Bất động sản TP.HCM: Nhà giá rẻ hoàn toàn không rẻ
Gia Huy - 09/03/2017 19:12
 
Những ngày qua, TP.HCM xôn xao chuyện lãnh đạo Thành phố quyết tâm làm nhà ở giá rẻ cho người dân. Nhiều ý kiến cho rằng, loại hình nhà ở này đang bị làm giá nhiều nhất và người nghèo, người có thu nhập thấp lại đang phải mua nhà giá rẻ với mức giá… không còn rẻ nữa.
.
700 triệu đồng chia cho 30 m2 thì giá lên tới gần 30 triệu đồng/m2, làm sao được cho là nhà giá rẻ?

Nhu cầu lớn, nguồn cung hẹp

Báo cáo từ Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, dân số TP.HCM đã lên đến gần 13 triệu người, trong đó có gần 3 triệu người nhập cư, chiếm khoảng 23% dân số.

Khảo sát của Sở Xây dựng TP.HCM, Thành phố hiện có hơn 500.000 hộ chưa có nhà và trong tổng số hơn 402.000 công nhân, lao động đang làm việc trong các khu chế xuất, khu công nghiệp của Thành phố có 70,6% đang phải thuê nhà trọ.

Theo kế hoạch phát triển nhà ở xã hội của Sở Xây dựng, từ nay đến năm 2020, Thành phố phát triển 39 dự án với quy mô 45.000 căn hộ. Dự kiến đến năm 2020 sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng 30.000 căn, trong đó có 20% dành để cho thuê, 60% căn hộ để bán trả góp, 20% căn hộ bán thương mại…

Theo HoREA, năm 2017, Thành phố sẽ hoàn thành 4 dự án chung cư nhà ở xã hội với tổng cộng 1.654 căn hộ tại chung cư Hạnh Phúc, chung cư phường 15 (quận Tân Bình), cụm chung cư 35 Hồ Học Lãm (quận Bình Tân), khu nhà ở gia đình cán bộ lực lượng vũ trang Quân khu 7 tại phường Tân Chánh Hiệp, quận 12).

Tại cuộc họp bàn giải pháp phát triển nhà ở xã hội ngày 27/2 vừa qua, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng cho rằng, nhu cầu nhà ở giá rẻ tại TP.HCM đang rất cấp bách, nhưng nguồn cung lại quá ít, doanh nghiệp cần quan tâm hơn trong việc phát triển những dự án nhà ở giá rẻ của Thành phố.

Liệu có rẻ?

Xoay quanh vấn đề phát triển nhà ở giá rẻ tại TP.HCM, nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay nhà ở giá rẻ không hề… rẻ. Đơn cử, mới đây một doanh nghiệp cho biết, sẽ phát triển khoảng 300.000 căn hộ giá rẻ diện tích từ 30 đến 55m2 với giá tiền 700 triệu đồng/căn. Nhưng theo ông Đinh La Thăng phân tích, 700 triệu đồng chia cho 30 m2 thì giá lên tới gần 30 triệu đồng/m2, làm sao được cho là nhà giá rẻ?

Hay dự án được cho là nhà ở giá rẻ mang tên Dream Home Palace tại đường Phạm Thế Hiển – Trịnh Quang Nghị (quận 8), cách TP.HCM 30 phút  đi xe, do CTCP Nhà Mơ phát triển, từng rao bán giá 800 triệu đồng/căn hộ, sau đó nâng lên 1,2 đến 1,4 tỷ đồng/căn hộ. Tương tự, Dự án Ehome 3 tại quận Bình Tân (cách TP.HCM khoảng 20km) của Công ty Nam Long, có giá bán khoảng 800 triệu đồng diện tích hơn 40m2.Với khoảng cách vào trung tâm không gần và mức giá từ 18 đến 24 triệu đồng/m2, có thể nói là không hề rẻ.

TP.HCM hiện có 500.000 hộ chưa có nhà, trong đó đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước cần khoảng 80.000 căn hộ. Trong tổng số hơn 402.000 công nhân, lao động đang làm việc trong các khu chế xuất, khu công nghiệp của TP.HCM, có 284.000 người phải thuê phòng trọ, nhà trọ.

Năm 2017, TP.HCM sẽ hoàn thành 4 dự án chung cư nhà ở xã hội với tổng cộng 1.654 căn hộ. 

Trường hợp Dự án Nhà ở xã hội 584 Lilama (tại quận Tân Phú), mở bán từ năm 2009 với giá 600 triệu đồng/căn hộ hơn 50m2. Tuy nhiên, tới nay Dự án  vẫn chưa hoàn thiện và số tiền lãi trong 8 năm mà chủ đầu tư này thu của khách hàng đã đẩy dự án thành giá nhà ở thương mại. Rủi ro là dự án khó hoàn thiện và  hàng trăm khách hàng đứng trước nguy cơ mất tiền.

Bên cạnh đó, mối lo “tiền nào của đấy” cũng là  vấn đề lớn của nhà ở giá rẻ. Điều này là hiển nhiên, vì thời gian qua đã xuất hiện khá nhiều dự án nhà ở giá rẻ có chất lượng không đảm bảo. Như dự án của Công ty Quốc Cường Gia Lai tại quận 7, hoặc dự án của Công ty Hoàng Quân tại quận 7 (huyện Hóc Môn). Tại những dự án này, dù mới nhận nhà, nhưng những hộ dân tại đây đã phải mang đơn đi khiếu kiện chủ đầu tư khắp nơi, bởi chất lượng căn hộ xuống cấp nhanh chóng, khách hàng phải bỏ tiền sửa chữa và tính ra căn hộ không còn là giá rẻ.

Theo Bí thư Thăng, để nhà ở giá rẻ thực sự rẻ, thì doanh nghiệp cần có liên kết chuỗi để cho ra những sản phẩm nhà ở có giá hợp lý, cùng tính toán mức giá, hạ giá như thế nào đó để người dân dễ dàng sở hữu nhà. Không phải cứ làm nhà nhỏ là có giá rẻ, mà phải áp dụng công nghệ mới, vật liệu mới để hạ giá thành. Bên cạnh đó, người dân mua nhà ở xã hội khi đủ điều kiện tài chính, muốn chuyển đến  nơi ở mới tốt hơn thì cũng nên tạo điều kiện cho họ mua bán, không nhất thiết phải là 5 năm mới được.

Theo ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, Sở Xây dựng sẽ cùng tham gia với các doanh nghiệp để làm giảm giá nhà ở xã hội, đồng thời, kết hợp với các sở, ban, ngành cải cách thủ tục hành chính, kéo giảm thời gian thi công các dự án.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản