. Về phía doanh nghiệp, đó là cơ hội của những doanh nghiệp sáng tạo và năng động.

Đúng một năm trước, khi nhận định về kinh tế Việt Nam năm 2014, ông cho rằng, điều quan trọng cần phải hành động là tạo dựng các thể chế để khơi thông nguồn lực, giải phóng mọi lực lượng sản xuất để phát triển…

Thực tế năm 2014, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Báo cáo của Tổng cục Thuế cho thấy, số doanh nghiệp đang hoạt động nộp được thuế thu nhập doanh nghiệp đạt thấp, chỉ khoảng 30%. Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ.

Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, ở đây, có câu chuyện về tiến độ thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế. Môi trường chính sách liên quan đến doanh nghiệp đang được cải thiện nhưng mới là những quy định mang tính nguyên tắc.

Vấn đề là thực thi theo đúng nguyên tắc để một mặt tạo lòng tin cho doanh nghiệp, một mặt tạo cơ chế để dẫn dòng vốn, cả trong nước và nước ngoài vào những ngành, lĩnh vực phù hợp với mô hình tăng trưởng mới mà chúng ta xác định.

Phải nói thêm, gần đây, cả giới khoa học và cả giới lãnh đạo nhiều quốc gia bắt đầu nói nhiều đến kỷ nguyên phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây có thể là hướng đi sắp tới của dòng vốn FDI, của các kế hoạch thu hút FDI, chứ không chỉ tập trung vào các tập đoàn lớn kinh tế bây giờ. Song song với kế hoạch đó là cơ chế nuôi dưỡng doanh nghiệp trong nước, đảm bảo các điều kiện để kết nối được với các doanh nghiệp nước ngoài trong chuỗi sản xuất, bắt đầu từ các doanh nghiệp vệ tinh rồi tới các doanh nghiệp lớn…

Tới đây, động lực tăng trưởng của nền kinh tế được xác định là dựa trên năng suất lao động, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Ở các nền kinh tế, doanh nghiệp nhỏ và vừa là khu vực năng động và nhiều sáng tạo. Họ đang dành nguồn lực lớn để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sáng tạo. Trung Quốc dành rất nhiều tiền kích cầu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hàn Quốc khuyến khích các ý tưởng kinh doanh bằng các cơ chế tài chính cụ thể vì họ cho rằng, dư địa đã từng tạo ra để Samsung cạnh tranh vượt trội được Nokia, Sony thời kỳ trước đã cạn, cần phải tiếp tục tạo ra động lực mới cho nền kinh tế.

Đây là những vấn đề của năm 2015 - năm doanh nghiệp. Ban Kinh tế Trung ương sẽ phải tập trung nghiên cứu thể chế, chính sách cho phát triển các loại hình doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư