Kỳ vọng bùng nổ nguồn cung nhà ở xã hội
Trọng Tín - 01/02/2024 09:28
 
Đã có cả trăm dự án nhà ở xã hội với quy mô hơn 43.800 căn được các địa phương đăng ký hoàn thành xây dựng trong năm nay.
Dự án nhà ở cho công nhân thuê Thủ Thiêm Green House do Công ty cổ phần Thu Thiem Group làm chủ đầu tư 	Ảnh: T.T
Dự án nhà ở cho công nhân thuê Thủ Thiêm Green House do Công ty cổ phần Thu Thiem Group làm chủ đầu tư Ảnh: T.T

Ra mắt nhiều dự án nhà ở xã hội

Đầu năm 2024, trong chưa đầy một tuần, Công ty Vinhomes liên tiếp khởi công 2 dự án nhà ở xã hội với quy mô hơn 100 ha tại TP. Hải Phòng và tỉnh Khánh Hòa.

Đầu tiên là dự án nhà ở xã hội mang thương hiệu Happy Home Hải Phòng, với quy mô hơn 28 ha, tổng vốn đầu tư hơn 5.800 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, dự án này sẽ cung cấp 4.004 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho gần 10.000 người.

Sau đó vài ngày, Vinhomes tiếp tục khởi công xây dựng Dự án nhà ở xã hội Happy Home tại Khánh Hòa. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 3.800 tỷ đồng, quy mô 87,64 ha, với khoảng 3.600 căn nhà ở xã hội dạng thấp tầng.

Ngoài hai dự án trên, trong báo cáo mới đây, Công ty cổ phần Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating) cho biết, năm 2024 sẽ có thêm nhiều dự án nhà ở xã hội ra mắt. Lý do là, từ đầu năm 2023, Chính phủ đưa ra cam kết đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội qua việc tăng cường phê duyệt dự án mới.

Một số doanh nghiệp đã thông báo kế hoạch xây dựng dự án nhà ở xã hội trong năm nay, như Happy Home Star City Thanh Hóa quy mô 3.100 căn của Vinhomes; hai dự án Rice City Tố Hữu (711 căn) và Rice City Long Biên (600 căn) tại TP. Hà Nội của Công ty BIC Việt Nam; Hay Công ty Newland dự kiến khởi công Dự án Tân Phú Hưng tại TP. Hải Dương, với quy mô 1.260 căn…

Còn tại TP.HCM, ông Mai Thanh Tùng, Phó trưởng phòng Phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng) cho biết, do thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội còn phức tạp, nên số lượng dự án nhà ở xã hội chưa nhiều. Sở Xây dựng sẽ tập trung hoàn tất thủ tục pháp lý đối với 37 dự án nhà ở xã hội, quy mô khoảng 35.000 căn. Riêng trong năm 2024, Thành phố nỗ lực hoàn thành 6 dự án nhà ở xã hội, với quy mô hơn 3.700 căn.

Cùng với 6 dự án của TP.HCM, theo Bộ Xây dựng, có 102 dự án nhà ở xã hội với quy mô hơn 43.800 căn được các địa phương đăng ký hoàn thành xây dựng trong năm nay. Trong đó, Bình Dương dẫn đầu về số dự án, với 20 dự án, quy mô 4.500 căn hộ. Bắc Ninh dẫn đầu về số lượng căn hộ, với 6.000 căn tại 5 dự án.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nhìn nhận, việc các địa phương tích cực đăng ký hoàn thành xây dựng dự án nhà ở xã hội cũng như các “ông lớn” bất động sản chủ động tham gia phát triển phân khúc này là tín hiệu đáng mừng của thị trường bất động sản.

“Năm 2024, mục tiêu mà các địa phương đặt ra cao hơn, nên càng kỳ vọng nguồn cung nhà ở xã hội sẽ bùng nổ hơn. Đây cũng sẽ là một trong những điểm nhấn nổi bật của thị trường bất động sản trong năm 2024”, ông Châu nói.

Kỳ vọng mở ra một chu kỳ mới

Ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, những thay đổi liên quan Luật Kinh doanh bất động sản 2023, Luật Nhà ở 2023 và Luật Đất đai 2024, cùng có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, sẽ tạo chuyển biến trong thị trường bất động sản thời gian tới.

Trong đó, Luật Nhà ở được xem là một trong những căn cứ quan trọng về chiến lược phát triển nhà ở, nhất là các chính sách dành cho nhà ở xã hội. Cụ thể, theo Luật Nhà ở năm 2023, đưa 20% quỹ đất nhà ở xã hội thuộc trách nhiệm quy hoạch của từng địa phương. Quy định này không những giải quyết được bất cập về quỹ đất phát triển nhà ở xã hội cho chủ đầu tư, mà còn có lợi cho người mua nhà, bởi qua việc nắm rõ thông tin về nhu cầu của người dân, địa phương sẽ có chính sách phát triển nhà ở, bố trí quỹ đất thực sự phù hợp.

Bên cạnh đó, Luật cũng quy định chủ đầu tư được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ đất của dự án, mà không phải thực hiện các thủ tục liên quan đến xác định giá đất hay thủ tục xin miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Điều này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đầu tư dự án.

“Những điểm mở trong các luật mới và sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ sẽ góp phần tích cực giúp phân khúc nhà ở xã hội đủ lực để phát triển và đạt kết quả ấn tượng trong năm 2024, khi nhu cầu đối với phân khúc này tiếp tục gia tăng trong thời gian tới”, ông Hải nhìn nhận.

Đáng chú ý, trước đây, chủ đầu tư phải dành 20% tổng diện tích sàn tại các dự án cho mục đích cho thuê. Tuy nhiên, theo luật mới, quy định này đã được loại bỏ, giúp nâng cao hiệu quả của dự án.

“Quy định này sẽ tạo điều kiện để thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia phát triển nhà ở xã hội. Do đó, từ nay đến khi luật mới có hiệu lực, các doanh nghiệp bất động sản cần nghiên cứu kỹ, đặc biệt với các dự án có chiến lược phát triển từ năm 2025, các quy định có tính chuyển giao giữa luật mới và luật cũ.

Ở một góc nhìn khác, ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Lê Thành, doanh nghiệp chuyên làm nhà ở xã hội nhìn nhận, nút thắt đã được tháo gỡ, cơ chế đã khơi thông, vấn đề còn lại là cơ chế thực thi.

Theo ông Nghĩa, với những ưu đãi mới, doanh nghiệp có muốn tham gia làm nhà ở xã hội hay không lại phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh của từng doanh nghiệp, bởi luật mới cho phép chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại có thể nộp tiền, thay vì làm nhà ở xã hội, hoặc hoán đổi quỹ đất qua một nơi khác, làm hẳn một dự án nhà ở xã hội độc lập.

“Thực ra, nhiều doanh nghiệp cũng khó làm nhà ở xã hội, bởi thường ưu tiên làm những dự án nhà ở thương mại lớn để bù các chi phí lớn từ quỹ đất, nhân sự, chiến lược và mức lợi nhuận...”, ông Nghĩa nói. Cũng theo ông Nghĩa, điều quan trọng là Nhà nước phải rút ngắn các quy trình thủ tục, gỡ nhanh các điểm vướng ở từng quy trình... Khi đó, chắc chắn doanh nghiệp sẽ tích cực tham gia.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản