Bất động sản công nghiệp bước vào cuộc đua khốc liệt
Trọng Tín - 27/10/2020 10:28
 
Phân khúc bất động sản công nghiệp không còn là sân chơi riêng của các nhà phát triển bất động sản công nghiệp, mà đã có sự tham gia của nhiều gương mặt mới từ các lĩnh vực khác.
.
.

Nhiều gương mặt mới

Logos - tập đoàn chuyên về bất động sản logistics, thành viên của Singapore ARA Asset Management vừa thông báo thành lập liên doanh đầu tiên ở Việt Nam, với tên Logos Vietnam Logistics Venture.

Liên doanh này có danh mục đầu tư ban đầu khoảng 350 triệu USD, hướng tới phát triển các cơ sở hậu cần tại những khu vực trọng điểm như TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Sau đó, họ sẽ tiến hành các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) chiến lược, với mục tiêu trong 12 - 18 tháng sau đó có thể cung cấp một lượng cơ sở hậu cần ổn định cho khách hàng tại những địa bàn quan trọng.

Ngoài Logos, BW Industrial - liên doanh giữa Becamex IDC và Warburg Pincus mới đây cũng đã tìm cách mở rộng hoạt động, khi tăng vốn điều lệ lên 4.916 tỷ đồng và tăng nguồn cung bất động sản công nghiệp cho thuê từ 130 ha năm 2018, lên gần 500 ha trong năm nay.

Tính đến cuối năm 2019, BW Industrial đã phát triển hơn 10 dự án trên tổng quỹ đất 230 ha tại 6 tỉnh, thành phố (Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM). "Mục tiêu quỹ đất BW Industrial sẽ tăng gấp 3 - 4 lần trong 3 - 5 năm tới", ông C.K Tong, Tổng giám đốc BW Industrial cho biết.

Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước cũng đã chuẩn bị cho những cú “đề-pa” trong mảng bất động sản công nghiệp. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (KSB Bimico) đã lên kế hoạch mở rộng thêm 200 ha nằm trong Khu công nghiệp Đất Cuốc (Bắc Tân Uyên, Bình Dương).

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Phan Tấn Đạt, Chủ tịch Hội đồng Quản trị KSB Bimico cho biết, Khu công nghiệp Đất Cuốc được hình thành từ năm 2005, đến nay đã có 320 ha đền bù xong, còn 200 ha giai đoạn II đang đền bù. Trong 320 ha đã đền bù, Công ty đã cho thuê khoảng 200 ha, còn lại đã ký hợp đồng đặt cọc giữ chỗ, dự kiến cho thuê hết trong năm nay. Với 200 ha giai đoạn II, Công ty dự kiến năm nay sẽ vừa đền bù, vừa đầu tư hạ tầng, cho thuê theo hình thức cuốn chiếu. Dự án còn 36 năm khai thác, giá cho thuê khoảng 80 USD/m2, đóng tiền sử dụng đất một lần và thu tiền thuê một lần.

“Chúng tôi đặt mục tiêu trở thành nhà phát triển bất động sản công nghiệp lớn trong khu vực. Khu công nghiệp Đất Cuốc, với tổng diện tích 553 ha, tọa lạc tại vị trí thuận lợi cho các hoạt động sản xuất và giao thương, được đầu tư hệ thống hạ tầng hiện đại, nên thời gian tới, KSB sẽ tiếp tục mở rộng quy mô”, ông Đạt nói.

"Miếng ngon" không dễ xơi

“Không phải khu công nghiệp nào cũng nhận được sự quan tâm của đông đảo các nhà sản xuất, do lựa chọn hàng đầu để xây dựng nhà xưởng sản xuất của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, là sự đồng bộ về hạ tầng. Nhưng hiện tại, nhiều khu công nghiệp ở Việt Nam chỉ đơn thuần là san lấp mặt bằng và chờ nhà đầu tư nước ngoài tới’, bà Bùi Nguyễn Huyền Trang, Giám đốc thị trường Việt Nam của JLL nhận xét.

Ngoài ưu đãi chung, nhà đầu tư quan tâm tới mạng lưới các nhà cung cấp nguyên liệu, vật tư phụ trợ có sẵn sàng cho hoạt động của nhà máy tại khu công nghiệp.

Cũng theo bà Trang, nếu dự án khu công nghiệp không có quy hoạch tốt, không có kết nối đồng bộ, không thực hiện đầy đủ các thủ tục về pháp lý, thì việc hưởng lợi những ưu đãi khác sẽ không có ý nghĩa gì đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Bà Trang cho rằng, ngoài những ưu đãi chung của Nhà nước cho từng khu công nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài còn quan tâm tới mạng lưới các nhà cung cấp nguyên liệu, vật tư phụ trợ có sẵn sàng cho hoạt động của nhà máy tại khu công nghiệp hay không. Đồng thời, họ cũng quan tâm tới cả thủ tục cấp phép đầu tư tại khu công nghiệp có thông thoáng không, thời gian cấp phép có đáp ứng được đủ tiến độ triển khai dự án hay không.

Còn theo ông Ngô Đức Sơn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần DRH Holdings, việc phát triển bất động sản công nghiệp ở thời điểm hiện tại rất cần thiết, nhưng cần bình tĩnh hơn. Quan trọng nhất là các địa phương, doanh nghiệp đầu tư khu công nghiệp cần phải thay đổi tư duy, cần tầm nhìn dài hạn để có sự chuẩn bị tốt hơn nhằm đón làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào phân khúc này. Trên tất cả, cần phải có quy hoạch tổng thể, đồng bộ, lựa chọn vị trí phù hợp, không phát triển tràn lan.

Đồng thời, để thu hút nhà đầu tư nước ngoài, ông Sơn cho rằng, bất động sản công nghiệp không chỉ đơn giản là có quỹ đất lớn, có các ưu đãi thuế, giảm giá đất, mà cần sự kết nối hạ tầng một cách đầy đủ, đồng bộ về logistics, công nghiệp phụ trợ. Các khu công nghiệp phải kết nối thuận tiện với các cửa khẩu, cảng biển, sân bay, đường cao tốc…

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản