Vật liệu xây dựng không nung vẫn "sợ" những lò gạch cũ
Dù được đánh giá có nhiều ưu điểm vượt trội so với vật liệu nung truyền thống, nhưng vật liệu xây dựng không nung vẫn đang loay hoay tìm chỗ đứng trên thị trường.
Tro bay là nguyên liệu chính sản xuất vật liệu xây dựng không nung. Ảnh: Nguyễn Thành
Tro bay là nguyên liệu chính sản xuất vật liệu xây dựng không nung. Ảnh: Nguyễn Thành

Lợi ích thấy rõ

Sự thân thiện với môi trường trong quá trình sản xuất và sử dụng gạch không nung là điều đã được thừa nhận. Việc sản xuất sản phẩm này không sinh ra chất gây ô nhiễm, không tạo ra chất thải độc hại. Năng lượng tiêu thụ trong quá trình sản xuất gạch không nung chiếm một phần nhỏ so với quá trình sản xuất các vật liệu nung truyền thống khác.

Hơn nữa, nguồn nguyên vật liệu chính để sản xuất gạch không nung là tro, xỉ, thạch cao, đá, chất thải công nghiệp, chất thải xây dựng… hiện nay rất dồi dào, bởi với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ngành công nghiệp Việt Nam đang phát triển mạnh với nhiều nhà máy, xí nghiệp được đầu tư, xây dựng. Trong đó, phụ phẩm trong quá trình sản xuất của các nhà máy này lại là nguồn nguyên vật liệu chính để sản xuất vật liệu không nung.

Theo tính toán thiết kế cơ bản của nhà máy nhiệt điện, để sản xuất ra 1 kw điện, sẽ tiêu tốn khoảng 0,5 kg than cám và thải ra khoảng 0,18 kg tro, xỉ, thạch cao. Trên thực tế, do nguồn than đầu vào, điều kiện vận hành, có thể lượng tro, xỉ thải ra còn lớn hơn.

Hiện nay, trên toàn quốc có 21 nhà máy nhiệt điện đang hoạt động và sử dụng 1 trong 2 loại công nghệ là lò đốt than phun - PC (Pulveresed combustion) và lò hơi tầng sôi tuần hoàn - CFB (Circulating Fluidizing Bed). Trong đó, có 8 nhà máy sử dụng công nghệ CFB và 13 nhà máy dùng công nghệ PC.

Theo tính toán sơ bộ đến cuối năm 2017, lượng tro, xỉ, thạch cao FGD tồn chứa trên cả nước khoảng 40 triệu tấn và hàng năm thải ra khoảng 15 triệu tấn. Dự kiến, nếu các nhà máy nhiệt điện được đầu tư theo quy hoạch (57 nhà máy vào năm 2030) và lượng tro, xỉ than đến năm 2018 là 61 triệu tấn, đến năm 2020 là 109 triệu tấn, năm 2025 là 248 triệu tấn và đến năm 2030 sẽ là 422 triệu tấn.

Lượng tro, xỉ này nếu không có giải pháp sử dụng hợp lý sẽ tạo ra những thách thức không nhỏ. Bởi để xử lý lượng chất thải này, phải sử dụng diện tích đất khổng lồ để làm bãi chứa và nhiều áp lực môi trường khác, nguy cơ các nhà máy phải dừng sản xuất do không có đủ bãi chứa là một thực tế hiện hữu.

Mặt khác, nếu nhìn dưới góc độ lợi ích xã hội, theo ước tính, mỗi năm nước ta tiêu thụ khoảng hơn 20 tỷ viên gạch, gồm gạch vỉa hè, gạch terrazzo, gạch men, gạch granite... Với đà phát triển này, đến năm 2020, lượng gạch cần cho xây dựng là hơn 50 tỷ viên/1 năm. Việc sử dụng gạch đất nung sẽ gây tiêu tốn rất nhiều đất sét, ảnh hưởng lớn tới diện tích đất canh tác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực.

Ngoài ra, với lượng đất sét để sản xuất gạch nung này, chúng ta có thể dùng vào việc sản xuất các sản phẩm cao cấp hơn, thẩm mỹ hơn, mang lại giá trị kinh tế hơn nhiều so với gạch nung phục vụ cho xây dựng thông thường.

Mặt khác, để sản xuất ra những viên gạch nung này, cần phải sử dụng một lượng lớn than hóa thạch, củi đốt, dẫn đến tình trạng phá rừng, mất cân bằng sinh thái và ô nhiễm môi trường sống…

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Viglacera cho biết, việc phát triển vật liệu xây dựng không nung phục vụ cho định hướng phát triển một nền sản xuất ngày càng thân thiện với môi trường.

Ngoài ra, các sản phẩm này khi sử dụng trong xây dựng các công trình xây dựng dân dụng còn tiết kiệm thời gian, nhân công hơn so với sử dụng vật liệu nung truyền thống. Như vậy, việc sử dụng vật liệu không nung có lợi kép, vừa bảo vệ môi trường, vừa tiết kiệm chi phí xây dựng.

Với lợi ích trên, ông Tuấn kiến nghị, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư, sản xuất vật liệu xây dựng mới, vật liệu xanh.

Nhưng khó thực hiện

Lợi ích thấy rõ, nhưng báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng cũng đã nêu ra nhiều khó khăn trong phát triển vật liệu xây dựng không nung.

Cụ thể, công tác thăm dò dự báo tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng còn nhiều hạn chế, công tác quản lý việc cấp phép, khai thác tài nguyên khoáng sản của các cấp, các ngành, đặc biệt là ở các địa phương còn bất cập dẫn đến khai thác không phép, trái phép còn diễn ra nhiều trong thời gian qua. Ở một số địa phương, việc đầu tư sản xuất sản phẩm vật liệu xây dựng chủ yếu chưa theo quy hoạch chung.

Trước khi cấp phép đầu tư dự án sản xuất vật liệu xây dựng chủ yếu không lấy ý kiến tham vấn của Bộ Xây dựng theo quy định, dẫn đến cung vượt quá cầu, gây lãng phí đầu tư, chưa quản lý chặt chẽ về môi trường trong sản xuất dẫn đến ô nhiễm môi trường.

Thời gian đầu khi nghiên cứu phát triển sản phẩm, các nhà máy nhiệt điện không thu phí nguồn tro, xỉ. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp sản xuất vật liệu không nung đưa vào sản xuất đại trà, thì các nhà máy này lại thu phí với mức phí tịnh tiến dần lên.

Bên cạnh đó, một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung, chưa có giải pháp cụ thể, khả thi nhằm tăng cường sử dụng vật liệu xây dựng không nung, hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung. Đồng thời, nhận thức của một số nhà đầu tư, tư vấn thiết kế, nhà thầu, người tiêu dùng về vật liệu xây dựng không nung còn chưa đầy đủ, chưa nghiên cứu, cập nhật các quy định của Nhà nước về việc sử dụng vật liệu xây dựng không nung trong công trình xây dựng…

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Kiều Văn Mát, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sông Đà Cao Cường cho biết, Quyết định 567 về phát triển vật liệu xây dựng không nung của Chính phủ có từ năm 2010, nhưng sau 7 năm, việc triển khai tại các địa phương vẫn chưa đồng bộ, chưa quyết liệt. Năm 2016, cả nước sản xuất 23 tỷ viên gạch, nhưng vật liệu xây dựng nung chiếm tới 18 tỷ viên. Như vậy, vật liệu xây dựng không nung mới chỉ có 5 tỷ viên sau 7 năm từ khi có chính sách phát triển loại sản phẩm này là quá chậm. 

Bên cạnh đó, hiện chưa có chính sách hỗ trợ như ưu đãi lãi vay hoặc quyền được ưu tiên tiếp cận các nguồn tro, xỉ không mất tiền theo Quyết định số 1656 của Thủ tướng Chính phủ chưa được thực hiện nghiêm túc.

Ông Mát cho biết, từ thực tế hoạt động của Công ty Sông Đà Cao Cường cho thấy, thời gian đầu khi nghiên cứu phát triển sản phẩm, các nhà máy nhiệt điện không thu phí nguồn tro, xỉ. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp sản xuất vật liệu không nung đưa vào sản xuất đại trà, thì các nhà máy này lại thu phí với mức phí tịnh tiến dần lên.

“Chúng tôi phải trả gần 100.000 đồng/1 tấn tro, xỉ tại Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, trong khi phụ phẩm này theo Quyết định 1656 của Thủ tướng không mất tiền. Chính vì vậy, không nhiều người muốn đầu tư và cũng ít có nhà khoa học nào muốn nghiên cứu phát triển vật liệu xây dựng không nung”, ông Mát nói và cho biết thêm, các cơ quan quản lý, địa phương chưa thực quyết liệt trong triển khai chế tài hạn chế vật liệu nung.

Chẳng hạn, quy định cần phải dần xóa bỏ lò gạch thủ công, chuyển đổi thành vật liệu không nung, nhưng lại chuyển thành lò tuynel hiện đại hơn nhưng vẫn cho ra sản phẩm tương ứng. Đương nhiên, khi gạch nung còn thì vật liệu xây dựng không nung không thể cạnh tranh được do thất thế về giá cả và nguồn nguyên liệu.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản