Doanh nghiệp địa ốc báo lợi nhuận đột biến từ đầu tư tài chính và M&A
Trọng Tín - 04/08/2020 10:10
 
Thị trường địa ốc ghi nhận làn sóng ngược khi nhiều doanh nghiệp báo lỗ, trong khi không ít doanh nghiệp “vượt cạn” ngoạn mục nhờ các khoản lợi nhuận đột biến.
.
Không ít doanh nghiệp bất động sản “vượt cạn” thành công nhờ các khoản lợi nhuận đột biến từ đầu tư tài chính và mua bán, sáp nhập (M&A).

“Ngấm đòn” Covid-19

Dịch bệnh đã khiến không ít doanh nghiệp bất động sản rơi vào tình thế khó khăn, một số doanh nghiệp vẫn đang kích hoạt chế độ “ngủ đông” để cắt giảm chi phí. Báo cáo tài chính quý II/2020 của các doanh nghiệp địa ốc cho thấy, không chỉ sụt giảm mạnh về lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp chịu áp lực lớn từ chi phí lãi vay, hàng tồn kho lớn và thua lỗ.

Theo báo cáo tài chính quý II/2020 của Công ty cổ phần Phát triển Đô thị Từ Liêm, doanh thu thuần của Công ty đã giảm 68% so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn 101 tỷ đồng. Covid-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh khiến tiến độ bán hàng và thu tiền của Công ty chậm lại. Điều này dẫn đến doanh thu bị sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận gộp giảm 47%, chỉ còn 60 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí bán hàng lại tăng đột biến từ 139 triệu đồng lên 3,5 tỷ đồng.

Đất Xanh Group cũng báo lỗ trong quý II/2020 hơn 29 tỷ đồng và đây là quý báo lỗ đầu tiên của Công ty trong 4 năm gần nhất. Cụ thể, doanh thu thuần giảm 43%, còn 478 tỷ đồng, chủ yếu giảm từ doanh thu dịch vụ môi giới bất động sản. Theo giải trình từ Đất Xanh Group, đây là quý cao điểm diễn ra Covid-19, lệnh giãn cách xã hội được thực thi, nên các hoạt động xây dựng, mở bán dự án, tập trung đông người bị hạn chế.

Mặt khác, ở quý này, Đất Xanh Group không còn ghi nhận đột biến doanh thu tài chính do không còn lãi thanh lý đầu tư, trong khi chi phí tài chính tiếp tục tăng gấp đôi, 101 tỷ đồng. Điều này được lý giải là Công ty tiếp tục gia tăng nợ vay 1.445 tỷ đồng trong nửa đầu đầu năm, chủ yếu từ nguồn phát hành trái phiếu.

Công ty cổ phần Địa ốc 11 là một trong rất nhiều doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh. Là doanh nghiệp bất động sản, nhưng Địa ốc 11 không có doanh thu từ mảng bất động sản trong 2 quý đầu năm nay. Trong quý II/2020, doanh thu của Công ty chỉ đạt 5 tỷ đồng, giảm 97% so với cùng kỳ. Dù doanh thu tài chính tăng lên 2 tỷ đồng và các chi phí đều giảm mạnh, nhưng vẫn không thể kéo nổi lợi nhuận ròng, chỉ đạt 3,2 tỷ đồng, giảm đến 76%.

Lợi nhuận đột biến

Bên cạnh những doanh nghiệp báo lỗ, cũng có không ít doanh nghiệp bất động sản “vượt cạn” thành công nhờ các khoản lợi nhuận đột biến từ đầu tư tài chính và mua bán, sáp nhập (M&A).

Chẳng hạn, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển bất động sản An Gia không có doanh thu từ việc bán căn hộ, dịch vụ tư vấn môi giới và tiếp thị trong quý II/2020, nhưng nhờ 191 tỷ đồng thu nhập từ tăng giá trị hợp lý của khoản đầu tư, nên doanh thu hoạt động tài chính của Công ty đã tăng gấp 8 lần cùng kỳ, đạt 202 tỷ đồng, kéo lợi nhuận sau thuế công ty mẹ lên 188,7 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm 2019.

Đối với Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long, doanh thu từ hoạt động tài chính cũng giúp lợi nhuận 6 tháng đầu năm không bị sụt giảm quá mạnh. Trong quý II/2020, Nam Long ghi nhận doanh thu 242 tỷ đồng, giảm 60%; lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 68 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ. Sự sụt giảm này đã phần nào được hạn chế nhờ doanh thu tài chính tăng 12,7%, lên hơn 46,1 tỷ đồng.

Một vài doanh nghiệp khác lại ghi nhận lợi nhuận và kỳ vọng sẽ báo lãi nhờ hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A). Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn (Saigonres) cho biết, năm 2020, Saigonres đã đẩy mạnh hoạt động M&A và nguồn tiền từ các thương vụ này đã tích lũy vào lợi nhuận, dự kiến còn tiếp tục mang thêm nguồn tài chính đáng kể cho Công ty.

“Saigonres Riverside là dự án lớn nhất hiện nay mà Công ty đang hoàn tất hồ sơ để chuyển nhượng cho Đất Xanh Group, nhưng đang bị vướng con đường đi vào.

Khi dự án này được giải tỏa thì một nguồn tiền khá lớn sẽ về trong năm nay”, bà Thanh nói.

Còn theo ông Nguyễn Khánh Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty LDG Group, trong quý II/2020, doanh thu thuần của Công ty đạt 393 tỷ đồng, gấp 9,6 lần cùng kỳ năm trước, chủ yếu đến từ M&A và hoạt động kinh doanh. “Thời gian qua, LDG Group đã thực hiện thành công 5 thương vụ M&A dự án. Ước tính 5 dự án này sẽ mang về hơn 6.200 tỷ đồng, giúp doanh nghiệp có nguồn tài chính hoạt động ổn định trong 5 năm tới”, ông Hưng nói.

Nguồn cung đã có sự cải thiện nhất định

Các đơn vị nghiên cứu thị trường đều nhận định, thị trường đang dần phục hồi khi nguồn cung đã có sự cải thiện nhất định. Đây là nguồn hàng tồn kho mà các doanh nghiệp đã đưa lên bệ phóng từ trước, nhưng phải dừng lại mọi kế hoạch bán hàng, ra mắt sản phẩm.

Trong các doanh nghiệp ứ đọng hàng tồn kho nhiều nhất hiện nay, phải kể đến Đất Xanh Group với tổng giá trị hàng tồn kho lên tới gần 8.552 tỷ đồng, chủ yếu là bất động sản kinh doanh dở dang. Tiếp sau đó là Quốc Cường Gia Lai, với lượng hàng tồn kho hơn 8.000 tỷ đồng và Khang Điền hơn 7.225 tỷ đồng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản