Khởi tố vụ án hình sự tại Công ty Phi Long: Nhà đầu tư khốn đốn, chính quyền bị thách thức
Ngô Nguyên - 24/06/2020 09:10
 
Theo nhiều khách hàng và nhà đầu tư, CTCP Đầu tư và Phát triển đô thị Phi Long này đã ngang nhiên thách thức pháp luật suốt thời gian dài.

Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TP.HCM vừa khởi tố vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại CTCP Đầu tư và Phát triển đô thị Phi Long (Công ty Phi Long) liên quan đến nhiều dự án bất động sản tại TP.HCM. Theo nhiều khách hàng và nhà đầu tư, công ty này đã ngang nhiên thách thức pháp luật suốt thời gian dài.

Các nhà đầu tư bức xúc tố cáo Công ty Phi Long.
Các nhà đầu tư bức xúc tố cáo Công ty Phi Long.

Phân lô, bán nền khi dự án chưa hoàn thiện pháp lý

Vụ việc bức xúc nhất xảy ra tại Dự án Khu dân cư Nam - Nam Sài Gòn (huyện Bình Chánh, TP.HCM). Dự án này được Kiến trúc sư trưởng Thành phố (nay là Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM) phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 tại Quyết định 1488/KTST-ĐB, ký ngày 8/5/2002. Ngày 9/9/2005, Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM có Công văn số 208/QHKT-ĐB về thỏa thuận sơ bộ điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 với quy mô dự án hơn 20,8 ha và đã yêu cầu chủ đầu tư hoàn chỉnh hồ sơ quy hoạch chi tiết 1/500 để UBND huyện Bình Chánh phê duyệt chính thức.

Tuy nhiên, đến nay, chủ đầu tư Dự án Khu dân cư Nam - Nam Sài Gòn là Công ty Phi Long vẫn chưa hoàn thành việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và Dự án chưa được UBND huyện Bình Chánh phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 theo quy định.

Đáng chú ý, dù Dự án chưa hoàn thiện pháp lý, nhưng Công ty Phi Long đã tự “vẽ” ra nhiều bản đồ quy hoạch phân lô để huy động vốn trái pháp luật thông qua những hợp đồng “hợp tác đầu tư”, khiến hàng trăm khách hàng, nhà đầu tư “sập bẫy”.

Ngày 8/5/2019, UBND TP.HCM có Công văn số 417/VP-ĐT giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan làm rõ các sai phạm của Công ty Phi Long.

Sau đó, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM có nhiều báo cáo đề xuất thể hiện, Công ty Phi Long vẫn chưa thực hiện xong việc bồi thường giải phóng mặt bằng, chưa hoàn tất các thủ tục chấp thuận đầu tư theo Luật Nhà ở và chưa cung cấp được quy hoạch 1/500 đã phê duyệt để triển khai Dự án.

Thế nhưng, từ lâu, chủ đầu tư này đã tiến hành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, xây dựng nhà biệt thự không có giấy phép xây dựng, san lấp rạch trái phép và bán nền theo “chiêu thức” góp vốn.

Bức xúc hơn, theo tố cáo của cả trăm nhà đầu tư, dù đóng tiền mua đất từ chục năm trước, nhưng tới giờ họ vẫn chưa nhận được đất nền. Thậm chí, có những nền biệt thự đã bán bị chủ đầu tư thay đổi, phân thành lô nhỏ để… bán tiếp cho người khác. Điển hình, gia đình ông Trần Thanh Hải góp vốn mua nền biệt thự D2-08 diện tích 450 m2 vào năm 2007. Đến năm 2019, ông Hải “tá hỏa” khi phát hiện nền đất trên bị chủ đầu tư “xẻ thịt” thành 4 nền để tiếp tục thu tiền từ những người khác.

Được giao 7 dự án bất động sản, làm đâu gây bức xúc đó

Không chỉ là chủ đầu tư của Dự án Khu dân cư Nam - Nam Sài Gòn, theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, Công ty Phi Long được giao thực hiện 7 dự án bất động sản ở TP.HCM.

“Tất cả các dự án do Công ty Phi Long triển khai rất chậm, chưa hoàn tất bồi thường, không thực hiện thủ tục chỉnh lý biến động giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đã bồi thường, chậm đầu tư xây dựng hạ tầng…”, một báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM gửi UBND TP.HCM trong năm 2019 nêu rõ.

Đơn cử, Dự án Khu nhà ở An Khánh 2 (quận 2) do Công ty Phi Long làm chủ đầu tư đã khiến hơn 100 khách hàng điêu đứng.

Cụ thể, khi tiếp nhận các quyết định phê duyệt quy hoạch 1/500 Dự án Khu nhà ở An Khánh 2 từ năm 2000, hơn 100 nhà đầu tư đã ký hợp đồng mua đất nền với Công ty Phi Long.

Gần 20 năm qua, hàng chục nhà đầu tư đã đóng hết tiền để được giao đất, cất nhà ở, nhưng tới giờ này vẫn không được Công ty Phi Long giao sổ đỏ. Nhiều nhà đầu tư khác “đau” hơn, khi đã đóng hết tiền mua nền từ chục năm trước, nhưng tới giờ vẫn không thấy đất đâu.

Hóa ra, một phần trong dự án trên, Công ty Phi Long đem bán nền… trên giấy, trong khi chưa thực hiện xong đền bù giải tỏa. Bức xúc, không chỉ đâm đơn tố cáo, nhiều người đã đến tận nhà riêng của Giám đốc Công ty Phi Long để đòi quyền lợi, nhưng chỉ nhận được lời hứa, rồi đâu vẫn hoàn đó.

Còn ở Dự án Khu dân cư Nam - Nam Sài Gòn, không chỉ người dân, mà cả doanh nghiệp là Công ty An Đại Việt cũng tố cáo Công ty Phi Long lập bản đồ quy hoạch giả (chưa được cơ quan thẩm quyền phê duyệt) để bán nền với hình thức góp vốn. Công ty Phi Long còn dụ cả Công ty An Đại Việt mua nền đã bán cho người khác hoặc kêu gọi góp vốn, thực chất là phân lô, bán nền trên giấy khi chưa hoàn tất bồi thường giải tỏa, bán đất không trong quy hoạch đất ở.

Đáng nói, trong 7 dự án bất động sản mà Công ty Phi Long được giao làm chủ đầu tư, có dự án đã từng bị thanh, kiểm tra và điều tra, đã có kết luận xử lý, nhưng chủ đầu tư vẫn chưa khắc phục theo yêu cầu của cơ quan thẩm quyền.

Điển hình là Dự án Khu dân cư Phi Long 5 (Đô thị mới Nam TP.HCM), qua thanh tra, cơ quan chức năng phát hiện hàng loạt sai phạm như không thực hiện trách nhiệm đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, có dấu hiệu chuyển nhượng dự án…

Tháng 4/2018, UBND TP.HCM đã xử lý kiểm điểm trách nhiệm hàng loạt cơ quan liên quan, nhưng sau đó, Công ty Phi Long vẫn không khắc phục sai phạm theo xử lý của cơ quan thẩm quyền…

Thách thức chính quyền

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, không phải mới đây, mà từ năm 2017, Sở này đã nhận được tố cáo của người dân và cả doanh nghiệp đối với Công ty Phi Long liên quan Dự án Khu dân cư Nam - Nam Sài Gòn.

Tháng 4/2018, phối hợp các sở, ngành để kiểm tra tiến độ Dự án, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM có Thư mời số 3506 đề nghị Công ty Phi Long báo cáo về tình hình bồi thường giải phóng mặt bằng, việc lập và điều chỉnh quy hoạch, tình hình nhận, góp vốn...

Công ty Phi Long đã cử đại diện làm việc theo yêu cầu, nhưng sau đó lại gửi văn bản cho Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM với nội dung: không chấp nhận biên bản buổi làm việc này với lý do, chủ trì cuộc họp không phải là đích thân Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM.

Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM tiếp tục gửi 2 thư mời, nhưng Công ty Phi Long không cử người đại diện pháp luật tới tham dự. Sau đó, Sở nhận được văn bản của Công ty Phi Long nội dung: “Công ty chỉ có 1 người và lịch họp trùng với các dự án khác của Công ty tại miền Trung, nên không thể dự họp”.

Thậm chí, theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, các hộ dân khiếu nại Dự án Khu dân cư Nam - Nam Sài Gòn chậm triển khai đã đề nghị chấm dứt Dự án để giải quyết quyền lợi. Sau khi họp với người dân để xác minh, Sở đã có văn bản hướng dẫn giải quyết, nhưng chủ đầu tư không phối hợp thực hiện.

“Ve sầu thoát xác”

Không riêng Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, từ tháng 5/2018, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cũng có văn bản kiến nghị UBND TP.HCM thanh, kiểm tra Công ty Phi Long. Lý do là, chủ đầu tư này cố tình né trách, không hợp tác, không cung cấp hồ sơ cho cơ quan chức năng.

Cụ thể, theo xác minh của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, Công ty Phi Long đã liên tục chuyển trụ sở từ TP.HCM sang tỉnh Tây Ninh, sáp nhập, đổi tên, đổi loại doanh nghiệp từ công ty TNHH sang công ty cổ phần; sáp nhập vào Công ty CP Đầu tư Văn hóa Việt. Sau đó, Công ty CP Đầu tư Văn hóa Việt lại sáp nhập và đổi tên thành Công ty TNHH Tư vấn đầu tư Phi Long… Theo tố cáo của các nhà đầu tư, thì chủ dự án đổi người đại diện pháp luật tới… 20 lần.

Chủ đầu tư chậm thông báo việc thay đổi trên, cố tình không hợp tác cung cấp hồ sơ, né tránh, dẫn tới, cơ quan chức năng của TP.HCM không thể kiểm tra năng lực tài chính của doanh nghiệp khi xem xét nội dung liên quan tới dự án.

Bởi những vấn đề trên, từ cuối năm 2018, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cùng cơ quan liên quan đồng kiến nghị UBND TP.HCM thanh tra toàn diện các dự án của Công ty Phi Long đang triển khai. Liên tục từ đó đến nay, các nhà đầu tư, khách hàng đã góp vốn, mua đất nền tại các dự án của công ty này liên tục khiếu nại, khiếu kiện gay gắt.

Theo Công an TP.HCM, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM nhận được tin báo tội phạm của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 - Bộ Công an) và đơn tố giác về tội phạm liên quan đến Công ty Phi Long.

Cụ thể, Công ty CP An Đại Việt, Công ty CP Đầu tư thương mại I.N.G.E và nhiều cá nhân cùng tố cáo ông Phạm Xuân Long - chủ sở hữu Công ty TNHH Đầu tư, Công ty CP Đầu tư Phi Long và Công ty CP Đầu tư Việt Nam, nay sáp nhập và đổi tên là Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị Phi Long - có hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thông qua việc bán đất nền dưới hình thức ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư tại Dự án Khu dân cư Phi Long 5; Khu dân cư Hải Yến; Khu dân cư Nam - Nam Sài Gòn.

Qua điều tra, xác định có dấu hiệu phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, nên Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” để tiến hành điều tra làm rõ hành vi phạm tội của các cá nhân có liên quan.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản