Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Bầu cử tổng thống Mỹ: Ông Trump chiến thắng “long trời lở đất” hoặc rời Nhà Trắng
Quang Đăng - 04/11/2020 17:14
 
Vẫn có khả năng ông Trump thắng ở phiếu đại cử tri như đã xảy ra năm 2016 và tái đắc cử tổng thống nhiệm kỳ tới, chỉ có điều chiến thắng đó sẽ “long trời lở đất”.
PGS. TS Cù Chí Lợi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Mỹ cho rằng, Hiếm có cuộc bầu cử tổng thống Mỹ nào khiến thế giới chăm chú theo dõi như vậy. Ảnh: Quang Đăng
PGS. TS Cù Chí Lợi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Mỹ cho rằng, hiếm có cuộc bầu cử tổng thống Mỹ nào khiến thế giới chăm chú theo dõi như vậy. Ảnh: Quang Đăng

Kịch bản này vẫn có thể xảy ra với một cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vô cùng đặc biệt như năm 2020. Đây là điều PGS. TS Cù Chí Lợi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Mỹ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online trưa nay 4/11 - thời điểm kết quả bầu cử nóng lên từng phút khi ứng viên tranh cử tổng thống có màn rượt đuổi sít sao ở các bang chiến địa.

Quan sát chính trường Mỹ lâu năm, theo ông điều gì khiến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 trở nên đặc biệt?

 Phải nhấn mạnh rằng tính đặc biệt của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 là nó thu hút sự quan tâm chặt chẽ của thế giới. Hiếm có cuộc bầu cử tổng thống Mỹ nào khiến thế giới chăm chú theo dõi như vậy, từ quá trình chuẩn bị, quá trình và nội dung tranh luận, thời khắc người Mỹ đi bỏ phiếu trực tiếp, đến kết quả bầu cử, bởi lẽ kết quả bầu cử tổng thống năm 2020 sẽ ảnh hướng rất nhiều đến chính sách của Mỹ sau này.

Thứ khác biệt nữa là do Covid-19. Chính dịch Covid-19 tạo ra tình thế mới cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020. Nếu bình thường, người ta có thể nhìn vào thành quả 4 năm làm tổng thống của ông Trump để đánh giá (mức độ ủng hộ - PV), nhưng với sự “chen chân” của Covid-19 thì tất cả các lăng kính đánh giá lâu nay về bầu cử Mỹ đều bị thay đổi.

Thông thường nếu kinh tế Mỹ bị suy thoái nghiêm trọng như hiện nay thì tổng thống đương nhiệm rất khó có cơ hội ngồi lại Nhà Trắng thêm một nhiệm kỳ, nhưng kinh tế Mỹ suy thoái vì Covid-19 thì lại là chuyện khác. Cho nên, tính kịch tính của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 mạnh hơn hẳn so với các cuộc bầu cử trước đây.

Theo PGS. TS Cù Chí Lợi, những bang chiến địa - nơi được xem là “cửa tử” mà ông Trump phải xuyên thủng nếu muốn ngồi lại Nhà Trắng thêm một nhiệm kỳ. Ảnh: Quang Đăng
Theo PGS. TS Cù Chí Lợi, những bang chiến địa - nơi được xem là “cửa tử” sẽ là nơi mà ông Trump phải xuyên thủng nếu muốn ngồi lại Nhà Trắng thêm một nhiệm kỳ. Ảnh: Quang Đăng

Joe Biden dẫn trước Donald Trump với chênh lệch khá lớn theo kết quả thăm dò dư luận toàn quốc. Điều này khiến nhiều ý kiến cho rằng ông Trump cần có chiến thắng “long trời đất lở” trước Joe Biden nếu muốn ở lại Nhà Trắng thêm nhiệm kỳ nữa. Ông nghĩ sao về điều đó?

Còn tương đối sớm để nói về kết quả cuối cùng. Cho đến thời điểm này, những gì đang diễn ra so với kết quả thăm dò trước đó là đối lập (contrast) rất nhiều.

Kết quả thăm dò có giá trị riêng của nó, nhưng với bầu cử Mỹ, lăng kính quan trọng nhất vẫn là phiếu đại cử tri, trong khi thăm dò dư luận phản ánh nhiều về phiếu phổ thông, còn việc đánh quá phiếu đại cử tri qua thăm dò dư luận thì chưa hẳn đã chính xác.

Ông Trump có thể vẫn có cơ hội ngồi lại Nhà Trắng ở nhiệm kỳ thứ 2, bởi Tổng thống Mỹ đương nhiệm hội tụ những phẩm chất mà người Mỹ trông đợi, đặc biệt là các cử tri trẻ; nhất là một người cá tính, quyết liệt và có trách nhiệm nói là làm như ông Trump, hơn là người hứa hay và làm có chừng mực. Những bang chiến địa - nơi được xem là “cửa tử” mà ông Trump phải xuyên thủng nếu muốn ngồi lại Nhà Trắng thêm một nhiệm kỳ. Chúng ta biết rằng những bang chiến địa là những bang có tính chất quyết định đến kết quả bầu cử tổng thống Mỹ. Đây vốn là địa bàn chiến thắng của Trump trong mùa bầu cử năm 2016.

Với tình hình hiện nay, có thể vẫn xảy ra kịch bản tương tự năm 2016. Những gì đang diễn ra trong cuộc bầu cử Mỹ là dấu hiệu “long trời lở đất” so với kết quả thăm dò trước đó. Nếu kết quả bầu cử ở các bang chiến địa thuận lợi cho ông Trump, thì so với kết quả thăm dò trước đó, quả là thành tích “long trời lở đất”.

Tôi tin rằng, ông Trump vẫn có thể dành được sự ủng hộ lớn ở các bang chiến địa bởi chính sách thương mại của ông Trump trong thời gian vừa qua thuận lợi cho nhiều bang chiến địa có nền nông nghiệp phát triển. Hơn nữa, cử tri ở những bang dao động (swing states) tìm kiếm một mẫu hình lãnh đạo nước Mỹ như Trump hơn là Biden. Dù Biden có những phẩm chất rất tốt, là chính trị gia lão luyện, nhưng để giúp nước Mỹ vượt lên trong bối cảnh hiện nay thì cần đến nhà lãnh đạo có phẩm chất mạnh mẽ đặc biệt. Và ông Trump có những phẩm chất đặc biệt để thuyết phục cử tri Mỹ.

Giữa lúc Covid-19 lan rộng khắp nước Mỹ, ông Trump với chiến dịch tranh cử nhắm vào kinh tế, liệu có thuyết phục được đông đảo cử tri Mỹ không, theo ông?

Chính sách tranh cử của ông Trump luôn hướng về kinh tế. So với năm 2016, ông Trump vẫn đang quyết liệt đi tìm đường đi mới thúc đẩy kinh tế Mỹ phát triển. Dù có người không hoàn toàn đồng ý với chính sách phát triển của ông Trump, nhưng phải khẳng định việc ông Trump đi tìm con đường mới để phát triển kinh tế Mỹ, nhất là qua chính sách thương mại và chính sách thuế… đã tạo động lực, luồng sinh khí cho kinh tế Mỹ.

Bởi lẽ, ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ năm 2016 trong bối cảnh kinh tế Mỹ có bước phục hồi sau khủng hoảng, nhưng sự phục hồi còn chậm. Nhìn trên bình diện quốc tế, đặc biệt so với tốc độ phát triển nhanh chóng của Trung Quốc, khoảng cách giữa Mỹ và Trung Quốc đã bị thu hẹp lại, cho nên Tổng thống Trump đã tìm cách đưa kinh tế Mỹ đi lên bằng những chính sách hiệu quả. Trước hết, tăng trưởng GDP của Mỹ đạt tới 2-3% là tỷ lệ tăng trưởng rất cao của một nền kinh tế phát triển và không có một nền kinh tế phát triển hiện đại nào trên thế giới đạt mức tăng trưởng cao đến vậy.

Kết quả đó là từ những chính sách kích thích mạnh tay của Trump. Đầu tiên phải kể đến là chính sách giảm thuế cho các nhà sản xuất, sau đó là chính sách phát triển ngành năng lượng dù vướng phải tranh cãi về vấn đề môi trường khi chính quyền Trump tuyên bố rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, cho khai thác dầu ở Texas và vịnh Mexico, cùng với chính sách khuyến khích phát triển ngành chế tạo… mang lại khối lượng lớn việc làm cho người Mỹ.

Không may cho ông Trump là “đòn trời giáng” Covid-19 khiến nền kinh tế Mỹ suy thoái nặng nề trong thời gian qua. Còn nếu không có sự xuất hiện của Covid-19, có lẽ kinh tế Mỹ sẽ duy trì đà phát triển mạnh mẽ như thời gian qua, một tốc độ mà khó có nền kinh tế phát triển nào khác đạt được.

Bầu cử Mỹ: Biden đang áp đảo phiếu đại cử tri, Trump bám đuổi sít sao
Theo cập nhật của New York Times lúc 12:48 giờ Miền Đông Bắc Mỹ (ET), Joe Biden đang dẫn Donald Trump với khoảng cách khá xa về phiếu đại cử tri với...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư