Bất động sản TP.HCM: Mảng sáng - mảng tối đầu năm
Gia Huy - 26/02/2017 17:38
 
Bước vào năm 2017, thị trường bất động sản TP.HCM đón nhận nhiều “cơn gió” mới, đem đến những mảng sáng cho bức tranh địa ốc vốn còn không ít những mảng tối của một thị trường đang nổi.
.
.

Điểm sáng thị trường

Kết thúc năm 2016, thị trường địa ốc TP.HCM đón nhận 57 dự án nhà ở hình thành trong tương lai. Đây là điểm sáng đầu tiên cho thấy thị trường đã đi qua cơn biến động lớn.

Bước vào năm 2017, các doanh nghiệp địa ốc cũng bắt tay tìm hướng đi mới mang tính bền vững. Đơn cử, Công ty Him Lam, Công ty Khang Điền, thay vì mở bán huy động vốn ngay khi dự án mới hình thành, đã chuyển hướng xây dựng hoàn thiện mới bán. Điều này sẽ giảm bớt  rủi ro cho thị trường ở nhiều góc độ.

Điểm sáng tiếp theo là công tác phát triển nhà ở xã hội năm 2016 cũng đã có sự chuyển biến tích cực khi đã hoàn thành 2 dự án tại phường Thảo Điền và phường Bình An (quận 2), hoàn thành Dự án Nhà lưu trú công nhân tại Khu công nghiệp Đông Nam (huyện Củ Chi) và triển khai xây dựng 11 dự án nhà ở xã hội khác.

Tổng công ty Điện lực TP.HCM vừa cam kết sẽ đầu tư toàn bộ hệ thống lưới điện đối với các dự án nhà ở thương mại bình dân quy mô nhỏ và vừa. Trong trường hợp chủ đầu tư đã bỏ vốn đầu tư xây dựng hệ thống cấp điện ở các dự án dạng này, sẽ được đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Công thương hướng dẫn việc hoàn trả chi phí  để có thể giảm giá bán, giá cho thuê cho người tiêu dùng.

Ngoài ra, các công ty địa ốc cũng siết chặt tình trạng đầu tư thứ cấp, hướng tới người dân ở thực tạo cho người mua nhà tiếp cận được nguồn nhà giá rẻ, không phải mất khoản phí chênh lệch vô lý.

Đối với tín dụng, các doanh nghiệp đưa ra chính sách trả góp, trả chậm để khách hàng dễ dàng tiếp cận mua được căn hộ, khi trong túi chỉ cần đủ 20% giá trị căn nhà, hằng tháng trả góp khoảng 5% và lãi suất dưới 6%.

Các doanh nghiệp cũng dịch chuyển từ phát triển nhà ở cao cấp xuống dự án trung cấp, vừa túi tiền, đánh đúng nhu cầu ở thực của người dân. Dòng vốn đầu tư từ nước ngoài và nguồn kiều hối vào thị trường địa ốc tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua đã tạo cho thị trường nguồn vốn mạnh để phát triển bền vững. Quy mô thị trường địa ốc TP.HCM đã dịch chuyển ra các huyện giáp ranh thành phố, kéo theo sự dịch chuyển về giá, đem đến cho khách hàng nhiều lựa chọn, nhất là với những người thu nhập thấp.

Những điểm tối cần loại bỏ

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), những điểm sáng kể trên sẽ giúp thị trường phát triển bền vững. Tuy nhiên, doanh nghiệp địa ốc vẫn đang gặp phải không ít khó khăn cần giải pháp khắc phục.

Đại diện một doanh nghiệp địa ốc lớn của TP.HCM cho rằng, việc xin thủ tục cấp giấy phép xây dựng công trình trong dự án đã quy hoạch chi tiết 1/500, hoặc quy hoạch tổng mặt bằng đã được phê duyệt là vô lý và tốn kém cho doanh nghiệp cần được bỏ.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, khi thị trường đang dần bó hẹp quỹ đất, thì doanh nghiệp lại gặp nhiều khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng, dẫn tới nhiều dự án bị dở dang.

Theo ông Lê Hoàng Châu, đại diện HoREA, vấn đề tiền sử dụng đất là một điểm nghẽn của thị trường bất động sản, là gánh nặng của doanh nghiệp và người tiêu dùng phải "gánh chịu" khi mua nhà.

Còn theo ông Nguyễn Nam Hiền, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Hưng Thịnh, thị trường càng nhiều dự án mới cùng phân khúc thì mức độ cạnh tranh sẽ cao hơn, buộc doanh nghiệp phải thực hiện những chiến lược cạnh tranh về giá, chiết khấu, chính sách hỗ trợ khách hàng, chất lượng công trình… và chính người dân được hưởng lợi.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản