Doanh nghiệp địa ốc tự "vẽ" quy hoạch để bán đất
 
Thời gian gần đây, nhiều người khu vực Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu đã tập trung khiếu kiện, làm đơn tố cáo một số công ty bất động sản tự vẽ quy hoạch dự án rồi phân lô, bán nền.
.

Tiền trao, "cháo" mãi chưa múc

Hình ảnh hàng chục người dân tụ tập đứng trước cửa Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng phát triển địa ốc Ba Thành Phát (Công ty Ba Thành Phát) đã trở nên quen mắt với người dân sống trên đường Huỳnh Thúc Kháng, phường Hòa Phú, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương thời gian gần đây.

Cầm trên tay xấp tài liệu nặng trĩu và tấm băng rôn tố cáo, ông Nguyễn Văn Thành, ngụ tại quận Gò Vấp (TP.HCM) cho biết, đầu năm 2019, ông được Công ty Ba Thành Phát và một số công ty môi giới giới thiệu mua đất tại dự án mang tên Thành Phát City 1 (thuộc xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương) do Công ty Ba Thành Phát làm chủ đầu tư.

Do được giới thiệu dự án đã có đầy đủ pháp lý, vị trí đẹp, được mua trực tiếp từ chủ đầu tư với mức giá ưu đãi do là “nhà đầu tư F0” và thấy có nhiều người đặt mua, nên ông Thành không ngần ngại “xuống tiền” để mua 2 lô đất tại dự án này.

“Ngay sau khi tôi đặt cọc giữ chỗ, Công ty Ba Thành Phát đã tiến hành ký hợp đồng bán đất cho khách hàng và nhận thanh toán theo tiến độ. Mỗi lô đất có diện tích 100 m2, giá khoảng 500 triệu đồng và đóng tiền theo 5 đợt”, ông Thành thông tin.

Khách hàng căng băng-rôn đòi tiền trước cổng Công ty Ba Thành Phát

Không chỉ ông Thành, nhiều người khác cũng đã ký hợp đồng mua và đóng tiền nhiều đợt cho Công ty Ba Thành Phát, trong đó chủ yếu là công nhân lao động phổ thông trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, đã hơn 1 năm trôi qua, dự án vẫn chưa được triển khai theo cam kết. Nhiều khách hàng lo lắng, liên hệ cơ quan chức năng để tìm hiểu và được cho biết, dự án chưa được cấp phép.

“Hàng trăm người đã ký hợp đồng mua nhà tại đây, trong đó phần lớn phải vay mượn tiền người thân, bạn bè hoặc ngân hàng để mua, nhưng hơn 1 năm qua chủ đầu tư vẫn chưa giao đất. Áp lực trả nợ khiến tôi khốn đốn”, bà Võ Thị Lệ, một khách hàng mua nhà tại dự án Thành Phát City 1 chia sẻ.

Cũng tại Bình Dương, 40 công nhân lao động đã gửi đơn tố cáo Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng địa ốc Đất Việt bán đất nền tại dự án Khu nhà ở Chánh Phú Hòa (thị xã Bến Cát) và thu tiền suốt 3 năm, nhưng đến nay vẫn chưa giao đất.

Hay như mới đây, nhiều khách hàng đã gửi đơn thư đến các cơ quan báo chí khiếu nại Công ty TNHH Thương mại dịch vụ bất động sản Vincomreal bán dự án mang tên Golden Central Park ở huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhưng quá thời hạn đã lâu mà họ chưa nhận được sản phẩm.

Đại diện cơ quan công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết đã nhận đơn tố cáo và đang điều tra dự án trên, trong khi UBND huyện Long Điền cho hay trên địa bàn không có dự án nào được cấp phép mang tên Golden Central Park.

Những chiêu bài cũ

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, trong chưa đầy 1 tháng qua, đã có một loạt lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc bị bắt về hành vi “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”. Thủ đoạn của các công ty này là tự “vẽ” ra quy hoạch dự án, sau đó rao bán để đánh vào tâm lý muốn mua đất giá rẻ của nhiều nhà đầu tư.

Đơn cử như sự việc xảy ra tại Công ty Ba Thành Phát, Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Tuấn Linh, Giám đốc và và Lê Minh Nhựt, Phó giám đốc Công ty.

Theo Công an tỉnh Bình Dương, giữa năm 2018, Công ty Ba Thành Phát và một số người khác góp vốn mua 21 lô đất, diện tích tổng cộng gần 9,8 ha tại xã Lai Hưng để thành lập dự án Thành Phát City 1, sau đó tách khu đất này thành 464 nền đất và làm thủ tục xin phê duyệt chủ trương đầu tư.

Trong thời gian chờ kết quả từ các cơ quan chức năng, Công ty Ba Thành Phát đã tự đặt tên dự án là Khu nhà ở Thành Phát City 1 và ký 205 hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho nhiều người. Tuy nhiên, Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương không chấp thuận chủ trương của dự án này do khu đất không phù hợp quy hoạch xây dựng. Sau đó, để “chữa cháy”, Linh và Nhật đã trả lại tiền cho 165 khách hàng, còn nợ 40 khách hàng với số tiền hơn 15 tỷ đồng.

Ngoài ra, ở một dự án khác tại phường Hòa Lợi (thị xã Bến Cát, Bình Dương), Linh còn tự ý phân lô bán cho người dân khi chưa được phê duyệt chủ trương. Hiện Công ty Ba Thành Phát bị tố cáo lừa đảo với số tiền gần 17 tỷ đồng.

Hay tại TP.HCM, ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Công ty TNHH MTV Kinh doanh nhà Năm Tài (trụ sở quận Bình Tân) cũng đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM bắt tạm giam về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo cơ quan điều tra, ông Tài có mua 2 lô đất tổng diện tích 11.000 m2 tại phường Tân Tạo, quận Bình Tân. Dù không được cấp phép, nhưng từ đầu năm 2020, ông Tài vẫn thuê người lập bản vẽ, biến 2 lô đất thành dự án khu dân cư với quy mô 119 nền đất, tương đương khoảng 70 m2/nền. Sau đó, ông cho nhân viên quảng cáo là dự án khu dân cư để rao bán cho nhiều khách hàng.

Các hợp đồng giao dịch là hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng, góp vốn, nhưng bản chất là chuyển nhượng nền đất. Khi ký kết, công ty của ông Tài cam kết, dự án đang hoàn tất hồ sơ và xây dựng hạ tầng. Đồng thời, ông Tài cũng cam kết, sau 3 tháng sẽ bàn giao đất, nhưng khi khách hàng chưa kịp nhận đất thì ông đã bị cơ quan công an khởi tố, bắt tạm giam để điều tra.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Asian Holding phân tích, việc gom đất rồi tự ý phân lô, lập dự án bán với giá cao không mới, nhưng điểm khiến người mua không lường trước được là họ đều sở hữu đất thật và cũng làm thủ tục để xin phê duyệt dự án như bình thường. Tuy nhiên, họ không chờ kết quả phê duyệt của cơ quan chức năng, mà nhanh chóng tiến hành rao bán để thu tiền của khách hàng.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, các dự án kiểu này thường tập trung tại vùng ven TP.HCM và một số tỉnh lân cận như Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An… vì nhu cầu đất nền tại những khu vực này rất lớn.

Để ngăn chặn tình trạng này, theo ông Châu, trước tiên, chính quyền địa phương cần thiết lập một hệ thống cung cấp thông tin quy hoạch dễ hiểu, dễ tiếp cận cho người dân. Tiếp đó, các phương tiện thông tin đại chúng cần truyền thông kịp thời khi phát hiện dự án sai phạm để cảnh báo người dân.

“Với người dân, cần phải tỉnh táo, tìm hiểu kỹ lưỡng về pháp lý của dự án cũng như chủ đầu tư trước khi ra quyết định, tránh đầu tư theo đám đông. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu thiếu minh bạch, người dân cần nhanh chóng trình báo cơ quan chức năng hoặc khởi kiện ra tòa án để bảo vệ quyền lợi của mình”, ông Châu khuyến nghị.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản