Bất động sản TP. HCM: Dòng tiền M&A vẫn âm thầm chảy
Dù ít được công bố rộng rãi, song thị trường bất động sản TP. HCM vẫn đang diễn ra cơn sóng ngầm về mua bán (M&A) dự án. Trong cuộc chơi này, hầu hết các dự án rơi vào tay số ít doanh nghiệp đang có lợi thế về tài chính và thương hiệu, như một quy luật nước chảy về chỗ trũng.

Bóng dáng những ông lớn

Được biết đến từ năm 2013 chỉ với vài dự án, hiện nay, Tập đoàn Novaland được đánh giá là một trong số doanh nghiệp địa ốc hàng đầu tại TP. HCM khi nắm trong tay hơn 30 dự án bất động sản có quy mô lớn và tập trung chủ yếu ở thị trường TP. HCM. Tuy nhiên, gần đây, ông lớn này đã bắt đầu lấn sân ra thị trường bất động sản miền Trung. Cụ thể, Novaland vừa chính thức công bố thông tin đã mua lại cổ phần của Daewon và “bắt tay” với Công ty Bắc Nam 79, một đơn vị có uy tín tại Đà Nẵng để triển khai Dự án Khu đô thị lấn biển Đa Phước tại TP. Đà Nẵng. Đây là dự án khu đô thị lấn biển có quy mô lên đến hơn 180 ha. Hiện dự án đang được tái khởi động với tên mới là Khu đô thị The Sunrise Bay.

Trước đó, Novaland cũng gây chú ý với thương vụ chi hơn 100 triệu USD mua lại hơn 80% cổ phần của Công ty cổ phần Phát triển Quốc tế Thế kỷ 21 (C21), qua đó toàn quyền quản lý, điều hành và phát triển Dự án Nam Rạch Chiếc, thuộc quận 2, TP. HCM. Đây là dự án có quy mô 30 ha, bị đắp chiếu trong nhiều năm qua. Sau khi mua lại, Novaland đang biến khu đất hoang hóa này thành một khu đô thị hiện đại mang tên Lakeview City. Sự lớn mạnh của Novaland càng được chứng minh khi doanh nghiệp này thời gian qua thâu tóm nhiều khu đất vàng tại khu vực trung tâm của TP. HCM. Không chính thức tiết lộ, song theo nguồn tin của Đầu tư Bất động sản, vừa qua, Novaland cũng đã rót hàng trăm triệu USD vào dự án số 2-4-6 Hai Bà Trưng, thuộc phường Bến Nghé, quận 1, TP. HCM.

Ngoài dự án 2-4-6 Hai Bà Trưng, theo tìm hiểu của phóng viên, Novaland cũng đã thực hiện thành công thương vụ mua lại hoặc hợp tác phát triển nhiều dự án đất vàng khác, như dự án số 15 Thi Sách, quận 1 với tên gọi dự án mới là Madison. Dự án này có khuôn viên rộng 2.362 m2, trước đây dự kiến xây dựng cao ốc văn phòng.

Cùng với Novaland, một ông lớn cũng gây nhiều sự chú ý trong các thương vụ M&A dự án bất động sản hiện nay là Tập đoàn Hưng Thịnh. Mới đây nhất, Hưng Thịnh cho biết, đã chi hàng trăm tỷ đồng mua lại Công ty TNHH Xây dựng thương mại Thuận Thành Phát, công ty con thuộc Công ty cổ phần Chương Dương (CDC). Đây là công ty sở hữu Dự án Chung cư cao tầng Chương Dương Golden Land, diện tích 14.852 m2 tại phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, TP. HCM. Theo thiết kế trước đây, dự án cao 22 tầng, gồm 530 căn hộ, đáp ứng nhu cầu ở cho quy mô dân số hơn 2.000 người. Như vậy, chỉ tính riêng tại quận Thủ Đức, sau thương vụ này, Hưng Thịnh đã có 3 dự án là Lavita Garden, Moonlight Residences và Chương Dương Golden Land. Ngoài những dự án kể trên, theo nguồn tin từ Hưng Thịnh, doanh nghiệp vừa tiếp tục mua lại thành công thêm 6 dự án ở TP. HCM, tập trung chủ yếu tại quận Bình Thạnh và khu Đông, dự kiến sẽ chính thức công bố ra thị trường trong thời gian tới. Như vậy, hiện trong tay Hưng Thịnh có hàng chục dự án trên địa bàn Thành phố.

Một tên tuổi khác cũng không thể không nhắc đến là Đất Xanh. Mới đây, tập đoàn này đã công bố mua lại Dự án PPI Tower tại phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức từ Công ty công ty Đầu tư và Phát triển dự án hạ tầng Thái Bình Dương (PPI). Đây là dự án thứ 2 Đất Xanh thâu tóm của PPI sau thương vụ thâu tóm Dự án Opal Garden cũng tại phường Hiệp Bình Chánh, hiện đang được Đất Xanh triển khai xây dựng.

Nhiều Dự án “chết” đã được hồi sinh khi về tay các ông chủ mới, có tiềm lực mạnh
Nhiều dự án “chết” đã được hồi sinh khi về tay các ông chủ mới, có tiềm lực mạnh

Xu hướng tích cực

Theo phân tích của giới kinh doanh địa ốc, sự khởi sắc của thị trường bất động sản thời gian qua đã mang lại nhiều cơ hội cho những doanh nghiệp có dự án tốt. Việc các doanh nghiệp có năng lực tài chính, có hoạt động đầu tư kinh doanh chuyên nghiệp mua lại những dự án "chết" là cơ hội để sắp xếp lại trật tự mới cho thị trường bất động sản.

Thực tế cho thấy, sự tích cực của hậu các thương vụ M&A thời gian gần đây là sau khi được thay tên đổi chủ, hầu hết các dự án được tái khởi động và sớm mở bán ra thị trường. Đơn cử như Dự án Nam Rạch Chiếc ở quận 2, TP. HCM được Novaland mua lại từ C21, trước khi mua lại, dự án này là một khu đất bỏ hoang nhiều năm, hiện Novaland đang biến khu đất hoang hóa này thành một khu đô thị hiện đại. Hay như Dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước tại Đà Nẵng do Công ty TNHH Daewon Cantavil làm chủ đầu tư, được khởi công từ năm 2008 với kế hoạch lúc đó sẽ xây dựng hạ tầng dự án sẽ hoàn tất trong 15 tháng, các hạng mục chính được đưa vào sử dụng từ 24 đến 36 tháng và việc đầu tư xây dựng sẽ lần lượt hoàn tất trong vòng 10 năm. Tuy nhiên, sau đó dự án đã bị “trùm mền” và hiện nay, Novaland nhảy vào với kỳ vọng dự án sẽ nhanh chóng được triển khai.

Tương tự, đến thời điểm hiện nay, từ các thương vụ M&A, Hưng Thịnh đã làm hồi sinh hàng chục dự án “trùm mền” như Sky Centert và Melody Residences trên đường Âu Cơ. Cả 2 dự án này trước đó được Hưng Thịnh mua lại từ Công ty cổ phần Đầu tư - Thương mại - Dịch vụ điện lực (PIST) và Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng cấp thoát nước (WASECO). Trong đó, Dự án Melody số 16 đường Âu Cơ được Hưng Thịnh mua từ PIST là một khu đất bỏ hoang nhiều năm, hiện đang được Hưng Thịnh phát triển thành một khu căn hộ bao gồm 2 block tòa nhà 18 tầng với trên 500 căn hộ. Còn dự án số 10 Phổ Quang mua lại từ WASECO sẽ được Hưng Thịnh xây dựng thành một khu phức hợp cao cấp với 4 block tòa nhà 16 tầng.

Ngoài 2 dự án kể trên, có thể điểm lại các dự án được Hưng Thịnh làm sống lại thời gian qua như dự án Florita tại Khu đô thị Him Lam (quận 7), 9 View (quận 9), Sky Dream (Bình Thạnh), MoonLights Residences (quận Thủ Đức)... Đây đều là những dự án từng bị “đắp chiếu” trước đó, nay đang được triển khai rầm rộ. Hay một loạt các dự án như 12 View (quận 12), 8X Plus (quận Tân Phú), 8X Thái An (Gò Vấp), 8X Đầm Sen (Tân Phú), 91 Phạm Văn Hai, 26 Nguyễn Thượng Hiền, 155 Nguyễn Chí Thanh, Metro Apartment... từng bị “trùm mền”, nay đều đã trở thành những khu dân cư hiện hữu đáp ứng nhu cầu nhà ở cho hàng ngàn người dân.

Ngoài Novaland và Hưng Thịnh, các doanh nghiệp điển hình trong “thâu tóm” và làm hồi sinh dự án còn có các doanh nghiệp như Đất Xanh, Him Lam… Theo ví von của giới kinh doanh địa ốc, có thể xem những doanh nghiệp này như những “người hùng” của thị trường bất động sản thời gian qua. Bởi không có những doanh nghiệp này, chưa hẳn thị trường đã sôi động và còn có nhiều dự án khác còn đang phải trùm mền.

Theo nhận định của ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh, hoạt động doanh nghiệp mạnh mua lại dự án hoặc cùng bắt tay hợp tác là hoạt động mang tính nhân văn rất lớn. “Mua bán dự án diễn ra càng mạnh mẽ sẽ càng góp phần tạo sự phát triển ổn định cho thị trường bất động sản và kinh tế vĩ mô. Bởi lẽ, hoạt động mua bán dự án hiện nay có thể được hiểu là sự điều chuyển các dự án từ những doanh nghiệp không có nhu cầu hoặc thiếu tính chuyên nghiệp sang các doanh nghiệp chuyên nghiệp, mạnh về tài chính để triển khai, tránh tình trạng dự án bị đắp chiếu, hàng tồn kho gia tăng”, ông Trung nói và cho biết, thời gian qua, Hưng Thịnh đã làm việc với khá nhiều đối tác là các doanh nghiệp nhà nước đang muốn thoái vốn khỏi các dự án bất động sản.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản